Hamlet - tấn bi kịch đầu tay của Shakespeare
“Tobe or not tobe” hay “Tồn tại hay không tồn tại” là một câu hỏi mà không có câu trả lời, mà nếu có thì cũng không thể thoả mãn được...
“Tobe or not tobe” hay “Tồn tại hay không tồn tại” là một câu hỏi mà không có câu trả lời, mà nếu có thì cũng không thể thoả mãn được tất cả mọi người. Đó là nỗi trăn trở của chàng hoàng tử Hamlet trong vở kịch cùng tên – một vở bi kịch với những ý nghĩa tâm lí lịch sử sâu sắc nhất mà Shakespeare từng sáng tác. Vậy giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về nội dung cũng như những giá trị mà nó mang lại, để tìm hiểu xem, điều gì đã khiến vở kịch về chàng hoàng tử xứ Đan Mạch trở lên đặc biệt.
Nhan đề đầy đủ là Bi kịch Hamlet, Hoàng tử Đan Mạch (Tragedy of Hamlet, Prince of Denmark), được Shakespeare viết vào khoảng 1601 và được công diễn vào 1602. Ban đầu, Shakespeare viết Hamlet theo thể melodrame (kịch tuồng), một hình thức sân khấu thịnh hành ở nước Anh thời ấy. Nhưng rồi qua nhiều lần trình diễn, ông sửa chữa dần thành kịch nói. Văn bản được in thành sách vào năm 1623 và được dùng cho đến ngày nay. Hamlet có cốt truyện phỏng theo câu chuyện cổ Đan Mạch. Truyện này được Saxo Grammaticus, một thầy tu Đan Mạch sống vào thế kỉ XII, ghi lại trong cuốn truyện lịch sử Đan Mạch. Tuy rằng kịch bản dựa trên câu chuyện đó nhưng tư tưởng cũng như tính cách nhân vật của Shakespeare hoàn toàn khác với hai câu chuyện kia.
Vở kịch mở ra bằng một thông điệp từ thế giới bên kia, khi hồn ma của người cha hiện về, báo cho Hamlet biết Claudius ( em trai và là người kế vị Vua sau khi ông qua đời, đồng thời cũng thành hôn luôn với chị dâu mình, Hoàng hậu Gertrude) chính là người đã giết ông để chiếm đoạt ngai vàng, và ông mong con trai mình sẽ thay mình trả thù đôi gian phu dâm phụ. Kể từ giây phút đó, lòng chàng luôn tràn ngập sự căm phẫn và chán ghét cuộc sống, suy nghĩ duy nhất của chàng chỉ là trả thù. Tuy nhiên, chàng vẫn đủ sáng suốt để đề phòng trường hợp đây là một linh hồn tà ác hiện lên để xúi giục chàng làm điều bậy, hòng kéo linh hồn của chàng xuống Địa Ngục, vì vậy, chàng giả điên, phần để thăm dò tin tức, phần để che mắt những kẻ được Claudius phái đi để theo dõi chàng. Tình hình trở lên căng thẳng hơn khi Hamlet mời một đoàn hát rong vào cung điện để diễn lại cảnh Claudius giết cha mình bằng cách rót thuốc độc vào tai, khiến cả vị vua và Hoàng hậu Gertrude đều thấp thỏm lo sợ, cầm chặt cây thánh giá mà cầu nguyện. Thời cơ đã đến, nhưng Hamlet không ra tay ngay lập tức, vì chàng cho rằng giết kẻ thù của mình khi hắn đang cầu nguyện thì linh hồn của hắn sẽ sạch tội ác và lên thiên đường, và như thế không tương xứng với cái chết mà cha chàng phải chịu. Biết được Hamlet đã biết rõ sự thật, Claudius cũng lập mưu trừ khử chàng bằng cách mượn tay vua Anh. Trước chuyến đi, Hoàng hậu Gertrude muốn nói chuyện riêng với Hamlet với ý đồ khêu gọi tình mẫu tử để biết rõ tâm tình của chàng hoàng tử. Cuộc nói chuyện đã không thành công và kết thúc bằng việc Hamlet vô tình đâm chết quan đại thần Polorius, thân phụ của Ophelia, người tình của Hamlet, vì tưởng nhầm rằng đó là Claudius đang theo dõi cuộc nói chuyện, việc này đã đêm đến hai bi kịch khác cho chàng đó là cái chết của Ophelia (do thất vọng trước sự điên loạn của tình nhân và bị sốc vì cái chết đầy bí ẩn của cha mình, nàng đã hoá điên, lang thang khắp lâu đài và cuối cùng nhảy xuống hào sâu mà chết) và mối thù máu với Laertes (con trai cả của Polorius). Quay lại với Hamlet, trên con thuyền sang Anh, Hamlet đã lời dụng sự sơ ý của Rosencrants và Guildenstern – hai tên tay sai được cử đi để hộ tống chàng sang Anh – đã tráo tờ mật lệnh yêu cầu vua Anh giết ngay Hamlet bằng một tờ chiếu khác yêu cầu giết hai tên tay sai đi cùng chàng. Mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch được định sẵn, tiếp sau đó là phân cảnh khó nhất cũng như là tạo điểm nổi bật nhất của cả vở diễn:
"To be, or not to be, that is the question:
Whether 'tis nobler in the mind to suffer
The slings and arrows of outrageous fortune,
Or to take arms against a sea of troubles
And by opposing end them. To die—to sleep,
No more; and by a sleep to say we end
The heart-ache and the thousand natural shocks
That flesh is heir to: 'tis a consummation
Devoutly to be wish'd. To die, to sleep;
To sleep, perchance to dream—ay, there's the rub:
For in that sleep of death what dreams may come,
When we have shuffled off this mortal coil,
Must give us pause"
Đây là phân cảnh mà Hamlet cảm thấy nghi ngờ về mục đích sống, trăn trở về những điều chàng theo đuổi bấy lâu nay, chỉ những diễn viên lão luyện mới có thể đem đến cho khán giả những góc nhìn khác nhau về nhân vật chính, liệu chàng là một người con có hiếu, đại diện cho công lí ánh sáng để diệt trừ những thứ tà ác, vì quyền lực mà có thể giết chết anh ruột của mình, hay chàng cũng chỉ là một kẻ ngu muội, lấy danh nghĩa trả thù mà làm điều xằng bậy? Trong mĩ học của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn phổ biến thuyết “lỗi lầm bi kịch”. Quan điểm này cho rằng: “Nhân vật bi kịch có nhiều nhược điểm trong tính cách nên dẫn đến hậu quả bi thảm”. Theo Aristote, ông không đòi hỏi nhân vật bi kịch phải là những con người hoàn hảo và ngược lại. Với ông, nhân vật bi kịch tức là những nhân vật mà “bất hạnh của họ gây nên những thảm họa trong bi kịch”. Họ không hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Ông chống lại lối thể hiện họ là những con người tốt tuyệt vời vì sự trừng phạt một người quá tốt phải chịu sẽ gây cho người xem sự căm phẫn hơn là thương xót. Và chống lại lối thể hiện họ hoàn toàn ác, bởi lẽ không ai lại thương xót kẻ đê tiện. Như vậy về phía phẩm chất tinh thần họ phải là những người trung bình. Nói cách khác họ có đức hạnh nhưng có những điểm yếu và những bất hạnh phải giáng xuống đầu họ do một sai lầm nào đó có khả năng gợi nên sự thương xót chứ không phải là căm ghét đối với họ. Và với những mâu thuẫn và xung đột trong tâm lí nhân vật, Hamlet tiến tới hồi kết của vở kịch.
Sau chuyến hành trình dài, Hamlet trở về Đan Mạch. Thấy kế hoạch của mình đã đổ bể, vua Claudius lợi dụng mối thù của Laertes để dựng lên một vở kịch với kết thúc là cái chết của nhân vật chính, để mà hoàng hậu cũng không biết, thân dân cũng không hay, và cuộc đấu kiếm giữa Hamlet và Laertes diễn ra. Hắn chuẩn bị cho Laertes một thanh kiếm tẩm thuốc độc, lo xa hơn, hắn còn cho thuốc độc vào rượu mừng cho người thắng cuộc phòng Laertes thất bại. Nhưng nhà vua không lường trước được tương lại, khi Hamlet thắng điểm, Hoàng hậu lại là người uống cốc rượu để mừng con. Đến hiệp tiếp theo, Laertes đâm Hamlet bị thương, đổi kiếm, Laertes lại bị Hamlet đâm trúng. Hoàng hậu lúc này đã ngấm rượu độc và chết ngay bên cạnh nhà vua, trước sự sửng sốt của toàn triều đình. Laertes biết mình sắp chết nên hối hận nói ra toàn bộ sự thật rằng: Claudius là kẻ chủ mưu và Hamlet cũng sẽ chết vì chất độc trong thanh kiếm. Căm phẫn tột độ, Hamlet dùng mũi gươm tẩm độc kết liệu nhà vua. Kết thúc vở kịch là Fortinbras, sau khi chinh phục Ba Lan trở về, lên ngôi vua trị vì đất nước Đan Mạch trong tiếng đại bác và tiếng nhạc tiến linh hồn Hamlet về nơi an nghỉ…
Và sau tất cả, sự trả thù đó đã để lại những gì? Một triều đại Đan Mạch tan hoang, giờ đây thuộc về kẻ khác, cùng sự khủng khiếp của những gì đã diễn ra, được gói gọn lại một cách không thể ghê sợ hơn trong lời nói của Horatio - người thân cận của Hoàng tử Hamlet - ở những dòng cuối cùng của vở kịch:
“And let me speak to th' yet-unknowing world
How these things came about. So shall you hear
Of carnal, bloody, and unnatural acts,
Of accidental judgments, casual slaughters,
Of deaths put on by cunning and forced cause,
And, in this upshot, purposes mistook
Fall'n on th' inventors' heads. All this can I
Truly deliver.”
Với Hamlet, tác phẩm phản ánh được tinh thần của thời đại với sự khủng hoảng, bế tắc của lý tưởng nhân văn chủ nghĩa. Không mang không khí lãng mạn vui tươi và lý tưởng lạc quan tốt đẹp của những vở kịch vui, bi kịch của Shakespeare mang suy tư nặng nề về các mối xung đột, mà trước hết là xung đột giữa lý tưởng nhân văn và hiện thực xấu xa của xã hội được ông thể hiện rất cụ thể trong mâu thuẫn của từng nhân vật trong vở kịch. Chúng ta có Hamlet và vua Claudius, một bên là kẻ muốn trả nợ máu một bên là kẻ sát nhân, một bên là con người có sức mạnh bất diệt, là người vươn lên trong chính sự đau khổ mà thể hiện được nét đẹp phẩm chất cao quý, luôn có khát vọng vươn tới đạo đức sáng ngời cao cả và một bên là một tên vô lại, ăn chơi trác táng, sẵn sàng giết anh trai vì mục tiêu lợi lộc. Việc phân tích nhân vật Hamlet đã cho chúng ta nhìn nhận được thực tế trong con mắt của Hamlet, để rồi từ đó thấy rằng trong tâm hồn chàng toàn những đớn đau, bi quan mà đầy trăn trở, cong phân tích Claudius ta chỉ thấy một xã hội được Shakespeare khắc hoạ như một thời kì phong kiến đen tối với các thế lực đua nhau để tranh quyền đoạt vị, giai cấp tư sản mới nhu nhược, vì thế mà đời sống nhân dân cùng cực.
Như vậy, qua việc thể hiện nghệ thuật điển hình hoá trong cách xây dựng và thể hiện tính cách nhân vật, chúng ta thấy được bộ mặt xã hội mà kịch của Shakespeare phản ánh. Đó là một xã hội không mấy tốt đẹp, ham quyền, đoạt lợi, ham danh vọng để chà đạp lên con người. Tình nghĩa cha con, tình vợ chồng, tình nghĩa ruột thịt đã tan biến để nhường chổ cho những tham vọng mới. Đây được xem là một đóng góp sáng tạo của Shakespeare cho bi kịch của thế giới.
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất