Triết học là lịch sử của tâm trí nhân loại. Nó ghi dấu những suy cảm sâu sắc nhất của những bộ óc và trái tim vĩ đại nhất. 
Triết học tự nó là một tinh cầu riêng biệt trong vũ trụ suy tưởng, sẵn sàng tái thiết những thành trì quan niệm đã gầy dựng suốt hàng ngàn năm. Bằng chứng là triết học về con người từ chỗ được Socrates đặt vào trung tâm của bàn xoay luân lí đến chỗ bị đuổi cùng giết tận, đẩy con người vào chốn “Chỉ là một ảo tưởng, một quan niệm rỗng” trong cái nhìn đầy bi quan của Michel Foucault. 
Một trong những điều khó khăn đối với tôi và cũng như, tôi đồ rằng, của rất nhiều người khi nghiên cứu các môn khoa học xã hội (mà triết học là một, hoặc chí ít có liên quan) là sự không rõ ràng của nó. Mọi mệnh đề đều đẩy đến những ngã rẽ mà ngã rẽ nào cũng phức tạp. Triết học là một địa hạt đặc biệt, nơi người ta không cày xới để tìm câu trả lời cuối cùng, trái lại, gieo vào đó những câu hỏi mới từ những câu hỏi hầu như chẳng ai bận tìm lời giải. 
Trong địa hạt mù tịt ấy, nổi bật lên nhà hiền triết mà tôi nghĩ những ý tưởng của ông, dù rối rắm khó hiểu nhưng kì lạ thay lại có tính thực hành rất cao - Immanuel Kant.
Những tư tưởng của Kant, sau hai thế kỉ được biết đến vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến nền triết học hiện tại, vẫn là ngọn hải đăng luân lí soi sáng nhân loại. Bất cứ khi nào triết học rơi vào ngõ cụt, ánh sáng từ luân lý Kant lại tiếp tục soi đường, dẫn lối đến một hành trình triết học mới.
Đúng, phải là Kant mà không phải ai khác, vì pháo đài triết học Kant được đặt trên nền móng của những băn khoăn sơ khởi nhất về đạo đức con người: Nguyên tắc tối thượng của đạo đức là gì?, và Làm sao để có được tự do?
Đạo đức học của Kant xoay quanh yếu tố Động cơ (Motive) của hành động. Theo Kant, động cơ là thứ quan trọng nhất khi ta xét đến tính đạo đức của hành động. Quan điểm này khác xa quan điểm về nguyên nhân - kết quả của triết gia vị lợi lỗi lạc Jeremy Bentham và những học trò của mình.
Kant nhắc đến ý thiện như một món trang sức lấp lánh giá trị: “Một ý thiện không tốt vì những gì nó có thể tác động hay gặt hái, nó tốt vì bản thân nó tốt. Ngay cả khi dốc hết lòng, ý thiện chẳng đạt được gì, nó vẫn tỏa sáng như một món trang sức vẹn nguyên giá trị”
Quan điểm ấy, suy cho cùng, chính là: Làm việc đúng vì lý do đúng đắn.
Việc đúng ấy xuất phát từ những gì bản nguyên nhất, chân thật nhất, hoàn toàn thoát li khỏi vị lợi, không nhắm đến những mục đích vị kỉ.
Tôi đã áp dụng ý tưởng này hầu hết quãng đời học sinh, sinh viên của mình. Tôi biết đến Kant và tư tưởng của ông từ khi học lớp 8, tức khoảng 14 tuổi. Trước đó tôi đã từng coi cóp bài, đã từng trót lọt, đạt điểm cao cũng như từng bị phát hiện và bị kỉ luật. Tôi vẫn nhớ cảm giác sợ hãi khi lật giở những trang sách dưới ngăn bàn trong khi canh chừng thầy cô giám thị. Đó thật sự không phải là khoảng thời gian dễ chịu nhất đối với tinh thần và đạo đức của tôi.
Tôi đã ngừng coi cóp bài vì đó là không phải việc đúng. Tôi đã làm được “một nửa ý của Kant” (Làm đúng). Tôi dừng coi cóp, vì tôi sợ bị trừng phạt bởi thầy cô, tôi sợ nếu cứ tiếp diễn, tôi sẽ không thể nào đỗ vào trường tôi mơ ước, vì việc coi bài dễ khiến tôi lười học hơn và những kì thi thì không phải bao giờ cũng dễ dàng gian lận.
“Một nửa ý còn lại của Kant” (vì lí do đúng đắn) được tôi thực hiện tiếp suốt ba năm phổ thông và cả thời đại học. Tôi đã có cơ hội gian lận mà không bị bắt gặp, hoặc giả có bị bắt gặp thì cũng không bị xử lý nghiêm khắc như trước. Thế nhưng tôi đã từ bỏ hẳn việc gian lận trong kì thi, ngay cả điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ khó khăn hơn trong việc có được điểm cao. Việc này có đôi chút sợ sệt, tựa như lần đầu tiên tập xe đạp vậy. Đổi lại, tôi không còn cảm giác sợ hãi khi đến mỗi kì thi, hay cảnh giác vì sợ bị phát hiện gian lận nữa. Ngay cả khi những "điều kiện" để gian lận trở nên rất thuận lợi, tôi cũng không muốn và không thể coi cóp nữa. 
Kant có một quan điểm khác biệt về tự do: Tự do là hành động theo quy luật mà "tôi" đặt ra cho chính mình. Kant cho rằng, một quả cầu khi rơi tự do không phải là tự do thực sự, vì khi đó nó đã chịu lực tác động của lực hấp dẫn! Tự do, chỉ có thể có được ở những thực thể có lí trí (rational beings), tức con người! 
Có thể nhiều người cho rằng, quan điểm này rất khắt khe, khắt khe đến không tưởng. Vì làm gì có ai sống trên đời mà không chịu tác động của lực hấp dẫn, của những định luật vật lí? Chẳng nhẽ con người sinh ra đã không có tự do? Tự do khó khăn đến thế sao? Còn quan điểm về tự do thông thường “là làm điều mình muốn mà không bị ngăn cản” thì phải nhìn nhận như thế nào? 
Kant đã nghĩ rất lung, và nếu xét cho kĩ, quan điểm này khá thuyết phục. Ông đặt ra tương quan giữa Nghĩa vụ và Ý thích (Duty vs. Inclination). Khi chúng ta hành động theo ý thích, ham muốn (khi đói, khát, ham muốn tình dục, ham muốn sở hữu,...), thực chất, ta trở thành nô lệ của những ham muốn, ý thích ấy, tức là ta đang ở phía đối lập của tự do. Vì chính chúng ta không đặt ra những quy luật đó, mà chúng ta đang chạy theo tiếng gọi của quy luật tự nhiên, của bản năng loài vật. Trạng thái ấy gọi là "Dị trị" (Heteronomy). Tự do, vì thế, chỉ có được khi ta hành động theo những quy tắc ta đặt ra cho chính mình. Khi đó, ta đạt trạng thái mà Kant gọi là "Tự trị" (Autonomy). 
Một vấn đề rất tiêu biểu nhói lên đó là: Làm thế nào để biết chắc được những quy tắc, luật lệ tôi đặt ra cho chính tôi giống với quy tắc, luật lệ mà những người khác đặt ra cho chính họ? Nếu mỗi người đều đặt ra quy tắc cho chính mình thì họ sẽ hành động theo cách riêng của họ (hành động xấu, hoặc tốt, hoặc có ích, hoặc có hại,...). Phải nhìn nhận thế nào với quy tắc của một tên sát nhân và một người lương thiện? Về điều này, Kant nhấn mạnh: Hành động một cách tự do là hành động tự trị, tức là hành động theo quy tắc tôi đặt ra cho chính mình trong quá trình thực hành lý luận nhưng là lý luận mà tất cả chúng ta đều có như những thực thể có lý trí, chứ không phải những lý luận ta có trên cơ sở những ham muốn, ý thích của riêng mình. Tức là những quy tắc tôi đặt ra phải phù hợp với những nguyên tắc đạo đức phổ quát được chấp nhận rộng rãi giữa tất cả mọi người. Đơn cử như khi tôi đặt ra quy tắc cho riêng mình là không được nói dối, thì đó là quy tắc, giá trị tốt đẹp có tính phổ quát, phù hợp với luân lý, đạo đức chung. Khi tôi làm theo quy tắc đó, tôi có được tự do. 
Hóa ra, tự do là việc tuân thủ quy tắc, chứ chẳng phải phá vỡ quy tắc. Hay nói cách khác, để trở thành con người tự do, chúng ta cần phải học cách sống kỷ luật, trách nhiệm. Vậy nên, khi đứng trước những ngã rẽ, tôi luôn tự hỏi, việc mình sắp làm sau đây, có tuân thủ quy tắc mà tôi đặt ra cho chính mình hay không? Cách thực hành này tỏ ra rất hiệu quả trong thời đại mà chúng ta có vô số những sự lựa chọn cho cuộc sống của mình. Những giới hạn của đạo đức nhiều khi bị nhầm tưởng và xem nhẹ khi cọ xát với những tư duy nhầm tưởng về tự do. Tự do yêu đương không thể đồng nghĩa với ái tình bừa bãi. Tự do dinh dưỡng, ăn uống không thể bị nhầm lẫn với thói buông thả, vô độ. Con người có cả bản năng và lí trí, đạo đức. Thứ định hình chúng ta lại là yếu tố đến sau. Con người không có kỉ luật, lí trí thì không có tự do, càng không có nhân cách. 
Thực hành một điều gì đó không phải là dễ, nhất là thực hành từ nền tảng lí thuyết khó hiểu, thâm sâu của các triết gia. Sau tất cả, có thể khẳng định rằng: Triết học là thật, tác động của nó là thật. Những điều tưởng như rất phức tạp nhưng lại có nền móng từ những điều giản đơn. Triết gia không cố làm khó ai cả, họ chỉ đang nhìn vào rất sâu bản chất của vấn đề, vạch ra những điều không phải ai cũng nhìn ra. Immanuel Kant và triết lí của ông còn rất nhiều điều mà tôi cần học hỏi và thực hành. 
Bài viết này, như bất cứ bài viết nào khác về triết học Kant, dù được xây dựng trên tham vọng triết lí lớn đến đâu, cũng không thể bao quát triết thuyết của một trong những triết gia vĩ đại nhất thế giới thời Cận đại (Neuzeit). Những gì tôi viết ra đây, là những kiến thức được tích lũy khi ma sát với thế giới quan và sự thực hành triết học của bản thân. Tôi vẫn đang thực hành những ý tưởng mà tôi nêu trên, nhưng vẫn không ngừng nghi hoặc nó. Có lẽ trạng thái nghi hoặc này sẽ chẳng thể bị phá vỡ cho đến khi một một triết gia khác với triết thuyết khác, thuyết phục hơn, khả dĩ hơn cuốn hút tôi, hay cũng có thể chính tôi sẽ tạo ra triết thuyết cho chính mình?