Hạnh phúc là bình an, tự do, là những nỗ lực... và có một loại hạnh phúc be bé khác nữa: Vô thường.

1. Vô thường

“Đời là vô thường” – thế thì đời vui hay đời khổ?

Mình không phải là một con bé năng động nhưng mình lại thích cái “lém lỉnh” đó của mọi sự. Con người thay đổi, cây cỏ thay áo, đồ vật lâu ngày cũng ố vàng chuyển màu nốt. Thế mà mình lại thấy thích thú.
“Thì ra, hôm nay tôi đã thấy được bộ mặt thật của anh. Đồ giả dối” *hụ hụ* - Nhân vật nữ xoay vòng, hất váy bước đi giàn giụa nước mắt. Boong… “Hỡi thiện nữ, đời là vô thường”
Cô ta đã phát hiện ra điều gì đó từ anh. Cô ta khóc và rời bỏ anh. Thế là vui hay khổ? Khổ vì “tình nghĩa đôi đường chỉ thế thôi sao” hay vui vì chấm dứt một mối quan hệ nên kết thúc từ lâu? Đó tiếng nói riêng của cô, thậm chí cô cũng chẳng xác định được rõ ràng.
“Đời là vô thường” – thế đời vui hay đời khổ? Đời nó lạ, nên dù vui hay khổ, bạn và mình vẫn sống để khám phá.
Hôm nay, anh ta thể hiện một tính tình khác. Hôm nay, tụi mình hiểu lầm nhau. Hôm nay, trời đột nhiên mưa rả rích sau những ngày hè khiếp đảm. Trái chiêu, lạ lùng vậy mà nhìn nó mới mẻ, tiêu cực có, tích cực cũng có nốt. Hơi mệt nhưng mình thấy đời lạ quá, thú vị quá. Hay tại mình chưa đủ trải nghiệm. Như một vài người lớn ngoài kia, ban đầu họ cũng thấy lạ, cũng hứng thú và rồi họ mệt, chênh vênh, chán cuộc sống vô thường này. Không biết nữa, biết đâu cái viễn cảnh đó cũng là một thách thức, lại là một cái lạ nữa khà khà.

Uyển chuyển với cái lạ

Một ngày thôi nhưng sướng khổ lẫn lộn, liên tục đổi chỗ cho nhau.
Sau cái khổ, có cái sướng. Khổ trước sướng sau, cái cảm giác rần rần và tự cho mình là một kẻ cũng làm ra trò trống đấy chứ. Người ta dùng cái “trường phái” này để tạo động lực đạt được mục đích nào đó. Nhớ lại ngày nhỏ của hai chị em, hai túi bánh ngon lìm lịm, đứa nào để dành được lâu nhất, nhịn thèm giỏi nhất, đứa đó có vẻ rất “hạnh phúc” và mặc nhiên trở thành kẻ thắng cuộc.
Sau cái sướng, có cái khổ. Giống như khi ăn no xong là mình ngủ phè phỡn và hậu quả là bị chướng bụng. Sướng quá sướng thì kết cục là khổ thôi. Thế là từ đấy mình không còn “tốt bụng” nữa, bụng mình đầy những bánh cuốn, bánh hỏi, chả giò, heo quay thôi.
Sáng khổ cái này, chiều sướng cái khác. Ngày xưa, ông bà ta chỉ có vài việc trong một ngày, chưa kể là chúng có liên kết với nhau, chuyện làng A một tuần sau làng B mới biết. Ngày nay, một ngày của ta làm đủ thứ việc trên đời, chuyện xảy ra ở Nam Phi ít phút sau Việt Nam đã tá hỏa. Thế nên người ta mới bảo cuộc chơi ở phàm trần này chưa bao giờ là nhàm chán. Nó thách thức cảm xúc, năng lượng, bản lĩnh ta. Có người bại trận, có kẻ ung dung.
Chân thì sướng nhưng tấm thân thì khổ
Chân thì sướng nhưng tấm thân thì khổ
Nhưng khổ và sướng cũng chẳng do ai bên ngoài phán xét được. Một hiện tượng xảy, anh Tí vui, chị Sửu buồn. Trạng thái mà người ta gọi là khổ hay sướng chỉ là vấn đề của nội tâm. Ngoại cảnh bên ngoài không phải bao giờ cũng nằm trong tầm kiểm soát, vậy cái tôi uyển chuyển là thứ cần thiết cho “đời vô thường” này.

2. Thật ra không phải vô thường, mà là sự học

Tự hỏi sao mình lại thích vô thường. Thật ra mình không thích vô thường, mà mình thích sự học. Nếu đời không vô thường, cuộc sống không biến chuyển, sự học sẽ không được diễn ra. Mình không hiểu cái “học” của mình có giống khái niệm “học” của người ta không và phần dưới đây không phải là định nghĩa của Sự học mà chỉ là một ít chia sẻ xoay quanh nó.

Học theo hệ thống – chán nhưng không chán

Là một học sinh “ổn” suốt 12 năm đến trường nhưng việc học đối với mình hiếm khi nào gọi là hành hạ. Toán, Văn, Anh là 3 môn mình thích nhất. Ở nhà bao giờ cũng “dàn trận” sách vở ra mọi nơi, chỗ nào cũng có thể học, từ giường ngủ, phòng bếp đến bờ dừa vẫn còn trụ vững được. Gia đình nhìn vào ai cũng bảo học gì mà lắm thế, học không chơi đánh rơi tuổi trẻ. Nhưng họ đâu biết mình đang chơi =)))) Mình thử nghiệm vô vàn cách học khác nhau. Mắc cười ở chỗ mục đích không hẳn là để học hiệu quả hơn mà là học sao cho vui, nên đôi khi thời gian học thì chưa được tối ưu nhưng mình rất sảng khoái trong người =))) Bởi có khi 1 bài đã hiểu rồi nhưng vẫn muốn phanh phui nó ra tiếp, có những phần dù không trọng tâm nhưng vẫn thích tìm hiểu.
Đầu tiên là Toán hình, nơi mà mình có thể triệu hồi năng lực siêu tập trung và một cái đầu lạnh tách biệt với thế giới bên ngoài. Mình thực sự có thể dành cả một ngày để lân la, vận dụng mọi nguồn lực, kiến thức, âm mưu, lươn lẹo để chứng minh một giả thuyết nào đó. Rõ ràng mục đích là để ra kết quả, nhưng mình không thích ra kết quả, vì ra kết quả sẽ kết thúc bài toán, mình thích quá trình giải mã nó hơn.
Văn đối với mình là môn không cần học thuộc nhất mà là học cắt, dán, xếp hình =)))) . Mình lục tung mọi ý hay trên mạng cùng với những suy nghĩ của cá nhân về tác phẩm rồi sắp xếp chúng vào một hệ thống, cắt dán những ý tưởng để ghép vào một bài văn của riêng mình. Lúc như vậy, mình cũng quên ngày quên đêm. Thế là nhà bảo mình bị học nhiều quá. Không, con đang chơi đấy. Nhận ra rằng: mình không phải thích tác phẩm, mà mình thích mổ xẻ nó hơn.
Chỉ khi nào học Sử, Địa, Công nghệ, Tin,… đó mới là cực hình. Vì lúc đó chưa nhận ra ý nghĩa thật sự của những môn đó. Còn bây giờ, nếu được quay lại … chắc cũng y vậy =))))
Lớn hơn một chút, cô sinh viên học môn Thống kê trong nghiên cứu khoa học. Ban đầu mình cực ghét “Sao mà nó có thể lộn xộn đến thế, ý này là sao, nó liên kết gì với bên kia, đời đẻ mình ra sao còn đẻ thêm môn này =)))”. Nhưng trong quá trình ôn thi cuối học phần, cố dành thời gian ngồi với nó, nhận ra được luật chơi của môn này, bùm, quá sung sướng. Cái môn đáng ghét này trở thành môn mình có điểm cao nhất và quá trình “ăn dầm nằm dề” với nó đã giúp mình rèn tư duy có hệ thống hơn (một chút).
Như bao đứa trẻ khác, thiên đường của mình là ở ngoài kia, nơi bùn lầy và cỏ dại. Nhưng vì không được phép và cũng không đủ mạnh mẽ ăn vạ đòi đi theo tiếng gọi troái tim nên từ nhỏ mình đành ngoan ngoãn theo sự sắp xếp của gia đình. Và việc học trên lớp trở thành đối tượng duy nhất mình có thể “làm trò” với nó.
Mình là một đứa học nhiều, đúng, nhưng không phải xuất sắc như các bạn chuyên, mình không coi trọng điểm số, miễn thấy vui là được =))) và nó đúng là vui thiệt vì không có áp lực.
Trong cái khó, nó ló cái khôn. Trong sự nhàm chán, con người ta cũng cố tìm cho ra miếng hài nào đó để đời không gọi là vô vị.

Học không hệ thống – bơi trong bể rộng lớn

Nếu hệ thống trường lớp có lộ trình rõ ràng thì thế giới bên ngoài lại là bể bơi rộng lớn khiến ta chới với.
Mình thích nhìn một con người, nhìn sự thay đổi trong họ. Hôm nay người ta an nhiên tự tại, hào phóng, nho nhã. Ngày mai họ lại trái gió trở trời, phạm sai lầm hay lười biếng một tí. Nội sự thay đổi như vậy cũng làm cho đời có vẻ phong phú hơn rồi, khi ngồi với nhau, tìm hiểu ra nguyên nhân hay đi đến giải pháp thì lại càng thú vị hơn nữa. Con người là động vật thú vị nhất quả đất, không phải vì ta trông có vẻ thông minh mà vì ta quá phong phú. Nhưng sự phong phú này cần đi kèm với cái trong sáng và tự nhiên. Trong sáng ở đây không phải rằng tốt hay xấu mà là thứ được diễn tả trùng hợp với mớ suy nghĩ bên trong. Tức là kẻ đang bực bội với vẻ mặt nhăn nhó sẽ trong sáng hơn so với gã trông có vẻ hòa đồng, hồ hởi nhưng bên trong đầy rẫy niềm thù hận. Và tất nhiên điều đó chỉ nằm ở mức tương đối. Như vậy khi quan sát, cảm nhận thì đó là có gọi là học không? Có kiến thức gì mới mẻ đâu? Tri thức không hẳn là những loại kiến thức rõ ràng, định hình bằng văn bản, phải khoa học, phải cao siêu. Nếu thế, ta đã gán cho việc học trở thành một nhiệm vụ vĩ đại nào đó. Sự học vô tình mất đi sự trong sáng vốn có. Khi thấy tầm nhìn của bản thân mở rộng ra một chút, đó đã là học. Và khi sự học tự nhiên đến đỗi ta không nhận ra. Vì vậy, việc ta quan sát cẩn thận, ý thức và chăm chút cho cảm xúc, suy nghĩ đối với từng thứ vụn vặt hằng ngày là cách ta một phần nào đó bảo toàn sự học của ta đi theo hướng ta mong muốn.
Mỗi lần có sự việc nào chuyển đổi, mình phải học cách thích ứng (mặc dù không nhanh cho lắm). Bước một tí ra khỏi vùng an toàn có vẻ không thoải mái nhưng thấy … mẹ đẻ mình ra bà chắc cũng không thất vọng lắm =)))) Đùa thôi, có thử thách vừa đủ mới thấy đời đẹp và thú vị hơn. Nhắc đến vùng an toàn cũng để ý đến bước nhảy vọt đó có vừa đủ không, nhảy ra xa quá thì khổ. Mình không thuộc dạng nhanh trí, mình thừa nhận, nhưng cũng không tự phán rằng bản thân muốn nhàn hạ. Mình không là dân mạo hiểm nhưng luôn có tinh thần trân trọng thử thách mới. “Thích ứng là ứng biến cho thích hợp. Ứng biến là cách ta thay đổi, đối phó khi sự việc xảy ra. Thích hợp là tương xứng, phù hợp, với sự việc hay tình huống xảy ra”. Đứng trước sự chuyển đổi của ngoại cảnh, người ta phải linh hoạt những khả năng của bản thân để hành động sao cho hợp tình với người, hợp ý với mình. Muốn hợp tình với người thì phải hiểu người, quan sát người. Muốn hợp ý với mình thì phải hiểu mình, lắng nghe mình. Nên thích ứng là một kỹ năng quan trọng nhưng không đơn giản và dễ dàng. Ngày nào mà thế giới bên ngoài còn chuyển dịch, ngày đó mình còn cơ hội để học, thực hành và sửa đổi ... một chút.
Bên trên mình có nhắc, sự học vốn dĩ thật tự nhiên. Chính vì tự nhiên đến đỗi không phải lúc nào cũng nhận thức được rằng bản thân đang học nên cần cẩn trọng với cái lối suy nghĩ riêng và môi trường xung quanh. Nhưng điều này còn có một ý nghĩa dễ thương nữa. Chính vì tự nhiên nên sự học (theo nghĩa rộng) coi ra cũng ngây thơ như đứa trẻ không kém, chúng không có mục đích cụ thể, không mưu cầu, không toan tính. Tự hỏi liệu mình thích sự tiến bộ hay là bản thân sự học? Mỗi khi mình đặt mục tiêu rằng cứ học và tìm hiểu cái này tầm dăm ba bữa thôi sẽ trở thành một “chiên gia”, sẽ trông có vẻ “chi thức” hơn, thì y như rằng bỏ vứt xó. Nhưng mà cũng có mặt tích cực rằng, có những chuyện, ban đầu thấy không hợp, thôi cứ ép vô khuôn khổ 1 tí, rồi khi để ý nó mới thấy hóa ra không vô vị như mình tưởng. Thế là quên mất cái khuôn khổ ban đầu. Nhưng cả 2 trường hợp (thật sự thích và ép vô khuôn khổ rồi mới thấy thích) đều có vẻ như vắng bóng cái gọi là “khao khát bản thân tiến bộ hơn”. Đương nhiên đó là một khao khát hoàn toàn bình thường và hiển nhiên, nhưng nếu thật sự học thì phát hiện ra rằng “tiến bộ hơn” là hệ quả chứ không phải cái đích muốn hướng tới. Bởi khi trôi theo nguồn mạch của cái học, người ta ngập tràn cái bóng của đối tượng cần học, một cách tự nhiên không phán xét.
Mình thích cảm giác nhận ra điều gì đó, thậm chí là điều đó đã lặp đi lặp lại, nó vẫn có cái hay. Một bài luận, đọc lần đầu thấy 3 ý hay, đọc lần sau thấy thêm ý hay, năm sau đọc lại: “Ồ lúc trước hiểu sai rồi, như vầy mới toàn diện hơn.” Còn cuộc chơi nào lặp lại 2 3 lần vẫn không thấy ý mới nhưng nó vẫn lạ. Cảm giác trải nghiệm bây giờ và lúc trước là khác nhau, hoàn cảnh, kinh nghiệm cũng thay đổi nên lần sau hẳn là có sự đổi khác theo một phạm trù tâm linh nào đó. Nếu sự vật đó không thay đổi thì ít nhất bản thân mình cũng đã biến chuyển nhất định. Sự học vì thế mà trở nên lạ lùng và quyến rũ hơn, không đơn thuần là thu nạp tri thức mới, mà còn thấy được cái mới trong tri thức cũ.
Sự biến đổi phong phú của mọi sự xung quanh nhiều khi thật mệt mỏi, quá sức một chút. Nhưng nó cần và nên diễn ra. Vì nếu không có sóng, ta không học được cách lướt ván.