Tự bạch
- Số năm có mặt trên đời: 24 năm
- Năm bén duyên với online shopping: 2015
- Website yêu thích: Shopee, Tiki, Fahasa, Watsons, Hasaki
- Website không yêu thích cho lắm: Lazada, Guardian
- Mạng xã hội thường xuyên chui rúc: Facebook, Instagram, YouTube
- Sở thích: Xem YouTube của các beauty vloggers và xem Instagram stories của các shop bán mỹ phẩm
- Đam mê: Nằm trên giường và lướt xem các shop trên Shopee
- Số tiền lớn nhất từng chi trả để online shopping: Tổng cộng hơn 50 triệu vào năm 2020. Chưa tính những năm trước đó vì không nhớ được.
- Mong muốn: Dứt bỏ thói quen mua sắm vô độ
-- -- -- -- --
TP.HCM, 22 giờ 26 phút, ngày 08/09/2021, năm Covid thứ 4
Cả ngày hôm nay tôi khó chịu khủng khiếp. Tôi hiểu lý do vì sao tôi rơi vào trạng thái như vậy. Suốt hơn 1 tháng qua, kể từ khi thành phố có chỉ thị giãn cách, tôi không thể mua hàng online như trước đây. Đặt hàng từ đầu tháng 7, Shopee nhất quyết không chịu giao mặc dù nhà tôi ở "vùng xanh". Shopee lúc nào cũng quảng cáo rầm rộ nhưng một mực trả hàng lại cho bên bán. Nản chí, tôi chẳng muốn mua hàng ở Shopee nữa. Sau đó, thành phố có chỉ thị nghiêm ngặt, tất cả các shop tôi quen đều tạm thời đóng cửa. Shipper không được hoạt động nếu như không giao hàng thiết yếu. Mà mỹ phẩm thì có phải là hàng thiết yếu đâu. Bố mẹ một mực ngăn cản, nhắc nhở tôi chỉ nên mua những thứ thật sự cần thiết, không mua gì hết cũng được, cứ chạy ra chạy vô, đi lung tung nhận hàng thì có ngày đi đời.
Thôi được rồi, không có cơ hội mua đồ cũng tốt, đỡ tốn tiền. Mục tiêu không mua sắm trong tháng 8 đã hoàn thành, nhưng là hoàn thành trong sự bắt buộc. Nếu như không có lệnh giãn cách, tôi còn lâu mới ngồi yên một chỗ, còn lâu tôi vào Shopee mà không mua bất cứ món hàng gì.
Tôi hiểu lý do của sự khó chịu, bức bối suốt cả ngày hôm nay. Ngày mai là 09/09, siêu bão siêu sale, siêu deal sắp đến. Những ngày qua, các shop online, các trang thương mại điện tử rầm rộ quảng bá cho ngày 09/09 này. Từ khi nào Shopee, Lazada lên cả TV quảng cáo, lại chọn được khung giờ vàng là sau chương trình thời sự, đúng ngay thời điểm tôi đang ngồi ăn cơm, chưa kịp chuyển kênh thì Shopee đã hô vang bài hát chủ đề có gương mặt đại diện là những người nổi tiếng. Tôi bức bối, bởi vì 09/09 siêu sale sắp đến mà lại không được mua hàng. Tôi rất muốn online shopping. Nhưng mặt khác, tôi ngại ngần về thời gian giao hàng, về việc di chuyển, tiếp xúc, tài khoản còn tiền nhưng không lẽ lại xài hết như trước đây. Hết tiền thì đi làm, đi làm thì có tiền, rồi lại đổ vào Shopee, Tiki nữa sao? Tuổi trẻ cần đầu tư và tiết kiệm, nhưng cảm giác có tiền trong tay nó khác lắm, nhất là khi gia cảnh không khó khăn, không phải lo toan từng ngày như những người bạn đồng trang lứa, và không có mục đích sống.
Vậy đấy, tôi khó chịu, bức bối, bực dọc vì siêu sale 09/09 này không được mua hàng.
Ngăn cản bản thân đừng online shopping giống như ngăn người nghiện đừng hút ma túy nữa. Mặc dù tôi chưa từng chơi ma túy bao giờ, nhưng tôi nghĩ rằng online shopping cũng gây nghiện, không thể dứt khỏi như ma túy.

Năm 2015 - 2016

Mùa thu năm 2015, tôi chính thức trở thành sinh viên đại học sau quãng thời gian học hành căng thẳng suốt 3 năm phổ thông. Mùa hè sau khi thi đại học là mùa hè tuyệt vời nhất. Tôi được vui chơi thỏa thích, được tự do làm những điều mình muốn mà trước đây không hề có thời gian để làm. Quá nhiều thời gian rảnh mà lại chẳng biết làm gì, tôi bén duyên với Instagram, Facebook và YouTube. Thời điểm đó, Instagram mới nhen nhóm xuất hiện, chưa phát triển như bây giờ. Facebook và YouTube cũng vậy, nhưng ít ra trên đấy đã có những nội dung gây nghiện. Thời điểm 2015 - 2016 cũng là thời hoàng kim của các Beauty YouTubers Việt Nam. Đó là khoảng thời gian đánh dấu sự ra mắt của các Beauty YouTubers đời đầu. Mà cái gì đầu tiên thì cũng nhận được sự chú ý và có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ. YouTubers review mỹ phẩm nào, khen sản phẩm nào, thì ngay lập tức ngày hôm sau các shop online nhập mặt hàng đó về. Ngay ngày hôm sau, khách hàng - mà đa phần là những người trẻ, những bạn học sinh, sinh viên đổ xô săn lùng mua cho bằng được. Lúc đó, tôi chưa nhận thức được đâu là video quảng cáo, đâu là video trải nghiệm thực sự. Bởi vì dù có quảng cáo hay không, YouTubers không cần phải thông báo. Chẳng có luật pháp nào bắt các YouTubers phải minh bạch trong việc báo cáo video này có phải là quảng cáo hay không.
Lần đầu tiên bước chân vào thế giới Youtube, cộng thêm việc trước đây chưa từng biết làm đẹp là gì, chẳng biết mỹ phẩm gồm những món đồ nào, trước mắt tôi như một thế giới mới, mời gọi tôi bước vào khám phá. Không những vậy, trở thành sinh viên cũng là lúc tôi nhận được một số tiền lớn mà trước đây chưa bao giờ được cầm lấy. Bố mẹ mở tiệc mừng tôi đậu đại học. Họ hàng đến dự, thay vì cầm một phần quà, thì mọi người cầm phong bì, trong đó là những tờ tiền xanh dương với mệnh giá lớn mà suốt 18 năm nay tôi chưa lần nào được cầm lấy. Tự dưng được cầm tiền trong khi trước đây chưa bao giờ tìm hiểu về tài chính, tôi như người ở trên mây, nghĩ rằng mình là nhất trên đời.
Lên đại học, cộng với sự bùng nổ của các video chủ đề làm đẹp, tôi bắt đầu dấn thân vào con đường makeup, skincare. Cũng 18, 19 tuổi rồi, nghe đồn rằng đây là độ tuổi đẹp nhất của người con gái, phải biết chăm sóc bản thân, phải biết ăn diện, tôi tập tành mua sắm mỹ phẩm. 2015 cũng là năm Shopee gia nhập thị trường Việt Nam. Hình thức bán hàng xách tay nở rộ, cộng với việc được cầm số tiền lớn để tiêu xài, tôi cho mình có quyền dùng tiền một cách không kiểm soát. Đơn hàng đầu tiên trên Shopee của tôi là những mỹ phẩm Hàn Quốc từ một shop xách tay nọ. Tôi còn nhắn tin hỏi chủ shop có dịch vụ hẹn giờ giao hàng hay không. Tôi chọn địa điểm nhận hàng là trường đại học, giờ nhận là giờ ra chơi, bởi vì tôi không muốn mẹ biết mình mua mỹ phẩm với một số tiền lớn. Mang gói hàng vào lớp, bạn bè cũng sáng rực mắt và luôn miệng hỏi tôi mua món gì thế. Háo hức, cắm cụi, lầm lụi, giấu giấu giếm giếm gói hàng trong ba lô, về nhà tôi chạy thẳng lên phòng.
Tôi nhớ như in, lần đầu tiên lòng tôi chộn rộn vì online shopping là như thế nào. Đó chính là lần đầu tiên mua hàng Shopee kể trên. Tôi xem từng sản phẩm mà chỉ muốn mua hết tất cả. Tôi vẫn nhớ rõ buổi sáng hôm ấy, tôi thức dậy mà trong lòng bứt rứt vô cùng. Lần đầu tiên tôi có cảm giác như thế. Tôi muốn mua đồ online. Tôi muốn mua mỹ phẩm. Tôi muốn mua hết tất cả sản phẩm của shop. Tôi muốn mua cho bằng được những sản phẩm được Beauty YouTuber nọ khen lấy khen để trên video. Đương nhiên tôi không đủ tiền để mua hết shop của người ta, nhưng tôi đủ tiền để mua những thứ tôi thích. Và tôi đã nhấn nút đặt hàng.

Năm 2017

Bước vào tuổi trưởng thành nhưng tôi không ý thức được đâu là quảng cáo, đâu là PR trá hình, đâu là PR có tâm và không có tâm. Tôi thấy người nào nói sản phẩm đó tốt, thì tôi mua. Tôi thấy các YouTubers nổi tiếng đồng loạt review tốt cho một sản phẩm, thì tôi mua. Cộng với việc không tìm hiểu cơ địa, nền da của bản thân, sử dụng những sản phẩm không phù hợp, tôi đã bị mụn hoành hành trong suốt năm 2 đại học. Lên năm 3, bạn tôi ép buộc tôi gặp một người bạn nọ, người rất am hiểu về làm đẹp và chăm sóc da. Bạn đã xây dựng cho tôi một chu trình chăm sóc da thích hợp với những sản phẩm tốt nhất. Tôi chính thức từ giã con đường mua hàng đống mỹ phẩm để rồi bị banh mặt. Cũng may là còn một ít tiền, tôi đầu tư vào chu trình chăm sóc da mới. Vậy là tôi chính thức cạn tiền chỉ sau 2 năm nhận được món tiền từ trên trời rơi xuống.
Hết tiền thì mới không mua sắm nữa. Chứ nếu như có tiền thì chắc tôi cũng mua nữa thôi.

Năm 2019

Ra trường, đi làm. Tôi bắt đầu với một công việc ổn định, với mức lương cao so với năng lực và kĩ năng. Chẳng tài cán gì đâu, tôi được nhận vào làm là nhờ bạn học chung đại học giới thiệu. Bạn ấy làm việc tốt đến nỗi, bất cứ ứng viên nào bạn ấy giới thiệu đều được sếp tổng đồng ý phỏng vấn. Sau 6 tháng làm việc, tôi xin nghỉ. Lại một lần nữa, tôi được cầm trên tay số tiền lớn, được tính là hàng chục triệu chứ không còn là vài triệu như thời sinh viên nữa. Với sự biện minh muốn trở thành một blogger review mỹ phẩm, tôi xuống tay không tiếc cho rất nhiều mặt hàng. 2019-2020 cũng là khoảng thời gian thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ với vô số chiến dịch lớn. Mười hai giờ đêm thức khuya săn sale vì nghĩ rằng món hàng này rất cần thiết, lại được mua với giá hời mà không bao giờ có thể mua với giá này thêm lần nào nữa. Lắc xu Shopee kịch liệt. Cứ mỗi phút lại vào nông trại Shopee để tưới nước cho cây. Mỗi khi kiếm được 1000 xu, tương ứng với 1000 đồng, tôi mừng ra mặt. Cảm giác như kiếm được đồng tiền dựa trên mồ hôi và nước mắt. Lắc xu không mệt mỏi, mỗi ngày đăng nhập để nhận 100 xu tương ứng 100 đồng, nhấn vào mục "Quà tặng" mỗi tiếng đồng hồ, trồng cây gây rừng ở nông trại, cứ thế kiếm được tối đa 20.000 đồng, mua hàng giảm giá được vài nghìn đồng mà cảm giác như được ai ban phước cho vậy.
"Bực bội quá đi mất. Tại sao anh bắt mình phải xóa app Tiki. Fahasa, Shopee cơ chứ? Mỗi ngày chơi game trên Fahasa, sẽ có ngày mình được mua hàng với giá 0 đồng. Chơi game trên Shopee, trồng cây trên Shopee, mình tiết kiệm được tận 20.000 đồng để mua hàng giảm giá. Mình tải app rồi vào xem sản phẩm thế thôi chứ đâu có bấm mua đâu mà lo. Trời ơi tức quá. Điên mất! Tại sao tôi không được tải những app đó về máy chứ hả?" Trích ghi chú của tôi trên điện thoại khi bạn trai bắt tôi xóa app Shopee, Tiki, Fahasa

Năm 2020

Tiền lương từ công việc cũ dần cạn kiệt. Tôi đã mua quá nhiều sản phẩm rồi. Tôi nghĩ ra một cách: Phải tích cực đăng nhập Shopee, Tiki, Fahasa nhiều hơn nữa. Shopee có tính năng đăng nhập nhận xu, chơi game nhận xu, trồng cây lấy xu. Tiki cũng có tính năng đăng nhập nhận xu tương tự. Fahasa cũng vậy. Và cả website Bookbuy bán sách, cũng có tính năng đăng nhập nhận quà. Mỗi ngày đăng nhập vào website Bookbuy, tôi nhận được 30 xu. 3000 xu tương ứng 10.000 đồng. Mỗi người dùng được tích trữ tối đa 60.000 xu, tương ứng 200.000 đồng để mua sách miễn phí. Tôi nhẩm tính, với số xu đã tích lũy tính đến hiện nay, thì khoảng 3 NĂM nữa tôi sẽ đủ điều kiện mua sách 0 đồng ở website này, với điều kiện mỗi ngày đều phải đăng nhập. Thôi mệt quá, dẹp đi, tôi không đăng nhập nữa đâu.
Tương tự với website Tiki. Trước đây họ còn có chính sách review sản phẩm để đổi xu, có cơ hội mua hàng với giá 0 đồng. Chính sách đó đã được bỏ từ lâu. Cũng đúng, kéo dài chương trình đó thì Tiki cạp đất mà ăn à? Hiện tại, Tiki có chương trình đăng nhập tích xu. Tôi làm thử rồi, mà sao khó quá, mãi mà không làm được, lỗi hệ thống hay sao ấy. Quá nản, tôi cũng xóa luôn app Tiki để nhẹ bớt bộ nhớ điện thoại.
Ngoài mỹ phẩm, tôi có một tình yêu to lớn với sách. Nhưng tôi mua sách chỉ để thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Từ lâu rồi, tôi chẳng biết được niềm vui khi đọc xong một cuốn sách là như thế nào. Phát hiện app Fahasa có tính năng chơi game lấy xu, đăng nhập nhận xu, tôi cũng tham gia cho bằng được. Tôi từng mua hàng Fahasa và được giảm giá tận 12.000 đồng nhờ vào tích xu đấy. Thấy tôi hời đến mức nào chưa?
"Em không cần mua hàng. Em chỉ cần chơi những game trên app là họ đạt được mục đích rồi. Những game đó, những chương trình tích xu tích điểm đó, đằng sau đó là cả một đội, là hàng chục hàng trăm con người ngồi lại với nhau hằng ngày, hằng giờ, để nghiên cứu hành vi người tiêu dùng. Họ làm tất cả để trải nghiệm của em tuyệt vời nhất. Họ dốc hết sức để tạo nên giao diện đẹp mắt, dễ dùng. Em không cần mua hàng đâu, em tải app về, chơi game, đăng nhập trên đó, cũng đã tính là tương tác với app rồi. Những báo cáo về thị phần thương mại điện tử là từ đó ra chứ đâu. Em không thấy em mất thời gian vào những việc vô bổ đó à?" Câu nói của bạn trai tôi trong công cuộc giúp tôi cai nghiện mua sắm
Sau khi tính toán tới lui, tôi nhận ra là xu Shopee cũng có thời hạn của nó. Xu chỉ có thời hạn là 2 tháng kể từ ngày đầu tiên tích lũy. Nghĩa là càng tích được nhiều xu, người dùng càng có động lực để mua hàng nhiều hơn. Tôi thấy rằng đã tích được 20.000 xu mà lại để nó hết hạn, thì coi như đi đời 20.000 đồng. Không được, phải dùng cho hết 20.000 đồng miễn phí đó, bằng cách mua hàng!
Tài khoản sắp cạn đáy. Tôi không có nhu cầu mua thêm mỹ phẩm vì tôi chính thức từ bỏ con đường trở thành beauty blogger. Không có việc làm, tôi rảnh rỗi vào mỗi buổi tối. Tôi nhớ như in khung cảnh tôi nằm trên giường vào 11 giờ đêm, ghé từng shop trên Shopee, ghé từng gian hàng của những thương hiệu trên Watsons, ghé từng website, app để xem mỹ phẩm. Tôi ghé từng shop trên Shopee Mall, đánh dấu vào mục "trái tim" để những mặt hàng được đưa vào danh sách yêu thích. Tôi click mà không nhắm mắt. Tâm trí tôi như bị cuốn vào những mặt hàng với hình ảnh bắt mắt ấy. Tôi chỉ có một khát khao, ngày nào đó tôi sẽ trở nên giàu có để mua được tất cả những món đồ trên Shopee.
Tháng 10 là sinh nhật một người bạn. Tôi quyết định tặng bạn một vài món mỹ phẩm bởi vì web Watsons đang có chương trình khuyến mãi. Tôi cũng tranh thủ mua một ít đồ cho tôi nữa. Lần lữa mãi, tôi bỏ vào giỏ hàng chỉ một món đồ cho mình, bởi vì tôi sắp hết tiền rồi. Tôi nhớ rõ, buổi sáng hôm đó ngủ dậy tôi đã bứt rứt như thế nào. Tôi cáu bẳn vì không thể mua được những món hàng tôi yêu thích với giá khuyến mãi. Tôi tức tối vì tối hôm qua thức khuya để lướt xem danh sách những món hàng với ánh mắt thèm thuồng, mà giờ đây bất lực khi không thể mua chúng. Tôi bị ám ảnh cả trong giấc ngủ. Tỉnh dậy chào đón ngày mới, thay vì cảm nhận những tia nắng ấm áp, hạnh phúc vì mình còn một ngày để sống, tôi cáu tiết, gắt gỏng bởi vì không thể mua sắm thoải mái.
Tôi vẫn cứ đi ra, đi vào những website thương mại điện tử. Thay vì nhấn nút đặt hàng, tôi chỉ nhấn nút "yêu thích" mặt hàng đó, để dành mua sau. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, và sự thật là tôi có 24 giờ rảnh rỗi mỗi ngày, tôi đều đăng nhập vào các website, lướt xem tất cả những mặt hàng đến tận khuya, rồi mới đi ngủ.

Năm 2021

Tôi xóa app Shopee, Tiki, Fahasa trên điện thoại. Những ngày đầu, lòng tôi khó chịu vô cùng. Tôi xóa, rồi tải lại, rồi xóa, vì tôi cảm thấy nhục nhã trước lời hứa của mình: "Em nhất định sẽ thay đổi". Xóa app được một thời gian, cộng với việc không còn tiền để mua sắm, tôi quên đi thói quen mua sắm vô độ của mình. Tôi quên mất niềm vui mà Shopee đã mang lại. Tôi quên mất sự hào hứng khi nhìn thấy những mặt hàng được bày trí đẹp mắt. Tôi quên đi những shop online mà tôi thường theo dõi trên Instagram. Bỗng dưng tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm vô cùng.
Tôi dần hiểu ra những quy luật của ngành bán lẻ. Tôi tìm đọc nhiều hơn về chứng mua sắm vô độ. Tôi tìm hiểu về những chiến dịch marketing, quảng cáo. Tôi theo dõi các app mua sắm đủ lâu để hiểu được vào ngày tháng năm nào, chiến dịch giảm giá sẽ được quảng bá rầm rộ. Tôi "window shopping" nhiều đến mức, giờ đây tôi biết rõ giá tiền của mặt hàng khi chưa giảm và khi đã giảm. Tôi thuộc lòng giá tiền của từng mặt hàng. Tôi biết hết những chiêu thức khi website tung ra chiến dịch mua 1 tặng 1, mua 3 tính 2, sản phẩm thứ 2 có giá 100 đồng hoặc 1000 đồng.
"Ở ngoài kia người ta tìm đủ mọi cách để moi tiền trong túi của mình. Những chương trình khuyến mãi chẳng là gì đâu. Có những điều còn ghê gớm hơn nữa kìa". Vẫn là người bạn trai tốt bụng trong công cuộc ngăn tôi tái nghiện mua sắm
Tôi vẫn chưa hết nghiện mua sắm đâu. Tôi vẫn còn nghiện lắm, chỉ là hiện tại không có tiền mà thôi. Tháng 5/2021, tôi bắt đầu một công việc mới. Sau 2 tháng thử việc, tôi xin nghỉ. Tiền lương lần này thấp hơn công việc đầu tiên. Tự dưng tôi lại chẳng muốn mua sắm gì nữa. Có tiền trong tài khoản mà chẳng thiết tha mua sắm gì. Cũng là nhờ lệnh giãn cách của chính quyền. Và tôi rút ra nhiều bài học từ chứng mua sắm vô độ trong quá khứ kia.
Một buổi tối tháng 8, tôi nằm trên giường và xem lại những món hàng đã từng "yêu thích" trên Shopee. Bất giác tôi mỉm cười. Tôi đã từng ham muốn, thèm khát những món đồ này ư? Tôi đã từng gắt gỏng, bực dọc vì không mua được những món đồ này sao? Một chiếc bút kẻ mắt có giá tiền hơn 300 nghìn, tôi vẫn muốn mua cho bằng được? Tại sao tôi có thể yêu thích một thỏi son có giá tận 500 nghìn lận nhỉ? Những thỏi son tôi mua cách đây 5 năm về trước, trong lần đầu tiên tôi biết đến Shopee, giờ đây vẫn nằm chễm chệ trên kệ trang điểm, bởi vì tôi không thể dùng hết đống đồ đó.
Mỉm cười cho sự ngờ nghệch của mình, tôi tự hỏi chứng mua sắm vô độ đã hủy hoại bản thân tôi như thế nào. Tôi rất muốn đổ lỗi cho các trang thương mại điện tử. Nhưng tại sao ngoài kia vẫn có những con người chẳng bận tâm mua sắm mặc dù quảng cáo vẫn cứ nhan nhản trước mắt? À thì ra là do mình không biết kiểm soát và làm chủ bản thân. Tôi nghĩ rằng, tôi thoát khỏi chứng nghiện mua sắm là nhờ việc xóa app trên điện thoại, có công việc để bản thân bận rộn, có người bạn đồng hành nhắc nhở, đe nẹt, và do tôi đã lớn lên theo thời gian. Càng lớn, con người sẽ có nhiều nỗi lo toan khác nhau. Tôi không còn là cô gái 18 tuổi đam mê làm đẹp nữa rồi.

20 giờ 42 phút, ngày 09/09/2021

Buổi chiều, tôi đi tiêm mũi vắc xin thứ 2 theo thông báo của phường. Cuối cùng cũng được ra khỏi nhà, tôi lặng lẽ ngắm nhìn đường sá đã thay đổi quá nhiều trong 2 tháng qua. Địa điểm tiêm rất gần nhà, nhưng tôi phải đi qua tận 5 chốt kiểm soát. Trên đường, rải rác là hình bóng các anh shipper, xung quanh là màu áo xanh của công an, bộ đội. Bước vào phòng tiêm, tôi chăm chú nhìn mãi vào đôi tay của bác sĩ. Đôi bàn tay được bảo vệ bởi lớp găng tay cao su, ướt sũng mồ hôi. Lớp kính bảo vệ mờ đục vì hơi thở của bác sĩ. Giọng nói thều thào, nhưng vẫn cố gắng nói thật to, sợ người dân không nghe được lời dặn dò sau khi tiêm. Buổi sáng hôm nay, newsfeed Facebook của tôi ngập tràn bài đăng về bộ phim tài liệu "Ranh giới", sản xuất bởi VTV, kể về công cuộc chống dịch, cứu người của đội ngũ y bác sĩ ở tâm dịch TP.HCM. Tôi cảm thấy xấu hổ và nhục nhã quá. Trong khi ngoài kia biết bao con người thiếu ăn thiếu mặc, biết bao người mất đi người thân yêu, ước mơ duy nhất của họ hiện nay chỉ là bình an từ bệnh viện trở về nhà, trong khi những bác sĩ ngày đêm không ăn không ngủ để cứu người, thời gian đâu, tâm trí đâu mà nghĩ đến online shopping, thì tôi lại loay hoay trong thú hưởng lạc, cáu bẳn vì 09/09 không thể săn sale. Cảm thấy cuộc sống thật đáng quý, đáng yêu, cuộc đời thật ý nghĩa khi tâm trí không còn chỗ cho những vụn vặt vật chất hằng ngày. Quyết định sáng suốt nhất đời tôi, chính là từ bỏ thói quen mua sắm vô tội vạ.
Buổi sáng bảnh mắt thức dậy, chưa cần check Facebook hoặc Instagram, tôi thừa sức biết được hôm nay mạng xã hội sẽ rần rần về việc săn sale online. Dạo quanh Facebook và Instagram, đâu đâu cũng có bài đăng kích cầu mua sắm. Blogger này, YouTuber kia đăng voucher, mã giảm giá riêng biệt cho người theo dõi của mình. Page này, page kia đua nhau đưa ra những voucher giảm giá - những hợp đồng được thương lượng kĩ lưỡng với các sàn thương mại điện tử. Xem đi xem lại thật chán, đâu đâu cũng là bài đăng khuyến khích dân tình mua sắm trong ngày 09/09. Tôi lên mạng tìm đọc những bài viết về chứng nghiện mua sắm. Tôi chỉ đang ghen tị vì không mua đồ được thôi. Tôi tìm thấy khái niệm "Compulsive Shopping Disorder", tạm dịch: Chứng mua sắm cưỡng chế, mua sắm không kiểm soát. Đọc ngấu nghiến để hiểu bản thân nhiều hơn. Đúng là tôi bị bệnh tâm lý thật. Mua sắm phung phí cũng là dấu hiệu của bệnh tâm lý. Tôi có đủ những biểu hiện cơ bản: ra vào các website vào thời gian rảnh để xem những mặt hàng; giấu giếm người thân để mua đồ; tranh cãi với người thân về việc shopping; tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được; xem shopping là niềm vui, là thứ giải khuây cho tình trạng căng thẳng kéo dài; cảm thấy tội lỗi khi nhìn lại số tiền đã tiêu xài,...
Những nguyên nhân của việc mua sắm này, xuất phát từ tình trạng căng thẳng đầu óc, lo âu, trầm cảm, thiếu tự tin, chạy theo chủ nghĩa duy vật tiêu dùng, tìm kiếm sự công nhận bằng vật chất đeo trên người. Tôi có đủ. Và nguyên nhân còn là quá rảnh rỗi nữa. Nhìn lại, mỗi khi tôi đi làm, tôi không bao giờ có thời gian để săn sale hay là window shopping. Thời gian làm còn không có, huống chi shopping online.
Viết ra thấy nhẹ nhõm quá. Tôi chưa thoát được thói quen mua sắm đâu. Nhưng ít ra tôi đã nhận thức được tác hại và không bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền này.
Tôi vẫn sẽ mua hàng online. Tôi vẫn cần mua hàng online cho những đồ dùng thiết yếu. Thời đại này, không thể phủ nhận lợi ích của thương mại điện tử. Ai rồi cũng phải online shopping thôi. Kích cầu mua sắm cũng là biện pháp để nền kinh tế tăng trưởng. Nếu như không ai tiêu dùng, không ai sản xuất, nền kinh tế sẽ đứng yên và như vậy là thiệt hại cho đất nước. Nhưng đừng để bị cuốn vào hố sâu của việc mua sắm này, nếu không bạn sẽ bê tha như tôi đó.
Vậy là đã qua một ngày siêu bão săn sale. Đã có ngày 09/09 thì chắc chắn sẽ có ngày 10/10, 11/11, 12/12, 01/01, 02/02, 03/03, 04/04, 05/05, 06/06, 07/07, 08/08, chưa kể những ngày giữa tháng, những ngày lễ tết, ngày Black Friday, hoặc chẳng cần lý do gì cả, chỉ cần người dùng mua thật nhiều hàng thôi.
Tôi phải nghiên cứu tâm lý học hoặc là kinh tế học hành vi mới được.