<i>. Vladimir Nabokov. Ithaca, New York, 1958. Photo: Carl Mydans/The LIFE Picture Collection/Getty</i>
. Vladimir Nabokov. Ithaca, New York, 1958. Photo: Carl Mydans/The LIFE Picture Collection/Getty
Học một ngôn ngữ mới, ấy vậy, lại cũng như bắt đầu một mối quan hệ.
Có khi ta gặp tri âm tri kỷ, được sớm tối bầu bạn. Có khi chỉ là người dưng, đến khi tốt nghiệp chỉ đứng từ phía xa vẫy tay chào hẹn không ngày gặp lại. Và có khi, do dòng đời xô đẩy hay duyên còn chưa dứt, ta và một (vài) ngôn ngữ kia lại rơi vào cùng một tấm lưới tình.
Ngôn ngữ đó sẽ chiếm lấy ta làm của riêng, như chính ta cũng muốn làm điều tương tự.
Ta bẻ vụn những cấu trúc ngữ pháp. Ta học thuộc những phép biến đổi. Ta lấp đầy trang giấy với những cơn sóng ngôn từ. Ta tỉ mỉ đưa đầu bút bám theo từng đường cong nhỏ nhất trên con chữ như đang nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt người tình. Từ ngữ nở rộ nơi dòng kẻ. Âm vị hoà vào nhau như ca lên một khúc tình ca. Dẫu cho khi nói ra có ngượng ngùng, có dở dang như lấy gạch mà xây tường, từng câu ta chọn đều ngát một hương thơm thoang thoảng. Cứ thế, ta ghi nhớ vào đầu những vần thơ, những câu hát, hay khô khan kể như những đầu mục tờ báo, tất cả chỉ để đến cuối ngày khi nắng tắt, hay lúc trời sáng rạng đông, đôi môi ta vẫn có thể thốt ra những lời lạ lùng mà quý giá ấy.
Động từ rồi trạng từ, danh từ rồi đại từ, tình ta cứ thế mà đậm sâu hơn. Nhưng, càng gần gũi nhau, ta càng cảm thấy rõ một hố đen đang ẩn nấp trong mối tình này. À, ta biết đó là hố sâu của tri thức, rằng không ai biết được có gì sẽ chờ đợi ta ở phía trước chặng đường học tập này. Nhưng ta có sợ gì, khi con đường ta đi lúc nào cũng trải thảm bằng niềm say mê và hứng thú.
Thế rồi, như mọi mối tình, cơn say đắm rồi cũng đến ngày tàn phai.
Khi lý trí giờ đã quay lại, ta càng phải nhớ rằng ngày ngày phải học ngữ pháp, phải học thuộc bài, luyện nghe, luyện nói. Giọng ta nghe thật tệ hại. Mỗi lần ta biểu đạt là thêm những lỗi sai. Chao ôi, sao mà nhiều quy tắc đến thế, rồi còn cả bất quy tắc nữa. Từ ngữ - sao giờ đây mất đi cái nét nhiệm màu…
Nhưng ta vẫn hết mình, và ta cần sự hết mình đó hơn bao giờ hết. Chặng đường này ta đã bước quá xa để có thể quay về. Tin vào nhau, tin vào sự nhân từ của ngôn ngữ mà ta chọn, ta thấy bản thân mình gắn bó mà cũng thật dễ tổn thương. 
Và khi một lần nữa thề nguyện bên nhau, ngôn ngữ ấy sẽ đem lại một sự gắn kết còn bền chặt hợn trước, một nguồn cảm hứng mới dâng trào trong con người mới của chúng ta...
Rất nhiều tác giả nổi tiếng được biết đến với việc đắm mình và vùng vẫy trong ngoại ngữ họ chọn.
Vladimir Nabokov chỉ sống ở Mỹ một vài năm trước khi viết nên Lolita (1955), một tác phẩm được ví như “lá thư tình cho những người đa ngôn ngữ”, còn tác giả thì được ca ngợi như một ”bậc thầy văn xuôi Tiếng Anh”. Samuel Beckett người Ailen thì chọn viết bằng Tiếng Pháp để thoát khỏi cái lộn xộn của Tiếng Anh. Yann Martell lớn lên ở Canada nhưng không chọn Tiếng Pháp mẹ đẻ, mà theo đuổi Tiếng Anh để có “đủ sự xa cách để viết”. Cùng một sự xa cách như thế, tiểu thuyết gia Elif Shafak người Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn viết Tiếng Anh, nhưng lại như tìm tới gần hơn một mái nhà ấm cúng.
Khi Haruki Murakami ngồi bên mặt bàn bếp để viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, ông thấy tiếng Nhật của mình như đang cố tình cản bước, rằng từng dòng nghĩ cứ tuôn ra ồn ào giống như “một cái chuồng nhốt đầy gia súc”. Thế rồi ông viết bằng Tiếng Anh, với vốn từ ngữ hết sức hạn hẹp, với những cấu trúc không thể nào đơn giản hơn. Khi ông dịch lại những câu Tiếng Anh mình viết (“không dính một chút mỡ thừa nào”) sang Tiếng Nhật, một phong cách mới màn vẻ đẹp khác lạ đã ra đời và chinh phục độc giả thế giới suốt những thập kỷ về sau.
Khi Jumpa Lahiri, cây viết thắng giải Pulitzer, bắt đầu dùng Tiếng Ý - thứ ngôn ngữ mà bà đã học và yêu quý suốt nhiều nă, cô cũng cảm thấy bản thân như đang viết trái tay, “yếu ớt”, “lung lay”, “nghèo nàn”. Thế nhưng bà vẫn viết bằng Tiếng Ý. Thứ ngôn ngữ ấy nhắc bà về căn nguyên sự viết của bản thân - “là niềm vui và là cái cần thiết”. Bà cảm thấy thanh thoát, tự do, như được bảo vệ và tái sinh trong ngôn ngữ mới.
____________
<i>Dee, JoJo, Frankie and Lisa. Little Italy, New York City, 1976. Photo: Susan Meiselas’s series Prince Street Girls/Magnum</i>
Dee, JoJo, Frankie and Lisa. Little Italy, New York City, 1976. Photo: Susan Meiselas’s series Prince Street Girls/Magnum
Mối tình nào dù giấu kỹ tới mấy cũng tới ngày lộ ra
Mối tình nào dù giấu kỹ tới mấy cũng tới ngày lộ ra. Và một trong các đối tượng bị liên luỵ chắc chắc phải có tiếng mẹ đẻ.
Bà tôi vẫn luôn giữ lại những bức thư tôi gửi kể từ ngày tôi rời xa quê hương Armenia và tới Nhật. Mỗi khi có dịp, bà lấy ra gói thư dán đầy những con tem Tiếng Nhật, rồi lại lật giở và đọc một lượt. Bà tự hào rằng mình đã thuộc lòng từng câu từng chữ của đứa cháu yêu quý.
Thế rồi một ngày, khi gặp nhau qua màn hình máy tính, hai người ở hai lục địa khác nhau, tôi thấy bà lắc lắc đầu.
Bà bảo tôi giờ đã "khác", vừa nói bà vừa dò theo từng câu trong thư qua cặp kính lão quá khổ. Bà nhận ra tôi cứ thay đổi từng chút một qua mỗi bức thư.
Bà ơi, tất nhiên là cháu sẽ thay đổi, cháu đến Nhật này, rồi cháu trưởng thành ở đó… Cháu…
“Không cháu ạ”, nét mặt bà thất vọng như một người giáo viên trong lớp, “là cách viết của cháu”. Đầu tiên là mấy lỗi chính tả khó hiểu ở đây và ở kia, rồi động từ danh từ lộn xộn lên hết cả.
Hai bà cháu đứng hình mất mấy giây.
Tôi cúi xuống nhìn vào những ký tự trên bàn phím Tiếng Anh của chiếc máy tính.
“Không sao đâu cháu”, bà chắc là đang tự an ủi mình rồi, nhưng nghe câu đó tôi như muốn ngừng thở mỗi lúc nhìn vào những lỗi sai như thế.
Bà lại mở một bức thư khác.
“Nhìn này cháu, dấu câu của cháu này”. Quá nhiều dấu phẩy. Câu nào cũng kế thúc bằng dấu chấm.
Bà vừa cất gọn đống thư vừa cười với tôi: “Cái bức thư cuối cùng của cháu là khác rõ nhất. Cháu ơi, cháu viết bằng ký tự Armenia, từ ngữ của Armenia, nhưng nghe không giống người Armenia chút nào”.
____________
<i>. Photo: FARFETCH/Magnum</i>
. Photo: FARFETCH/Magnum
Dính vào quan hệ yêu đương với một ngôn ngữ thường sẽ làm mọi thứ đảo lộn hết cả.
Dính vào quan hệ yêu đương với một ngôn ngữ thường sẽ làm mọi thứ đảo lộn hết cả. Mắt ta dò tìm những từ mới. Tai ta làm quen với những âm thanh lạ. Tay ta nhớ để mô phỏng lại những ký tự trên trang giấy.
Khi các giác quan còn đang mơ màng trong cơn say, cấu trúc của ngôn ngữ mới đã len lỏi dần vào trong đầu. Khi những mạng lưới nơ ron mới ngày càng nhiều lên, những đổi thay dần dần xuất hiện trong những bức thư tôi gửi cho bà. 
Các nhà ngôn ngữ học gọi đây là “ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ hai”, khi việc sử dụng ngôn ngữ mới đan xen với ngôn ngữ cũ, giống như một người bạn đời bắt tay vào trang trí lại phòng ngủ, với thái độ vô cùng rõ ràng: từ nay cứ thế này mà sống nhé.
Xem chừng việc viết sẽ bộc lộ sự đan xen này rõ ràng hơn là nói. Bởi lẽ nhiều khi việc nói chịu ảnh hưởng từ nét mặt và âm điệu, còn viết thì như văn hào Pháp Guy de Maupassant đã nhận xét: “Con chữ đen trên trang giấy trắng là linh hồn ta trần trụi hiện lên”.
____________
Đã gần hai thập kỷ từ ngày những văn bản Armenia cuối cùng của tôi được viết ra.
Tiếng mẹ đẻ cũng như như mối tình đầu, sâu đậm không thể nào quên đi được. Nó luôn trung thành và đầy dung thứ. Ngay cả khi giọng ta nói khô khốc, chữ ta viết tràn ngập lỗi sai. Ngay cả khi lá thư ta viết đọc lên thấy sao xa lạ, giọng ta mất đi âm điệu thuở xưa.
Tiếng mẹ đẻ nuôi ta lớn. Nó biết ta kể cả khi ta không biết chính mình. Ngôn ngữ ấy đã dõi theo từng bước chân, từng bước ta học nói, học viết, học cách lý luận.
Ta được dạy yêu và dạy thương tiếc.
Ta được học thế nào là quy tắc, thế nào là ngoại lệ.
Ngôn ngữ ấy vang vọng trong căn nhà do chính chúng ta xây nên, khi ta tự học những từ mới, khi ta niệm cầu những dòng kinh cổ kính. 
Ta sẽ vẫn được dõi theo, yên lặng và không hề oán trách, kể cả khi ta đã dời xa tới những vòng tay khác. Bởi chính khi đó, giữa sự vô tri và tự vấn, ràng buộc và tự do, cung kính và trân trọng, giận dỗi và vui sướng, ta đang làm cái mà Murakami đã khẳng định như một quyền sẵn có từ lúc con người sinh ra - "thử nghiệm với những khả năng ngôn ngữ". Và cũng chính ở đó, giữa sự giằng xé của thuộc về hay không thuộc về, ngôn ngữ biết rằng những đứa con của mình sẽ sớm tự tìm vị trí của chúng.
Photo: Mary H K Choi / Aeon.co
Photo: Mary H K Choi / Aeon.co
Chuyển ngữ từ bài viết "Why learning a new language is like an illicit love affair" của tác giả Marianna Pogosyan, đăng trên Aeon.co. Quyền quản lý nội dung gốc thuộc về Aeon. Văn bản trên Spiderum có bổ sung thêm ảnh.