KAPPA - Nguồn gốc và DƯA CHUỘT? | SAMURICE
Kappa là gì? Thủy quái hay thủy thần? Sau đây sẽ là câu chuyện về nguồn gốc Kappa và những bằng chứng cho thấy rằng Kappa là có thật.
Tại Nhật Bản, khi thấy những thi thể trôi sông cứ dạt qua mỗi ngày, người dân ở đây bắt đầu truyền tai nhau về một quái vật vùng sông nước, kẻ sẽ bắt cóc trẻ con và người lớn để làm thịt. Họ sợ những nơi nước đục, họ sợ những nơi heo hút quanh sông, hồ, vì họ biết rằng ở đó có một kẻ đang theo dõi họ, kẻ chực chờ để họ sảy chân và sau đó biến họ thành những mảnh trôi sông.
Lưu ý
Như bao truyện thần thoại khác, câu chuyện về thủy quái Kappa cũng có nhiều phiên bản và được kể lại ở nhiều dạng khác nhau. Câu truyện hôm nay được trích dẫn từ cuốn sách “Sinh vật thần thoại khắp thế gian” do nhà xuất bản Kim Đồng tổng hợp và phát hành.
Vậy nên nếu phiên bản này có khác so với những gì các bạn biết trước đây thì đó cũng là chuyện dễ hiểu. Còn bây giờ, hãy cùng vào nội dung chính nhé.
Hình tượng của Kappa
Kappa hay trong Hán Việt gọi là Hà Đồng, thường được coi là là một sinh vật đáng sợ trong thần thoại và cả những câu truyện trong dân gian Nhật Bản, chúng là thủy quái sống được cả ở trên cạn lẫn dưới nước, đặc biệt ưa thích cuộc sống ẩm ướt ở sông, hồ, ao, kênh đào, bơi cực giỏi, lặn rất sâu.
Trong tiếng Nhật, tên gọi Kappa xuất phát từ Kawa wappa, có nghĩa là thủy quái. Ngoài ra chúng còn có hơn 8 tên khác ở các vùng khác nhau của Nhật Bản như kawappa, kawako, kawatarō, gawappa, kōgo, suitengu.
Theo truyền thuyết dân gian Nhật Bản, Kappa là loài tiểu yêu, có kích cỡ bằng đứa trẻ lên 6, nặng tầm 20kg, chỉ cao tầm 1m, da có vảy khác màu từ ánh đỏ tươi chuyển sang xanh lá đậm hay đôi khi là xanh biển. Chúng có màng ở các chi, có mỏ và mai rùa và có mùi đặc trưng là mùi tanh như cá.
Tuy nhiên, đặc điểm dễ nhận dạng nhất của Kappa lại là một cái đĩa hình bầu dục để đựng nước nằm trên đầu. Tương truyền rằng khi cái đĩa còn nước là loài Kappa vẫn còn sở hữu sức mạnh ghê gớm. Bên cạnh đó, nó cũng cần có nước trong đĩa để có thể lên cạn được.
Ngoài ra, chúng còn được biết như những yokai xấu xa chuyên hãm hiếp phụ nữ khi họ tắm sông hay nuốt chửng người còn sống. Những Kappa này thậm chí còn chờ con người đi đại tiện hay tiểu tiện gần sông hồ và móc ruột họ từ hậu môn. Theo nhiều truyền thuyết, Kappa có sở thích ăn ruột người từ hậu môn vì mục đích của Kappa là chiếm được Shirikodama, đó là một quả bóng ma thuật mà người Nhật cổ đại tin rằng nó nằm ở hậu môn con người.
Nhưng “Núi cao thì sẽ có núi cao hơn”, con người không vì vậy mà để chúng lộng hành ức hiếp hay quấy phá mình. Sau nhiều năm nghiên cứu, quan sát và theo dõi, người Nhật đã tìm ra điểm yếu chí mạng của loài sinh vật này.
Truyền thuyết Thủy Quái
Kể rằng, ở một ngôi làng nọ thuộc tỉnh Hida của nước Nhật xưa, có một con Kappa. Nó có vóc dáng chỉ như một đứa trẻ mười tuổi với nước da xanh tái, nhớp nháp. Cái mỏ của nó rất nhọn và rất hỗn. Nó có tóc như con người nhưng riêng phần đỉnh đầu thì trọc lốc và lõm vào như một cái bát, bên trong chứa đầy nước. Con Kappa luôn cố gắng giữ cho nước trên đỉnh đầu không bị chảy ra ngoài.
Kappa có bản tính tinh nghịch nên luôn bày trò chọc phá dân làng. Nó trêu mọi người nhiều đến nỗi mọi người phát bực và tìm mọi cách đánh đuổi nó. Nhưng đó lại chính là điều mà Kappa thích nhất. Tuy nhiên, tức nước thì vỡ bờ. Sau nhiều lần bị trêu chọc, dân làng đã nhiều lần tụ họp lại để tìm cách đuổi con Kappa đi.
Đầu tiên, một nhóm thanh niên to khỏe và bơi giỏi tập hợp lại. Họ sẽ cùng nhau bơi ra sông, đến nơi ở của con Kappa để tìm bắt nó, mang theo đủ loại lưới đánh cá và dây thừng.
Nghe có tiếng động lạ từ phía xa, con Kappa tò mò ngước nhìn thì thấy dân làng đang tiến gần đến nó. Nhưng số đông cũng không khiến nó hoảng sợ, ngược lại, nó thấy đó là điều khá hài hước. Bởi vì dòng sông này chính là thiên đường của Kappa.
Ở dưới nước, nó là một tay bơi xuất sắc, chẳng ai có thể bắt được nó cả. Nó lặn bên dưới kéo chân người này, rồi trồi lên cào vào mặt người kia, nó dễ dàng cắn đứt các tấm lưới, thậm chí nó còn bơi qua bơi lại chế giễu họ. Nói ngắn gọn, kế hoạch thất bại hoàn toàn.
Từ đó, dân làng nhận ra là mình thật ngốc khi xuống nước để bắt thủy quái. Đó là môi trường thuận lợi ưa thích của nó. Muốn bắt nó, họ phải bắt khi nó ở trên bờ. Thế là tất cả nhất trí chờ một cơ hội khác để bắt con thủy quái chết tiệt này. Và cơ hội đó là lúc nó vào làng quấy phá.
Quả nhiên, theo thói cũ, con Kappa lại mò đến ăn trộm dưa chuột. Mọi người đổ ra vây bắt con yêu quái. Nhưng không như dân làng nghĩ, ngay cả khi ở trên cạn thì việc bắt Kappa cũng chẳng dễ dàng gì. Tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng Kappa lại rất khỏe. Một mình nó có thể hất văn cả đám thanh niên. Nhìn thấy đám người dúi dụi, Kappa khoái trí ôm bụng cười. Nhưng nó không để ý, gập bụng cười nhiều quá và làm đổ hết nước trong cái hõm trên đỉnh đầu. Vậy là nó không còn cười được nữa, thay vào đó là cơ thể đang cạn dần sức lực và sự nhanh nhẹn.
Tranh thủ lúc Kappa không còn sức, dân làng nhảy vào trói nó lại và mang nó về nhà của trưởng làng. Đến nước này thì con Kappa thật sự sợ hãi, nó khóc lóc và luôn miệng van nài dân làng hãy tha mạng.
“Tôi sai rồi. Xin mọi người hãy tha cho tôi lần này!”
Không quan tâm, dân làng trói nó lại và mặc kệ nó, mở tiệc ăn mừng đến tận đêm. Sau đó, vì trời đã muộn, họ quyết định ai về nhà nấy và sẽ bàn cách trị tội Kappa vào sáng hôm sau.
Vẫn còn bị trói trong nhà trưởng làng, Kappa rầu rĩ nghĩ đến những viễn cảnh ngày mai mà mình phải chịu. Bất chợt, nó thấy con gái trưởng làng đi ngang qua. Nó kêu khóc, van nài xin cô tha cho nó về. Tiểu thư không tin lời hối hận từ con Kappa, cô còn nhớ lại chuyện nàng từng bị 1 con Kappa trêu ghẹo khi ra sông giặt quần áo. Bộ áo mới của nàng bị nó lén bôi đầy bùn đất. Nghĩ lại chuyện đó, nàng càng tức giận hơn rồi tiện trên tay cầm cái gáo múc nước, nàng gõ vào đầu con Kappa một cái cho bõ tức. Nhưng không may, một giọt nước còn sót lại trong gáo rơi vào đỉnh đầu của Kappa, chỉ cần có vậy là đủ để nó hồi phục sức mạnh. Kappa ngay lập tức gồng đứt dây trói, thế là nó thoát ra được.
Con thủy quái nhảy phắt ra ngoài cửa sổ và chạy một mạch ra sông. Có lẽ vì bị một phen suýt chết nên Kappa hú vía vì từ đó không còn ai bắt gặp nó nữa. Chẳng còn bất cứ trò nghịch phá, trêu ghẹo nào, dân làng được sống những ngày yên bình, dù thi thoảng người ta vẫn thấy mất vài quả dưa chuột.
Đến đây dân gian đã biết làm sao để xua đuổi Kappa. Tuy nhiên, đôi khi nó vẫn tấn công con người và làm thịt họ. Vậy để triệt để tình trạng này thì người dân phải làm gì?
Điểm yếu của Kappa
Đầu tiên, Kappa rất sợ lửa và tiếng ồn lớn. Do đó, rất nhiều ngôi làng hàng năm sẽ tổ chức lễ hội pháo hoa, thắp sáng đèn khắp nơi để xua đuổi không cho chúng trêu trọc, phá hoại cuộc sống của người dân.
Thêm vào đó, Kappa luôn đội một chiếc đĩa nước trên đầu, chỉ cần nó trút nước ra khỏi đĩa là nó sẽ yếu đi. Vậy nên, nếu có gặp phải Kappa trên đường, ta chỉ cần lừa cho nó cúi đầu xuống là sẽ thắng.
Tuy nhiên, với người không có lửa, không có dũng khí để đấu với Kappa thì có cách khác. Trẻ em thường được cha mẹ bảo vệ bằng cách khắc tên con vào quả dưa chuột, ném xuống sông cho Kappa thấy và bỏ qua đứa trẻ nhà mình.
Không hoàn toàn xấu
Dù mang tiếng là kẻ hay đi hại người, Kappa vẫn được tôn thờ trong thần đạo Shinto như một thần nước. Nông dân thường hay để dưa chuột ở bờ sông, mong rằng Kappa sẽ giúp họ có mưa, tạo ra mùa bội thu.
Bên cạnh đó, dù nghịch ngợm nhưng Kappa lại là những sinh vật rất kiêu hãnh, trọng chữ tín và rất trung thành.
Ngoài ra, Kappa cũng là một trong số ít loài yêu quái có trí thông minh và có thể nói được tiếng người. Chúng cũng rất am hiểu về y thuật và thuật nối xương. Người ta nói khi bị đánh bại, những con Kappa sẽ thề trung thành và phục vụ người đánh bại nó cho đến hết cuộc đời.
Những tưởng Kappa chỉ là truyền thuyết, nhưng thực tế thì người ta đã tìm thấy một vài bộ phận, thậm chí là toàn vẹn thi thể từ loài vật này.
Kappa có thật?
Đến nay, người ta đã tìm thấy khá nhiều xương được cho là của thủy quái Kappa nhưng các nhà khoa học không xác nhận sự tồn tại của sinh vật này. Đặc biệt một xác ướp với bàn tay có màng đã được trưng bày lần đầu tiên tại dinh thự Miyakonojo Shimazu ở quận Miyazaki trên đảo Kyuushuu. Xác ướp này đã được trao cho dòng họ Miyakonojo Shimazu sau khi một Kappa bị bắn chết trên một bờ sông vào năm 1818. Bàn chân của sinh vật này dài 8cm và cánh tay dài 15cm tuy nhiên không có chuyên gia nào xác nhận sinh vật là thật.
Xác ướp một Kappa khác được trưng bày tại nhà máy bia Matsuura thuộc thị trấn Imari. Quản lý nhà máy cho biết xác ướp này được phát hiện trong một hộp gỗ vào lần sửa chữa nhà máy cách đây 50 năm. Hiện xác ướp được trưng bày tại một am thờ nhỏ trong khuôn viên nhà máy.
Theo các chuyên gia, hầu hết các xác ướp này được chế tác bởi các nghệ nhân thời Edo (1603-1867) bằng cách sử dụng các bộ phận của động vật bao gồm khỉ, cú thậm chí cá đuối gai độc và các bộ phận khác nhau của nhiều loài vật khác.
Tuy nhiên, cho dù có đáng tin hay không, câu chuyện về Kappa cũng là một giai thoại, dân gian kể lại để răn dạy con cháu về rừng thiêng nước độc.
Ngoài ra, còn có câu chuyện cho rằng vào thời cổ đại, những gia đình nghèo khó không đủ khả năng nuôi con cái buộc lòng phải vứt con mình xuống sông. Những người lớn khi ấy thường kể cho những đứa trẻ để cảnh báo chúng không nên chơi đùa đi lại quanh bờ sông, để rồi vô tình thấy những thi hài sơ sinh.
Tổng kết
Và chúng ta vừa được biết thêm những thông tin thú vị cũng như câu truyện về Kappa, một hình tượng loài thủy quái nổi tiếng trong dân gian Nhật Bản và cũng là nhân vật xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm phim ảnh như Fantastic Beasts, anime và manga như Pokemon.
Nếu các bạn thích biết thêm vài thứ vui vui mỗi tuần thì hãy subscribe cho kênh này nhé, tôi là Samurice và hẹn gặp lại các bạn trong lần tới. Peace!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất