AWWW là một chương trình radio về ngôn ngữ, được dẫn bởi Martha Barnette và Grant Barrett (không phải Green Beret nhen). Các host sẽ trả lời những câu hỏi của thính giả liên quan đến ngôn ngữ, từ vựng, tiếng lóng, thành ngữ, nguồn gốc từ, v.v... Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về ngôn ngữ, hãy gửi e-mail về địa chỉ [email protected].

Mình thấy đây là một chương trình khá hay và bổ ích, nên mình đã dịch và biên tập lại eps. gần đây nhất - The Last Straw, như 1 pilot post cho mini project E-note của mình. Nếu các bạn quan tâm, mình sẽ cố gắng dịch và post tiếp các eps. khác của show radio này, cũng như tìm thêm các chương trình hay ho khác để giới thiệu đến các bạn. Các bạn cũng có thể trực tiếp nghe các eps. trước của chương trình tại website https://www.waywordradio.org/ hoặc trên Sound Cloud theo đường dẫn https://soundcloud.com/waywordradio . Đối với người dùng Android, các bạn có thể tải app CastBox để tiện theo dõi.
---
---
Quaaltagh - /ˈkwɑːltək/ là từ được dùng để chỉ người đầu tiên đến nhà trong năm mới (tương tự như người xông đất ở Việt Nam trong ngày mồng một  Tết). Từ này có nguồn gốc từ vùng đảo Man (một vùng đất tự trị, lãnh thổ phụ thuộc của Hoàng gia Anh, nằm ở vùng biển giữa Anh và Ireland), với gốc từ quaail - có nghĩa là gặp gỡ hoặc tụ họp.

---
Bạn có thắc mắc tại sao chúng ta gọi máy sưởi là heater, nhưng máy lạnh lại được gọi là air-conditioner mà không phải là cooler, trong khi từ conditioning lại có thể được hiểu là việc điều chỉnh nói chung, tức là cả nóng – lạnh đều có thể dùng được ?
Từ “air-conditioning” lần đầu tiên được nêu ra bởi Stuart W. Creamer, một kỹ sư ngành dệt. Trong bảng mô tả về hệ thống điều hòa không khí do ông chế tạo, thuật ngữ “air-conditioning” được dùng để chỉ việc kiểm soát các yếu tố như chất bẩn, độ ẩm, nhiệt độ … của không khí bên trong xưởng dệt, để mọi thứ có thể hoạt động tốt nhất. Mục đích ban đầu của hệ thống này - tiền thân của máy lạnh ngày nay, chỉ là nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm; chứ chả phải để giúp cho công nhân có một môi trường làm việc thoải mái hơn. Và đối với các máy lạnh hiện đại, thì việc sử dụng từ “air-conditioner” cũng khá là hợp lý. Bởi ngoài tác dụng chính là điều chỉnh nhiệt độ, máy lạnh còn có công dụng làm giảm độ ẩm và lọc các chất bẩn trong không khí.

















---
“Snuba” là từ kết hợp giữa “snorkel”"scuba diving”, dùng để chỉ môn lặn nhưng không cần đeo bình dưỡng khí sau lưng, không cần phải mặc quần áo người nhái và đội mũ bảo hiểm dưới nước. Người lặn chỉ cần trang bị kính lặn và chân vịt đơn giản như trong môn snorkel. Họ sẽ được tiếp dưỡng khí bằng các ống tube cao su dài - nối với bình hơi gắn vào một bè cao su thả nổi trên mặt nước.


---
Cụm từ “the last straw” có thể được hiểu (theo nghĩa tiêu cực) là “giọt nước làm tràn ly”. Khi một ai đó bị chọc giận hay phải nhẫn nhịn một điều gì đó quá lâu và không thể cho qua thêm được nữa, thì "the last straw" chính là thứ sẽ làm cho núi lửa phun trào - một việc quá sức chịu đựng. Từ này bắt nguồn từ câu “The straw that broke the camel's back”, liên quan đến câu chuyện về một tay Ả-rập kinh doanh dịch vụ vận tải bằng lạc đà. Vì tham lam, lão ta cứ cố chất thêm thật nhiều rơm lên lưng con vật khốn khổ. Một bao, hai bao, và một bao nữa… cho đến khi nó không còn đủ sức để đứng vững. Rồi, gió đưa cọng rơm la đà, rơi trên lưng nặng – chú lạc đà ngã ngang. Một phiên bản cũ hơn cho câu này là "It is the last feather that breaks the horse's back".

---
#Puzzle# - Phần giải đố trong eps. này có nội dung tương tự với trò chơi giải ô chữ. Nhưng thay vì đưa ra clue và gợi ý về chữ cái đầu tiên, chúng ta sẽ dùng các chữ cái ở giữa của từ đó. Inside out !
(Đáp án nằm ở cuối bài)
1/. A holiday (12) ? ----ksgi----
2/. She checks figures (10) ? ----ke----- 
3/. Hacker (10) ? ----er---- 
4/. Risk (10) ? ----ar----
5/. A zoo denizen (10) ? ----pa---- 
6/. Subway shark (10) ? ----po---- 
7/. “A” (10) ? ----fi---- 
---
Đôi khi bạn nghe thấy một số người hét to “Geronimo !!!” khi họ phi thân xuống hồ bơi. Việc này có nguồn gốc từ lực lượng lính dù của Mỹ trong Thế chiến thứ II, và câu chuyện cũng có một vài phiên bản nhưng không mấy khác nhau. Đó là vào năm 1940, khi mà các trung đội lính dù đầu tiên vừa được tổ chức và bắt đầu tiến hành các nhiệm vụ nhảy dù tập dượt tại căn cứ Fort Benning, bang Goergia. Trước buổi nhảy thử nghiệm, một người bạn cùng đơn vị của binh nhì Aubrey Eberhardt đã cá rằng anh ta không đủ dũng cảm để nhảy khỏi máy bay. Tức mình, Eberhardt đã tuyên bố rằng anh ta không hề sợ hãi, nhảy dù chỉ là chuyện muỗi. Và để chứng minh rằng lúc lao vào không trung mình vẫn còn tỉnh táo, anh ta đã hét thật to “Geronimo” – tên của một chiến binh Apache dũng cảm và kiên cường, nhân vật chính trong bộ phim có cùng tiêu đề được trình chiếu khá rộng rãi trong các căn cứ để khích lệ tinh thần của lính tráng lúc bấy giờ. Nó nhanh chóng trở thành một khẩu hiệu trong các đơn vị lính dù. Đến năm 1941, khi Trung đoàn lính dù 501 được thành lập, họ thậm chí đã xin phép gia đình Geronimo ngoài đời để được sử dụng cái tên này như là một phần trên huy hiệu của Trung đoàn. Khẩu hiệu này sau đó đã lan rộng ra cả các đơn vị khác, và thậm chí vẫn còn được dùng rộng rãi trong quân đội cho đến ngày nay.

















---
NIMBY là từ viết tắt của cụm “Not In My Back Yard” (Ứ phải trong khu tao sống). Đây là một từ mang nghĩa tiêu cực, thể hiện sự quan ngại sâu sắc của cộng đồng dân cư đối với đề xuất hoặc dự án xây dựng những công trình to bự mà khi thực hiện, có thể gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống thường nhật của họ. Từ này không hẳn mang ý nghĩa phản đối hoàn toàn; người dân vẫn cho rằng dự án hoặc kế hoạch quy hoạch đó là cần thiết, miễn sao nó không được tiến hành gần nơi họ sinh sống. Những người có tư tưởng Nimbyism được gọi là Nimbys. Một từ mang nét nghĩa mạnh hơn đó là BANANA - "Build Absolutely Nothing Anywhere Near Anyone".

---
Câu “I’m falling to staves” có thể được dùng để nói rằng, mình đã đói đến rã ruột, đói mờ cả mắt rồi. Câu này cũng từa tựa như câu “I’m starving to death” nhưng mang nhiều tính ẩn dụ hơn. “Stave” là các thanh gỗ cong được ghép lại với nhau bằng các vòng niềng kim loại (hoop) để tạo thành các thùng gỗ barrel (loại dùng để đựng rượu). Khi bạn đói đến mức bủn rủn tay chân – the band comes loose, thì có nguy cơ là bạn sẽ đổ ập xuống đất như những thanh gỗ kia vậy.

---
Có một số cụm từ chỉ hành động trước đây đã từng rất phổ biến, đến mức mà chúng ta có thể dùng cử chỉ để thay cho việc nói ra chúng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và cuộc sống, những cụm từ; cử chỉ này đang dần dần biến mất. Ví dụ như, thay vì trực tiếp hỏi giờ, chúng ta có thể đưa tay lên và chỉ vào cổ tay mà người đối diện vẫn có thể hiểu ý. Nhưng có lẽ việc này sẽ sớm không còn nữa, cũng như hành động quay tay để hạ cửa sổ ô-tô; nay đã bị thay bằng việc ấn nút bấm. Cụm từ “roll down the window” giờ đây có lẽ chỉ còn xuất hiện trong văn viết. Tương tự, chúng ta có “turn up the TV”, dù vẫn còn được dùng, nhưng rõ ràng nó không thực sự là “turn up” như trước đây nữa. “Tick tock” có lẽ cũng sẽ cùng chung số phận, bởi giờ đây chúng ta đã có smart-phone tiện lợi thay cho đồng hồ kim – sẽ chẳng còn ai kê tai để nghe âm thanh “the clock is ticking” nữa.

---
Bạn có biết từ “Leather Britches” có nghĩa là gì không ? Leather là da, còn britches là một loại… quần lót dài; nhưng “leather britches” lại được dùng để chỉ… món đậu phơi khô. Bạn có thể tìm thấy từ này trong một số sách hoặc video dạy nấu ăn đấy =]].

Từ này có lẽ bắt nguồn từ hình dạng và màu sắc của xâu đậu sau khi phơi. Vỏ đậu khô sẽ chuyển sang màu nâu sậm với vẻ ngoài thô ráp và sần sùi. Cộng với việc được xâu lại thành từng xâu dài nên sau khi phơi, chúng trông y hệt các tấm da lớn, hay một cái quần da dài kiểu như các tấm Chap của cao bồi. Từ này thực sự không quá phổ biến, nó được dùng chủ yếu ở phía Nam và miền Tây nước Mỹ, đặc biệt là trong cộng đồng dân cư vùng núi Appalachia.
---
Đối với những người mắc phải các bệnh kinh niên hoặc dị tật bẩm sinh, cuộc sống của họ thật chẳng dễ dàng gì. Họ phải luôn dè sẻn sức lực và năng lượng, cả thể chất lẫn tinh thần, để có thể chống chọi với bệnh tật mỗi ngày. Nhưng đôi khi; các triệu chứng bệnh lý của họ lại không biểu lộ ra bên ngoài một cách rõ ràng. Do đó rất khó để giải thích cho người khác – những người khỏe mạnh; biết cảm giác tồi tệ và tình trạng sức lực bị bào mòn từng chút một của người bệnh là như thế nào.
Tác giả Christine Miserandino trên website của cô – But You don’t Look Sick, đã dùng hình ảnh những chiếc thìa – spoons, để mô tả về cuộc sống thường nhật của một bệnh nhân mắc chứng Lupus ban đỏ hệ thống.
(Mong các bạn bỏ ra một ít thời gian để đọc 2 link trên)
Đó là một bữa tối với người bạn cùng phòng thời Đại học của Christine. Khi thấy Christine dùng thuốc sau bữa ăn, người bạn đột ngột hỏi cô về căn bệnh kỳ lạ mà cô đang phải chịu đựng. Christine cố giải thích trước vẻ mặt tò mò của người bạn, vẻ mặt của một người khỏe mạnh nhìn một bệnh nhân như thể đang hỏi – cậu không ổn chỗ nào thế ?
Christine bỗng nhiên lóe lên một ý tưởng. Cô gom những chiếc thìa trên bàn lại thành một bó lớn trong tay, rồi đưa cho người bạn. “Đây, cậu hãy cầm lấy bó thìa này và thử bẻ gãy nó xem sao !”. Ấy chết, mình nhầm; “Hãy tưởng tượng cậu mắc bệnh Lupus, như mình. Và đây, mỗi ngày cậu sẽ phải đưa ra sự lựa chọn, cậu phải cân nhắc thật kỹ những việc mà cậu sẽ làm trong ngày. Bởi vì, sức lực của cậu có hạn, như số thìa mà cậu đang có trong tay. Mỗi khi cậu làm một việc gì đó, sức lực của cậu sẽ bị “múc” đi một ít, cho đến khi cậu chẳng còn lại cái thìa nào”.
“Tớ có 12 chiếc thìa, tớ có thể có thêm không ?” Cô bạn cười đùa và hỏi, “Không, cậu chỉ có từng này thìa cho một ngày thôi”. Và hãy thử hình dung nhé, ngay khi thức dậy vào buổi sáng; thực ra là phải cố ép bản thân mở mắt sau một đêm ngủ không ngon giấc, và sau đó dùng hết sức để có thể bò ra khỏi giường, bạn mất một chiếc thìa. Sau đó bạn sẽ phải nấu bữa sáng – để có chút gì đó dằn bụng trước khi có thể uống thuốc, nếu không ngày hôm đó của bạn coi như xong – một chiếc thìa nữa ra đi. Tiếp theo là việc tắm rửa và thay quần áo – bao gồm cả việc phải lựa chọn trang phục sao cho phù hợp. Nếu bạn đang sốt – bạn sẽ cần áo ấm. Áo dài tay để che những vết bầm cơ đêm qua. Có khi bạn sẽ phải chọn lựa giữa áo có khuy cài hoặc không có khuy; tùy thuộc tình trạng nhức mỏi của bắp tay – bạn lại vừa mất một chiếc thìa. Cho đến cuối ngày, bạn vẫn chưa ăn tối – và bạn chỉ còn đúng một chiếc thìa duy nhất. Nấu ăn và sau đó bạn sẽ chẳng còn đủ sức để dọn dẹp, hoặc ra ngoài dùng bữa và bạn sẽ không thể lái xe an toàn về nhà… 

Những người khỏe mạnh có vô hạn những chiếc thìa, còn Christine chỉ ước mình không phải đếm số thìa mà cô có vào đầu mỗi ngày. Hơn nữa; cô ấy luôn phải để dành lại một chiếc, phòng khi…
Hình ảnh ẩn dụ của những chiếc thìa đã giúp mọi người có thể hiểu hơn về bệnh tình, về sự đau đớn và những tranh đấu mà Christine, cũng như hàng chục nghìn bệnh nhân khác phải trải qua; mỗi ngày. Và cũng từ đó, từ spoonies được dùng để chỉ những người “trông có vẻ ổn”; nhưng thực chất đang phải từng ngày chống chọi với những căn bệnh quái ác.
---
Một trong những cách dùng uyển ngữ để nói về việc “vào nhà vệ sinh” hoặc "giải quyết nỗi buồn" (wew, khá là tế nhị, nhất là đối với phụ lữ) là dùng câu “I have to go to see a man about a horse” (hoặc có khi là “a dog”). Câu này có thể được dịch ra tương tự trong tiếng Việt là “Xin lỗi em ! Anh phải đi gặp một người bạn mà sau này em sẽ rất thích”, hoặc dân dã hơn là “Tao đi tưới cây tí”.

---
Từ cuối cùng của eps. này là “Gregarious Laughter”, nhưng mình nghe không thấm cho lắm. Bạn nào hiểu được thì có thể post vào phần bình luận cho mọi người (và mình) cùng biết nhen ^^.
---
Đáp án Puzzle:
1/. Thanksgiving/lễ Tạ ơn.
2/. Bookkeeper/thủ thư.
3/. Lumberjack/tiều phu.
4/. jeopardise.
5/. Chimpanzee.
6/. Pickpocket/kẻ móc túi  (từ “shark” còn được dùng để chỉ những kẻ lừa đảo, lưu manh).
7/. Indefinite (indefinite article/"a" là một mạo từ bất định).