Sau chiến thắng 2-0 trước Sunderland ngày hôm nay, Craig Shakespeare đã có trận thắng thứ 6 liên tiếp trên cương vị HLV của Leicester City, đi cùng với đó là nghi án phản thầy sau khi CLB Leicester sa thải HLV Claude Ranieri càng được đẩy lên cao.

Là một fan của Leicester City, tôi cũng rất buồn trước quyết định sa thải HLV Ranieri của ban lãnh đạo đội bóng. Tuy nhiên nếu theo dõi Leicester City từ đầu mùa giải, thì có thể các bạn sẽ có cái nhìn chính xác hơn về sự sa sút của đội bóng này trong quãng thời gian trước đó. Tôi xin đưa ra những nhận định cá nhân của mình về chuỗi trận thất bại liên tiếp và không ghi bàn từ đầu năm 2017 của Leicester City - nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đi của HLV Claude Ranieri:
- Thiếu hụt nhân lực. Đây là giai đoạn giải bóng đá châu Phi diễn ra, nhiều cầu thủ quan trọng của Leice được triệu tập về khoác áo đội tuyển quốc gia như Mahrez, Slimani, Amartey. Ngoài ra việc phân bố đội hình tham gia Champion League, FA Cup cũng khiến cho nền tảng thể lực của các cầu thủ không được đảm bảo.
- Không còn Kante. Kante chơi hay ra sao và tầm quan trọng của cầu thủ này có lẽ không còn là điều để bàn cãi. Không giữ chân được Kante quả là mất mát lớn của CLB. Sau khi Kante đi vị trí này được luân chuyển qua lại giữa vài cầu thủ nhưng chưa thực sự hiệu quả. HLV Ranieri đã mang tiền vệ Nampalys Mendy từ Nice về để thay thế vị trí này, nhưng có vẻ như cậu ấy đã không đáp ứng được kỳ vọng. Mất máy quét phía trước, hàng hậu vệ của Leicester có nhiều lỗ hổng hơn và thi đấu kém tự tin hơn hẳn.
- Thử nghiệm nhiều sơ đồ chiến thuật mới. Các cầu thủ Leicester City đã chơi quen thuộc với sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Bản thân HLV Ranieri khi mới về cầm quân mùa giải trước cũng đã thử dùng đội hình ưa thích của mình là 4-2-3-1 nhưng không hiệu quả. Ông đã quay trở về với đội hình quen thuộc với các cầu thủ. Tuy nhiên giai đoạn này một phần do thiếu hụt lực lượng nên HLV Ranieri tỏ ra khá bối rối khi thay đổi nhiều sơ đồ chiến thuật mới, mỗi trận một kiểu nhưng không đem lại hiệu quả.

Sau khi HLV Ranieri ra đi, Leicester City đã trở lại với chuỗi 6 trận thắng ấn tượng dưới thời Craig Shakespeare như thế nào? 
HLV Craig Shakespeare

Leicester City đã gặp những vấn đề như tôi đã nêu ở trên, giải quyết các vấn đề đó đã giúp Leicester City lấy lại hình ảnh của mình.
- Giải vô địch châu Phi kết thúc các cầu thủ quan trọng trở về, dừng chân ở cup FA, Champion League cũng còn ít trận hơn. Tình hình nhân sự Leicester City được đảm bảo.
- Wilfred Ndidi - Cầu thủ trẻ người Nigeria chơi ngày càng hay có thể đảm đương được vị trí mà Kante để lại. Ndidi đến Leicester khá im hơi lặng tiếng. Bản thân mình cũng không biết cầu thủ này đã đến Leicester City vào giữa mùa. Trong vài trận cuối cùng dưới thời HLV Ranieri ở hoàn cảnh thiếu hụt nhân sự thì Ndidi được đưa vào sân như một giải pháp tình thế và không để lại nhiều ấn tượng.
- Trở lại với đội hình quen thuộc đã làm nên chiến tích vô địch Premier League mùa trước. Sau khi nắm quyền HLV Leicester, Craig Shakespeare đã áp dụng lại đội hình quen thuộc với cặp tiền đạo Vardy, Okazaki, ở tuyến giữa thì Ndidi thay thế vị trí của Kante. Vậy là bộ máy của Leicester đã vận hành ổn định trở lại.

Phần tiếp theo tôi định viết thêm về Craig Shakespeare nhưng xin phép mượn lại một bài viết trên zing tôi thích bài viết này và thấy nó khá đủ ý.
Đại thi hào William Shakespeare đã viết tác phẩm Macbeth. Hơn 400 năm sau, một người cũng họ Shakespeare đã tái hiện nó ở Leicester, biến câu chuyện cổ tích thành một bi hài kịch.
Với những ai chưa đọc qua tác phẩm Macbeth, thì đây là nội dung tóm tắt: Macbeth là tên của một vị tướng của vua Scotland. Ba mụ phù thủy tiên đoán y rồi sẽ thăng lên lãnh chúa, rồi trở thành vua. Tham vọng quyền lực được kích động, Macbeth giết chết vua Duncan để tiếm ngôi. Có rất nhiều điều xảy ra xung quanh, gồm âm mưu, tội ác, sự hoang tưởng và cuồng vọng điên rồ.
Trong một sự liên tưởng, Claudio Ranieri khá giống với vua Duncan. Cả hai cùng đứng trên đỉnh cao danh vọng, thành công tột bực, là những nhà lãnh đạo hào phóng và có một chút ngây thơ. Điều này dẫn tới bi kịch sau đó: đều bị đâm sau lưng bởi tướng lĩnh của mình.
Vậy ai là Macbeth? Đó chính là Craig, người cùng họ với William Shakespeare, nhà viết kịch đi trước thời đại và sáng tác nên vở Macbeth. Ở đây không có ý ám chỉ vị HLV hiện tại của Leicester là một kẻ tráo trở, hung bạo với những âm mưu hắc ám. Tuy nhiên, chắc chắn ông ta bị cám dỗ bởi quyền lực và hưởng lợi từ “cái chết” của Ranieri.


Lượt đi gặp Sevilla khi Ranieri còn chỉ đạo, Leicester chỉ thực hiện 28 lần phá bóng giải nguy (trái). Lượt về dưới sự dẫn dắt của Shakespeare, con số này tăng gấp đôi, lên 57 lần (phải).  

Kevin Phillips, người có vài tháng ngắn ngủi làm việc ở Leicester trên cương vị trợ lý, đã tiết lộ rằng Craig Shakespeare có ảnh hưởng trong đội bóng hơn là Ranieri. “Dưới thời Ranieri, Leicester không được tổ chức tốt”, cựu tiền đạo 43 tuổi nói với Sky Sports, “Nếu không có Shakey - tức Craig Shakespeare, đội bóng này hẳn đã tan rã, đừng nói là sẽ vô địch”.
Cũng theo Phillips, trước mỗi trận Premier League vài ngày, Ranieri lại trở về Italy để thăm bà mẹ 96 tuổi ốm yếu. Những lúc như vậy, Shakespeare là người thiết kế giáo án, chỉ đạo và báo cáo lại cho Ranieri khi ông ta quay về King Power. “Shakey có tài năng để thích ứng với mọi hoàn cảnh và nhận được sự tin tưởng của các cầu thủ”, Phillips cho biết.

Shakespeare có ảnh hưởng với đội bóng hơn là Ranieri

Nhìn vào cung cách làm việc của Shakespeare, khó nhận ra ông chỉ là trợ lý. Người đàn ông 53 tuổi này có mặt trên sân tập từ 7 rưỡi sáng - trong khi 10h kém mọi người, bao gồm cả Ranieri, mới đến - và ở đó đến tối mịt. Shakespeare có sự hiểu biết kỹ lưỡng ở tất cả lĩnh vực và am tường đối thủ hơn bất kỳ ai khác.
Ngoài ra, Shakespeare cũng rất có uy. Ông đã gắn bó với Leicester từ năm 2011, đủ nhiều để dám quát thẳng vào mặt một người nếu họ không tuân phục. Bình thường, Shakespeare rất hòa đồng với cầu thủ, nhưng luôn giữ một khoảng cách nhất định để khiến họ nể sợ. Đây là khác biệt lớn so với Ranieri, người quá gần gũi và nuông chiều học trò.  
Với một người như vậy, liệu có cam chịu đứng mãi sau hậu trường? Đương nhiên là không. Mặc dù không có bất cứ bằng chứng nào cho việc Shakespeare tham gia vào “vụ Ranieri”, nhưng người ta có quyền đặt câu hỏi, tại sao Jamie Vardy cùng đồng đội lại chiến đấu vì ông ta, chứ không phải Ranieri?



Shakespeare thiết lập mối quan hệ hoàn hảo với cầu thủ.

Và tại sao Shakespeare không phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ trước đó của Leicester? Là cánh tay phải của Ranieri cùng ảnh hưởng với phòng thay đồ, lý do gì khiến Shakespeare không can thiệp để đám cầu thủ chịu đá, mà đợi đến khi được bổ nhiệm là HLV chính thức?
“Khi ngồi đây với tư cách HLV, tôi cảm thấy mình như một nhân vật phản diện”, Shakespeare nói trong ngày tiếp quản đội bóng. Ban lãnh đạo Leicester có thể cũng cảm nhận được điều đó, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.
Thật may là ngay khi “lên ngôi”, Shakespeare rời khỏi vai diễn “Macbeth” để hóa thân thành “Julius Caesar”, một nhân vật trong vở kịch khác của William. Màn 3 cảnh 1, Caesar hét lên: “Hãy hô to từ 'tàn phá’ rồi thả những con chó của chiến tranh”. Shakespeare làm thế với đám cầu thủ của mình. Và họ lại trở thành những chiến binh một lần nữa.
Ít nhất thì Craig đã cải biên vở kịch, tạo ra một kết thúc có hậu.


- Từ một Fan Leicester chân chính :D -