Học sinh - sản phẩm công nghiệp hay hữu cơ ?
Tôi - suốt những năm cấp 3 là một đứa khá là mờ nhạt, rụt rè và không hay phát biểu trong lớp. Tôi áp đảo bản thân bởi những chuẩn...
Tôi - suốt những năm cấp 3 là một đứa khá là mờ nhạt, rụt rè và không hay phát biểu trong lớp. Tôi áp đảo bản thân bởi những chuẩn mực của các bạn xung quanh nên không dám đưa ra tiếng nói. Nhưng tôi lại thấy mình hạnh phúc với những hoạt động xã hội bên ngoài, dù ở vị trí nhỏ nhất. Bởi, tôi thấy mình có ích và bản thân được tách ra khỏi môi trường quá nặng nề ở trường. Ba năm cấp 3, chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình có thể đi xa hay lập một dự án xã hội. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có quyết tâm để đọc những kiến thức khó nhằn từ nước ngoài ở trên mạng về một chủ đề hay đọc những cuốn sách về các chủ đề khác nhau trong cuộc sống. Nghe thật to tát, vậy mà tới thời điểm này, tôi đang trên con đường đó. Tôi tìm thấy bản thân mình nhiều hơn khi đi ra ngoài, khi được gắn kết với cộng đồng và khi cảm thấy mọi việc mình làm có ích, không có nhiều phán xét tiêu cực.
Câu chuyện của tôi cũng là điều mà tôi luôn trăn trở về việc làm thế nào để một cá nhân nhận ra năng lực của mình và thực hành nó trong môi trường trên ghế nhà trường - nơi mà họ sẽ đi theo trong suốt chặng đường dài của đời mình. Vì sao chỉ khi học sinh bước ra ngoài trường học họ mới cảm thấy mình ham học? Vì sao số lượng lớn học sinh Việt Nam có xu hướng đi du học nước ngoài, còn những bạn có hoàn cảnh khó khăn, làm sao để các bạn ấy có được môi trường học tập tốt hay đơn giản, tìm đến được môi trường phù hợp? Làm thế nào để cá nhân tự tin, hạnh phúc khi đi học?
Tôi càng đi, càng gặp nhiều người, càng tìm hiểu thì tôi càng nhận ra điều thôi thúc mỗi cá nhân phát triển để học tập là sự tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau để trải nghiệm và có thêm thông tin, kiến thức; sự nhận thức rõ ràng về mục đích của việc học, môi trường học tập cởi mở nơi năng lực mỗi cá nhân là sự đa dạng tích cực và đáng được tôn trọng, không nên bị phán xét và ép buộc theo một khuôn mẫu. Tôi đã gặp một anh chàng học trên lớp bị coi là yếu kém nhưng lại đưa ra được nhiều ý kiến rất hay trong một buổi toạ đàm về Triết học. Hay như có rất nhiều người lớn đã từng nghĩ mình không có năng khiếu nghệ thuật và nghệ thuật không quan trọng với họ nhưng lại tự nguyện tham gia nhiều khoá học về vẽ, viết, làm phim của một dự án xã hội. Một nhóm học sinh dừng việc học ở trường đại học để tự theo đuổi các phương pháp giáo dục thay thế như: giáo dục tự hướng, giáo dục tự chủ, cùng đi du lịch để tìm hiểu cộng đồng, học các khoá học trên mạng. Những ví dụ đó là minh chứng cho việc ham học hỏi luôn có sẵn trong mỗi con người vì con người luôn muốn mình trở nên tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Và câu hỏi tiếp theo đặt ra trong tôi - tôi phải làm gì để vấn đề này được cải thiện hơn?
Tôi tìm đến cuốn sách “ Creative school” của Sir Ken Robinson. Cuốn sách với những triết lý giáo dục sâu sắc, những mô hình học tập sáng tạo có thực được giáo sư đúc kết sau nhiều năm đi khắp nơi trên thế giới để tìm hiểu, nghiên cứu nhằm phát triển sự sáng tạo ở trường học, định hướng mỗi cá nhân tìm ra điểm mạnh luôn có trong mỗi con người. Tôi bị thu hút bởi một xưởng làm việc trong trường tiểu học - nơi những đứa trẻ tới trường học và được thực hành những công việc có thực như lắp ráp, bán hàng; hiệu trưởng của một trung tâm giáo dục thường xuyên đã khiến cho số học sinh nghỉ học quay trở lại trường vì bà tập trung vào tìm hiểu hoàn cảnh cá nhân của mỗi học sinh thay vì thay đổi những luật lệ, môn học như các thế hệ hiệu trưởng trước; triết lí coi giáo dục như việc tạo ra một sản phẩm hữu cơ - chăm, bón trong một môi trường lành mạnh, thuần tự nhiên thay vì tạo ra một sản phẩm công nghiệp - đi theo một dây chuyền, lấy sản phẩm đạt theo một tiêu chuẩn nhất định để phục vụ lợi nhuận và những sản phẩm không theo khuôn mẫu bị coi là đồ thừa. Trong đầu tôi nghĩ tới việc có một cộng đồng - nơi mà những phương pháp, triết lý này được lan toả để mỗi người có thêm hiểu biết, thêm thông tin hơn, giúp cho việc học tập của họ tốt hơn. Tôi cũng đi nhiều nơi ở Việt Nam và biết thêm nhiều phương pháp học tập hay như thế. Tôi tin rằng ở cả trong và ngoài nước đều có những người đang nỗ lực để những môn học không trở nên nhàm chán, để mỗi cá nhân được phát triển đúng theo năng lực. Và những điều đó cần được lan toả rộng hơn.
Sau một khoảng thời gian ở Sài Gòn, tôi quay trở về Hà Nội để thực hiện dự án của mình vào đầu tháng 9 này. Tôi biết rằng mình vẫn còn chưa có nhiều mối quan hệ để chia sẻ thật nhiều, kĩ năng lãnh đạo của tôi không thực sự vượt trội để có một dự án lớn, nhưng tôi tin vào bản thân luôn bước đi xa hơn năng lực hiện tại, luôn học hỏi và mong muốn gặp nhiều người để có thêm kiến thức, tư duy. Với niềm tin vào những thay đổi tích cực của rất nhiều cá nhân trong cộng đồng đang cống hiến vì một giáo dục tốt đẹp hơn, tôi tin mình và dự án sẽ mang tới nhiều giá trị cho cộng đồng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất