KHI NÀO THÌ NÊN KẾT HÔN?
Có người kết hôn khi bị gia đình giục, hay chịu áp lực xã hội – có người không chịu kết hôn để thể hiện bản thân không phải đang nghe theo lời gia đình, hay vì xã hội. Kỳ thực, cả 2 bản chất đều là chịu áp lực từ bên ngoài. 
Câu trả lời của mình thì sao? Mình không có câu trả lời cho tất cả, mình chỉ có gợi ý về 3 khía cạnh mỗi cô gái có thể xem xét khi đứng trước quyết định, liệu có nên kết hôn chưa?
1, Bản thân:
Có một sự thật phũ phàng, mình muốn chúng ta đối mặt ngay từ đầu, đó là: chúng ta vốn sinh ra một mình – chết đi cũng một mình. Hành trình trên cuộc đời này của chúng ta, vốn dĩ là đơn độc.
Vì vậy, đừng kết hôn chỉ để tâm hồn bớt cô đơn, hay để trao gửi gánh nặng cuộc đời ta cho người khác đỡ. 
Hãy kết hôn khi bản thân tự vẫn chịu được sự cô đơn, bản thân đã tự chịu trách nhiệm được với chính mình. 
Có vậy chúng ta mới thực sự cảm nhận và trân trọng được vẻ đẹp của hôn nhân, khi có thêm một người đồng hành bên cạnh. Có như vậy ta mới biến hôn nhân thành nấm mồ của tình yêu khi bao kỳ vọng tan vỡ, chỉ vì ngay từ đầu, ta đã xác định sai người có trách nhiệm với sinh mệnh và cuộc đời ta.
Hãy xem xét đến kết hôn khi bản thân ta tự chủ được về: 
1.1, Về Tài chính – vật chất: ta không cần phải thật giàu có, dư dả mới kết hôn, nhưng cần có đủ bản lĩnh kỹ năng tạo ra thu nhập, không phải dựa dẫm, phụ thuộc. 
Bởi lẽ bản chất sự phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài để có thể tồn tại, sẽ dẫn tới sự bất an, sợ hãi, không thể tự tin. Nếu cuộc sống đang lúc nào cũng phải lựa theo sắc mặt người khác, lòng chứa đầy sự chênh vênh sợ hãi như đang ngồi trên một chiếc bập bênh lệch đầu, liệu ai còn có thể nhìn thấy những nét đẹp xung quanh? 
Thêm nữa, cuộc sống vốn đều có thể xảy ra rất nhiều điều không thể lường trước, ví như một ngày nào đó chỗ dựa của ta đột nhiên có thể muốn trở thành chỗ dựa của người khác. Nếu ta không sẵn sàng bản lĩnh, làm sao có thể không ngã?
Nói vậy, song mình cũng không ủng hộ quan điểm rạch ròi ăn thua 50-50, mỗi người 50% của mọi thứ. 
Bởi vì bản chất con số 50-50 nghe thì có vẻ công bằng, nhưng khi kết hôn, sinh con, phụ nữ phải nghỉ ít nhất 6-9 tháng sinh con, chăm con & sau đó dành thời gian chăm sóc con. 6-9 tháng trong giai đoạn tuổi trẻ vốn dĩ có thể làm ra được nhiều thứ & thăng tiến thêm 1 bậc trong công việc. Nếu sinh liền 2-3 đứa con, thời gian nhân lên và sự thụt lùi so với sự nghiệp người đàn ông là điều có thể thấy rõ. Vậy 50-50 có phải là công bằng?
Có một câu nói rằng, nếu một người đàn ông mà để cho người phụ nữ của mình phải quá  mình mạnh mẽ, thì đó cũng có thể coi là một người đàn ông thất bại, về khía cạnh gia đình. Nếu tự thân người phụ nữ có thể lo hết 50% của mình, ngay cả trong những lúc yếu đuối nhất, vậy thì cô ấy còn cần kết hôn để làm gì? 
1.2, Về Kiến thức – Tinh thần:
Các bộ phim về tình cảm hay quay lúc người ta yêu nhau, trải qua khó khăn tới bên nhau, tới lúc kết hôn đã được coi là happy ending. 
Nhưng thực ra, thời gian yêu nhau có dài thì cũng là 2-5-7 năm – làm sao so với 50-70 năm cuộc đời bên nhau? 
Nếu có khó khăn thì vẫn là những khó khăn có thể bước qua dễ dàng thậm chí lựa chọn trốn tránh hoặc bỏ qua lựa chọn hướng đi khác – nhưng kết hôn sẽ kéo theo những ràng buộc không thể rũ bỏ, những đứa trẻ không thể đơn giản nhét vào bụng không sinh ra nữa… Rồi thậm chí khi yêu nhau, gặp nhau là vui, xa nhau là nhớ… nhưng kết hôn là những chuỗi ngày mà đoàn làm phim người ta không làm vì.. nó quá đỗi bình thường, lặng yên. Thậm chí mệt mỏi.
Đứng trước hôn nhân, nó đương nhiên, vẫn có thể là những ước mơ đẹp về “ngôi nhà và những đứa trẻ” – nhưng gần sát hơn, nên là những câu hỏi cần đối diện: chúng ta nên làm gì khi cãi nhau? chúng ta sẽ làm gì khi có mâu thuẫn với gia đình 2 bên? Chúng ta sẽ nuôi dạy con thế nào? Sẽ làm gì khi thấy cảm nắng một ai đó khác? Sẽ phải làm sao để giữ lửa hôn nhân khi thấy đối phương không còn hấp dẫn… 
Những lúc cãi vã, không như ý, không hiểu nhau, tăng xông.. chắc chắn sẽ có. Ta có đủ kiến thức và sự thấu hiểu chính bản thân mình để đối diện & xử lý? 
Có lúc cãi nhau với người yêu, lòng đã buồn không tả nổi, trái tim đã bóp nghẹt không thở nổi. Vậy tới lúc với chồng, với vợ, có những mâu thuẫn & cái tôi tại một thời điểm chưa thể giải quyết được, làm sao để tinh thần vẫn giữ được an nhiên, bình tĩnh? 
Có người từng nói với tôi rằng, chỉ có kiến thức, sự thấu hiểu mới mang về sự an nhiên thực sự. Nếu không có kiến thức mà nói rằng mình không sợ, thì e rằng chỉ là điếc không sợ súng.
Ai nói/ nghĩ rằng, chỉ cần yêu nhau là có thể kết hôn được rồi, thì hẳn đó chính là một tấm chiếu mới (chưa trải sự đời).
2, Đối tượng kết hôn
Người ta hay nói phụ nữ chính là phong thủy trong nhà, nhìn người phụ nữ là biết được 3 đời của một gia đình: bố mẹ có được chăm lo tuổi già không? chồng có được tôn trọng, ủng hộ không? con cái có được nuôi dạy tốt không?
Song đồng thời, ngược lại, bản thân người đàn ông cũng chính là điều hoà nhiệt độ trong nhà. Chính tính cách, cách cư xử, giao tiếp của người đàn ông tạo ra không khí trong nhà. Bởi lẽ, dù sao đi nữa, thứ được coi là phong thuỷ trong nhà kia, vốn là một sinh vật ở lâu bên ai thì dễ sinh nhiều tình cảm, thích được yêu thương chiều chuộng, tâm sinh lý vốn có thể thay đổi vui buồn nhanh chóng. 
Vốn dĩ, từ ban đầu, và luôn cần nhắc nhở rằng, ta không nên & không thể kì vọng hạnh phúc sẽ được đem lại từ một đối tượng bên ngoài ngoài ra. Song đích thực, người ở bên cạnh, môi trường ta chung sống, có thể ảnh hưởng rất nhiều tới ta, những sinh vật đẹp đẽ, nhiều tình cảm, cảm xúc. 
Mỗi người đều khác biệt và đối tượng phù hợp với từng người cũng khác biệt, song ngoài con tim, hãy lắng nghe cả lý trí để thấy:
2.1, Người ấy có thực sự yêu ta không? Câu yêu nói rất dễ nhưng để chứng minh cả đời là không đủ. Đừng chỉ nghe. Hãy nhìn. Hãy cảm nhận. 
Ai đó nói tình yêu không quan trọng trong hôn nhân, tiền hay những tiêu chí khác còn quan trọng hơn? 
Vậy thì hãy hỏi lại, tiền với người đó dễ kiếm hơn hay một người thực sự quan tâm yêu thương dễ kiếm hơn? Rồi sẽ có một ngày, ta sẽ có thể có tất cả những vật chất ta muốn, nhưng khi ta được giới hạn đó, ta vẫn có thể sẽ không cảm thấy thoả mãn: bởi vẫn còn những thứ ta còn thiếu. Đó là tình cảm.
Và, trong hôn nhân, nếu không có tình yêu – sự trân trọng với đối phương, sẽ không thể có được sự quan tâm thật lòng tới cảm xúc buồn vui; sẽ không có thể có sự bao dung cho những câu lỡ lời, cho những thiếu sót; lại càng không thể vượt qua cái tôi rất lớn để mở lòng chia sẻ, để tha thứ, hàn gắn, gắn kết.
Một chức năng quan trọng của hôn nhân, của gia đình, đó là tạo ra tổ ấm, để mỗi người, như con chim sáng bay đi kiếm ăn, tối về có một nơi ấm áp, “hồi sinh” sức lực, & tiếp tục nuôi dưỡng những phẩm chất, ước mơ cao đẹp.
Nếu nhà không thể là tổ ấm, không có tình yêu – thứ hàn gắn chữa lành, vậy thì, ta kết hôn để làm gì?
2.2, Ở bên cạnh người ấy, ta có thể tiếp tục phát triển không?
Có rất nhiều người áp lực chuyện thành đạt sự nghiệp, bản thân trước hôn nhân, vì dường như họ sợ sau hôn nhân họ sẽ rất khó để tiếp tục phát triển?
Không còn gì buồn hơn 1 cuộc sống cứ lặp lại, 1 năm ấy tái diễn 50 lần. Không gì buồn hơn một tâm hồn ngừng tò mò, khao khát học hỏi vươn lên. Không còn gì buồn hơn khi ta ngừng phát triển, ngừng mở rộng hiểu biết. Bản thân sự dừng lại, không phát triển về tư duy, kĩ năng cũng là một nguy hiểm chết người.
Vậy,  hãy tự hỏi, ở bên cạnh anh ấy, ta có được ủng hộ phát triển sự nghiệp của mình không? Có được ủng hộ, kích thích đọc, học, đi.. để biết thêm nhiều thứ mới, trau dồi kiến thức & làm sáng hơn tâm hồn không?
Các phòng tập gym hay có câu rằng: couple workout together, stick together. Nghĩa là những cặp đôi mà tập luyện cùng nhau, sẽ gắn bó ở lại bên nhau.
Mình thì tin rằng, couple grow together, stick together: những cặp đôi đồng hành, ủng hộ nhau học hỏi, phát triển sự nghiệp & những hiểu biết về cuộc sống ngoài công việc, sẽ gắn bó, ở lại bên nhau.
Còn gì gắn kết hơn, mỗi buổi tối vợ chồng chia sẻ với nhau về công việc, về khó khăn, về kế hoạch cho tương lai? Ai cũng có nhu cầu chia sẻ, thể hiện. Và chỉ có những người có thể lắng nghe, có thể hiểu, có thể chia sẻ, mới có thể trở thành tri kỉ của nhau. 
2.3 Kinh tế:
Again, một lần nữa vấn đề kinh tế được quay trở lại. Vì sao đi nữa, nói thế nào đi nữa, người ấy vẫn cần có khả năng lo được cho bản thân người đó, và cùng ta lo cho con cái, gia đình – thậm chí gánh đỡ một phần khi ta ở trong hoàn cảnh không thể lo cho bản thân. 
Thêm nữa, cái đẹp nhất của một người đàn ông hay phụ nữ kiếm ra tiền một cách giỏi giang, chân chính – chính là ý chí, kiến thức, kĩ năng, bản lĩnh họ có để kiếm ra số tiền ấy. 
Bản thân mình, vốn dĩ là một đứa trước giờ cũng rất mơ mộng. Mình vẫn luôn muốn có thể yêu người đàn ông của mình tới già. Và với cá nhân mình, để mình làm được điều ấy, một cách mê đắm, điều mình cần đầu tiên là cảm thấy tôn trọng & ngưỡng mộ người ấy. 
Nếu một người đàn ông ỷ lại, không thấu được nét đẹp của lao động, không có cái khí khái của một người đàn ông hướng tới lý tưởng nào đó, hay ít nhất là hướng tới sự ấm no cho gia đình, thường sẽ làm nhạt dần đi sự tôn trọng của người phụ nữ, tình yêu cũng vì đó mà nhạt dần theo. Và đó thường cũng khó có thể là một người chồng, người cha tốt. 
3, Trách nhiệm duy trì nòi giống
Có thể bạn sẽ cười, có thể không chấp thuận ý tưởng này. Không sao cả. Song với mình, đây cũng là một khía cạnh cần xem xét khi kết hôn.
Duy trì giống nòi, xét trên góc độ với loài người thì quá xa, với gia đình thì quá gần, dễ rơi vào quan điểm con trai – con gái cổ hủ. Mình xin chọn góc nhìn ở giữa đó là duy trì nòi giống cho đất nước.
Bản thân mỗi cá nhân, gia đình là một tế bào của xã hội & không cơ thể nào có thể sống mãi nếu không có những tế bào mới được sinh ra. Thực ra, một trong những chức năng của gia đình, ngoài là tổ ấm, ngoài là nơi xây dựng kinh tế, còn là nơi tiếp tục tạo ra những thế hệ tương lai.
Vậy điều gì cần suy xét nếu ta muốn thực hiện trách nhiệm này với đất nước?
3.1 Đất nước cần những mầm non khoẻ mạnh: Độ tuổi, theo sinh học, tốt nhất để kết hôn sinh con là khung 26-30, sau đó là 30-35, thứ chót mới là 20-25. Khi sinh con quá sớm trước, đó bản thân thể chất người mẹ chưa đủ hoàn thiện để cho ra đời những đứa trẻ ở thể trạng tốt nhất. 
Bên cạnh đó, trước khi sinh con, người mẹ cũng cần xem xét đã tiêm vacxin đầy đủ chưa? đã bổ sung dinh dưỡng, trước – trong (& sau) mang thai đầy đủ chưa? Người bố đã cai rượu bia thuốc lá được ít nhất 3-6 tháng chưa?… 
Một câu hỏi nữa cần đặt ra là: nếu những lứa tuổi trên là những lứa tuổi đẹp, vậy có phải cứ nên tới tuổi đó là kết hôn và cho rằng đó là yêu nước? Không hề! Vì hơn cả một mầm non khoẻ mạnh, đất nước cần đó là một công dân tốt trong tương lai.
3.2 Đất nước cần những công dân tốt: để có được điều này, cần lắm kiến thức & sự hiểu biết của những người làm cha, làm mẹ.
Đẻ con là bản năng, nhưng nuôi dạy con thì rất khó. Đặc biệt trong thời đại ngày nay.
Bởi trong thời đại có quá nhiều thứ để chơi, vậy làm sao để yêu việc học? khi có quá nhiều thứ đều “mì ăn liền” sẵn ngay trước mắt, làm sao để biết kiên trì & hiểu được cái gì cũng cần quá trình? khi mọi người đều lao vào thành tích kết quả thì làm sao để luôn biết thứ gì mới thực sự là điều quan trọng trong cuộc sống? khi mọi người đều nói về cá nhân thì làm sao để hiểu đạo hiếu & biết quan tâm mọi người?… & khi có quá nhiều thông tin thì đâu là thứ nên được gợi mở để học & khám phá?
Thực ra, vốn dĩ, không ai có thể biết hết, và khi mới lập gia đình ta có thể chưa hề biết gì. Song điều quan trọng, là ta biết ta có trách nhiệm cho chính bản thân đứa trẻ – cho gia đình ta – và đất nước để nuôi dạy nó nên người. Tình yêu & kiến thức ta dần tìm hiểu sẽ đưa đường dẫn lối cho ta. 
Kết phần này, mình xin chia sẻ câu chuyện chị bạn đã kể với mình rằng, chị ấy nói với mẹ chị: “con đâu bắt mẹ sinh ra con đâu, nên mẹ không có quyền bắt con sống theo ý của mẹ”. 
Một lập luận rất mạnh. Con cái chúng ta không bắt chúng ta sinh ra chúng, là chúng ta lựa chọn sinh ra chúng. Vậy đừng kì vọng chúng sẽ phải sống theo ý ta, nhưng hãy đảm bảo rằng, khi chúng ta đời, ta có đủ khả năng để cho chúng những nền tảng ban đầu để sống tốt cuộc sống của chúng. Đừng để ai trong 2 bên: hoặc chúng ta hoặc chúng phải hối hận, trách móc. Cũng đừng để mặc trời sinh voi trời sinh cỏ, để lại gánh nặng thay vì một công dân tốt cho đất nước.
Gói gọn lại, cô gái - chàng trai à, dù rằng ai nói gì, chỉ dẫn gì, mọi thứ chỉ là tham khảo. 
Chỉ chính ta mới biết khi nào ta sẵn sàng, khi nào trái tim ta an yên đưa ra quyết định. Khi trái tim hãy còn lo lắng, hãy chậm lại, hãy lắng nghe chính mình vì biết đâu đó chính là sự mách bảo, có gì đó ta hãy còn cần xem xét lại?
Tâm Tâm,
Sài Gòn 8/3/2021
08/03/2021/579 Lượt Xem