Nghĩ về hư vô sẽ thấy trân trọng sự hiện hữu, trân trọng cuộc sống của mình và biết “enjoy” cái hiện thực của mình hơn. Hiểu về giá trị của phân tách (thành hai mặt đối lập) sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc lựa chọn trải nghiệm và xây dựng cuộc sống. Ở mục phân tích Hiện hữu theo quan điểm tôn giáo mọi người sẽ thấy sự tương hợp về kinh điển giữa ba tôn giáo lớn là Ki tô giáo, Phật giáo, Đạo giáo và cơ học lượng tử.
5.1 Hư vô
Hư vô là cảm giác mà bạn không là ai cả, không thấy bản thân có giá trị gì, không có gì để làm, không có gì phải hoàn thành hay đạt được, không có mục đích, không có nguyên nhân, không có ý nghĩa… Mỗi khi chúng ta cảm thấy con người sinh ra không có mục đích và chết đi một cách ngẫu nhiên là lúc đang cảm nhận cảm giác hư vô. Đó là một trạng thái vô định, trống trải mà có thể ai cũng từng rơi vào một lần.
Trật tự ẩn là trạng thái chồng chập giữa các trạng thái riêng giống như trạng thái lượng tử. Hay chúng ta có thể gọi đây là trạng thái hỗn mang, chưa có tồn tại cụ thể. Chúng ta chưa bàn đến việc những đặc điểm của trật tự ẩn mà Bohm đưa ra bên trên là đúng hay không. Nhưng điều chúng ta phải công nhận là chúng ta chưa thể nhận biết được trật tự ẩn này bằng bản năng tư duy nhị nguyên của mình.
Ví dụ khi nhắm mắt lại chỉ thấy một màu đen duy nhất, khi mọi thứ không có sự phân biệt thì nó chỉ có chung một bản chất, có thể là màu đen hay trắng, hoặc là một màu bất kỳ nào đó, và nó có nghĩa là không có gì cả. Trạng thái lượng tử cũng là trạng thái chồng chập giữa các trạng thái riêng, chúng ta có thể gọi tên nó là trạng thái “lưỡng tính”, nhưng lại không thể hình dung thái cơ thể của mình bỗng nhiên lưỡng tính sóng hạt là có “cảm giác” như thế nào. Chúng ta chỉ cảm nhận được khía cạnh hạt cổ điển của cơ thể mình, có hình thù, khối lượng tất định theo kiểu có sự phân biệt, nhị nguyên.
Vậy trạng thái hợp nhất ban đầu là “không gì cả”, hay còn gọi là hư vô, hay vô thức. Càng đi vào vô thức, sự chồng chập càng nhiều, càng có ít sự phân biệt. Tương ứng với những nội dung về tầng hợp nhất ta đã phân tích ở chương trước đó là trạng thái linh hồn, tinh thần, chân ngã. Đây là các nấc của sự hợp nhất.
5.2.1 Hiện hữu nhờ có sự phân biệt
Con người đang hiện hữu và thế giới vật chất đang hiện hữu. Ắt hẳn đã có sự biến đổi để có các mảnh phân biệt, hình thành các vật thể khác nhau và làm nên thế giới hiện hữu. Cái một ban đầu tự nhận thức bằng cách biến chính mình thành điều mình đang tư duy, hoá thân chính mình thành cái mình đang tưởng tượng. Từ đó bắt đầu xuất hiện hình thái hiện hữu như vô tri, sau thời gian tiến hoá thành có tri giác, sau đó là đến động vật, sau đó là đến con người, sau đó là cao hơn nữa…
Sự phân biệt tạo ra không gian
Đối với không gian thì các vật có vị trí riêng biệt và trật tự của các vùng đó làm nên không gian. Nhìn vào ngôi nhà chúng ta có thứ tự từ phòng khách cho đến phòng bếp, phòng ăn, phòng ngủ…
Sự phân biệt tạo ra hình dáng (không gian cấu hình)
Đối với hình dáng thì cần có các bộ phận phân biệt khỏi nhau và tạo ra một trật tự giữa các bộ phận. Các bộ phận trên cơ thể chúng ta có một trật tự nhất định và phân biệt được lẫn nhau như tay trái tay phải, chân trái, chân phải.
Sự phân biệt tạo ra thời gian
Đối với thời gian thì thứ tự sự việc đã làm nên thời gian. Đó là trật tự giữa cái trước và cái sau.Vậy thì các lớp trật tự khác nhau có thể coi là các thế giới khác nhau vì chúng có không gian và thời gian khác nhau.
Sự phân biệt tạo ra ý thức
Sau khi có không gian, thời gian và các vật thể hiện hữu. Chúng ta chỉ có thể nhìn nhận sự việc là đúng hay sai, xấu hay tốt, hài lòng hay không hài lòng, xấu hay tốt khi có tiêu chuẩn để so sánh.
Giả sử ý thức chỉ mới xuất hiện ở mức độ kém phát triển như một con mèo. Nó sẽ tăng trưởng nhận thức, cảm nhận của mình khi nó gặp phải các trải nghiệm mạnh của sự phân biệt.
Khi bị đói lâu ngày và được ăn, đây là một tình huống phân biệt mạnh mẽ giữa cảm giác đói và no. Nếu nó được nuôi nấng và chăm sóc đầy đủ thì nó vẫn có cảm giác đói và no, nhưng sự phân biệt không quá mạnh mẽ. Và khi được cho ăn sau nhiều ngày bị đói, con mèo đó lần đầu tiên, hoặc thứ 2 gì đó, rớt nước mắt. Đó là khi ý thức của nó đang được nâng lên một cấp độ mới sâu sắc hơn. Đây dường như là một nguyên tắc không tránh khỏi của việc tăng trưởng nhận thức.
Chúng ta chỉ có thể nhìn nhận sự việc là đúng hay sai, xấu hay tốt, hài lòng hay không hài lòng, xấu hay tốt khi có tiêu chuẩn để so sánh.
Ví dụ khi cầu thủ sút phạt penalty, khán giả sẽ hò reo vui sướng khi bóng vào lưới và thất vọng khi bóng bị thủ môn cản phá hay bay trật ra ngoài. Cảm giác thất vọng hay hài lòng có được là do có một tiêu chuẩn để so sánh là “có bàn thắng” hay “không có bàn thắng”. Vậy thì cảm giác của con người có được do chúng ta đã phân biệt giữa cái này và cái kia. Khi cái này và cái kia không hoà lẫn vào nhau nghĩa là chúng đang có một trật tự trước-sau.
Ý thức của chúng ta cũng nhị nguyên tương tự như thế giới vật chất, và người quan sát đã mở ra một thực tại tương ứng với khả năng của mình.
Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ.
5.2.2 Quan điểm hiện hữu theo kinh điển tôn giáo
Kinh thánh, Kinh lăng nghiêm và mặc khải từ linh hồn đều mô tả quá trình hình thành sự phân biệt để có hiện hữu và hình thành ý thức.
Quan điểm hiện hữu theo Kinh thánh
Sự hình thành thế giới theo Sáng Thế 1 mô tả sự phân biệt để bắt đầu có hiện hữu.
“Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất. Bấy giờ trái đất là vô hình và trống rỗng, bóng tối bao trùm mặt vực sâu, và Tinh thần của Thượng Đế bay lượn trên mặt nước. Và Thượng Đế phán, “Hãy có ánh sáng,” và có ánh sáng. Thượng Đế thấy ánh sáng là tốt lành, nên Ngài phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thượng Đế gọi ánh sáng là “ngày” và bóng tối là “đêm”. Và có buổi tối, và có buổi sáng —ngày thứ nhất.
Đức Chúa Trời phán: “Phải có một cái vòm giữa nước để phân rẽ nước với nước.” Thế là Thượng Đế tạo ra cái vòm và tách nước bên dưới vòm ra khỏi nước bên trên. Và nó là như vậy. Thượng Đế gọi hầm là “bầu trời.” Có buổi tối và buổi sáng —ngày thứ hai.
Vì vậy, Thiên Chúa đã tạo ra loài người theo hình ảnh của chính mình, theo hình ảnh của Thiên Chúa , ông đã tạo ra họ; nam và nữ ông đã tạo ra chúng.”
Đây là quan điểm tạo ra nam và nữ không được đặt tên theo câu chuyện thứ nhất, còn ở câu chuyện thứ hai Đức Chúa Trời tạo ra Adam từ cát bụi và đặt Adam vào Vườn địa đàng. Adam được cho biết rằng anh ta có thể ăn thỏa thích trái cây từ tất cả các cây trong vườn, ngoại trừ một cây tri thức về thiện và ác. Sau đó, Eva được tạo ra từ một trong những chiếc xương sườn của Adam để làm bạn đồng hành của anh. Họ hồn nhiên và không hề bối rối về sự trần trụi của mình.
Có thể hiểu Vườn địa đàng là trạng thái Một, trạng thái đầu tiên, không có sự phân biệt thiện và ác, không có nhận thức cho đến khi Adam ăn trái cấm để có được nhận thức thì Adam và Eva bắt đầu có sự phân biệt, bắt đầu có nhận thức và bối rối về sự trần trụi của mình. Đó là khi ý thức bắt đầu hình thành. Thế giới hiện thực cũng hình thành và từ bỏ trạng thái vườn địa đàng.
“Tuy nhiên, một con rắn thuyết phục Eva ăn trái cây từ cây cấm đó, và cô đã đưa một số trái cây đó cho Adam. Việc này khiến hai người có thêm kiến thức, nhưng nó cũng mang lại cho họ khả năng gợi lên những khái niệm tiêu cực và phá hoại như xấu hổ và làm việc ác. Sau đó, Chúa Trời nguyền rủa con rắn và mặt đất. Chúa Trời nói lời tiên tri cho Adam và Eva hậu quả của tội không vâng lời Chúa Trời và trục xuất họ khỏi Vườn Địa đàng.” Sau đó tạo ra thế giới để trừng phạt Adam và Eva.
Quan điểm về hiện hữu theo Kinh Lăng Nghiêm
Quan niệm “tất cả trong một, một trong tất cả” chính là tư tưởng Hoa Nghiêm. Chủ trương “thực tại xuất hiện như một cảnh tượng khi bị quan sát” đã được Kính Lăng Nghiêm nói đến. “Sự sống, ý thức lẫn vật chất đều lưu xuất từ một thể” chính là quan niệm Duy thức trong Phật giáo Đại thừa.
Kinh Lăng Nghiêm nói về một thể uyên nguyên, được tạm mênh danh là “Chân tâm”. “Tính chất” của Chân tâm là phi hình tướng, phi tính chất, không thể nghĩ bàn. Nhiều người cố nghĩ về Chân tâm và tạm hình dung Chân tâm như một “biển tinh lực uyên nguyên” hay “vầng trăng tròn đầy” hay “không gian vô tận”. Dù hình dung thế nào đi nữa, Chân tâm có hai “công năng” như sau: lặng lẽ chiếu soi và có khả năng tự chiếu soi mình. “Chiếu soi” có thể được hiểu như “nhận thức” trong ngôn ngữ hiện đại. Từ “chiếu soi” làm ta cảm nhận là biển tinh lực đó gồm vô số cực quang hay quang minh (radiation) rực rỡ.
Xuất phát từ một Chân tâm thuần tuý, “lặng lẽ chiếu soi” đó, bỗng một “vọng tâm” nổi lên, đó là lúc Chân tâm quay qua tự nhận thức chính mình và thấy có một thể bị nhận thức (tướng phần) và một thể nhận thức (kiến phần). Theo ngôn ngữ hiện đại thì với vọng tâm, xuất hiện một lúc hai thể tỉnh: người quan sát và vật bị quan sát. “Vọng tâm” được Kinh Lăng Nghiêm sánh với cơn buồn ngủ. Khi ngủ mê thì hiện ra giấc mộng, trong đó có người có ta, có cảnh vật, có diễn biến thông không gian và thời gian. Nếu tỉnh dậy thì tất cả cảnh vật trong mơ cũng không còn.
“Nếu vọng tâm sinh khởi thì các pháp đều sinh khởi, vọng tâm diệt đi thì các pháp đều diệt”.
Đối với Phật giáo, thế giới hiện tượng là một sự trình hiện, là một huyễn cảnh (maya) như “hoa hiện trong hư không”. Thế giới đó trình hiện cho một quan sát viên nhất định, mỗi quan sát viên có một thế giới. Thế nhưng như ta đã nói ở trên, quan sát viên lẫn thế giới hiện tượng đều là phần tử của Chân tâm (kiến phần và tướng phần) nên đều chính là Chân tâm cả. Cả hai đều lưu xuất từ Chân tâm, bị “vọng hoá” mà thấy có chủ thể (người quan sát) và khách thể (vật bị quan sát).
Quan điểm hiện hữu theo Đạo giáo
Theo Đạo giáo, trước khi vũ trụ thành hình, trong khoảng không gian hư vô bao la, có một chất sinh rất huyền diệu, gọi là ĐẠO. Đạo biến hóa ra Âm Dương. Âm Dương xô đẩy và hòa hiệp tạo ra vũ trụ và vạn vật. Vạn vật được hóa sinh ra, tác động với nhau, phồn thịnh với nhau, rồi cuối cùng tan rã để trở về trạng thái không vật không hình, tức là trở về nguồn gốc của nó là Đạo.
Lý vô vi của đạo giáo gồm: Vô cầu, Vô tranh, Vô đoạt, Vô chấp. Hòng không còn dính mắc, ham muốn vào thế giới của hai mặt đối lập để giải thoát. Đạo sĩ thực hiện theo lý Đạo bằng cách luyện Kim đơn, để gom Tam Bửu: Tinh, Khí, Thần, về một, tức là Tinh Khí Thần hiệp nhất. Thanh luyện tiếp để xả hết, hòa vào hư không, tức là trở về hiệp nhứt với Đạo. Luyện Kim đơn là luyện cho thành Thánh thai (Anh nhi, Xá lợi), chứ không phải luyện thuốc tiên để trường sinh bất tử. Luyện cho cái Tánh trở thành Kim cang bất hoại, gặp động không loạn, nhập trần không nhiễm, định mà không chết cứng, đi đứng nằm ngồi mà như không đi đứng nằm ngồi, thuyết giảng đạo pháp mà như không thuyết giảng tức như thế là nhập vào Lý Vô Vi. Lý Vô vi ít nhiều có sự tương đồng với Tánh Không của đạo Phật.
Quan điểm linh hồn hiện hữu theo phân tâm học Jungian
Chúng ta cùng nhắc lại điều mà Jung nhận ra được khi ở trạng thái linh hồn.
“Quả thật linh hồn của một người nằm trong sự vật và trong con người, nhưng những kẻ mù loà chỉ chiếm lấy sự vật và con người, chứ không phải linh hồn hắn, bên trong sự vật và con người.
Hắn ta không ý thức về linh hồn của mình và làm sao để phân biệt giữa linh hồn và sự vật, con người. Hắn có thể tìm thấy linh hồn trong chính sự ham muốn chứ không phải trong những khách thể của ham muốn.
Nếu hắn ta sở hữu ham muốn của mình mà không bị nó chiếm hữu, hắn ta sẽ chạm được một tay vào linh hồn của mình. Vì ham muốn chính là hình ảnh và biểu hiện của linh hồn.
Nếu chúng ta sở hữu ảnh diện (image) của một sự vật ta đã sở hữu một nửa nó rồi. Ảnh diện của thế giới là một nửa của thế giới. Kẻ chỉ sở hữu thế giới chứ không phải cả ảnh diện của nó thì chỉ sở hữu một nửa thế giới, vì linh hồn hắn nghèo nàn và chẳng có gì cả.
Sự giàu có của linh hồn thể hiện trong ảnh diện.
Kẻ nào sở hữu ảnh diện của thế giới chính là đã sở hữu một nửa thế giới rồi, ngay cả khi nhân tính của hắn nghèo nàn chẳng có gì hết. Nhưng những ham muốn như vậy khiến linh hồn trở thành một con thú hung dữ, nó nuốt tất cả nhưng cái không thể chịu nổi và vì thế trở nên ngộ độc.”
Để dễ hiểu, mỗi hiện hữu đang tồn tại trên thế giới của sự phân biệt (thế giới cổ điển) là một ham muốn, ý tưởng, tò mò của linh hồn, là một phức cảm của tâm trí cao hơn là linh hồn. Linh hồn là nước còn các hiện hữu là những con sóng trên mặt nước, một dạng tồn tại song song chứ không phải là tách rời.
Sự giàu có của linh hồn thể hiện trong sự đa dạng các hiện hữu, sự đa dạng của cảm giác trên thế giới cổ điển. Là một con người đang chìm đắm trong thế giới của sự phân biệt, những ham muốn là nguồn gốc cho sự sống nảy nở, nhưng nếu cứ đắm chìm trong bản năng ban đầu mà không biết nhìn nhận sự hợp nhất của vạn vật, tức là linh hồn, thì con người sẽ mãi đuổi theo những sự vật mà không đạt được sự đủ đầy dù có sở hữu nhiều vật chất đi chăng nữa.