Học sử để làm gì?
Đầu tiên, để tôi hỏi trước, theo các bạn, học môn lịch sử để làm gì? Để biết rõ quá khứ, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào...
Đầu tiên, để tôi hỏi trước, theo các bạn, học môn lịch sử để làm gì?
Để biết rõ quá khứ, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc?
Trong các giáo án của bọn tôi, công việc dạy học thường được phân chia thành giáo dục và giảng dạy. Giáo dục là phần việc tu dưỡng con người còn giảng dạy là truyền tải kiến thức, kỹ năng. Các bạn thấy đấy, những mục đích ta vừa nêu ra đều rơi vào phần giáo dục. Thử đọc cái đề cương ôn tập sử 12 mà xem, bạn sẽ thấy nó chả khác của môn tư tưởng Hồ Chi Minh lắm. Tôi có cảm giác như là đội ngũ giảng dạy môn lịch sử không phải trực thuộc Bộ giáo dục, mà thuộc Ủy ban tuyên giáo trung ương ấy. Rõ ràng là môn lịch sử đang phải nhận những nhiệm vụ, mà tôi cho là, đi hơi xa so với mục đích ban đầu của nó.
Để hiểu rõ hơn về môn sử thì không gì bằng hỏi người trong ngành. Tôi đã hỏi mấy người học chuyên sử, giáo viên dạy sử, và một số bạn thích môn sử một câu này: "tại sao lại chọn môn sử?". Ngoài mấy lý do kiểu"tại thi tạch khối d" hay "vì cô dạy sử rất xinh và dễ thương" thì cũng có những bạn thực sự thích đọc những câu chuyện trong sử, và khi nhận được chồng SGK mới thì quyển đầu tiên rút ra đọc là quyển lịch sử. Cơ mà những trang được đọc hầu hết là những đoạn hành quân, xưng đế, công bốt đốt thuyền. Nếu có môn học về thủy hử hay những cuộc phiêu lưu của sinbad thì chắc hẳn sẽ được yêu thích hơn môn lịch sử.
Đọc thêm:
Không, tôi không phán xét hay châm chọc gì các bạn ấy cả, có 1000 lý do dở hơi để yêu một cô gái, thì sự yêu thích của bạn với môn sử dù xuất phát từ đâu, cũng không thể bị phủ nhận. Cái tôi muốn nói là thậm chí trong những bạn dân sử, nhiều bạn vẫn không thực sự hiểu ý nghĩa của việc học môn lịch sử. Lý do mà các triều đại xa xưa đều phải đặt ra những cơ quan chép sử, lý do mà những nhà sử học dành cả cuộc đời để nghiên cứu những cục đá cũ kĩ
Giá trị của lịch sử chính là KINH NGHIỆM
Kinh nghiệm là thứ quý giá, và đắt giá mà ta cần rút ra từ đống hỗn độn của lịch sử. Ta học về một triều đại không phải để biết sinh nhật của một vị vua, mà để đánh giá những quyết định của ông đã đem lại kết quả thế nào. Ta học về một cuộc chiến tranh không phải để biết vị anh hùng của trận đó đã tàn sát được bao nhiêu địch thủ, mà để xem lợi ích nó mang lại có xứng đáng với những tổn thất phải gánh chịu hay không. Kinh nghiệm quý giá, và vô cùng đắt. Thành Troy đã phải tắm máu để học được rằng, ý tốt của kẻ thù không bao giờ là ý tốt. Người Campuchia đã phải trả hàng triệu sinh mạng để biết rằng, tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa khi chưa đủ sức mạnh là bất khả thi. Phương đông đã phải làm nô lệ cả trăm năm để hiểu được rằng, cánh cửa khẩu là không đủ để bảo vệ trước sức mạnh của khoa học công nghệ. Khi tiền nhân đã trả học phí, công việc của chúng ta là không được để lãng phí một chút nào khóa học ấy.
Nãy giờ là tôi đang lọc phần giáo dục ra để tìm cái chúng ta cần giảng dạy trong môn lịch sử, chứ không phải muốn loại bỏ chúng. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là những món trang trí nên có cho chúng ta, và môn lịch sử vừa vặn là một cây thông phù hợp để trưng chúng lên. Nhưng đừng nhiều quá. Những đứa trẻ chỉ biết cây thông noel bọc kim tuyến sẽ nói rằng: "cây thông là một loại cây hình tam giác, có quả nhiều màu và củ hình vuông có thắt nơ". Chúng sẽ chẳng biết đến loài cây mạnh mẽ, cao lớn vươn thẳng lên trời. Cái nhìn phiếm diện về lịch sử cũng sẽ để lại những hậu quả tương tự. Đọc quyển SGK lịch sử hay hầu hết các tài liệu lịch sử Việt Nam khác, ta đều thấy rõ sự thiên lệch. Chia hai bên trong cuộc chiến thành hai phe địch và ta? được rồi một vài hạt đánh dấu cho dễ phân biệt. Lấy sợi kim tuyến chính nghĩa khoác vào cổ mình? bắt đầu thấy vướng vướng rồi. Cắt xén một vài đoạn ngoài ý muốn? chúng ta đang đẽo cây thông kiêu hãnh thành cây noel rồi đó.
Tôi cho là, nên để lớp trẻ được tiếp cận với lịch sử tự nhiên hơn. Có thể chúng sẽ bớt yêu nước đi một chút, không để avatar cở đỏ sao vàng nữa, nhưng chúng sẽ có sự cân bằng hơn để học hỏi những điều quý giá trong kho báu mà lịch sử để lại.
Tóm lại, cái đống lảm nhảm từ nãy đến giờ là nói về cái nhìn (phiến diện thôi) của mình về môn lịch sử. Bài viết được viết ngẫu hứng nên khá lung tung và sơ sài, các bạn thông cảm nhá :D
Đọc thêm:
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất