Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2021
Có một câu trích dẫn được cho là của Steve Jobs mà tôi thích: " You can't connect the dots looking forward, you can only connect them looking backwards", có nghĩa là những việc bạn làm ngày hôm nay có vẻ như không có kết quả trước mắt, nhưng khi nhìn lại bạn sẽ thấy một bức tranh rộng lớn và hoàn chỉnh về con đường mà bạn đã đi qua. Wow, một câu nói mang tính cách mạng trong nhận thức, mà nếu tôi được ai đó nói cho và cắt nghĩa rõ ràng khi tôi bắt đầu bước chân vào cổng trường đại học, có lẽ tôi đã làm được nhiều việc hơn. Có những việc mà bạn chỉ có thể làm khi còn trẻ, qua tuổi đó rồi không có cơ hội làm nữa hoặc cơ hội rất ít, hoặc bạn sẽ cảm thấy rất kỳ cục khi làm nó. Tôi biết cái cảm giác đắn đo khi đứng trước một cơ hội mà không biết có nên nắm bắt hay không, và rồi cuộc sống đẩy đưa bạn vào những thú vui, những công việc khác, và bùm, một thời gian sau bạn nhìn lại thì bạn đã bỏ lỡ công việc đó khá xa rồi. Hồi năm nhất năm hai đại học, tôi nghĩ việc tham gia vào CLB hoặc các hoạt động tình nguyện khá tốn thời gian và không hợp với tính cách của tôi ( dù hồi đó cũng chẳng rõ mình có tính cách gì), nhưng bây giờ nhìn lại, nếu tôi tham gia những hoạt động đó, thì có lẽ kinh nghiệm của tôi đã dày dặn hơn một chút. Hồi đó tôi thiếu gì thời gian cơ chứ ? Kết quả là tôi không bao giờ biết được cảm giác đi làm tình nguyện ở những vùng xa xôi thời sinh viên nữa. Ngay cả bây giờ, khi đứng trước một cơ hội mới, tôi cũng luôn đắn đo về việc mình không có thời gian, về việc người đó hay việc đó sẽ lấy đi thời gian của mình để làm việc khác.
Tôi ngộ ra một điều là những gì mình muốn làm, những gì xuất hiện trong cuộc đời mình đều là đúng lúc, và không có thứ gì gọi là thời gian hoàn hảo để làm việc đó cả. Trừ những việc phạm pháp không nên làm, thì thứ gì cũng có thể thử và trải nghiệm, cũng không cần quá cầu toàn mình sẽ làm tốt mọi thứ. "Mưu sự tại nhân" mà " thành sự tại thiên". Cứ trải nghiệm hết mình với những thứ mà cuộc đời cho phép trải nghiệm, còn thành hay bại là việc của ông trời. Sau này nhìn lại mình đã có một kho kiến thức hoặc trải nghiệm quý giá, có thể dùng được vào việc gì đó, có thể vô ích, nhưng ít ra mình sẽ không phải thắc mắc làm việc đó có cảm giác ra sao nữa. Và cũng phải từ bỏ những suy nghĩ cầu toàn là cần thành công hết tất cả, nếu làm 10 việc mà thành công 2 thì cũng gọi là mỹ mãn rồi. 8 bài học kia có khi còn quý giá hơn 2 lần thành công ấy chứ. Tôi biết hai vợ chồng chị này là người kinh doanh, ông chồng có doanh nghiệp sản xuất thu về cả ngàn tỷ một năm, chị vợ cũng kiếm vài trăm tỷ bằng mua bán BĐS, kinh doanh buôn bán các mặt hàng. Chị bán tất cả những gì có thể nghĩ ra được, cứ thấy cái gì hay hay bên nước ngoài hoặc mặt hàng của VN bán chạy là chị nhập về bán, và các lĩnh vực không bao giờ là giới hạn với chị. Mối quan hệ của chị này rộng cực kỳ, vừa xinh đẹp vừa khéo léo, lại quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Chị quan niệm là cứ làm thôi, làm đến đâu tính đến đó, nên nhiều người làm với chị thấy ơ bà này làm ào ào thế, vô kế hoạch thế mà lắm tiền thế. Nhưng mình biết cái gì cũng có hai mặt của nó. Chị làm nhiều lĩnh vực nên hiểu biết và quan hệ rất rộng, tuy nhiên vì nhiều quá mà lại không có những tính toán dài hạn nên nhiều khi cuống hết lên xử lý công việc, hoặc bị thua lỗ. Nhưng nhìn chung là lãi rất nhiều :)). Đó là một ví dụ để thấy rằng, khi cơ hội đến, thì cứ làm đã, ngồi suy nghĩ có ra được giải pháp đâu, phải bắt đầu làm mới biết có vấn đề gì chứ. Tôi vẫn hay nói đùa với một số người hay do dự là: cuộc sống được mấy mà hững hờ. Tôi cũng cần nhiều người nói với tôi câu đó khi tôi do dự.
Ở trong doanh nghiệp cũng có nhiều thành phần như này: chỉ muốn làm những công việc quan trọng, có thể mang lại thăng tiến nhanh hơn. Tôi biết một anh làm ở một doanh nghiệp nước ngoài nọ. Ảnh kể làm việc cùng ảnh có một anh nữa chạc tuổi tuy rất giỏi nhưng không muốn làm những việc không quan trọng, mà chỉ thích đi với sếp, nói chung theo lời anh kể thì khá thực dụng. Rồi khi công ty điều chuyển nhân sự vào miền Nam ( thường mọi người không muốn di chuyển ) thì anh này bị điều chuyển đi. Rồi anh mình quen mới bảo là trong môi trường tập thể thì không khôn lỏi được đâu. Cái khôn của mình ai cũng nhìn thấy cả, ai cũng muốn làm những công việc quan trọng cả, nhưng phải có người làm những công việc ít quan trọng kia chứ. Mình mới ồ, thì ra việc kén chọn cũng là một dạng khôn lỏi chung, tức là ai cũng muốn làm những thứ đem lại lợi rõ ràng ngay trước mắt, nhưng thật ra người làm nhiều công việc mà không nề hà gì mới được trọng dụng và học hỏi được nhiều hơn. Ai cũng muốn là người quan trọng thì sếp thất nghiệp à ?:)
Điều tôi muốn chia sẻ ở bài viết này là cứ làm nhiều nhất có thể, thành công thì quá tốt, mà không thành công thì cũng có bài học, không còn phải thắc mắc điều này có cảm giác gì, hoặc ít ra cũng có nhiều câu chuyện thú vị để kể chứ. Trước kia ngưỡng mộ người nhiều chữ, giờ vẫn ngưỡng mộ nhưng biết rằng ngoài nhiều chữ ra thì nhiều trải nghiệm cũng đáng ngưỡng mộ lắm, thậm chí còn hơn.