Lưu ý bài viết có Spoil.
Có một quan điểm chung rằng phim remake không bao giờ hay bằng bản gốc.
Ví dụ điển hình là: Ghostbusters (2016), Oldboy (2013), The Lion King (2019), Godzilla (1998).
Thậm chí cả những bộ phim remake được đánh giá cao bởi giới chuyên môn như “The Departed (2006)” khi bị đem ra so sánh với bản gốc là phim “Vô Gian Đạo (2002)” cũng bị nhiều người đánh giá là không hay bằng. Mặc dù bộ phim này đoạt bốn giải Oscars, từ Phim Hay Nhất, Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất, Kịch Bản Chuyển Thể Hay Nhất cho đến Dựng Phim Hay Nhất. Và phim được đạo diễn bởi Martin Scorsese, người thường được đánh giá là đạo diễn tài năng nhất nhì làng điện ảnh.
Lí do cho việc này thường là vì những người làm remake không hiểu rõ bản gốc. Họ không hiểu thông điệp mà bộ phim gốc muốn truyền tải, hay là lý do làm nên cái hay của bản gốc.
Phim remake thường được làm ra để kiếm lời từ sự nổi tiếng của một sản phẩm, hay thương hiệu thành công có sẵn. Vậy nên khi làm phim remake, họ thường không quan tâm đến chất lượng mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận.Hoặc cũng có thể là do mọi người xem bản gốc trước nên ấn tượng với bản gốc hơn.
Vậy là không có phim remake nào hay bằng bản gốc?
Cũng không hẳn, vẫn có những bộ phim remake thành công và được đánh giá cao hơn bản gốc như “The Thing (1982)” hay “Heat (1995)”.
Một ví dụ khác là phim “Insomnia (2002)” do Christopher Nolan đạo diễn. Bộ phim này không được nhiều người biết đến và cũng chỉ có mình đánh giá nó hay như bản gốc là phim “Insomnia (1997)”. Nhưng đây vẫn là một bộ phim hay và là ví dụ cho cách làm một bộ phim remake đúng nghĩa.
Nội dung của hai bộ phim “Insomnia” tạm dịch là “Mất ngủ” đều là về một thám tử đến một vùng quê hẻo lánh để điều tra một vụ án giết người. Nhưng trong lúc truy đuổi hung thủ thì lại vô tình bắn chết đồng nghiệp của mình, sự việc này bị hung thủ nhìn thấy và hắn dùng nó để uy hiếp vị thám tử. Cả phim là cuộc rượt đuổi, mèo vờn chuột giữa nhân vật thám tử và hung thủ giết người.
Do lệch múi giờ, do khác biệt về địa lý và cuối cùng là vì ám ảnh tội lỗi, cảm giác lo sợ khi bị phát hiện khiến cho nhân vật chính bị mất ngủ triền miên. Bộ phim không giống như những phim trinh thám, hình sự khác. Nó không tập trung vào việc khám phá hung thủ là ai mà tập trung vào tâm lý của nhân vật chính, đi sâu vào nội tâm nhân vật và khai thác các chủ đề về đạo đức, quan niệm về đúng sai, phải trái.
Khác biệt giữa hai bộ phim:
Bản Gốc: Trong bản gốc, nguyên nhân chính dẫn đến sự mất ngủ của nhân vật chính không phải là cảm giác tội lỗi mà là việc mất đi niềm tin vào bản thân và cuộc sống.
Nhân vật chính không phải là người tốt nhưng cũng không hẳn là người xấu, ông ta có một niềm tin vững chắc vào năng lực thám tử của bản thân, tin rằng ông ta là người tốt và những việc ông ta làm là đúng đắn, có ý nghĩa to lớn.
Nhưng sau khi vô tình hại chết đồng nghiệp và phải buộc thỏa hiệp với một kẻ giết người, thì niềm tin của ông dần dần tan vỡ và nhận ra rằng ông ta không tài giỏi như mình nghĩ và tất cả những gì ông ta tin tưởng về công lý chỉ là vô nghĩa.
Cuối phim, nhân vật chính không bị truy cứu mặc dù đã làm rất nhiều việc xấu, điều này càng chứng minh rằng khái niệm đạo đức vốn mơ hồ và khái niệm trước đó về công lý của nhân vật chính là vô nghĩa. Việc mất đi niềm tin vào cuộc sống hủy hoại tâm hồn của nhân vật chính.
Thông điệp của phim là cuộc sống vốn vô nghĩa và khó đoán. Niềm tin mà mỗi người chúng ta có chỉ là lời nói dối để cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Bản Remake: Bản remake về cơ bản cũng giống như bản gốc nhưng thay vì nói về sự vô nghĩa đến tàn khốc của cuộc sống thì nó đề cao sự chính trực và hậu quả của hành động của một người.
Trong bản remake, nhân vật chính mất ngủ là do cảm giác tội lỗi và cho dù có thỏa hiệp với cái ác nhưng chưa bao giờ đi quá giới hạn cho phép.
Cuối phim, nhân vật chính hy sinh để tiêu diệt hung thủ và thú nhận tội lỗi của mình và nhắn nhủ người khác không được phạm phải tội lỗi giống mình. Từ đó tìm sự tha thứ và bình an trong tâm hồn.
Nhân vật chính chưa bao giờ mất đi niềm tin của bản thân vào công lý, niềm tin này bị thử thách nhưng không bao giờ mất đi.
Thông điệp của bộ phim là thông qua sự trung thực và dám chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân, chúng ta có thể tìm được sự cứu rỗi và thậm chí là khôi phục lại đạo đức, công lý.
Kết luận:
Nolan có thể copy lại bản gốc nhưng như thế thì bộ phim sẽ trở thành một bản nhái vô hồn. Thay vào đó, Nolan dùng nội dung của bản gốc để tạo nên một câu chuyện mới và có một thông điệp ý nghĩa của riêng mình. Từ đó biến câu chuyện thành của riêng mình.
Sự thay đổi trong bản gốc có thể sẽ không được mọi người đón nhận vì nó làm mất đi cái hay và phức tạp của bộ phim. Còn thông điệp trong bản remake thì có phần quá quen thuộc, rập khuôn và thiếu thực tế.
Nhưng theo mình thì bản remake của Nolan vẫn là một bộ phim có chiều sâu và ý nghĩa. Thông điệp của phim có thể quen thuộc, rập khuôn nhưng nó vẫn là một thông điệp hay đáng để học hỏi.
Bản remake của Nolan là minh chứng cho cách làm một phim remake thành công, khi vẫn giữ được giá trị của nguyên bản nhưng cũng mang đến cái nhìn mới mẻ và có chiều sâu.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất