Làm bạn cùng nỗi sợ
Làm bạn cùng nỗi sợ
Mình sinh ra với đôi mắt đục thủy tinh thể và rung giật nhãn cầu bẩm sinh. Tuổi thơ của mình gắn liền với những trò đùa, câu nói vô tình hoặc cho vui nhưng nhiều sức sát thương của họ hàng, bè bạn và cả những người lạ. Mình nhớ, ngày mình học lớp 1, có một bác nói với mẹ mình: “mắt mũi nó như thế thì cho đi học làm gì cho tốn cơm tốn gạo”.
Rồi bằng những sự nỗ lực của mẹ và mình, mình cũng học hết cấp 2. Trường cấp 3 cách nhà mình tận 4km, mình không thể tự đi bộ, mẹ lúc này cũng không thể ngày nào cũng đưa mình đi học rồi đón mình về như ngày mình học lớp 1 nữa. Thế là lại có người bảo với mẹ mình: “mắt mũi nó thế thì cho nó nghỉ đi, học cao thì cũng có làm được gì đâu”. Rồi có người lại nói: “nó thì làm sao mà đi được xe đạp mà đòi đến trường”. Nhưng thế mà mình cũng học xong cấp 3, vẫn ngày ngày đi xe đạp đến trường, thậm chí, cấp 3 mình còn bán hàng online, đi xe đạp đi ship hàng để kiếm tiền phụ mẹ.
Những câu nói đó lại lặp lại khi mình chuẩn bị thi đại học, rồi đi làm. Nhiều người luôn tin rằng, mình sẽ chẳng thể nào làm được gì vì mắt mình kém. Và mình thì đã từng luôn cố làm ngược lại những điều đó. Nhiều người sẽ nói mình nghị lực, nhưng thật lòng mà nói, mình làm điều đó đơn giản chỉ vì mình sợ. Mình sợ bản thân trở nên vô dụng như người ta nói. Mình sợ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ lặp lại. Mình sợ trở thành gánh nặng của mẹ. Mình sợ nên mình cố gắng để thay đổi và trở thành mình của hôm nay.
Cũng là về nỗi sợ nhưng ở một góc độ khác. Mình đang là F0.5. Nói 0.5 vì mình là F1 có đủ các triệu chứng của một F0 nhưng test mãi vẫn 1 vạch. Những lúc lửng lơ như thế, mình sẽ sợ hơn và trong đầu mình sẽ đặt ra 1000 câu hỏi: Liệu mình đã F0 chưa, nhỡ giờ uống thuốc mà mình không phải F0 thì sao…? Lúc ấy, chỉ ước không F gì hoặc thà F0 luôn cho xong. Thế là mình cứ test và test. Cứ 1, 2 ngày mình lại test 1 lần. Nhìn tích cực mà nói thì có thể mình đang quan tâm đến sức khỏe nhưng thực tế thì mình đang sợ, mình sợ những điều mình không biết trước.
Giờ ngồi nhìn lại, mình thấy rất nhiều hành động của mình và cả những người xung quanh mình bắt nguồn từ những nỗi sợ thực tế có, phi thực tế cũng có. Và nỗi sợ cũng có nỗi sợ “this”, nỗi sợ “that”. 
 Có những nỗi sợ cho ta động lực để cố gắng. Có những nỗi sợ đưa ta đến những hành động có phần vô bổ. Nhưng trên tất cả mình nhận ra rằng, nỗi sợ cơ bản là niềm tin và niềm tin thì có thể thay đổi. Nên hiện tại, thay vì trốn tránh nỗi sợ rồi để nó dẫn lối, mình chọn cách thấu hiểu và làm bạn với nỗi sợ của chính mình.
Và đây là những bước mình làm để “kết thân” với nỗi sợ.
Trước khi bước vào hành trình này, mình muốn chia sẻ với các bạn, mình không phải chuyên gia tâm lý, những chia sẻ của mình hoàn toàn bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân cũng như những khóa học, tài liệu mình đọc được và chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn thực sự cần hỗ trợ, hãy tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.
Giờ thì chúng ta đã sẵn sàng để bắt đầu rồi.

Bước 1: Chấp nhận/thừa nhận là mình đang sợ

Bước 1: Chấp nhận là mình đang sợ
Bước 1: Chấp nhận là mình đang sợ
Chúng ta sẽ chẳng thể làm bạn với một người khi chúng ta không thừa nhận sự tồn tại của người đó. Vì thế, việc ý thức là mình đang sợ và thẳng thắn chấp nhận là mình sợ sẽ là bước đầu tiên trên hành trình kết bạn với người bạn mang tên nỗi sợ này.
Để mình kể bạn nghe thêm một câu chuyện nữa. Tháng 9 năm ngoái, mình bị đau mắt. Mình dùng nhiều máy tính nên mắt bị khô và mình đến bệnh viện để khám. Vẫn như mỗi lần, mình đi khám, bác sĩ cho thuốc rồi về. Nhưng lần này mình thấy hơi lạ. Mình buồn, một nỗi buồn man mác chẳng rõ nguyên do. Nỗi buồn của mình cứ kéo dài cả tuần và nó chỉ kết thúc khi mình quyết định ngồi lại và trò chuyện với bản thân. Mình nhận ra trong buổi đó bác sĩ vô tình nói với mình 2 câu: “Mắt mũi như này thì làm việc nhiều làm gì?” và “không chăm sóc cẩn thận thì sẽ có ngày mình không nhìn thấy gì nữa”. Mình biết từ lúc đó, mình đã sợ, mình sợ mình sẽ vô dụng đúng như lời những người đã nói mình ngày xưa và mình sợ mình sẽ chẳng nhìn thấy gì nữa như lời bác sĩ nói, dù mình biết khả năng đó là rất thấp.
Thế là mình cảm thấy nhẹ nhõm, à thì ra là mình đang sợ. Mình chấp nhận điều đó và bước sang bước thứ 2.

Bước 2: Tìm hiểu bản chất thực sự của nỗi sợ

Bước 2: Tìm hiểu bản chất của nỗi sợ
Bước 2: Tìm hiểu bản chất của nỗi sợ
Nếu bạn chỉ say hello và biết tên một người, thì chắc mối quan hệ giữa bạn và người đó chỉ là mối quan hệ xã giao. Để mối quan hệ xã giao này trở nên gắn bó hơn, bạn cần có thời gian tìm hiểu, làm quen và trò chuyện với người bạn mới của mình. Với nỗi sợ cũng vậy. Để làm bạn, thậm chí là bạn thân với nó thì chúng ta cần trò chuyện để hiểu hơn và người bạn này.
Quay lại câu chuyện về việc mình đi khám mắt, sau khi nhận ra và chấp nhận mình sợ, mình đã chọn cho bản thân một không gian yên tĩnh và an toàn, lấy một cuốn sổ, một chiếc bút và bắt đầu hành trình “tâm sự” cùng nỗi sợ của chính mình. Mình lắng nghe xem bản thân đã cảm thấy thế nào và thử tìm hiểu xem nỗi sợ đó đến từ đâu. Như hai câu chuyện mình chia sẻ ở đầu bài viết thì mình thấy có hai nguyên nhân chính khiến chúng ta cảm thấy sợ là những trải nghiệm tiêu cực của bản thân và người xung quanh về một điều gì đó trong quá khứ hoặc những điều mà chúng ta không đoán định, không biết trước được ở tương lai. Mình thường tự đặt ra một số câu hỏi như: - Mình đang cảm thấy thế nào? - Mình đang thực sự sợ điều gì? - Nỗi sợ của mình bắt nguồn từ đâu? - Liệu còn nguyên nhân nào khác khiến mình sợ mà mình chưa nhận ra không? - Nỗi sợ này có thực tế không hay chỉ là những tưởng tượng của bản thân mình?
Sau khi trả lời hết các câu hỏi này, mình đã bắt đầu làm bạn được với nỗi sợ. Mình hiểu được nỗi sợ của mình bắt đầu từ đâu, tại sao mình lại có những cảm xúc và phản ứng như thế và quan trọng nhất là nỗi sợ đó có thực tế hay không. Nếu nỗi sợ đó chỉ là do mình tưởng tượng ra, hoặc chẳng giúp ích được gì cho mình, ví dụ, sợ người khác đánh giá, thì mình sẽ nhắc nhở bản thân rằng điều đó không thực sự quan trọng, và cũng không giúp ích được gì cho mình, rồi mình gạt nó sang một bên. Còn với những nỗi sợ thực tế, có cơ sở, mình sẽ mang nó sang bước 3.

Bước 3: Đối mặt với nỗi sợ

Bước 3: Đối mặt với nỗi sợ
Bước 3: Đối mặt với nỗi sợ
Bạn thường làm gì khi bạn thân của mình gặp chuyện? Cùng đối mặt hay bỏ rơi người bạn đó? Nếu là bạn thân ai người đấy lo thì chắc là mạnh dạn bỏ rơi luôn 
 Nhưng bạn thân thực sự, người bạn mà chúng ta muốn gắn bó (hoặc biết sẽ gắn bó) lâu dài thì chắc hẳn là chúng ta không thể bỏ rơi được phải không nào? Với nỗi sợ thì mình cũng làm như vậy, mình chọn cách đồng hành và đối mặt với những khả năng thực tế có thể xảy ra.
Quay lại với câu chuyện về việc khám mắt của mình, sau khi trả lời những câu hỏi ở bước 2, mình nhận ra, nếu mình cứ tiếp tục làm việc quá sức, không chăm sóc cho mắt thì mắt mình có thể kém đi và không nhìn thấy nữa. Mình chấp nhận việc đó và hỏi bản thân xem mình có thể làm gì? Câu trả lời tìm ra khá nhanh, mình sẽ cố gắng nghỉ ngơi điều độ, thư giãn mắt sau mỗi 25 phút làm việc, hạn chế dùng điện thoại và máy tính khi có thể…
Còn với nỗi sợ lớn hơn ở tương lai đó là sợ không nhìn thấy nữa thì mình đã ngồi tưởng tượng xem nếu thực sự một ngày mình không nhìn thấy gì nữa thì mọi thứ sẽ ra sao? Khi thẳng thắn đối mặt thì mọi thứ không thực sự đáng sợ như mình nghĩ. Mình biết, mình sẽ vẫn có thể làm, vẫn có thể hạnh phúc và đóng góp cho xã hội như rất nhiều người chị, người bạn của mình đã và đang làm. Và rồi mình vẫn sợ tiếp, nhưng nỗi sợ lúc này rõ ràng, cụ thể hơn và cho mình động lực để cố gắng hơn.
Đây là một số câu hỏi mình dùng để hỏi bản thân trong bước này:
Với những nỗi sợ ở hiện tại: - Mình có thể làm gì để giải quyết những vấn đề này? - Mình cần những công cụ, nguồn lực gì để thực hiện? - Khi nào mình có thể bắt đầu thực hiện điều đó và mình cần thực hiện điều đó trong bao lâu?
Với những nỗi sợ trong tương lai: - Chuyện gì sẽ thực sự xảy ra nếu điều mình sợ đến? - Lúc đó mình có thể làm gì để đối mặt với điều đó? - Những điều mình nghĩ là sẽ xảy ra bây giờ, liệu có thực sự xảy ra không?| - Có ai đang ở trong trường hợp tương tự không và bây giờ họ thế nào? - Mình có thể chuẩn bị những gì ở hiện tại, để nếu điều mình sợ đến trong tương lai, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn?
Sau khi trả lời hết những câu hỏi ở bước 3, chúng ta đã sẵn sàng bước sang bước 4.

Bước 4: Hành động

Bước 4: Hành động
Bước 4: Hành động
Sau tất cả, dù chúng ta có tìm ra bao nhiêu giải pháp, vấn đề sẽ vẫn luôn ở đó hoặc thậm chí sẽ trở nên tệ hơn nếu chúng ta không hành động để giải quyết. Cho nên, hãy bắt đầu thực hiện những điều bạn có thể làm, dù chỉ là một việc làm rất nhỏ thôi. Mỗi ngày một chút, một chút, rồi mọi chuyện sẽ ổn. Nếu bạn chưa biết bắt đầu như thế nào thì hãy bắt đầu từ chính nơi bạn đang đứng nhé. Mình đã viết 1 bài và làm một chiếc Podcast nhỏ xinh về chủ đề này rồi, bạn có thể tham khảo trong blog của mình nhé. 
Tin mình đi, khi bạn thực sự bắt đầu, nỗi sợ sẽ không là vật cản đường kìm chân chúng ta khỏi những mục tiêu mà sẽ là người bạn đồng hành cùng chúng ta hướng tới những điều tốt đẹp trên hành trình phía trước.

Cuối cùng, hãy chấp nhận rằng, nỗi sợ là một phần của cuộc sống

Ở mỗi thời điểm trong cuộc đời, chúng ta lại có những nỗi sợ khác nhau. Ngày nhỏ thì chúng ta sợ đói, sợ rét, bắt đầu đi học thì sợ điểm kém, lớn lên thì sợ thất nghiệp, bị bỏ rơi, lúc về già lại sợ ốm đau bệnh tật… Đây là chưa nói đến mỗi người vì nhiều nguyên do cả về sức khỏe và trải nghiệm trong quá khứ lại có những nỗi sợ riêng như sợ côn trùng, sợ độ cao, sợ nói trước đám đông… Thậm chí, có nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, ngay từ thời tiền sử, nỗi sợ là bản năng giúp chúng ta tránh khỏi nguy hiểm. Thế nên, chúng ta không cần cảm thấy xấu hổ hay yếu đuối khi mình sợ, cũng không cần phải cố tỏ ra mình không sợ bất cứ điều gì.
Nỗi sợ hay bất cứ điều gì trong cuộc đời này không phải lúc nào cũng mang những gam màu u ám hoặc tươi sáng. Nỗi sợ bản chất của nó là niềm tin, và niềm tin là thứ chúng ta có thể thay đổi được. Mình mong bạn có thể thay đổi niềm tin, làm bạn với nỗi sợ và làm chủ chính cuộc đời mình.
Quay trở lại với mắt của mình thì hiện tại mắt của mình đã rất ổn. Mình vẫn duy trì chăm sóc mắt và bản thân hàng ngày và cũng sẵn sàng chấp nhận đón chờ những điều mà tương lai mang đến. Thỉnh thoảng, nỗi sợ cũng ghé thăm mình trong chốc lát. Mình cười với nó và bảo: “Cảm ơn bạn đã đến và nhắc tôi hãy yêu thương bản thân mình”.
Còn bạn thì sao? Bạn thường đối mặt với nỗi sợ của mình như thế nào? Hãy chia sẻ với mình trong phần comment nhé.
Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài viết siêu dài này. Chúc bạn luôn bình an và vững vàng trên hành trình của mình.