Đây là chia sẻ của một sinh viên đã từng học lại Triết I tận 2 lần. Bạn đọc cân nhắc trước khi xem tiếp.
1. Tại sao mình trượt Triết?
Có 3 lý do chính nên mình sẽ làm một cái biểu đồ luôn:
Chung quy lại thì do lười học nên mới trượt môn. Nhưng vấn đề ở chỗ, mình cũng giống rất nhiều bạn cùng trường, đều không hiểu được mục đích của việc học triết. Chuyên ngành của mình là Ngôn ngữ Nhật, vậy thì tại sao lại phải biết con gà có trước hay quả trứng có trước?
Đó là những suy nghĩ của mình trong lần đầu tiên tiếp xúc với quyển giáo trình Mác I. Mãi cho đến sau này mình mới nhận ra rằng: Bản thân chăm học Tiếng Nhật là vì biết nó sẽ giúp mình có công ăn việc làm ổn định, giải quyết được vấn đề tiền bạc. Còn về Triết I? Mình đã hoàn toàn không thấy được cách môn học này sẽ giúp mình giải quyết bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống đầy bộn bề. Hậu quả là mình phải học lại. Đây quả là một bài học đáng giá, vì nó trị giá 2 củ.
2. Hai chữ “Triết học” liệu có đang quá xa lạ?
Về bản chất, nhiệm vụ của triết học là giúp con người hiểu rõ về thế giới xung quanh. Khi chúng ta biết được cách thế giới này vận hành, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nói cách khác, triết học là một công cụ giúp cuộc đời chúng ta “dễ thở”. Lẽ ra mình nên biết điều này từ trước.
Tuy nhiên, liệu có nhiều người thấy được tác dụng này của triết học? Hay họ dành hàng giờ vật lộn với cuốn giáo trình chỉ là để qua môn?
Mình đang nói về Triết học Mác Lê-nin đang được giảng dạy tại hầu hết các trường đại học ở Việt Nam. Cá nhân mình thấy đây là một bộ môn rất hay (nếu bạn không trượt). Tất cả những nguyên lý, các cặp phạm trù xuất hiện trong cuốn giáo trình đều được đúc kết từ thực tế và đã được áp dụng trở lại. Vấn đề là khi những lý thuyết đó được đưa vào trong sách, chúng lại khá là trừu tượng và khó hiểu. Kiến thức bổ ích thì rất nhiều, nhưng về CÁCH để một người sinh viên có thể áp dụng những kiến thức đó vào cuộc sống thường nhật thì ít được đề cập đến.
Việc truyền tải kiến thức của Triết học Mác là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục. Tuy nhiên, cần có những ví dụ cụ thể về cách thực hành chúng để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Điều này sẽ cho người học có một lý do mạnh mẽ để tìm hiểu và nghiên cứu triết học một cách nghiêm túc. Bằng không, sẽ có không ít người trẻ vô tình cho rằng triết học (nói chung) là một thứ gì đó rất lớn lao, vĩ mô và trừu tượng.
3. Tính áp dụng của Chủ nghĩa Khắc kỷ
Như đã nói ở trên, triết học là công cụ giúp cuộc sống chúng ta “dễ thở” hơn. Vậy nên mình đã tìm đến Chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) - một trường phái triết học cực kỳ thực tế và có thể áp dụng vào cuộc sống thường nhật.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ được sáng lập bởi Zeno xứ Citium vào khoảng năm 301 trước Công nguyên. Ban đầu, những người theo ông có được gọi là các Zenonian. Về sau thì đổi tên thành Stoic (Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ) vì Zeno đã giảng bài ở Stoa Poikilê - một cổng vòm nổi tiếng nằm ở trung tâm thành phố Athen.
Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ tìm cách trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để sống một cuộc sống tốt đẹp?” . Thay vì chỉ ngồi suy ngẫm những triết lý sâu xa, họ luôn tập trung vào việc áp dụng chúng vào đời sống thường nhật. Như cách để vượt qua những nỗi đau và thất bại, làm sao để giữ cho mình sự bình tĩnh trước những sóng gió, hay tìm cách để trở thành một con người hoàn thiện hơn, v.v…
Một trong những phương pháp khắc kỷ mà mình muốn giới thiệu trong bài viết này chính là Tam phân quyền kiểm soát (Trichotomy of Control). Đây là phiên bản được bổ sung cho khái niệm Lưỡng phân quyền kiểm soát (Dichotomy of Control) của nhà khắc kỷ lỗi lạc Epictetus. Ông là một trong 4 người đã đặt nền móng cho Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Lưỡng phân quyền kiểm soát của Epictetus chia toàn bộ sự vật trên thế giới này vào 2 danh mục: Những thứ ta hoàn toàn kiểm soát (Ví dụ như niềm tin, quan điểm, hành động,..) và những thứ ta không thể kiểm soát được (Harry Kane có về Man City không?, drama showbiz,..). Nhờ vào việc phân chia sự vật như vậy, ta có thể biết được mình đang làm chủ điều gì. Từ đó đầu tư thời gian, công sức vào chúng để có được kết quả tốt nhất. Đồng thời cố gắng không dành sức để thay đổi những thứ chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoài chính chúng ta ra.
Make the best use of what is in your power, and take the rest as it happens. -Epictetus-
Khái niệm Tam phân quyền kiểm soát được giáo sư William B. Irvine đưa vào trong cuốn sách “A Guide to the Good Life”. Theo ông, để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, khái niệm của Epictetus cần có thêm một danh mục nữa dành cho Những thứ ta chỉ kiếm soát được một phần. Ví dụ như kết quả của một bài thi chẳng hạn. Bạn có thể học ngày học đêm, nhưng không thể đảm bảo 100% rằng mình sẽ đỗ.
William chỉ ra rằng, bằng việc nội tại hóa những mục tiêu, chúng ta vẫn sẽ luôn giữ được sự bình thản trong tâm trí (tranquility), bất chấp kết quả của chúng như thế nào. Quay trở lại ví dụ ở trên. Một người học sinh, thay vì đặt mục tiêu là “Phải đỗ” (điều mà cậu ta không thể kiểm soát hoàn toàn), có thể đổi mục tiêu thành “Học thuộc tất cả những gì có trong đề cương” (một hành động cậu hoàn toàn kiểm soát được). Như vậy, cho dù kết quả có không được như ý muốn, người học sinh vẫn có thể tự hào vì bản thân đã làm hết sức mình.
Ngoài phân quyền kiểm soát ra, Chủ nghĩa Khắc kỷ còn có rất nhiều phương pháp hữu hiệu khác cho cuộc sống này như Tưởng tượng tiêu cực (Negative visualization). Ngay lúc này, hãy thử nghĩ đến viễn cảnh rằng một ngày nào đó, bạn sẽ mất đi tất cả những gì mình đang có, kể cả người thân và bạn bè, hay thậm chí là cuộc sống của bạn. Bạn cảm thấy thế nào? Rất tệ phải không? Mục đích của việc này là để bạn hiểu rằng mọi thứ sinh ra và mất đi. Không có gì là mãi mãi. Việc tốt nhất mà bạn có thể làm là trân trọng hơn tất cả những gì mình đang có. Điều này sẽ giúp bạn có những hành động ý nghĩa hơn và giảm thiểu được đau buồn khi một điều gì đó rời xa bạn.
Fortune can swoop in at any time and take back what is hers.
Học luôn đi đôi với hành. Đọc và nghiên cứu triết học nói chung luôn cần phải kèm theo việc áp dụng vào đời sống. Hãy coi triết học như là một trợ thủ tinh thần trong cuộc sống của bạn. Bản thân triết học thực hành không thể trả hộ bạn một khoản nợ khổng lồ, không cho bạn một cơ thể 6 múi với cơ bắp cuồn cuộn hay một công việc mơ ước. Thay vào đó, việc thực hành triết chỉ là điểm tựa khi bạn gặp phải khó khăn, động cơ giúp bạn đi đến mục tiêu của cuộc đời và tấm khiên giúp bạn tránh mắc phải sai lầm.
Triết học là một bức tranh muôn màu muôn vẻ. Triết lý sẽ không chỉ là những lý thuyết khô khan một khi bạn có thể áp dụng chúng vào cuộc sống. Hãy thử tìm tòi, nghiên cứu và lựa chọn cho mình một trường phái mà bạn cho là thú vị và phù hợp với nhu cầu của bản thân. Biết đâu bạn sẽ bị triết học mê hoặc đấy.
Mình hy vọng rằng bài viết của mình sẽ đem lại cho bạn một góc nhìn tươi mới hơn về triết học nói chung, cũng như là về việc thực hành triết học trong cuộc sống. Hoặc ít nhất, không mất tiền học lại như mình.
Tham khảo:
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất