Dù sống trong thời đại công nghệ với mọi tiện ích mua sắm mới mẻ, thế nhưng GenZ vẫn đang quản lý tốt chi tiêu của mình. Trả lời RedBag xoay quanh chủ đề: “Săn sale có đồng nghĩa với tiết kiệm không?”, những bạn trẻ này đã có những chia sẻ thú vị nào về việc chi tiêu mua sắm? Hãy cùng RedBag theo dõi nhé.

Nguyễn Mai Thảo - Content Creative

Mai Thảo - Cô gái GenZ trẻ trung với cách chi tiêu mua sắm rõ ràng.
Mai Thảo - Cô gái GenZ trẻ trung với cách chi tiêu mua sắm rõ ràng.
Mình không hẳn là một người săn sale có quy trình, chỉ khi có nhu cầu muốn mua sắm một món đồ nào đó mình mới phải săn sale vào đúng dịp mà thôi.
Theo đó, mình dành 70% thu nhập dành cho việc mua sắm. Tuy đó là một con số khá cao nhưng bởi hiện giờ mình cũng vừa mới đi làm và tự lo, nên cũng cần sắm sửa nhiều thứ cho sinh hoạt hàng ngày và công việc. Ngày trước, mình dành phần nhiều thu nhập để mua sắm quần áo hay mỹ phẩm, nhưng kể từ khi có dịch, mình hạn chế hẳn và chỉ tập trung cho những khoản cần thiết mà thôi.
Thật ra, mình cũng ít khi nào chi tiêu vượt quá hạn mức đã đề ra. Có thể là vì mình không có nhu cầu muốn mua nữa và thứ hai là do tác động của môi trường làm việc. Nếu thời gian đi làm nhiều hơn thời gian nghỉ ngơi thì chắc chắn khoản chi tiêu cũng sẽ bớt lại. Nhưng nếu có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn thì mình sẽ nghĩ đủ cách để chi tiêu cho bản thân và khoản tiền này có khi lại tăng.
Nói về khoản dự phòng, mình thấy bạn bè mình thường dành hẳn 3 tháng lương cho khoản này. Cá nhân mình thấy đây là một cách hay để đề phỏng cho những rủi ro, bất trắc xảy ra. Thế nhưng, vì mấy tháng dịch vừa qua mình cũng không đi làm nhiều nên chưa có khoản dư cũng như chưa đủ nhiều để dành ra một khoản dự phòng cố định.
Tuy nhiên, nếu sau này mức thu nhập của mình ổn định hơn thì nhất định mình sẽ dành ra 10% lương để dự phòng, giảm khoản chi tiêu mua sắm xuống còn 30%, 50% dành cho các chi phí cố định và 10% còn lại có thể dành cho giải trí, cà phê cùng bạn bè.
Săn sale có thực sự giúp Mai Thảo tiết kiệm hơn hay không?
Ban đầu, suy nghĩ săn sale chủ yếu là để tiết kiệm. Thế nhưng mình lại thấy khá nhiều người “lộng” việc này quá. Sẽ có những cửa hàng đôn giá lên để đến dịp khuyến mãi là giảm giá xuống, vậy nên nó cũng không giúp mình tiết kiệm hơn. Mình thấy khoa học nhất là khi nào cần đến sản phẩm đó mình hẳn săn sale, chứ không nên dành thời gian cho nó như một công việc hằng ngày.
Đôi khi chúng ta mua đồ giảm giá vì nghĩ một lúc nào đó mình cũng sẽ cần đến nó, nhưng trên thực tế bạn sẽ lại chạy theo những món đồ khác mà thôi. Ví dụ như quần áo, khi bạn cảm thấy nó lỗi thời rồi, bạn sẽ không còn muốn mặc nó nữa. Chỉ khi biết được món đồ nào mình thật sự cần và săn sale thì sale lúc này mới trở thành công cụ hỗ trợ mình tiết kiệm hơn.

Bùi Phương Nam - Backend Developer

Phương Nam - Chàng trai đam mê đồ công nghệ với cách mua sắm đặc biệt.
Phương Nam - Chàng trai đam mê đồ công nghệ với cách mua sắm đặc biệt.
Mình không phải là một người quá thích săn sale mà chỉ mua sắm khi nào có nhu cầu thôi. Thật sự nếu mà cần một món đồ nào đó, mình sẽ tìm cách săn sale. Như thế thì chi phí mà mình bỏ ra cho món đồ đó có thể sẽ ít hơn.
Mình đang dành khoảng 20-30% thu nhập cho việc mua sắm nhưng cũng còn tùy thuộc vào từng thời điểm. Chẳng hạn, khi mình cảm thấy món đồ đó thật sự cần thiết để phục vụ cho công việc hay học tập, mình sẽ mua ngay. Do đó, hạn mức này sẽ tăng một chút.
Vì mình là con trai và cũng làm về IT nên đa phần các món đồ mình mua sắm đều là đồ công nghệ. Thế nên, mình luôn tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền cho một món đồ nào đó. Ngoài tính cần thiết thì sự tiện dụng cũng là yếu tố quyết định việc mua sắm của mình. Nếu giá trị món đồ đó lớn, mình sẽ tiết kiệm trong khoảng 2-3 tháng để mua, còn nếu giá tiền của nó vừa phải thì mình sẽ mua luôn trong đợt Sale.
Ngoài ra, mình cũng hay sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm. Bởi đa phần các sàn thương mại điện tử hiện nay đều đã liên kết với thẻ tín dụng, giúp cho việc thanh toán dễ dàng hơn. Cái hay nữa của thẻ tín dụng đó là tính năng: “Mua trước - Trả sau”, nó không chỉ giúp mình sở hữu ngay món đồ mình yêu thích mà còn chia nhỏ khoản tiền cần phải trả. Từ đó, giúp mình chủ động hơn trong việc cân đối tài chính.
Một điều nữa mình nghĩ là khá quan trọng trong việc mua sắm đó là: Có nhất thiết phải mua đồ ở những thương hiệu lớn hay không? Có những món đồ giá rất cao chỉ vì thương hiệu của nó lớn. Thế nhưng, cũng có những món đồ với chất lượng tương đương nhưng thương hiệu không phổ biến bằng, mình sẽ chọn ngay món đồ đó. Vì nếu chất lượng như nhau mà giá thành ở những thương hiệu này thấp hơn thì tại sao không?
Săn sale có thực sự giúp Nam tiết kiệm hơn hay không?
Mình nghĩ rằng săn sale cũng là một hình thức mua sắm tiết kiệm. Tuy nhiên, có tiết kiệm được hay không cũng còn phụ thuộc vào nhu cầu và cách săn sale của bạn. Giả sử, bạn rất muốn mua món đồ A, nhưng lại không cần gấp. Vậy bạn hoàn toàn có thể chờ đến dịp khuyến mãi của nó để săn sale và bạn sẽ mua được nó với mức giá tốt hơn.

Trần Tấn Lộc - Business Development Manager

Tấn Lộc - Chi tiêu mua sắm luôn nằm trong kế hoạch.
Tấn Lộc - Chi tiêu mua sắm luôn nằm trong kế hoạch.
Thật ra, mình không phải là một người thích săn sale mà khi cần mình sẽ chi tiền luôn. Đối với mình, mình muốn tiết kiệm thời gian hơn là tiết kiệm tiền. Vì quỹ thời gian của mình sẽ tạo ra được nhiều tiền hơn so với việc dành thời gian để săn sale.
Thông thường, mình sẽ mua đồ theo một thời điểm nhất định trong năm. Chẳng hạn như vào tháng 6 và tháng 7, mình sẽ mua một số thứ như quần áo, giày dép hoặc các thiết bị công nghệ,... Nếu tính ra nó sẽ chiếm khoảng 10-15% thu nhập của mình trên một năm.
Mình cũng là người có tính kỷ luật cao trong việc sử dụng tiền. Thường khi bước vào một năm mới, mình sẽ ước tính được là mình sẽ chi tiêu mua sắm hết bao nhiêu. Phải nói là để mua được một món đồ nào đó, bao giờ mình cũng hoạch định trước một kế hoạch trong khoảng 3-4 tháng. Mình sẽ không quan tâm giá cả như thế nào mà quan trọng là nó có theo đúng kế hoạch mình đã vạch ra hay không. 
Như vậy, mình cũng sẽ lường trước được các tình huống bất ngờ khiến mình phải chi tiêu vượt quá giới hạn. Thế nhưng nếu chẳng may có những khoản phát sinh khác khiến số tiền này bị dội lên, mình sẽ kiếm thêm thu nhập để bù vào. Mình nghĩ nó sẽ dễ hơn là tiết kiệm. 
Mình không chi tiêu quá nhiều không có nghĩa là mình sẽ khắc khổ với bản thân. Mà là để mình đặt ra được những mục tiêu dài hạn hơn. Không hẳn chỉ là 1, 2 năm mà có khi đến vài năm. Lúc này, mình sẽ có được động lực hơn trong việc giữ tiền để làm sao đạt được mục tiêu mình mong muốn.
Ngoài việc không chi tiêu cho những món đồ không cần thiết, mình còn đầu tư nữa. Điều này vừa giúp mình không quá chi tiêu chắt bóp mà còn thoải mái sử dụng tiền đúng mục đích.
Săn sale có thực sự giúp Lộc tiết kiệm hơn hay không?
Khi theo dõi các bạn hay mua hàng giảm giá, cá nhân mình nhận thấy có 2 vấn đề sau:
Thứ nhất về bản chất giá của món hàng hóa đó đúng là sẽ thấp hơn so với giá gốc, nhưng thường nó sẽ đính kèm thêm một vài sản phẩm khác. Lúc này, chi phí mình bỏ ra có khi còn cao hơn giá của món hàng đó. Vậy là bạn đang săn sale hay để món đồ đó săn ngược lại túi tiền của mình?
Thứ hai, mọi người thường có tâm lý là: Nếu bây giờ mình không mua thì mình sẽ bị lỡ mất món hời đó. Vậy nên, khả năng cao là bạn sẽ mua ngay lập tức hoặc nếu không đủ tiền cũng sẽ vay mượn bạn bè để mua cho bằng được. Tác hại của việc này đó là bạn sẽ phải mất thêm một khoản tiền lãi và làm thâm hụt nguồn tiền của mình.
Tuy rằng mình không có quá nhiều kinh nghiệm trong việc săn sale, nhưng mình cũng có một vài mẹo nhỏ cho các bạn đó là: Nên vạch ra một kế hoạch mua sắm cụ thể và thực hiện đúng theo kế hoạch đó. Ngoài ra, đừng để bất kỳ điều gì có thể tác động và chi phối quyết định của bạn.
Tiếp theo bạn cần xem xét nguồn tiền của mình. Nếu không thể tiết kiệm hơn được nữa thì hãy tăng thu nhập để việc chi tiêu mua sắm không còn là áp lực.

Võ Phúc Khuê - Social Content Intern

Phúc Khuê luôn mong ước được mua sắm cho bố mẹ bằng số tiền mình kiếm được.
Phúc Khuê luôn mong ước được mua sắm cho bố mẹ bằng số tiền mình kiếm được.
Hiện tại mình đang sống cùng gia đình và cũng chưa có áp lực tài chính nên mình thường dành 60-70% cho việc mua sắm. Trong đó, mình dành 15-20% mua sách để vừa giải trí vừa đầu tư cho công việc, còn lại mình thường dùng để mua sắm quần áo, mỹ phẩm,...
Nói vậy chứ mình cũng thường hay mua sắm vượt quá hạn mức này lắm, mới chỉ có 20 ngày mà mình đã dùng hết số tiền cho mua sắm rồi. Mình cũng chẳng nhớ hết mình đã chi xài cho những thứ gì nữa. Mình nghĩ mình là một đứa thích gì mua nấy nên cũng không quan tâm lắm đến chuyện giảm giá hay không.
Do đó, trước khi xuống tiền cho một món đồ, mình thường chú trọng đến chất lượng và thương hiệu. Mình chỉ thích mua đồ ở những cửa hàng chính hãng hoặc nếu mua sắm online thì mình chỉ quan tâm đến mấy cái Mall (trung tâm mua sắm) như Shopee Mall hay Lazada Mall mà thôi. Điều này cũng giúp mình an tâm hơn về chất lượng của những món đồ.
Ngoài ra, mình cũng sẽ xem là món đồ đó có phù hợp với mình không, có sử dụng được lâu bền hay không rồi mới quyết định mua.
Đối với những món đồ có giá trị lớn hơn như laptop hay điện thoại mà dù muốn mình cũng không thể mua liền được, mình thường sẽ để dành tiền trong vòng 1-2 tháng. Nhưng nếu nó quá cần thiết với mình trong lúc này thì thường gia đình sẽ hỗ trợ tài chính cho mình.
Vì điều này mà mình cũng nghĩ đến chuyện tiết kiệm trong thời gian gần đây. Thứ nhất là bây giờ mình cũng lớn rồi, mình không muốn phải xin tiền bố mẹ quá nhiều nữa. Thứ hai là mình cũng có những nhu cầu mua sắm riêng và cũng muốn sau này sắm sửa lại cho bố mẹ.
Săn sale có thực sự giúp Khuê tiết kiệm hơn hay không?
Săn sale đúng là giúp mình mua được những món đồ rẻ hơn, nhưng cũng vì tâm lý ham rẻ mà nhiều người thường mua lố những món đồ không cần thiết. Đối với một số người không rành săn sale trên các sàn thương mại điện tử sẽ gặp phải trường hợp như một số cửa hàng đôn giá lên để đến khi khuyến mãi thì hạ giá xuống. Cộng thêm việc cứ thấy Flash Sale (giảm giá mạnh) là mua liền và mua cùng lúc 2, 3 món. Vậy nên, nó cũng không giúp mình tiết kiệm lắm. 
Mình cũng bị vài lần như vậy rồi cho nên rút được kha khá kinh nghiệm. Theo mình săn sale có giúp tiết kiệm được hay không sẽ còn tùy thuộc vào hành vi của người tiêu dùng.

Lê Thị Như Thảo - Traffic Acquisition Leader

Săn sale là sở thích của Như Thảo nhưng chỉ săn khi có nhu cầu.
Săn sale là sở thích của Như Thảo nhưng chỉ săn khi có nhu cầu.
Mình rất thích săn sale nhưng chỉ mua khi cần thôi. Tùy từng thời điểm, mình sẽ có nhu cầu mua sắm khác nhau, thường mình sẽ dành 10% thu nhập cho việc này. Tuy nhiên, nó cũng không cố định cho lắm. Bởi có tháng mình sẽ không cần mua sắm gì nhưng cũng có tháng phát sinh thêm các sự kiện bất ngờ khác như du lịch thì mình sẽ tận dụng luôn các đợt Sale để mua đồ. 
Để không chi tiêu vượt quá mức cho phép, đầu tiên mình sẽ xem xét lại nguồn tiền dành cho việc mua sắm. Nếu tiền vẫn còn thì mình sẽ tiếp tục mua sắm nhưng nếu không thì mình sẽ lùi lại đợt sau. Tiếp đến, mình sẽ đánh giá đến tính cần thiết và chất lượng của món đồ đó. Nếu phải trả một cái giá cao hơn để có được một món đồ chất lượng thì mình sẽ không ngại.
Ngoài ra, mình nghĩ điều quan trọng hơn hết là nên có quỹ dự phòng, chiếm khoảng 10% thu nhập thôi cũng được để đề phòng cho những vấn đề phát sinh.
Đối với những món đồ có giá trị lớn hơn, mình thường sẽ lên kế hoạch mua sắm rõ ràng. Rằng cần tiết kiệm bao nhiêu tiền trong khoảng bao lâu để mua được món đồ đó? Ví dụ, lương mình 10 triệu một tháng thì mình sẽ dành ra khoảng 1-2 triệu để dành mua món đồ đó.
Săn sale có thực sự giúp Thảo tiết kiệm hơn hay không?
Mình nghĩ săn sale đúng nghĩa sẽ giúp mình tiết kiệm, nhưng nếu tận dụng thời điểm này để mua sắm quá độ thì săn sale sẽ không còn ý nghĩa nữa và càng không tiết kiệm.

Nguyễn Hồ Bích Luân - Account Manager

Bạn có muốn biết cách lập quỹ săn sale từ Bích Luân hay không?
Bạn có muốn biết cách lập quỹ săn sale từ Bích Luân hay không?
Mình thấy mình là một người chi tiêu khá hợp lý. Khi mình muốn mua một món đồ nào đó thường mình sẽ ghi chú lại rồi đợi đến những dịp Sale lớn như Black Friday hay 12/12 sắp tới để mua sắm. Nó sẽ giúp mình tiết kiệm được một khoản kha khá.
Thông thường, mình cũng lên danh sách mua sắm những món đồ cần thiết như dụng cụ thể thao, quần áo hay laptop để phục vụ cho công việc. Ngoài ra, mình sẽ dành khoảng 10% thu nhập để mua những thứ mình muốn hơn là những thứ mình cần.
Tuy nhiên, đôi lúc mình cũng thường chi tiêu vượt quá khoản này. Bởi mình quan niệm một điều rằng có chi tiêu thì mới có sản xuất. Tức là khi cần chi tiêu mua sắm, nó sẽ là động lực cho mình làm việc. Tất nhiên, mình sẽ vạch rõ ra đâu là thứ mình cần và đâu là thứ mình muốn để biết cần ưu tiên mua sắm những gì. Do đó, mình cũng không quá đặt nặng vấn đề phải chi tiêu mua sắm như thế nào? Nếu có khoản dư nào đó mình sẽ sẵn sàng chi tiêu để tự thưởng cho bản thân mình.
Nhưng nếu tháng đó bị hụt tiền do mua sắm quá đà, mình thường sẽ tăng ca hay kiếm thêm thu nhập từ nhiều nguồn khác để không cảm thấy áp lực. Đó là lý do hiện tại mình có được kha khá nguồn thu từ việc đầu tư qua các ứng dụng tài chính. Hiện mình đang tham khảo app TCBS, một ứng dụng đầu tư chứng khoán của ngân hàng Techcombank hay phổ biến hơn là Finhay, Momo. Còn với những ai muốn đầu tư nhưng ngại rủi ro thì có thể gửi tiết kiệm ngân hàng.
Ngoài ra, khi mua sắm, mình cũng đặc biệt quan tâm đến chất lượng của món đồ, với mình khi đã mua là nên mua cho đáng. Hiện nay, chúng ta cũng thấy được các sàn thương mại điện tử đều có giá niêm yết, vì vậy mình hay lướt qua xem những nơi nào uy tín, giá cả hợp lý thì mình sẽ mua. Nhưng mình sẽ không quan tâm quá nhiều đến giá tiền của một món đồ, bởi “tiền nào của nấy”, mình chỉ xem xét ở mức tương đối thôi.
Săn sale có thực sự giúp Luân tiết kiệm hơn hay không?
Mình nghĩ nó có hai mặt. Giả sử, một món hàng giá có giá 100.000 đồng, nhưng khi đến đợt Sale nó giảm xuống chỉ còn 70.000 đồng, vậy là mình sẽ mua ngay vì biết mình có thể tiết kiệm được 30.000 đồng. Tuy nhiên, nếu đem 30.000 đồng ấy mua thêm những món không cần thiết khác vì nghĩ mình cũng đang lời mà, cứ việc mua thôi thì thực sự nó không giúp mình tiết kiệm đâu.
Vậy nên, mình có một lời khuyên dành cho những ai đang muốn săn sale trong dịp BlackFiday sắp tới là: Hãy tìm hiểu trước giá tiền của những món đồ bạn muốn mua và chuẩn bị sẵn một quỹ săn sale dành cho mình. Đến lúc mua sắm bạn sẽ dễ dàng kiểm soát chi tiêu của mình hơn.
Nguồn: