Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Nhân hôm trước vừa là ngày giỗ thứ 75 của H. G. Wells, một trong những cột trụ khổng lồ nhất của dòng Sci Fi, mình lại nhớ đến một bức thư ông từng gửi James Joyce, thể hiện quan điểm của mình với tác phẩm Finnegans Wake, lúc bấy giờ vừa mới bắt đầu được đăng tải dưới dạng truyện dài kỳ trên tạp chí văn học. Nội dung thư cụ thể như sau:
“Tôi đã nghiên cứu và suy nghĩ rất nhiều về anh. Kết quả là tôi nghĩ rằng mình chẳng thể giúp tuyên truyền tác phẩm của anh được đâu. Ngay từ những cuốn sách đầu tiên của anh, tôi đã thấy vô cùng tôn trọng sự thiên tài của anh rồi, và cá nhân tôi hiện cảm thấy rất yêu thích anh, nhưng đường lối của anh và tôi khác nhau hoàn toàn. Nền tảng giáo dục của anh là Công giáo, bản sắc Ireland, nổi loạn; còn của tôi, dẫu không được tử tế lắm, vẫn là khoa học, kiến tạo, và có lẽ là bản sắc Anh Quốc. Đầu óc tôi là một thế giới nơi một quy trình lớn, thống nhất và tập trung (tức quy trình gia tăng năng lực và tầm vóc bằng cách tối ưu hóa và dồn tụ nỗ lực) có thể tồn tại. Tiến trình này không phải là tất yếu, song vẫn thú vị và khả thi. Trò chơi đó thu hút và níu giữ lấy tôi. Để phục vụ quy trình này, tôi muốn một ngôn ngữ và các tuyên bố càng đơn giản và rõ ràng càng tốt. Khởi nguồn của anh là Công giáo, tức anh bắt đầu với một hệ giá trị hoàn toàn đối lập với thực tế. Tâm trí của anh bị ám ảnh bởi một hệ thống mâu thuẫn quái dị. Anh có thể tin vào sự trong trắng, thuần khiết và một vị Chúa phỏng nhân, và đó là lý do anh suốt ngày lôi lồn, lôi cứt, lôi quỷ thần ra xướng. Vì tôi không tin vào những điều này, ngoại trừ dưới dạng những giá trị mang tính hết sức cá nhân, tâm trí tôi chưa bao giờ bị sốc trước sự tồn tại của nhà xí và băng vệ sinh — và những điều xui xẻo không đáng có. Và trong khi anh được nuôi dạy dưới ảo tưởng về sự đàn áp chính trị, tôi được nuôi dạy dưới ảo tưởng về trách nhiệm chính trị. Với anh, thách thức và phá bỏ là một điều tốt đẹp. Riêng với tôi thì chúng không ổn tí nào.
Bây giờ, về phần thử nghiệm văn học này của anh. Nó quả là một thành phẩm lớn lao bởi vì anh là một con người vô cùng lớn lao, và tồn tại trong tư chất đầy ứ của anh là một khả năng biểu đạt hết sức thiên tài, vượt ngoài khuôn phép. Nhưng tôi không nghĩ nó đi đến đâu hết. Anh đã quay lưng lại với người thường — với những nhu cầu cơ bản cũng như quỹ thời gian và trí thông minh hạn chế của họ, và anh đã cầu kỳ hóa. Kết quả là gì nào? Là những bí ẩn khôn cùng. Hai tác phẩm gần đây nhất của anh khi viết thì vui sướng và lý thú lắm đấy, nhưng khi đọc thì lại không được đến như vậy. Hãy lấy tôi ra làm ví dụ cho một độc giả thông thường điển hình nhé. Tôi có nhận được nhiều niềm vui từ tác phẩm này không? Không. Tôi có cảm thấy mình đang nhận được điều gì đó mới mẻ và khai sáng như hồi đọc bản dịch tệ hại do Anrep thực hiện cho cuốn sách với văn phong dở ẹc về Phản xạ Có điều kiện của Pavlov không? Không. Vậy nên tôi xin hỏi: Cái tay Joyce này là thằng cha vơ chú váo nào mà lại đòi tận hàng bao tiếng trong quỹ thời giờ thức tỉnh chỉ còn nhõn vài ngàn của đời tôi để đánh giá được đúng mức ba cái thói tật kỳ quái cùng các ảo tưởng và những thoáng biểu thị của hắn thế?
Tất cả những điều này chỉ là quan điểm của tôi thôi. Có lẽ anh đúng và tôi sai hoàn toàn. Tác phẩm của anh là một thử nghiệm phi thường và tôi sẽ cố gắng hết sức để nó không phải hứng chịu sự gián đoạn mang tính phá hoại hoặc giới hạn nào cả. Nó có một nhóm người tin tưởng và tôn thờ riêng. Hãy cứ để họ tận hưởng nó. Đối với tôi, nó chỉ là một cái ngõ cụt.
Tôi xin gửi anh những lời chúc thân tình nhất, Joyce ạ. Tôi không thể theo nổi anh, hệt như anh chẳng thể theo nổi tôi vậy. Nhưng thế giới rộng lớn lắm, và có đủ đất để cả hai ta cùng sai lầm.
Thân mến, H. G. Wells”
Nội dung thư gốc anh em có thể đọc ở đây:
Như anh em có thể thấy trong bức thư, Wells cảm thấy không ngửi nổi Finnegans Wake bởi vì ông cảm thấy nó phức tạp một cách quá lố, quá xa rời những con người bình thường. Nói cách khác, trong trường hợp này, Wells đang thể hiện một tư tưởng mang khá nhiều nét tương đồng với quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của Nam Cao, ấy là “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than.”
Tuy nhiên, dẫu Finnegans Wake đi ngược hoàn toàn với những giá trị mà Wells tin vào, Wells đơn thuần chấp nhận một điều là mình sẽ không thể nào tiêu hóa được Finnegans Wake. Ông không vì cảm thấy ngán ngẩm cuốn này mà nâng tầm hoặc hạ bệ tư tưởng của mình hoặc James Joyce, và cũng không vì thế mà bảo nó nhảm hay coi thường những người thấy thích nó. Nó chỉ đơn giản không đáng để Wells đầu tư thời gian của đời mình chiêm nghiệm, nhưng với những người có cách nhìn đời khác, có thể họ sẽ không thấy phung phí gì khi dồn đổ thời gian của mình vào đây. Có thể Wells sai, có thể họ sai, nhưng điều đó không quan trọng, bởi vì đôi bên đều có thể cùng sai được với nhau.
Quan điểm này của Wells rất xứng đáng để ta áp dụng cho việc đọc của mình. Các giá trị và nền tảng giáo dục của ta sẽ khiến ta có những thiên hướng riêng, và từ đó sẽ có mức thấm hoặc không thấm được khác nhau với các thể loại/tác phẩm khác nhau. Có thể ta sẽ hợp với cái kiểu phiêu phiêu bay bay, có thể ta sẽ chỉ chấp nhận nổi những thứ lôgic rạch ròi, có thể ta sẽ thấy ưng những gì đặc triết lý, có thể ta sẽ bị hấp dẫn bởi những thứ mang tính thực dụng,… Bất kể đó có là gì, mỗi con người đều chỉ có một quỹ thời gian nhất định trên đời thôi, thế nên hãy chọn cách đầu tư nó cho hợp lý nhất với chính bản thân. Đừng vì thấy mình ăn ý với một thứ nhất định mà nâng tầm nó lên thành chuẩn mực cho cả xã hội và dứt khoát đòi người khác phải tôn sùng nó theo, và cũng đừng vì thấy thiên hạ đổ xô đi tung hê cho một thứ mà khiên cương gò bản thân phải oằn theo nó. Xét cho cùng, thế giới này rộng lắm, đủ đất để ta cùng sai với nhau cả mà.
Nhân tiện, nếu quan tâm đến cái phạm trù tính chủ quan trong cảm nhận nghệ thuật, anh em có thể đọc thêm một bài mình từng viết về nó dựa trên tiền đề bức họa Mona Lisa ở đây nhé:
Xem bài viết gốc tại: