Vào thế kỷ 16, 17, khi các nhà khoa học vĩ đại như Nicolaus Copernicus, Galileo Galilei, Johannes Kepler… trình bày thuyết nhật tâm, tiết lộ Trái Đất không phải tâm vũ trụ, họ đã nhận lại những tranh cãi gây gắt từ phía công chúng và giáo hội bởi nó đi ngược với Kinh thánh phổ biến đương thời. Giờ đây, với chúng ta, đây lại là một sự thật hiển nhiên không cần bàn cãi.
Trước kia, sự tồn tại của con người được cho là kết quả từ sự sáng tạo của Chúa, Trời, Thần… cho đến khi học thuyết Darwin ra đời vào thế kỷ 19 đã mở ra một khái niệm mới: Mọi sinh vật, không chỉ mỗi con người, xuất hiện và phát triển nhờ vào quá trình chọn lọc tự nhiên. Đấng tạo hóa chỉ dừng ở việc tối ưu các điều kiện: góc nghiêng của trục Trái Đất, khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, tốc độ quay của Trái Đất quanh Mặt Trời và của Mặt Trăng quanh Trái Đất… để vạn vật sinh sôi.
Cùng hàng ngàn dẫn chứng khác khẳng định việc con người đang không ngừng trưởng thành và hiểu biết hơn về vũ trụ. Đó cũng là lý do hành trình về phương Đông của các nhà khoa học hàng đầu hoàng gia Anh bắt đầu, để khám phá, ghi chép về thế giới tâm linh – nơi mà những thành tựu khoa học tiên tiến hiện nay chưa thể chạm đến. Trong thế giới đó, con người không hề là sinh vật quyền năng nhất; sự sống của chúng ta là vĩnh cửu; chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ của mình nếu muốn; hồi sinh một đóa hoa gần như héo úa, trò chuyện với các linh hồn, tạo ra mọi mùi hương chỉ nhờ tia nắng Mặt Trời, thậm chí việc Chúa chỉ dùng một mẩu bánh mì mà có thể giúp tất cả người dân no bụng trong khi vẫn dư lại 10 rổ bánh đều là những việc có căn cứ.
Nếu từng đọc qua Hành Trình Về Phương Đông, một tác phẩm do Nguyên Phong phóng tác dựa trên quyển hồi ký của Giáo sư Baird T. Spalding – một trong những nhà khoa học tham gia cuộc hành trình - và được First News xuất bản, bạn sẽ nhận thấy khoa học và tâm linh vốn chưa từng đối chọi nhau, ngược lại chúng gắn kết với nhau một cách chặt chẽ dưới cái tên chung là “khoa học”. Cụ thể, “khoa học” – đại diện cho những thành tựu nghiên cứu từ phương Tây – được gọi đích xác là “khoa học thực nghiệm”, và “tâm linh” – lĩnh vực mà khoa học thực nghiệm chưa thể giải thích – chính là bộ môn “khoa học vũ trụ”. So với khoa học vũ trụ thì khoa học thực nghiệm chỉ là một mảnh vỡ.
Nếu bạn cho rằng Kinh thánh của phương Tây và những bí truyền từ phương Đông là hai đường thẳng song song, thậm chí trái ngược nhau, thì Hành Trình Về Phương Đông sẽ khiến bạn ngạc nhiên khi dẫn lời các vị tu sĩ thông thái tại Ấn Độ dùng chính Kinh thánh, Động vật học, Vật lý học, Nhân học… của phương Tây để giảng giải cho đoàn khoa học hiểu về sự thâm diệu của kho tàng kiến thức phương Đông.
Cũng trong cuộc hành trình học hỏi này, các nhà khoa học còn được biết Yoga, Khí công, Thiền định… không chỉ đơn giản là những bộ môn rèn luyện sức khỏe, hơn thế, nó chứa đựng sức mạnh huyền diệu giúp ta điều hòa cơ thể, làm chủ tâm trí, tăng tính sáng tạo và khả năng tiếp thu kiến thức vô tận. Bên cạnh đó, những kiến thức về luật nhân quả, cõi sống và cõi chết cũng được hé lộ qua từng trang sách.
Hành Trình Về Phương Đông chính là một minh chứng cho thấy hóa ra những vị chân sư sống ở dãy Tuyết Sơn xa xôi – những người mà chúng ta luôn cho là lạc hậu - mới là người nhìn thấy sự vận động của trời đất, thấu được lẽ trời để cuối cùng tìm thấy mục đích sống của mình. “Cuộc đời đâu phải chỉ là quan sát, ghi nhận rồi làm những thống kê”.
Hành Trình Về Phương Đông có thể khó đọc với một số người khi những xiềng xích trong tư duy còn quá nhiều. Chúng ta không thể rót thêm nước vào một cái ly vốn đã đầy nước. Hãy đổ đi những định kiến trong bạn về chủ đề “tâm linh”, về những điều bạn cho rằng bạn biết rõ, có thể bạn chẳng hiểu rõ nó như bạn nghĩ và biết đâu quyển sách sẽ giúp bạn tìm được chìa khóa cho những vấn đề bạn đang gặp phải.
Chúng ta ko “đến” phương Đông để ghi chép các tinh hoa, mà chúng ta “trở về” đó như trở về với những chân lý vốn đã ngự trong mình.
Nếu bạn dự định mua cuốn sách này trên Tiki, có thể ủng hộ mình bằng cách click link tại đây