#AmericanPopCulture #BuildYourVocab
Bài viết cho nhóm Biên-Phiên dịch tiếng Anh trên Facebook.
Chào các bạn, hy vọng các bạn vẫn còn nhớ sê-ri này! Thời gian qua tôi bị nhắc mãi, nhưng vì bận lo cho một dự án bí mật (mà sắp tới đây tôi sẽ bật mí) nên tôi không thể hoàn tất hai phần cuối được. Nay có chút thời gian rảnh rỗi, chúng ta lại tiếp tục học tiếng Anh và dịch thuật qua việc đàm đạo về ẩm thực nhé! 
Bất cứ một đầu bếp đáng đồng tiền (worth his dime/ salt) nào cũng biết, ngoài hương và vị ra thì món ăn cần phải được chăm chút về việc trình bày (presentation) và kết cấu (texture). Kết cấu ở đây không phải là kết cấu (structural) công trình, mà là sự mềm (soft) hay dai (chewy), cứng (hard) hay giòn (crunchy) của món ăn. Hãy xem qua một số món ăn mà người ta hay nói về kết cấu nhé:

- Ai làm bánh (cake & pastries) cũng biết, loại bánh khác nhau thì kết cấu phải khác nhau. Loại bánh mềm (soft) như bánh xèo kiểu Pháp (crepe/ pancake) thì phải mỏng (thin), nhẹ và xốp (light and airy/ fluffy). Bánh xèo kiểu Mỹ thì đặc (dense) hơn, nhưng vẫn phải mềm oặt (floppy). Nếu bạn cầm lên mà chiếc bánh vẫn giữ được hình dạng (hold its shape), thì có thể bạn đang cầm một chiếc bánh rán kiểu Mỹ (donut), bánh ngọt nói chung (cake), hoặc bánh mì nói chung (bread in general.) Bánh rán kiểu Mỹ vẫn xốp (airy), nhưng đặc hơn và... giống bánh ngọt (cakelike) hơn. Nhưng bánh ngọt là như thế nào?

- Bánh ngọt nói chung (cake in general) là một phạm trù (domain/ purview) rất rộng, nếu mà viết ra hết thì thành chương trình nấu ăn (cooking show) mất. Nhưng nhìn chung có: Bánh bông lan (butter cake/ pound cake), loại bánh này đặc xốp (spongy) và có thể "cắn ra vụn" (crumbly) hoặc mềm mịn (smooth and silky/ silky smooth.) Còn loại gọi là bánh pút-đinh (pudding) thì khá là lộn xộn: ở Mỹ khi nói về pudding người ta sẽ nghĩ về thức tráng miệng nảy tưng tưng (bouncy) như rau câu (jello), bánh phơ-lăng (flan cake), hoặc hỗn hợp sữa-trứng (custard) bỏ trong cốc nhỏ tương tự như panna cotta của Ý. Ở Anh, pút-đinh vừa là món tráng miệng, vừa có thể là một loại bánh mặn (savory), thậm chí có thể chỉ... xúc xích huyết (black pudding/ haggis).

- Không chỉ món ăn, mà thức uống cũng có texture (kết cấu). Nếu như crispy  với món ăn nghĩa là giòn tan, thì với món uống nó thường dùng để chỉ các món uống có ga, tạo ra cảm giác nổ tanh tách tan ra trong miệng (tiện thể nói luôn, khi nói về thức ăn thì cripsy là giòn tan, giòn rụm, còn crunchy là cứng giòn, dễ vỡ.) Với bơ và phó-mát thì smooth nghĩa là mướt, mượt mà, cắn vào êm răng, thì với rượu vang hoặc rượu mạnh thì nó có nghĩa là êm, đằm. Bơ và phó-mát mà mượt thiệt là mượt có thể gọi là silky, velveety hay creamy, và tương tự cho rượu. Bánh mì đặc ruột có thể gọi là tight (hardy/ hearty), nhưng rượu mà tight thì có lẽ là uống không ngon lắm đâu. Bánh mì mà chewy/ has a chew to it tức là dai, còn rượu mà chewy thì có lẽ hơi khó uống tí vì đắng và đậm đặc.
- Quay lại bánh các loại nhé (lại nữa ư?) Bánh mì kiểu nguyên hạt (whole grain), bánh mì đen (rye bread), bánh mì bột chua (sourdough) thì bạn có thể dùng từ dân dã (rustic) để miêu tả. Bánh su (choux) các loại có nhiều lớp bánh rời ra (flaky), khi nướng sẽ phồng lên (puffy), cắn vào êm răng (pillowy). Như bánh mochi của Nhật thì cũng êm răng, nhưng không cứng (tough) như bánh mì, mà lại dẻo (elastic) dai (chewy, firm) và dính (sticky) và mềm (tender/ squishy). Bánh mì mà lại bỏ phó-mát mozzarella vào thì khi kéo ra sẽ thấy sợi phó-mát trông rất bắt mắt, dùng từ gooey/ stretchy để miêu tả.

- Nói về các loại súp, thì chúng ta có thể có súp nước nhiều (thin) hoặc súp đặc, ít nước (thick). Súp mà lõng bõng nước thì gọi là water thin, đặc quá thì gọi là gloopy. Nếu súp mà nhớt (slimy) hay nổi bọt (foamy) thì có lẽ là không nên ăn! Rau củ quả trong súp, như cà rốt cắn vào sẽ rôm rốp (has a bite to it/ snappy), còn cà chua cắn vào sẽ mềm uột (squishy), nấm thì lại dai như cao su (rubbery), cắn vào trơn tuột (squeaky), nhiều người không thích. Như món poutine quốc hồn quốc túy của Gia Nã Đại (Canada) gồm có cợn phó-mát (cheese curds) cắn vào kêu kin kít (squeaky), khoai tây sợi (shoestring fries) giòn rụm (crunchy) bên ngoài, mềm bột (tender and starchy) ở bên trong, phủ lên trên (top with) là một lớp sốt thịt (gravy) bóng lưỡng (glossy). (Bột khoai tây hay gạo thì gọi là starch, còn bột bánh thì gọi là dough. Bánh nhiều bột gọi là doughy.)

- Dĩ nhiên không phải thức ăn nào vào miệng cũng dễ chịu (pleasant mouthfeel). Ăn xôi, nếp đang dẻo quẹo (sticky/ elastic) mà tự dưng gặp phải hạt sạn hay hạt xôi chưa chín (grainy/ gritty) thì thật là bực mình! Uống sữa tươi chẳng hạn, đang êm (smooth) thì lại gặp chỗ bột vụn (powdery), chứng tỏ là sữa pha chất lượng kém!

Tàm tạm bấy nhiêu đây đã. Hẹn gặp các bạn vào kỳ sau nhé!