Mình có một đứa bạn, như nó tự nhận, và cũng như mình tự thấy, là nó có xu hướng tỏa ra năng lượng tiêu cực tới người khác. Nó hay bảo có lẽ vì nó sống ích kỷ. Vô hình chung thì lập luận đó có nghĩa là: “Ích kỷ” sẽ tương đương với “Tiêu cực”, và hàng loạt tính từ xấu xí đồng nghĩa khác.

Sớm đã thấy có gì đó không ổn khi đứa bạn lạm dụng từ “Ích kỷ”, nhưng vì điểm logic học không cao nên mình chỉ im ỉm cho qua mà lòng gợn sóng. Bởi vì, mình biết bản thân là đứa ích kỷ.
Nếu tra theo từ điển Cambridge thì Selfish (Ích kỷ) có nghĩa là Someone who only thinks of their own advantage (người chỉ nghĩ tới lợi ích của bản thân).
 
Trên đời có ai mà là không thế chứ? Mình thuộc trường phái tin hoàn toàn vào lý thuyết trao đổi lợi ích giữa các mối quan hệ (dĩ nhiên là sau một thời gian dài chiêm nghiệm mới thấy nó phản ánh đúng cách xã hội đang và nên vận hành). Mình thấy mọi mối quan hệ, nếu phân tích kỹ thì đều có thể vạch ra lợi ích đôi bên ngầm nhận được. Chỉ là họ có muốn gọi tên nó ra hay không thôi.
Lợi ích ở đây không chỉ dừng lại ở vật chất, nó bao hàm cả lợi ích mặt tinh thần. Không nhất thiết là thu về ngay tức thời, có thể về lâu dài. Như một người nuôi mèo, bản thân họ cũng được cái lợi ích là những thú vui mà sự đáng yêu của con mèo mang lại. Một người đi thiện nguyện, họ được cái lợi ích là cảm giác lương tâm thanh thản, làm giàu đạo đức (kiểu tích đức), chẳng hạn.
 
Ích kỷ phản ánh một người ý thức được những nhu cầu cơ bản, mong muốn, hệ giá trị của mình, v.v... Anh ta hành động để sống cuộc sống anh ta muốn, làm chủ cuộc sống của mình. Nói không ngoa thì một người ích kỷ có xu hướng quan tâm và hiểu bản thân nhất (Selfish ~ Self-aware). Chẳng phải con người tiến hóa hơn động vật vì hệ ý thức phát triển hơn hay sao?
 
Kể cũng lạ, người ta đánh đồng Self-aware là tốt, còn Selfish thì không-tốt-lắm? Chỉ khác là Self-aware dừng ở ý thức, Selfish biết hành động.
---
Vậy, mình nghĩ vấn đề ở đây là: “Làm sao để đồng nhất một công dân ÍCH KỶ với một công dân CÓ ÍCH cho cộng đồng”.
 
Giả sử mình là Chính phủ, mình sẽ chia công dân có 3 loại là có hại, có lợi, chẳng có lợi cũng chẳng có hại.
 
-Có hại thì Ban lãnh đạo nhà nước chắc chắn muốn săn lùng loại bỏ rồi.
-Có lợi thì quá hiển nhiên là cần giữ lại nuôi nấng (vì lợi ích nước nhà và sự thịnh vượng của toàn cầu).
-Loại số 3, nếu so sánh với người lao động thì chính là thành phần dư thừa.
 
Theo ngôn ngữ Tuyển dụng thì Chính phủ cần “convert” những công dân ích kỷ thành công dân toàn cầu. Bằng cách định hướng Lợi ích cá nhân với Lợi ích tập thể, Lợi ích quốc gia. Thế là cá nhân ích kỷ đó làm mọi cách để có cuộc sống anh ta mong muốn, đồng thời phục vụ lợi ích chung.
 
Ví dụ như Ô nhiễm không khí thì sức khỏe toàn dân cũng bị đe dọa, ngoại giao với Nhật Bản tốt thì toàn dân xin visa Nhật thuận lợi hơn, v.v... Cá nhân thấy mối liên hệ như vậy, để bảo vệ lợi ích bản thân, anh ta sẽ ủng hộ/ không xâm phạm lợi ích chung (đốt rừng, bắt nạt khách du lịch Nhật,...)
 
Việc của Nhà nước là hướng một cộng đồng to lớn những người ích kỷ thành công dân có ích cho nước nhà, việc của những tổ chức quốc tế to lớn  (như Liên hợp quốc) là hướng nhiều cộng đồng ích kỷ thành công dân toàn cầu có ích cho cả nhân loại nói chung. Họ làm thế nào, và đã thành công hay chưa, nằm ngoài phạm trù bài viết thấp cổ bé họng này.
 
Có thể kể tên những hoạt động mà Chính phủ thực hiện để hướng công dân thành người có ích: Giáo dục đạo đức từ cấp 1, các chương trình hướng thiện được phát trên truyền hình, các tấm gương người tốt việc tốt được tuyên dương, v.v…
 
Người ích kỷ có thể sống vui vẻ hay khúm núm trong xã hội phụ thuộc vào việc anh ta đặt lợi ích của mình ở đâu với lợi ích số đông khác:
 
_ anh ta sẽ chịu thiệt thòi nếu chọn vào nhóm người có hại mà Chính phủ (đại diện cho cộng đồng nói chung) muốn loại bỏ. Vì anh đặt lợi ích của mình đối kháng với lợi ích phần đông người khác.
 
- anh ta sẽ bị cộng đồng làm ngơ nếu đặt lợi ích của bản thân độc lập với lợi ích của cộng đồng. Kiểu như "nguy hiểm nhưng rất vô hại", "cháy nhà hàng xóm chẳng việc gì đến mình", "thân ai nấy lo".
 
_ anh ta sẽ được ưu ái, tình thương mến thương nếu anh đặt lợi ích của bản thân song hành cùng chiến tuyến với số còn lại. Nơi mà đôi bên cùng có lợi. Và các chuỗi trao đổi lợi ích diễn ra. Ai nấy vui vẻ.
---
 
 Vậy đấy, "ích kỷ", nhìn từ những khía cạnh khác nhau lại mang sắc thái khác nhau. Mình thấy bản thân từ đó chẳng có gì xấu cả để bị mọi người biện minh cho những điều tiêu cực cả.
 
Thế mới nói việc định nghĩa từ ngữ rõ ràng quan trọng ghê gớm, vì những xích mích, bất đồng âu cũng vì hiểu lệch ý nhau mà ra. Có khi chỉ vì một từ.

---
🌿Ghé thăm mình: https://nalinhblog.wordpress.com/
🌿Bài viết tham khảo:
🌿 Ảnh nguồn Pinterest.