CẢM NHẬN:
Những gì dễ đến thì dễ đi, và những gì đã “ở lại” thì ở sâu mãi trong tâm trí!
Khi mình viết những dòng trên, là lúc mình đang nói với cô đồng nghiệp về bài hát “ Forgotten Time”, một bài hát day dứt, ám ảnh của Vô Gian Đạo. Cô ấy nghe nhạc trẻ, và cũng nhanh chóng “đổi bài” qua “nhiều mùa chuyển nhượng cầu thủ”. Còn mình thì nhớ mãi về Vô Gian Đạo nên nói cho cô ấy về câu chuyện phim, bài hát. Nhưng cũng không đặng đừng được, mà viết ra đây, về những gì yêu thích, day dứt của mình về bộ phim này.
Vô Gian Đạo, thì chữ “Gián” theo mình mới là đúng với những gì trong nội dung, tư tưởng phim. Và đặc biệt là đã được nêu ra ở đầu phim, kinh Niết Bàn, chương 19: “Kinh khủng hơn là chín tầng địa ngục vô biên, liên tục, là đau khổ kéo dài bất tận…” Hay đoạn cuối phim, Phật Tổ nói: “Kẻ đã xuống địa ngục không bao giờ chết, sự trường thọ cũng là một nỗi đau khổ trong cõi A Tỳ”. A Tỳ địa ngục cũng chính là Vô Gián địa ngục, nên tên là “Vô Gián” thì chính xác hơn là “Vô Gian”, dù “Gian” hay “Gián” đọc phiên âm ra thì giống nhau, (nhưng từ đây trở đi mình sẽ gọi tên phim là Vô Gián Đạo).
Cách dẫn ở khởi đầu phim và kết thúc phim là nói về đau khổ trong địa ngục, trường thọ cũng là một đau khổ, chịu khổ mãi mà không thoát ra được, có giống như nhân vật ở lại nhưng bị day dứt và ám ảnh mãi không thôi.
Tôi sẽ tiếp tục sống vì tôi
Và cũng để sống thay phần đời của anh
Dù phải chống chọi với bao cực khổ cũng ko hề mệt.
Quên đi anh có mê muội hay không?
Nếu tương lai vẫn cứ tiếp tục theo đuổi
Cuộc đời quá ngắn nhưng ngày mai thì vô tận.
Làm sao có thể so sánh được với sự vĩnh viễn
Không thể nào biết được trên đường đời có bao điểm kết thúc.
Ngựa gỗ vấn tiếp tục quay trong vòng tròn
Rõ ràng đêm hôm qua chính tôi đã bước tới nơi tận cùng của con đường ở phía trước mặt.
Cảnh giới lý tưởng trong giấc mơ hà cớ chi vẫn chưa đạt được?
Rõ ràng tôi đã cố hết sức trên con đường mịt mù hàng ngày
Tôi không chết cũng vì muốn được sống tốt hơn.
Ai có thể cho biết có hay không điểm kết thúc
Trên con đường mịt mù của trần thế.
Tới gần điểm tận cùng mới có thể biết rằng
Lại quay trở lại nơi bắt đầu một con đường.
làm thế nào để chúng ta có thề rời xa thiên đường?
Có thể chìm đắm trong lưu luyến cũng tình nguyện.
Muốn đi đến miền cực lạc xa xôi
Dù nếm trải bao cay đắng vẫn ko màng đến.
Trên đây không phải là lời của bài “Forgotten Time”, mà “nó” ở đây:
Ai đó đang gõ cửa sổ của tôi
Ai đó đang chơi đàn Ghi-ta
Thời gian bị quên lãng đó
Đang dần trở lại tâm trí tôi

Ai đó đang gõ cửa sổ của tôi
Ai đó đang chơi đàn Ghi-ta
Kỷ niệm vui trong ký ức
Đang dần hiện lại trong tâm trí tôi

Những hạt mưa cứ rơi từ từ
Đập không ngừng vào cửa sổ của tôi
Không ai khác ngoài mình tôi im lặng
Ai đang sống trong ký ức

Ai đó đang gõ cửa sổ của tôi
Ai đó đang chơi đàn Ghi-ta
Kỷ niệm hạnh phúc trong ký ức
Đang dần hiện lại trong tâm trí tôi.
Lời bài hát trên, thích hợp với ý nghĩa của “Vô Gián Đạo”.
Lời bài hát dưới, của Forgotten Time (lặp đi lặp lại) là nỗi day dứt của Lưu Kiến Minh (Lưu Đức Hòa đóng), vì thế anh này thường nghe bài hát này, và trong đoạn thử loa kinh điển, anh cũng Trần Vĩnh Nhân (Lương Triều Vỹ đóng) đã cùng nghe bài này. Cảnh này, hai người yêu nhạc cùng thưởng thức một bài hát, nhưng khi kịch tính đến, trong đoạn kết cay nghiệt, thì một người chĩa súng vào đầu người còn lại trong ánh sáng mặt trời, nhưng bóng tối và đau khổ thì vẫn đến…
Những giọt mưa cứ đập ngoài cửa sổ,… ai đang sống trong ký ức của tôi,… kỷ niệm hạnh phúc đang về…Lưu Kiến Minh cứ day dứt hoài về “kỷ niệm quá khứ” của một tên tội phạm, đến bây giờ hắn vẫn là một tên gián điệp của tổ chức trùm tội phạm Hàn Sâm (Tăng Chí Vỹ), và tuy mong muốn gột rửa quá khứ, thay đổi cuộc đời để “những ký ức hạnh phúc về với tôi”, thì bài hát, hay cuộc đời của hắn cứ buồn, tù túng, ám ảnh, khiến chỉ mãi mình hắn im lặng!
Hắn đã bắn bỏ ông trùm Hàn Sâm, để chấm dứt sự ràng buộc, sau đó đã bắn luôn một gián điệp khác – là “cảnh sát” Đại B (Lâm Gia Đống), cũng được Hàn  Sâm cài vào, để xóa dấu vết. Để dàn dựng nên một hiện trường “đẹp” cho hắn. Những chứng cứ, vết bẩn đã được hắn (và Đại B, đồng bọn của hắn) dần xóa bỏ. Nhưng những gì trong lòng thì không xóa bỏ được. Hắn là người tốt, hay xấu? Có 28 nhân cách như nhân vật mà vợ sắp cưới của hắn sáng tạo? Hắn phải sống với nhân cách nào đây?
Và chính cô vợ sắp cưới của hắn cũng không khẳng định được. Hay cô cũng không trả lời được khi phát hiện người yêu, chồng sắp cưới của mình là một tên tội phạm, một gián điệp, một “con chuột” nằm vùng, phá hoại luật pháp, hỗ trợ xã hội đen giết cảnh sát, buôn ma túy, chà đạp xã hội…Nhưng vẫn là người cùng xây dựng ngôi nhà, cùng đùa giỡn hạnh phúc, thậm chí góp ý kiến cho câu chuyện cô sáng tác.
Hắn có rũ bỏ được quá khứ không (vì không chỉ có hắn, và Đại B, mà còn nhiều gián điệp khác, “sẽ thành công trong ngành cảnh sát” như Hàn Sâm chúc mừng trong đầu phim), những gián điệp đó sẽ phát hiện ra hắn? Cùng phối hợp chơi trò “cảnh sát tốt-cảnh sát xấu”? Hay sẽ đẩy cuộc đời hắn vào những ngả rẽ khác?
Hắn sẽ phải ở A Tỳ địa ngục này mãi…
Còn Trần Vĩnh Nhân, anh có thoát được nỗi đau trong “Vô Gián địa ngục” (Chữ Gián ở đây dùng với ý nghĩa là gián điệp – Không phải Vô Gián – A Tỳ địa ngục)? Nỗi đau của anh là muốn làm một cảnh sát, lấy lại danh phận để đứng dưới ánh sáng. Nhưng 3 năm, 3 năm, lại 3 năm nữa, bây giờ anh phải làm “kiếp côn đồ” gần 10 năm rồi. Anh vẫn phải đánh nhau, chửi thề, căng thẳng tâm lý vì phải sống 2 mặt, đối phó với sự lật lọng, phản gián, với hiểm nguy sinh tử nếu bị phát hiện. Nơi anh có thể ngủ ngon chỉ là chiếc giường điều trị của bác sỹ tâm lý xinh đẹp Lý Tâm Nhi (Trần Tuệ Lâm), đoạn này hoàn toàn nghiêm túc nhé, không có “nghĩa bóng” trong phim đâu, nơi anh phát sinh tình cảm với cô, và cũng xứng đáng cho anh, khi cô cũng đáp lại  tình cảm của anh. Lý Tâm Nhi vẫn thấy vẻ đẹp bên trong anh, dù anh ngày càng nóng nảy, đập phá, đánh lộn, vì những chuyển biến tâm lý, từ cảnh sát thành côn đồ như anh, thì anh vẫn là một cảnh sát đang làm nhiệm vụ, phải hy sinh, đánh đổi cho nhiệm vụ.
Rồi khi sống chung với giang hồ khác, ngày càng ngày anh lại thấy được tình anh em huynh đệ trong đó (đoạn anh chàng ngờ nghệch Soạn Cường đã bảo vệ anh, nói đỡ giùm anh, “cô gái hôm nay mat xa cho anh đừng xấu nhé, nếu không thì chết uổng lắm”). Anh phải dứt ra, hay từ từ trở thành một phần như thế. Anh còn phải chịu nỗi đau khi người đồng nghiệp thân nhất, biết thân phận phản gián của anh, phải chết trước mặt anh. Nỗi đau không nói nên lời (mà chỉ được diễn qua anh mắt thất thần, bất lực, vô vọng - qua  diễn xuất tuyệt vời của Lương Triều Vỹ), khi nhìn Hồng Chí Thành (Huỳnh Thu Sinh) người đồng đội thân thiết, đã tặng anh chiếc đồng hồ làm quà sinh nhật, người sếp hiểu rõ anh, khuyên anh đi điều trị tâm lý, người bảo vệ che chở anh, đánh đổi bằng cả tính mạng, chết tức tưởi ngay trước mắt. Bí mật của anh, thân phận của anh, nỗi đau của anh, anh không khóc nên lời, mà thậm chí là không thể, không được khóc…
Rồi anh phải chết tức tưởi khi tất cả giấc mơ của anh chỉ còn cách mấy bước chân. Dưới  ban ngày, dưới ánh sáng soi rõ sự thật, nhưng tội phạm vẫn đường hoàng như một cảnh sát chân chính, còn cảnh sát ngầm thì như một tên côn đồ đầu tóc rũ rượi, anh đã khống chế kẻ thù, nhưng thất bại và chết tức tưởi dưới viên đạn của một tên phản gián khác. Anh đã không thực hiện được giấc mơ thân phận, dù mất mười năm “biến chất”, đã trở nên nghi ngờ thân phận côn đồ - cảnh sát của chính bản thân, đã đánh đổi, trả giá bằng sinh mạng đồng đội thân cận nhất, dù chỉ cách ngưỡng cửa sự thật vài bước.
Thân phận cảnh sát của anh được lấy lại cũng chỉ do bác sỹ Lý Tâm Nhi, người yêu anh chuộc lại cho. Nhưng ánh mắt tức tưởi, thất thần của anh thì không khép lại được.
KẾT:
Vô Gián Đạo kết thúc như thế, khi “người tốt” Lưu Kiến Minh vẫn được thăng tiến, anh ta còn rõ ràng đứng mặc niệm đối thủ nguy hiểm suýt lật mặt mình, hiên ngang, rực rỡ như một cảnh sát xuất sắc. Người được trông đợi một kết cục có hậu, Trần Vĩnh Nhân thì nằm tức tưởi dưới mồ.
Chỉ còn nỗi đau day dứt của người ở lại trong cõi A Tỳ, về thân phận mình là ai, đi về đâu, của người ở lại…
Vô Gián Đạo khi kết thúc vậy, hình như là cố ý của các nhà làm phim, để tiếp tục khai thác nhiều hướng mở khác. Và rõ ràng phần 2 (tiền truyện) và phần 3 (hậu truyện) đã được sản xuất để trả lời, làm rõ, giải đáp các “ức chế”, cái kết cục nhất định cho “cảnh sát tốt” Lưu Kiến Minh. Nhưng bản thân mình không xem các phần này, vì mình đoán thế nào nó cũng phải có, và sẽ đi theo hướng nào, tức là đã biết “nó thế nào rồi”.
Hơn nữa, mình đã xem “The Departed” (Điệp vụ Boston) bản remake của Vô Gián Đạo, còn trước khi xem chính bản gốc. Nên cái kết cục của bản làm lại, nó đã giải đáp cho kết thúc của Vô Gián Đạo 3, chỉ là theo phong cách “rất Mỹ”.
Vì là phong cách Mỹ, nên đương nhiên là họ không để day dứt, ám ảnh, sám hối, ăn năn theo A Tỳ địa ngục, như phương Đông mình rồi. Đó là 2 góc nhìn khác nhau, của 2 hệ tư tưởng Đông –Tây, nên những mâu thuẫn, cách giải quyết, tư tưởng đương nhiên khác nhau, và hay dở, thích hay không thích là tùy từng người đánh giá thôi.
Cá nhân yêu thích cả 2 bộ phim, vì cách giải quyết gãy gọn của bậc thầy phim hình sự, đạo diễn gạo cội Martin Scorsese, cách nay cũng rất hợp lý. Nhưng những day dứt, ám ảnh (đặc biệt là những ánh mắt xuất thần của Lương Triều Vỹ, mình là man thẳng nhé), tiếc nuối,  triết lý Đạo Phật của Vô Gián Đạo, thì mình cũng không bao giờ hối hận khi nhớ và viết về nó.