Một nhà văn da màu đã viết sau khi xem Dreams of A Life, bộ phim tài liệu về Joyce Carol Vincent, như sau: “Cuộc sống tiếp diễn và tình bạn dễ nhạt phai. Dẫu ta không thể lúc nào cũng ở bên cạnh và bảo vệ người em người chị, liệu ta có thể thật lòng nói mình quan tâm hay yêu thương một ai đó và là ngsười bạn đích thực, khi sự bất toàn của họ khiến ta khó chịu và không còn xứng đáng với bệ cao mà ta đã cất đặt họ vào? Liệu ta có thật sự trân quý một cuộc sống nếu như ta không thể nào xác định được liệu người đó còn sống hay đã chết, hay họ chỉ là một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, một hình ảnh không hơn sản phẩm của trí tưởng tượng? 
Joyce Carol Vincent sinh ngày 15 tháng 10, 1965. Ngày 25/1/06, thi thể của cô được phát hiện tại một căn hộ phúc lợi xã hội nằm ngay phía sau Wood Green Shopping City, một tòa nhà lát gạch đỏ xây từ đầu những năm 90 và là tâm điểm của khu Haringey phía Bắc London, nơi hàng ngày có hàng ngàn người mua sắm và qua lại những hiệu quần áo và cửa hàng nhộn nhịp, và lối dẫn vào căn hộ là nằm gần một chuỗi cà phê nổi tiếng. Xung quanh hiện trường cái chết của Joyce là những món quà Giáng Sinh đã gói trước khi đột ngột qua đời, chẳng ai biết cho ai khác hay cho chính mình.

Ảnh chụp Joyce Carol Vincent và bài báo về cô 
Tiêu đề Dreams of A Life, do nữ đạo diễn Carol Morley thực hiện – vì sự đồng điệu không hề nhỏ cảm thấy với lối sống và chọn lựa của Joyce - không phải là những giấc mơ của Joyce, mà chính là những ảo tưởng huyễn hoặc của những người gọi cô là bạn và tự nhận mình là nạn nhân bị cô bỏ rơi về cuộc đời của Joyce.
Trong đời thật, Joyce được tả là một người chững chạc, chừng mực, thân thiện và duyên dáng như một quý cô như khắc họa trong bộ phim. Là một phụ nữ nhập cư da màu (gốc Nam Mỹ lai Ấn), người ta nói Joyce trông giống Whitney Houston, thành tựu về tài chính (làm việc 4 năm ở tập đoàn tài chính quốc tế Ernst & Young), cuốn hút, khéo ăn nói, xinh đẹp, có giáo dục, diêm dúa, hoạt bát, bí ẩn, và lắm anh theo. Từng là một sinh viên sáng láng trong học tập, Joyce còn biểu diễn trong vai trò ca sĩ, và có mối quan hệ thân thuộc với những người làm âm nhạc lẫn cánh nghệ sĩ London. Thậm chí, vài người được hỏi đều kể Joyce đã mơ ước trở thành một ca sĩ nhiều thế nào, rằng cô giàu sinh khí ra ra sao mỗi khi cất tiếng hát. Joyce còn có dịp gặp gỡ những nhân vật tên tuổi như Nelson Mandela tại đêm diễn tri ân ông năm 1990 tại sân Wembley (thậm chí lên sóng truyền hình), hàn huyên với thi sĩ da màu Gil-Scot Heron (đã qua đời năm 2011), dùng bữa tối với chính Stevie Wonder (tác giả bài hit I Just called to say I love you). Một đời sống khác hoàn toàn với khái niệm kodokushi (孤独死 – chết trong cô đơn) trong tiếng Nhật gắn với những trường hợp người cao tuổi đột tử tại nhà, va chắc chắn cuộc sống như thế không hề “tẻ nhạt” “vô vị”.                                                  
Nhưng người ta còn nhớ đến cô như một phụ nữ luôn có khuynh hướng theo định kỳ lánh xa mọi người, hẹn hò chỉ với cánh đàn ông hợp chủng, và luôn hoài nghi về bản thể. Sau một vẻ ngoài quyến rũ nhưng cũng giỏi che đậy là những nội tâm bất ổn, chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cái chết người mẹ khi Joyce còn trẻ (ngoài 10 tuổi). Tờ Glasgow Herald viết, “… bạn bè nhớ tới cô như một người luôn lãng tránh mỗi khi có chuyện, người bỏ việc nếu có xung đột với đồng nghiệp, và dời từ căn hộ này đến căn hộ khác ở khắp London.” Họ thảng thốt trước cái chết thầm lặng (thực ra là trong tiếng truyền hình luôn ra rả không tắt): “Như là cô ấy chưa từng tồn tại, mà chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng của mỗi chúng ta, vì sự thật là ta luôn để một ai đó quen thuộc, một người nào đó mà ta ngờ là quan tâm, biến mất tăm và rồi chết đi”. Theo lời một người bạn, Joyce là một phụ nữ không có quá khứ cũng chẳng có tương lai.
Tránh né sự quấy rối của đồng nghiệp nam, và những nỗi đau không thể nguôi ngoai từ những buổi tiệc vô hồn, cô biến mất, để rồi tái xuất hiện để tìm kiếm sự trợ giúp từ một số người bạn, để tiếp tục bị lợi dụng hoặc chiếm hữu và do vậy lại tiếp tục trượt sâu hơn vào cô độc. Ngoài mong muốn chiếm hữu, muốn được “đền đáp” theo nghĩa đen, đám bạn và bạn trai cũ của Joyce chừng như không có nhiều mong muốn khác, chẳng hạn tiến sâu hơn vào những nội tâm ngổn ngang bên trong. Và khi không được, họ đẩy cô ra khỏi cuộc đời mình, hoặc chậm một nhịp vì Joyce đã ra tay trước họ. Họ bận tâm với những vấn đề của riêng họ, làm sao có thời gian để bận tâm đến những gì Joyce hay bất kỳ ai khác trải qua.
Theo nhà văn nữ, giữa đô thị, phụ nữ không chồng con thường có nguy cơ rơi ra khỏi bản đồ xã hội chỉ vì họ có ít thứ để người khác quan tâm tới. Ngoài ra, những tay khởi nghiệp hay nghệ sĩ làm việc cô độc thường mất đi những người bạn thường, những người gần như chắc chắn sẽ nhắc tới khi họ mất tích. Sự cô độc của những con người này khi phải đối mặt và giải quyết quá nhiều thứ một cách đơn lẻ khiến cho đời sống của họ bận rộn hơn so với những người có con cái và gia đình, và họ vẫn cô độc, theo nhiều cách khác nhau.
Poster phim Dreams of A Life – ĐD Carol Morley 
Với tôi âm nhạc có cùng khả năng kể chuyện, có thể phần nào do những album tôi đã thưởng thức lúc bé như Dark Side of the Moon (Pink Floyd) hay Tubular Bells (của Mike Oldfield) và hàng loạt những tác phẩm điện ảnh và văn chương tôi đã ngốn ngấu khi nghe nhạc. Khi viết nhạc tôi luôn cảm thấy một bộ phim diễn ra trong đầu mình, và có lúc tôi cảm thấy mình giống một đạo diễn phim hơn là một nghệ sĩ viết nhạc.

Steven Wilson quan điểm rằng, chẳng ai ngồi xem một bộ phim bằng cách lướt qua 5 phút giữa phim. Chẳng ai ngồi đọc tiểu thuyết từ chỉ ở chương 7 hay chương 12 rồi vứt tọt đi cả quyển. Vậy thì vì sao nghệ thuật lắng nghe album như một câu chuyện hoàn chỉnh (narrative) lại biến mất, khi người ta vẫn còn xem phim từ đầu chí cuối?

Có người thậm chí cho rằng, sáng tác của Steven Wilson là hàng loạt những câu trích dẫn âm nhạc từ những nghệ sĩ anh đã nghe và (rất mực) yêu thích. Kẻ khác thì nói bộ não của Steven Wilson hoạt động ở một tầng khác với nhiều nghệ sĩ đương thời, ở đó anh nhào trộn những ảnh hưởng có được từ điện ảnh và văn chương để cho ra đời các tác phẩm vẹn toàn có thể xem như các tiểu thuyết bằng âm thanh – và thị giác đích thực khi trình diễn sống.
Steven Wilson 
“Cứ download cuộc sống mà ta muốn có”* 
*Một đoạn lời trong track Home Invasion, album Hand. Cannot. Erase.
Không thiếu giấy mực, bàn phím và không gian server để viết về tài năng và sức làm việc của Steven Wilson trong vùng đất âm nhạc hẹp nhưng trù phú mà anh vẫn cư ngụ. Đa dạng như đời sống đô thị của một kinh đô văn hóa thế giới (London), Steven Wilson là một sản phẩm đa văn hóa như chính những gì anh đã hấp thụ từ bé tới nay. Ở vai trò sáng tạo và produce, anh là kẻ cầu toàn luôn nhắm về những chuẩn mực âm thanh lẫn âm nhạc (người ta không thể phủ nhận đôi tai lẫn đôi tay vàng của anh có thể tôn lên chất nhạc của bất kỳ nghệ sĩ nào).
Các sáng tác của Steven Wilson thường xoay quanh những chủ đề không mấy dễ nghe, như đặc sản rối loạn tâm thần thời đại Internet (rối loạn lưỡng cực và rối loạn tăng động giảm chú ý) ở Fear of a Blank Planet (dựa trên tiểu thuyết Lunar Park của Bret Easton Ellis, nổi tiếng nhất với American Psycho). Khi khác, anh khai thác tâm lý đằng sau những con người sống ngoài lề, sát mép nhân tính và xã hội (những kẻ sát nhân, những kẻ ấu dâm) với album In Absentia – từ ngữ là ẩn dụ cho sự trống vắng của linh hồn. Ở Incident, anh viết về khắc họa báo chí với những sự kiện nghiêm trọng vẫn hàng ngày diễn ra trong đời sống, như việc giải thoát những em gái vị thành niên ra khỏi một tổ chức tôn giáo ở Texas, một gia đình đe dọa hàng xóm và một xác chết tìm thấy trên song được tàu đánh cá phát hiện. Và có cả đề tài liêu trai như trong album The Raven That Refuses To Sing.
So với các tác phẩm này, Hand. Cannot. Erase có vẻ như là một lựa chọn có phần “lành” của anh, theo một bình luận nhận định, khi người nghệ sĩ quyết định chọn một đề tài thời sự lẫn phổ biến.
Hand. Cannot. Erase được ví như một hành trình âm nhạc sống động đi vào những suy tư, trăn trở về sự xa lánh giữa đô thị, tách rời đời sống xã hội, qua những ghi chép của một nhân vật, tương tự Joyce, đã chủ đích xóa mình ra khỏi ký ức của mọi người, thứ phản ứng phụ khó tránh khỏi của cái thế hệ sống và làm việc ở đô thị thế kỷ 21, giữa thời đại internet và mạng xã hội, những thứ được cho sẽ mang con người lại gần nhau hơn.
Khi bộ phim tài liệu Dreams of a Life đã để lại trong Steven những băn khoăn chộn rộn mãi trong tâm trí, là những câu hỏi gần y hệt cách anh gieo vào lòng người nghe qua âm nhạc: sự buồn bã hiện sinh, day dứt toát ra, để rồi từ đó anh sáng tác nên câu chuyện về một người phụ nữ không tên có số phận có nhiều tương đồng với người phụ nữ vắng số Joyce Carol Vincent, phát hiện 3 năm sau khi đã chết trong căn hộ giữa London sầm uất nhưng thừa những kẻ thờ ơ.

Câu chuyện diễn ra hầu hết trong đơn độc, bởi không có đối thoại giữa nhân vật nữ với bất cứ con người nào khác và luôn mang tính nội tâm về những suy nghĩ xảy ra bên trong cô, theo hình thức một kiểu nhật ký trực tuyến – một blog trực tuyến. Nhân vật chẳng viết cho một ai cả, mà như một hình thức tự khuây khỏa bản thân, thông qua đó cô nói lên những suy nghĩ hay kể lại những gì mình chứng kiến, kéo dài trong nhiều năm trước khi đột ngột kết thúc: là lúc cô qua đời. Những ký ức được dẫn dắt qua hồi tưởng và kể chuyện, trên nền nhạc có đôi khi ấm áp (hoài niệm), hiện đại (điện tử), và những hook nhạc cực kỳ pop, nhưng quặn thắt trong ca từ, người nghe có thể tìm thấy những ảnh hưởng của progressive giai đoạn hoàng kim của Rush, Camel (đoạn đầu), Pink Floyd (đoạn 2) và Kansas (đoạn 3), tôn lên bởi sự tham gia của dàn giao hưởng London Session Orchestra. Album còn có sự góp giọng của 2 giọng nữ, một là giọng tường thuật câu chuyện chị em trong Perfect Line, và thứ hai là chất giọng lạ đầy quyến rũ của Ninet Tayeb người Israel, đồng hương với Aviv Geffen đồng thành viên sáng tác cho dự án Blackfield của Steven.
“Home Invasion”, có câu “Cứ download cuộc sống mà ta muốn có”, là một sáng tác về Internet và mạng xã hội, về quan điểm cho rằng người ta có thể tạo ra một con người khác mà họ mong mỏi được trở thành qua Internet. Trả lời phỏng vấn, Steven Wilson cho rằng Internet mang lại cơ hội để nhập vai và tạo ra một bề mặt khác, một nhân diện khác, và điều này nguy hiểm vì những mạng xã hội hóa ra chẳng hề “xã hội” tí nào khi nó tạo ra một ảo tưởng chúng ta đang liên lạc, kết nối với nhau. Nó khiến việc ngắt kết nối trở nên dễ dàng hơn hết, để con người nương mình đằng sau những thứ công nghệ và ứng dụng. Có thể bắt gặp những bận tâm hết sức tương đồng của Steven trong bài nói Connected, but alone trên diễn đàn TED, nhà nghiên cứu mạng xã hội Sherry Turkle.
Cô gái trong album sinh năm 1978, vào cùng tháng 10 như Joyce, từng có một người chị nuôi trong 6 tháng trước khi gia đình li tán, một người cha cô độc và một người mẹ bê trễ bổn phận gia đình, vì tính tò mò trước những chuyện của thế gian mà cô thừa hưởng. Thủa nhỏ, cô tự lập sớm và có thói quen sưu tầm những câu chuyện mất tích như một cách để xoa dịu nỗi đau của người quá cố có xác được tìm thấy. Cô cũng từng có một mối tình đích thực duy nhất với một nhiếp ảnh gia khi còn học đại học, vì muốn làm nàng thơ cho anh. Ở những ngày cuối cùng còn ghi chép, sự hoang tưởng trong đầu cô đã gần như cực điểm, khi cô mường tượng và ghi chép lại cuộc hội thoại giữa mình với chính mình qua cuộc gọi vào căn hộ từ buồng điện thoại công cộng. Cô mất tích ngày 22 tháng 12, 2014, dựa trên căn cứ là những dòng nhật ký điện tử cuối cùng.
Trong bài nói Connected, but alone trên diễn đàn TED, nhà nghiên cứ mạng xã hội Sherry Turkle, đã trình bày về sự mọi lúc mọi nơi của điện thoại, như cách chúng ta đang quen dần với việc cô độc cùng với nhau (alone together). Bà nhận định, trải qua nhiều thế hệ, người ta không bao giờ có nhau trọn vẹn, và dù quan hệ giữa người với người luôn rối rắm và phong phú và luôn nhiều đòi hỏi, chúng ta ngày nay có thể xóa sổ chúng bằng công nghệ, khi đó ta hy sinh cuộc đối thoại với người cho một kết nối đơn thuần. Khi cái cảm giác không ai lắng nghe khi đã khỏa lấp được bằng những người nghe “tự động”, nó sẽ khiến chúng ta muốn dành thời gian nhiều hơn với máy móc vì có vẻ chúng quan tâm đến chúng ta.
Công nghệ thu hút chúng ta nhiều nhất khi chúng ta yếu đuối nhất. Con người cô đơn nhưng lại sợ sự thân thiết, hay nói đúng hơn sợ sự thân thiết một khi mất đi sẽ khiến họ trống trải khôn cùng. Công nghệ tạo ra ảo tưởng về người đồng hành nhưng không cần có tình bạn. Sự kết nối, nhất là khi chúng ta bức bối, trở thành một triệu chứng hơn là liều thuốc giải. Giờ đi, khi muốn có cảm xúc, tôi cần gửi đi một dòng tin. Khi người ta không thể hình thành được khả năng chịu cô độc để từ đó tìm đến và thiết lập sự gắn bó với người khác, họ sẽ tìm đến người khác để cảm thấy dễ chịu hay đơn giản là thấy mình còn tồn tại, thế là mất đi sự trân trọng dành cho họ.
  

Trích đoạn nhật ký online của nhân vật tưởng tượng, đăng kèm album:
Ngày 23.1.2015
Không thật sự giống như mình, vì mình biết ông không chọn sống tách biệt. Ông chỉ là một kẻ có mối quan hệ với người vợ, và giờ thì bà đã đi mất ông không còn nhìn thấy mình trong tròng mắt bà như bằng chứng ông đã từng tồn tại. 
Nếu được định nghĩa bởi phản chiếu trong mắt kẻ khác thì mình không còn là gì cả. 
Ngày 12.1.2015
Mình có một chiếc hộp đựng ảnh, hầu hết là ảnh gia đình, hoặc ảnh hồi đại học khi mình từng là nàng thơ ngắn ngủi của ai đó. Đã 9 năm nay không ai chụp ảnh mình. Mình không dễ dàng đầu hàng trước hoài niệm, nhưng thi thoảng mình cũng mang chiếc hộp ra và xếp các bức ảnh xung quanh trong lúc mình vẽ. Điều lạ lùng nhất là … mình vẫn có cảm giác mỗi lần như vậy lại có những tấm ảnh trước đó chưa từng xuất hiện, chụp những thời khắc mình không nhớ một chút nào đã được chụp lại. Đến hôm nay mình đã đặt nó vào cái trí nhớ tệ hại, nhưng đêm nay có một tấm ảnh mình biết chắc chẳng thể tồn tại. Là ảnh mình chụp với chị gái, ở Grand Union, buổi hoàng hôn. Mình biết tấm ảnh này chưa bao giờ được chụp, nó không thể tồn tại được. Ấy vậy mà nó lại nằm trong tay mình như một cảnh quay chụp ra từ thước phim đời mình.
Ngày 4.1.2015
“Chúng ta không cô độc, vì chúng ta đã chọn đơn độc”
“Chúng ta không lạc lối, khi chúng ta đã chọn cách tan biến”
Ngày 1.1.2015
Một lá thư tay lấp phấp bay giữa những lọ chai và gói fastfood đã ăn xong. Mực đã phai đi đôi chỗ vì mưa, và đâu đó có những phần đã bị xóa mất. Một lá thư tình, có lẽ là tình đơn phương. Hoặc nó chưa bao giờ gửi đi hoặc người nhận vứt nó đi. 
“I love you but I’m lost…” Tay người không xóa được tình yêu này.
24.4.2014
Chúng ta là một đám đông triệu người ngăn cách với nhau bởi các bức tường xi măng.
… Con bé vẫn còn đó, cô độc. Lúc này dường như nó đang chằm chằm nhìn mình, xuyên qua một khoảng cách gần trăm thước từ trạm xe đến cửa sổ phòng. Căn phòng tối nên không thể nào nó nhìn được mình, nhưng mình vẫn biết nó đang nhìn. Không phải nhìn quanh chỗ mình đứng, hay chỉ bang quơ về hướng mình, mà thẳng vào đôi mắt, thẳng vào tâm hồn rối bời của mình.
30.4.2010
Ta sẽ đi đâu nếu ta không thuộc về bất cứ đâu? Nếu ta muốn trốn chạy thì tại sao lại đến thị thành? Vì đây chính là nơi để ẩn trốn. Đây chính là nơi để vô hình. Bất cứ ai cũng có thể trở thành không ai, và mình là một kẻ muốn không thành ai cả. Mình đi từ đâu đó đến bất cứ mọi nơi đến không nơi nào cả. 
10.1.2009
Mình thật lòng yêu quý cha mẹ và anh trai, nhưng thứ duy nhất mọi người có cùng với nhau là DNA.