Học đại học để có tấm bằng đại học.

Nếu bạn đang có ý nghĩ đi học đại học để có cho mình tấm bằng Đại Học, để bằng bạn, bằng bè, để ra trường dễ xin việc, để ba mẹ tự hào. Thì xin lỗi các bạn, tôi phải dùng từ NGU DỐT để nói về ý nghĩ này. Dĩ nhiên, bước qua cả khoảng thời gian 4 - 5 năm đại học thì các bạn cũng nên có cho mình thứ này, tuy nhiên nếu bạn bước qua cả quãng thời gian tuổi trẻ - 12 năm học phổ thông và 4 năm đại học - mà chỉ có cho mình mỗi tấm bằng Đại Học và cần nó trên tay với một sự tự hào, dưng dưng tự đắc, cho rằng mình rất NGẦU,  mong muốn mọi người nhìn thấy là mình đã xuất sắc như thế nào trong khoảng thời gian đó . Thì đó là sự THẤT BẠI, phí hoài tuổi thanh xuân và phí tiền của ba mẹ.

Tấm bằng Đại Học của các bạn chỉ chứng minh một thứ duy nhất đó là Kiến Thức. Cụ thể khi cầm tấm bằng Đại Học đi xin việc, nó chỉ chứng minh được với nhà tuyển dụng hai điều:
1. Bạn là một người thông minh, bằng chứng là ngày xưa bạn đã thi đỗ vào trường ĐH.
2. Bạn đã kiên trì hơn người khác để hoàn thành hết chương trình học và bây giờ bạn đang thực sự nghiêm túc để chuẩn bị cho mình 1 công việc.
Hết!
Và bây giờ , nhà tuyển dụng sẽ chỉ tay vào mặt bạn và nói rằng: " Tao cho mày 5 phút, mày khôn hồn thì trình bày tất cả những gì mà mày đã chuẩn bị trong suốt 12 năm PT và 4 năm Đại học một cách quyết liệt, tự tin và khát khao nhất."

Có nghĩa, bạn phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được là tại sao họ lại chọn bạn, bạn có những tố chất nào, những kỹ năng, kinh nghiệm gì  để họ chọn bạn mà không phải chọn những người khác. Và để dành lấy cho mình cơ hội này, ngoài kiến thức thì bạn phải có được 3 thứ sau đây khi bước qua khoảng thời gian đại học của mình. Bởi, kiến thức là một thứ mà thời gian tồn tại của nó vô cùng ngắn, nó sẽ sớm lạc hậu và không còn được sử dụng nếu như bạn không update nó một cách liên tục. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ, sự chuyển dịch 4.0 càng làm cho kiến thức trở thành một thứ gì đó rất mong manh.

Ba thứ bạn cần phải lấy được khi trải qua cả khoảng thời gian tuổi trẻ của mình.

1. Kỹ năng: Thực tế, đây là thứ mà nó giúp cho bạn trở nên tự tin, mạnh mẽ, khơi dậy trong bạn nguồn năng lượng dồi dào nhưng lại không được chú trọng trong hệ thống giáo dục hiện tại. Bạn phải tự học nó thông qua quá trình tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu, làm việc đội nhóm, tham gia các câu lạc bộ tình nguyện, những tổ chức phi chính phủ, những buổi workshops, đó là: kỹ năng thuyết trình, lên kế hoạch, dẫn dắt, lãnh đạo, theo dõi tiến độ, kiểm soát cảm xúc... Và những kỹ năng này chắc chắn sẽ đi theo các bạn trong suốt quá trình làm việc từ 20-30 năm.

2. Kinh nghiệm: Đây chính là những trải nghiệm về thành công và thất bại của các bạn. Những lần vượt qua giới hạn của bản thân, những lần vấp ngã rồi đứng lên, đau đớn, tuyệt vọng rồi lại tìm cách để vượt qua. Nó định hình nên tính cách và bản lĩnh của bạn, nó chui rèn thứ gọi là kỷ luật, sự nhiệt tình, chân thành, trung thực. Và những thứ này sẽ đi cùng bạn đến suốt cả cuộc đời.

3. Mối quan hệ: Đại học sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ với bạn bè, thầy cô, giảng viên. Và đây sẽ là nguồn tài sản vô cùng lớn cho con đường thành công và hạnh phúc của các bạn sau này, vì một người dù giỏi đến mức nào đi nữa thì vẫn cần phải có bạn bè, có đội nhóm.

Tình bạn của thời đại học chân thành, vô tư, không vụ lợi. Thứ tình cảm mà không có bất kì thứ tài sản nào có thể đong đếm được.

Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn sắp bước vào ngưỡng cửa đại học rằng: Đại học là khoảng thời gian rất dài để chúng ta có thể cùng nhau học hỏi, cùng nhau trưởng thành. Hãy bước qua nó bằng tất cả sự cởi mở, nhiệt tình và khát khao nhất để rồi khi nhìn lại chúng ta có thể nở một nụ cười đầy hạnh phúc vì đã sống hết mình, học hỏi hết sức, trưởng thành vượt bậc, và nhớ - các bạn chỉ 18 tuổi có 1 lần, 19 tuổi, 20 tuổi có 1 lần mà thôi.