Hôm qua mình xem 1 chương trình có thuyết minh tiếng Việt
Có 1 chương trình trên đài BBC earth, tên là parts unknown , kể chuyện 1 bác đi lang thang khắp nơi khám phá những vùng đất ít ai...
Có 1 chương trình trên đài BBC earth, tên là parts unknown, kể chuyện 1 bác đi lang thang khắp nơi khám phá những vùng đất ít ai để ý, và kể chuyện thông qua những con người nơi đó. Hôm đó bác đi tới miền trung của Brazil – nơi mà người dân hầu hết là các nô lệ gốc Phi, sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, những vùng đất ấy cũng bị lãng quên.
Cuộc sống ở những vùng đất ấy không có gì giống với nơi mình đang sống hiện giờ, mà nó giống với ở quê hương của mình trước kia hơn, nơi mình đã sinh ra và lớn lên ấy. Nơi đó cũng có những cái cửa chợ nhớp nháp, những đường cống thoát nước không thực hiện được công việc và nước cứ ứ đầy trên đường, các bác bụng bia cởi trần kéo cái xe giống xe bò trong mưa, mang dép lào loẹt xoẹt trong nước. Ở đó còn có những bãi biển với những người bán dạo. Có anh bạn bán phô mai que trong 1 cái thùng nhựa như thùng đựng áo quần của mình, khi có khách gọi thì ảnh ngồi chồm hỗm xuống ngay đó hun lửa nướng mấy que cho khách. Còn có những quầy caipirinha dựng lên ngay sau khi khách đáp thuyền tới trên bờ biển, và mấy bạn bán rượu làm từ đường mía trong cái hũ đội trên đầu ở các bữa tiệc đường phố. Trông họ lam lũ, không sạch sẽ, áo quần luộm thuộm, cũng chẳng có ngoại hình bắt mắt, nhưng họ trông rất tự nhiên. Không ai sợ hãi khi có người khác nhìn mình, và không ai sợ phải thể hiện điều mình đang nghĩ. Mỗi người bọn họ chỉ nhắc mình một điều duy nhất: nhà.
Mình trân trọng và biết ơn cuộc sống tiện lợi ở đây, nhưng gói một cái bánh trong 3 lớp bọc plastic, mua cà phê từ máy bán hàng tự động, so sánh các loại bánh kẹo ngọt trong các cửa hàng tiện lợi, và lo sợ thường xuyên việc người khác nghĩ gì về mình không phải cách mình đã lớn lên. Bánh ở nhà mình thường được bán theo cân và thả vào 1 túi ni lông duy nhất, cột lại bằng dây chun, cà phê là uống trong ly của cô bán cà phê ở đầu phố, chỉ biết mặc áo quần vì mình thích chứ không hề có cảm giác lo sợ mọi người sẽ nghĩ gì về mình … vì vậy nhìn 1 bác ngư dân đen bóng ngồi nhồm nhòm xẻ cá ăn với con chó đứng hóng 1 bên là hình ảnh hoàn hảo nhắc mình về quê cha đất tổ. Mình nhớ da diết đôi bàn tay thô ráp, xù xì của ba, hoặc 1 người lái xích lô ngồi trong bốt điện thoại ăn vội tô hủ tiếu, mình nhớ nội mình với những câu chuyện đời xưa, với cái rổ trầu bằng nhựa cũ tới mềm nhũn ra, mình nhớ những cái ghế đẩu bằng nhựa, nhớ nụ cười móm mém của bà bán dụng cụ học tập gần trường … những thứ mà bây giờ cuộc sống ở môi trường mà cái tàu hễ trễ 1’ là xin lỗi 2,3 lần, toilet không bao giờ có mùi, cành trên cây cũng đều đối xứng, mở 1 bọc bánh ra là 1 mớ những bọc khác, mỗi bọc đựng 1 cái bánh, chứ đừng nói là đựng phô mai trong 1 cái thùng nhựa như hộc tủ đựng áo quần, chẳng có gì nhắc mình nhớ lại cuộc sống của ngày xưa cả.
Sống ở đây làm mình nhận ra 1 điều, rằng không có gì nhắc ta nhớ nhiều hơn những con người ta tiếp xúc, họ đẹp / họ chân chất / họ còn mãi trong tim ta, là vì họ đang là chính họ. Mình biết chắc mình sẽ nhớ da diết cuộc sống ở đây sau này khi rời đi, vì lịch sử đã chứng minh, mình luôn quên đi những nỗi đau vụn vặt, nhưng những hạnh phúc nhỏ nhoi bắt gặp khi cảm được cái thật của một người truyền đến mình, thì cứ còn mãi mãi. Cho nên mình sẽ nhớ những cử chỉ quan tâm của các bạn ở đây sợ mình lạc, sợ mình không biết, không hiểu, sợ buồn, sợ tủi thân.. hoặc những lúc họ lạc trong các câu đùa móc máy của dân Việt, khi họ quá ngại để dám nói thật lòng mình và cứ liên tục nói không, tao ổn, hoặc khi họ cứ liên tục xin lỗi hoặc cảm ơn, và còn nhớ cả cô bạn bên cạnh cứ chỉ vào mấy cái vector trên máy tính mà gọi chúng là “cô này / anh này / cái người này…”
Mình cho rằng đến 1 lúc nào đó, con người ta sẽ tìm được 1 điểm “làm hòa” của con tim họ với cuộc đời. Nghĩa là họ đã gặp đủ những vị chua cay đắng ngọt để phải giữ nỗi hằn học với 1 điều gì. Cái cổng chợ nhớp nháp của mình, hay cái bánh được bọc trong 2,3 lớp… người ta chỉ hành xử với cách người ta được dạy dỗ từ nhỏ tới lớn thôi, ta không thể kỳ vọng 1 con cá nói tiếng Tây Ban Nha và con sói thì đi thi tiếng hát truyền hình. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần? và ta là ai để nhìn 1 người qua vài snapshot và đặt họ vào cái nhìn nhị nguyên của chúng ta? 1 con người bước đi trong đời, họ đã trải qua quá nhiều để trong 1 phút lướt qua ta nhìn thấy cả cuốn băng cuộc đời họ, cái chúng ta cần làm, có lẽ là nhìn sâu vào con tim người ấy, thứ mà luôn rất sâu, rất mênh mông, đầy rẫy bất ngờ và đôi lúc có rất nhiều những nỗi sợ và bất an – y hệt như của chúng ta, và hy vọng nó sẽ hướng đến 1 điều gì đó tốt đẹp. Bởi, bất kể ta lớn lên ở đâu, ta làm gì, ta sống như thế nào, chúng ta đều liên tục thay đổi, nếu bạn cần 1 thứ gì đó để vin vào và đánh giá 1 điều gì, mong bạn đừng dừng lại ở cái sự xấu xí của nó. Còn nên làm như thế nào, phản ứng ra sao, điều này phụ thuộc vào độ sâu của cuộc đời mà bạn đã và đang sống.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất