“Phàm những gì có giá trị đều không được bỏ phí”

Hồi mình làm IBD@NEU (Chương trình đào tạo quốc tế tại ĐHKTQD), mình hay nói với team của mình “Phàm cái gì có giá trị thì không được bỏ phí”. Khi tuyển sinh với mô hình mới, sinh viên được yêu cầu viết bài luận nhập học, dù bài luận có mục tiêu là phục vụ cho công tác tuyển sinh, nhưng nhận thấy những bài đó rất thú vị, mình đã cho team tổng hợp các bài viết lại thành một cuốn sách nhỏ, có tên là “Những khám phá đầu tiên”. Cuốn sách nhỏ đó tập hợp những ý được nhặt ra từ các bài luận, là những gì các em mong muốn, các em mơ ước, dự định, khát khao… Và chúng mình tổng hợp lại theo các đề luận, và đưa lại cho các em, để nói rằng, đây chính những điều xuất phát từ các em nhé, ước mơ của các em, dự định của các em, kế hoạch của các em... Vậy, khi vào chương trình, chúng ta hãy cùng nhau làm cho chúng trở thành hiện thực.
Rồi, sau khi vượt qua kỳ tuyển sinh, các em bước vào Tuần lễ định hướng (OW-Orientation week), với một lịch trình dày đặc và nhiều nhiệm vụ, nhiều thử thách song cũng rất vui, sinh viên như trải qua một bài “self-test”, tự đánh giá bản thân. Mỗi người đều như được lộn hết 4 túi ra xem mình có những khả năng gì, bởi sinh viên trong mỗi lớp phải cùng nhau hợp sức để hoàn thành một loạt các nhiệm vụ trong Tuần lễ định hướng.  Sau khi trải qua cả một tuần nỗ lực cùng nhau, các bạn có rất nhiều cảm xúc, một bài thu hoạch/reflection được viết ra lúc đó rất giá trị. Chúng mình lại làm một cuốn tập nữa, tổng hợp từ các bài thu hoạch, có tên là “Khám phá và chia sẻ”. Đó là bước tiếp theo để sinh viên năm trên (ở vị trí mentor), năm dưới (sinh viên mới), và các các thầy cô, “khám phá và chia sẻ” cùng nhau. Tiếp đến lại là Tờ nội san SAFARI, như một nơi để các bạn chia sẻ những trải nghiệm của mình khi tham gia các hoạt động đa dạng trong chương trình…
Nay ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), khi tổ chức một cuộc thi cho sinh viên, các bạn cũng đầy cảm xúc, vui có, tự hào có, buồn có, tức giận và thất vọng cũng có… Những cảm xúc đó thực ra đều đáng quý, bởi chúng là những cảm xúc mà mỗi người đều sẽ gặp trên đường đời của mình. Vậy nên, mình lại nghĩ về việc làm thế nào để những trải nghiệm, những cảm xúc, dù tích cực hay tiêu cực, đều được xử lý sao cho đem lại giá trị cho hành trình phát triển và trưởng thành của sinh viên.

“Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”.

Chợt nhận ra, mình có suy nghĩ giống như một người làm nông: “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”. Trước đây ngoài rơm còn có cả rạ: rạ có thể lợp nhà, rơm rạ đun bếp, cho trâu bò ăn, lót chuồng… để rồi sau đó tro bếp, phân chuồng lại được đem đi bón ruông, cho tốt tươi một mùa màng mới. Phải rồi, đó chính là “circle of life”, là vòng tròn cuộc sống, vòng luân hồi: sinh, diệt, rồi tái sinh… trong những hình hài mới của sự sống trường tồn. Đối với một người làm nông, chẳng có gì là rác bỏ đi cả. Rác là hoa, hoa là rác, rồi rác lại thành hoa. Và đó chính là cách sống của loài người từ cổ xưa.
Rồi lại nhận ra, thời nay, “nhờ” sự văn minh, mà nhiều thứ người nông dân trước kia sử dụng cho những vụ mùa mới giờ đã không còn cần dùng nữa, chúng thực sự trở thành rác thải. Và rác thải thì phải thải đi, bỏ đi khỏi cuộc sống. Và thải vào đâu, bỏ vào đâu? Thế là vào những ngày mùa, ta thấy có các vụ đốt rơm nghi ngút, gây ô nhiễm môi trường. Rồi dọc các con đường vào thôn xóm bây giờ, bên cạnh những con đường trải bê tông, hai bên trồng hoa rất đẹp, là thành quả rất tự hào của nông thôn mới, thì cũng có rất nhiều các bãi rác mọc lên, bên bờ ruộng, bên những cánh đồng, nhìn đến xót xa. Con người ngày nay tiêu dùng rất nhiều, có quá nhiều thứ cho sự tiện dụng để rồi tạo ra vô cùng nhiều rác thải.
Như đối với các hoạt động giáo dục, dường như nhà trường mới chú trọng đến đưa cho học sinh thật nhiều kiến thức, thêm vào đó, với chủ trương không dừng ở lý thuyết, học sinh lại có thêm rất nhiều hoạt động trải nghiệm, từ việc đi tham quan thực tế, nơi công xưởng sản xuất, nơi thiên nhiên cảnh đẹp, di tích lịch sử, rồi hoạt động giao lưu, cả làm từ thiện… Nhưng các thầy cô đã thực sự quan tâm xem liệu các đã em hấp thụ những kiến thức, trải nghiệm đó đến đâu hay chưa? Liệu các em đã “tiêu hóa/chuyến hóa” chúng thành tri thức, thành sự hiểu biết, sự trưởng thành của các em hay chưa? Hay vẫn là một hoạt động cần làm để có thêm một gạch đầu dòng, một khổ chữ trong bản báo cáo, trong khi rất nhiều thứ: kiến thức, trải nghiệm, cảm xúc… vẫn chỉ là ở đó, trước mắt, trong vở ghi, hay trong một rừng thông tin được đưa vào đầu các em. Những thông tin này đúng lẽ sẽ cần được sắp xếp, được hấp thụ để trở thành hành động của các em, bằng một cái đầu đã có thêm nhiều tri thức, bằng một con tim rộng mở ấm áp hơn, bằng những đôi tay khéo léo hơn, và những bước chân mạnh mẽ nhanh nhẹn, với những sự quan sát tinh tế, nhạy bén hơn.  Nếu không được thế, chúng trở nên ngổn ngang, và khi chất chứa lên quá nhiều, chúng có thể đơn thuần bị bỏ đi, quên đi một cách phí phạm, thậm chí tệ hơn, chúng có thể vẫn ở đó, lộn xộn, xộc xệch, lệch lạc, và trở thành rác. Những thứ rác đó sẽ chiếm cứ bộ óc non nớt, khiến cho đầu óc các em bị đè nặng, không còn không gian cho sự nhẹ nhàng, thênh thang của niềm vui khám phá, của sự sáng tạo, hay của những xúc cảm sâu sắc, giúp các em trưởng thành, qua những buồn vui thử thách của cuộc sống này… Điều này cũng tương tự như trong một bữa ăn, thức ăn rất quý và ngon lành, có thể còn rất đắt đỏ,  song khi không còn là nhu cầu của thực khách, sẽ là đồ dư thừa, và nếu không được xử lý đầy đủ và đúng cách, chúng sẽ trở thành rác thải. Hay ngay cả khi thức ăn có thể được ăn hết ở trên đĩa, song nếu quá nhiều, cơ thể không thể hấp thụ hết, chúng lại có thể trở thành gánh nặng của cơ thể, trở thành nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật.  Khi đó, chẳng phải chính chúng ta đã biến những thứ hữu dụng quý giá thành các loại rác thải nguy hại cho cuộc sống đó sao? “Rác thải” thật sự, chứ không phải là rác để nuôi dưỡng sự sống trong những hình hài khác?   

Nếu có để lại gì, hãy để lại di sản chứ không phải rác thải!

Vậy, một tư duy cần có và nên có ở mỗi người, là nên nghĩ đến những gì mình đang tạo ra.
Mỗi con người đến với thế giới này, có thể tạo ra rất nhều thứ. Con người được khuyến khích sáng tạo, kiến tạo ra những vật dụng, của cải… đem lại giá trị sử dụng cho người khác, cho những khoảng thời gian nào đó. Song cũng rất cần sự thận trọng. Hãy nghĩ thêm rằng nếu như thứ mình tạo ra bây giờ, đưa ra bây giờ, để phục vụ cho một mục tiêu nào đó, song nó có thực sự được dùng hết không? Liệu có đến một lúc nào đó, nếu không còn dùng được cho mục tiêu ban đầu đó, nó có thể tan đi không? Có thể trở thành một phần của cuộc sống mới không? Hoặc bằng cách nào đó đóng góp vào quá trình phát triển của thế hệ sau? Hay nó sẽ cứ nằm đó, cản trở cho cuộc sống tiếp diễn. Nghĩa là liệu chúng có thể trở thành rác thải hay không? Và nếu là rác, thì phương án xử lý tiếp theo là như thế nào?  
Một ngôi nhà thật to, thật kiên cố vào lúc nào đó, sẽ trở thành gì khi con người không cần đến nó nữa? Trên thế giới, đã có những thành phố chết, đã phải bị phá hủy,  hoặc trở thành các thành phố “ma” hoang vắng khi con người không còn ở nữa. Tất nhiên, cũng có một số được giữ lại như một chứng tích về hành trình phát triển của xã hội loài người, song hẳn chẳng ai mong muốn có quá nhiều sự hiện diện vật chất như vậy của một quá khứ thiếu vắng sự sống động thực sự trong hiện tại.  
Nếu ai cũng có ý thức về sự để lại sau khi mình đến và rời khỏi một nơi nào đó, theo cách, hoặc tôi sẽ để lại một điều thật đẹp đẽ và hữu dụng cho những người đến sau, hoặc theo kiểu “clean after”, dọn dẹp sạch sẽ để trả lại nguyên bản ban đầu, thì trái đất này, có lẽ đã bình an, xinh đẹp và nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Mới hiểu vì sao trên thế giới, có những người đã để lại tài sản của mình cho các nhà trường, cho các quỹ nghiên cứu khác nhau, cho những công trình bào tàng…  mang tên mình hoặc không, như một cách hiện diện trong sự tiếp nối của cuộc sống. Và đó chính là cách để lại di sản, chứ không để lại rác thải.
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi”   
Nhìn rộng hơn nữa, ngày nay trên những nẻo đường về quê, thường thấy những nghĩa trang càng ngày càng hoành tráng, những “thành phố” của người đã khuất, với các công trình xây mộ ngày càng to lớn lên theo từng thời kỳ phát triển kinh tế, theo sự giàu lên về vật chất của cuộc sống hiện đại. Có những làng quê, xem ra phần đất dành cho nghĩa trang đã không kém cạnh gì phần đất dành cho người sống, mà thường là nơi có nhiều người được coi là thành đạt. Rồi sự xuất hiện của những công viên nghĩa trang như các resort 5 sao, đang ngày càng mở rộng trên những vùng núi đẹp đẽ. Bỗng cảm thấy hình như có điều gì đó sai sai. Vâng, đã từng có những tấm bia mộ hàng ngàn năm, song đó là của những danh nhân, những con người đặc biệt nào đó, mà những ngôi mộ của họ khi trường tồn với thời gian sẽ là di tích mang dấu ấn của lịch sử văn hóa nào đó, hay là chứng tích quý giá còn sót lại để con người ngay nay nghiên cứu về quá khứ, về khoa học, về lịch sử phát triển của loài người, khi các phương tiện lưu giữ thông tin khác không còn hoặc chưa đủ. Và chúng có vai trò tiếp tục đóng góp cho cuộc sống này. Còn đối với những người bình thường, những nấm mồ “xanh cỏ” xưa nay, thường cũng chỉ tồn tại trong tồn tại qua vài đời, khi con cháu còn được biết về họ, còn ở gần đó để có thể viếng thăm thờ cúng, chứ sau nhiều đời, cuộc sống vật đổi sao dời, con cháu có thể đã đi xa, đâu còn có thể dõi theo hương khói ở trên từng ngôi mộ. Thay vào đó, có chăng là những câu chuyện về ông bà tổ tiên, những bức hình hay bài vị nào đó trong các gian nhà thờ của gia đình, của dòng họ mới có thể thực sự đồng hành cùng các thế hệ tiếp theo mà không trở thành gánh nặng cho thế hệ sau, những thế hệ có thể đã di chuyển đến những vùng đất xa xôi nào đó… Điều có ý nghĩa với những thế hệ tiếp theo thực chất là những giá trị văn hóa có thể trường tồn với thời gian, tạo nên bản sắc của con người với xuất thân gốc gác tổ tiên từ một vùng miền nào đó, trong sự hòa nhập với những giá trị nhân văn phổ quát, là nền tảng phát triển của xã hội loài người, và sẽ làm giàu đẹp lên cho trái đất ngôi nhà chung của loại người chúng ta.
Các ngôi mộ xưa kia thường được đắp đất, rồi qua nhiều đời cũng dần tan đi, hóa thành cát bụi, trở về “không”, như một sự khép lại của một vòng tròn sinh diệt, hòa vào sự tái sinh của sự sống mới. Có lẽ đó mới là thuận theo lẽ tự nhiên.
Nhớ lời của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, khi ngài sắp đi, đã cảm ơn và từ chối việc các phật tử học trò muốn xây tòa bảo tháp cho mình. Người nói, “còn nếu đã lỡ xây rồi thì hãy ghi, “trong này không có gì”, và thực ra thì “ngoài kia cũng không có gì”. Nếu có gì còn lại, thì không phải ở thân xác này, cũng không phải trong một khuôn hình bia mộ mà trong không có gì, ngoài cũng không có gì. Chỉ có tình yêu thương, trí tuệ và một con đường tâm thức mà Người để lại, sẽ giúp nâng bước chân nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống của bao thế hệ học trò của người.   
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi”
Nhạc sĩ Trịnh công Sơn đã khắc họa trong câu hát này đời sống của một con người, khi mỗi người đến và rời đi, khiêm nhường, bao dung, không chiếm cứ, không phô phang hiện diện, để lại mặt đất vẫn thênh thang cho những sự sống mới.
Và như thế có lẽ mới là thuận theo quy luật của tạo hóa muôn đời, và mới là sự nối dài của sự sống trường tồn trên đất mẹ thân yêu của chúng ta.