James Joyce là nhân vật được tôn sùng nhất trong các nhà văn vĩ đại từng viết bằng tiếng Anh, những tác phẩm vượt thời đại của ông đã nhanh chóng biến ông trở thành hình tượng trung tâm trong dòng chảy phát triển của thể hình tiểu thuyết. Cho đến bây giờ ông vẫn là một con người quan trọng đối với những gì ông đã tận tâm cống hiến: vẻ đẹp hào phóng từ những chi tiết tưởng chừng như vụn vặt đời thường, một bút tính tinh xảo trong công việc làm chủ phong cách mô tả tâm hồn con người như một sợi dây đan bện vào đời sống của họ trong từng thời khắc (mà ngày nay ta được biết đến như là những viên gạch đầu tiên trong phong trào văn học dòng ý thức); và cách ông giữ lại nguyên vẹn trên văn bản thứ ngôn ngữ nguyên thủy vẫn luôn ẩn náu trong tiềm tàng mỗi người.
Chào đời vào năm 1882, ông dành hết 20 năm đầu tiên cuộc đời tại Dublin và từ đó trở về sau lưu vong đến nhiều thành phố lớn khác khắp châu Âu như Trieste, Zurich, và Paris. Trong vòng ba thập niên, ông đã cho xuất bản hai tập thơ, một tập truyện ngắn, một vở kịch, ba tập tiểu thuyết, tuy toàn bộ chúng đều có những phạm vi hoạt động đơn lẻ, nhưng đều củng cố một xác tín chung không bao giờ suy chuyển: bóng dáng của một Dublin, thành phố mà ông vừa yêu đến điên cuồng vừa ghét đến chán chường. "Trong từng trang tôi viết", ông giải thích với một người bạn, "đều có bóng dáng của Dublin. Dublin là thành phố với chỉ khoảng 300,000 công dân, nhưng nó chắc chắn đã trở một hình tượng khó phai trong những tác phẩm của tôi."
Joyce tại Zurich, 1918
Joyce tại Zurich, 1918
Vào cuối thế kỷ 19, Dublin gần như trở thành thành phố lớn thứ hai nằm dưới sự cai trị của Đế quốc Anh. Giống với người cha của mình, Joyce của thời trai trẻ là một chàng trai cương nghị với thái độ chống trả tuyệt đối quan niệm Ireland là một phần thuộc Đế quốc Anh và ủng hộ quyết liệt cho tinh thần giành lại độc lập của nhân dân Ireland. Ông lớn lên và học tập trong một môi trường công giáo nội trú thuộc Dòng tên, và từ khi còn rất sớm ông đã bộc lộ tài năng thiên bẩm của mình đối với nhiều ngoại ngữ. Trong khoảng thời gian ông theo học tại Trường Đại học cao đẳng Dublin, ông đã ra lò nhiều bài phê bình sách, thơ, nhưng ông cũng sớm nhận ra mình cần tìm một nghề nghiệp đích thực. Sau đó ông theo học ngành y khoa ở Paris, nhưng lại dành hầu hết thời gian của mình cho thú vui tiêu khiển ở những nhà thổ hay quán bar hơn là tìm sách để đọc trong thư viện.
Năm 1904, ông đã gặp gỡ một người phụ nữ trẻ đến từ miền Galway tên Nora Barnacle, một người phụ nữ không có học thức nhưng lại gây nên trong ông những dục vọng và cảm xúc khó cưỡng. Những ấn tượng ban đầu của Nora về Joyce là "một gã cướp biển vùng Bắc Âu, với đồng tử màu xanh lam, chiếc mũ thủy thủ cùng với đôi giày plimsoll. Những câu đầu tiên của anh ta, làm tôi nhận ra ngay chủ ý vụng về cũng như mọi gã đàn ông mạt hạng khác sống quanh Dublin đang cố tán tỉnh một cô gái trẻ đến từ miền quê." Nhưng người phụ nữ trẻ ấy vẫn phải lòng Joyce và đã giữ nguyên sự tận tâm đối với mối quan hệ hầu như trong suốt quãng thời gian khó khăn sau này của hai người.
James Joyce, Giorgio Joyce, Nora Barnacle và Lucia Joyce tại Paris, năm 1924
James Joyce, Giorgio Joyce, Nora Barnacle và Lucia Joyce tại Paris, năm 1924
Sau khi phải lòng nhau được vài tháng, Nora đồng ý cùng Joyce di trú đến một đất nước xa xôi khác ở châu Âu trong tinh thần tự nguyện, cùng nhau cởi bỏ khỏi những giáo điều công giáo và không khí bị đồng hóa nặng nề với Đế quốc Anh. Hai người tìm đến Trieste, một thành phố cảng thuộc đế quốc Áo-Hung trong suốt 10 năm sau, nuôi nấng hai đứa trẻ, cả hai đều được đặt tên theo tiếng Ý (Lucia và Giorgio). Joyce chật vật với đồng lương ít ỏi từ nghiệp giảng dạy ngôn ngữ ở trường Berlitz và dịch lại những nhà văn Ireland sang tiếng Ý như Yeats hay Oscar Wilde.
Năm 1914 được xem như là năm khởi đầu cho cả hành trình vĩ đại về sau của nhà văn khi một nhà xuất bản của London cuối cùng cũng chấp thuận đề nghị xuất bản tập truyện ngắn Người Dublin, tập truyện đã bị từ chối đến 22 lần, và một nhà thơ người Mỹ, Ezra Pound, cũng nhanh chóng tìm thấy tác phẩm của Joyce, Bức chân dung của chàng nghệ sĩ trẻ, thông qua cơ hội ấy. Cơ hội ấy còn là sự mở đường cho Ulysses vào năm 1918, cuốn tiểu thuyết đã trở thành kiệt tác mang tên tuổi của Joyce vang khắp địa cầu.
Mộ của Joyce tại Zurich
Mộ của Joyce tại Zurich
Trong suốt 23 năm tiếp theo, trong khi chỗ đứng ngày càng được củng cố và bản thân vẫn còn nuôi ý định đi xa hơn nữa trong những thử nghiệm về ngôn ngữ, thì cái chết bất ngờ ập đến vào năm 1941 trong khoảng thời gian ông đang sinh sống tại Zurich. Ông được an táng tại nghĩa trang Fluntern, nơi cách không xa sở thú Zurich.
1. Vẻ đẹp hào phóng của những anh hùng đời thường
Cái tên Ulysses được khởi nguồn từ một sử thi nổi tiếng nhất của người Hi Lạp, đã để lại di sản tinh thần sâu rộng trong hành trình phát triển của văn minh phương Tây. Được xem như là đỉnh cao của thượng tầng văn hóa, tác phẩm kể lại cuộc đời của một vị anh hùng lang thang, Ulysses, trong hành trình trở lại quê hương từ Troy về Ithaca. Nhưng nhân vật chính trong tiểu thuyết của Joyce thì không hề là một chiến binh quả cảm hay một anh hùng vĩ đại nào như vậy cả. Ngược lại, nhân vật chính của Joyce, là một người đàn ông vô cùng nông nỗi, khá tử tế nhưng cũng đầy khờ khạo, gã tên Leopold Bloom. Gã chỉ được xem như một nhân vật thấp bé trong nền công nghiệp quảng cáo mới chớm nở, gã có vợ (vợ gã ngoại tình), gã có một tình trạng nghề nghiệp không mấy ổn định và dành hầu hết thì giờ của mình cho việc mơ màng những gì sẽ xảy ra trong đời - thứ mà con người bình thường sẽ cho là viển vông. Gã xì hơi, ngắm những người phụ nữ qua lại trên đường, ước một ngày có thể giành được giải thưởng từ một trò chơi trong một tuần tạp chí nào đó rồi dành hết số tiền để sống phần đời còn lại trong một ngôi nhà gần bãi biển. Là một người Do Thái, gã trở thành kẻ lạc lõng trong chính không khí ngập tràn công giáo của Dublin và nó là một phức cảm khiến gã gần như luôn cảm thấy mình bị sỉ nhục. Phải nói gã chính là hiện thân tương phản của kiểu anh hùng truyền thống, nhưng lại là tiếng lòng của hầu hết những công dân hạng trung trong xã hội, mờ nhạt, dễ vỡ, nhưng lại là những gì rất gần gũi với đời thường.
Joyce đã đặt Bloom vào tâm điểm của sự chú ý. Ông đã đối xử với nhân vật của mình với thái độ đầy trân trọng cùng một niềm say mê không bao giờ nguội lạnh, anh ta là một hình tượng (Joyce đưa ra gợi ý) mà tất cả công dân từ mọi quốc gia đều nên noi theo, cũng giống với thế hệ tổ tiên, đã biến Ulysses trở thành hiện tượng ưu tú của nhân loại.
Joyce phác họa Leopold Bloom
Joyce phác họa Leopold Bloom
Chúng ta theo chân Bloom trong một ngày gã lang thang vào mọi ngóc ngách của Dublin, chúng ta quan sát gã dùng buổi trưa, mua những món đồ gã yêu thích, uống những ly cà phê rồi ca cao; gã liên tục có những lo lắng xung quanh mối quan hệ với vợ cùng con gái, gã đi làm, gã lắng nghe một ai đó hát, gã liên tục đặt ra những suy diễn đối thoại xung quanh những chi tiết nhỏ bé ấy. Thông qua đó dường như Joyce muốn nói với chúng ta rằng, từ những hành vi tưởng chừng như chẳng hề mảy may sử dụng gì tới tinh thần (như việc ăn uống, cảm giác có lỗi với ai đó, cảm giác tự ti về bản thân, hành động phơi những bộ đồ vừa mới giặt lên dàn phơi, cảm giác ngượng nghịu) thực chất lại tạo ra những xung động vô cùng sâu xa tới tinh thần. Nếu chúng ta chịu khó quan sát chúng dưới những lăng kính khác, chúng sẽ phát lộ dưới mắt ta những vẻ đẹp mê lộ và khó cưỡng từ những khía cạnh mà có vẻ ta chưa bao giờ quan sát thấy. Hạ tầng cũ kỹ của các cấu trúc văn hóa gần như chỉ cho phép con người được hứng thú với những khuôn mẫu từ các anh hùng nguyên bản, kiểu anh hùng đã khiến con người nói chung lúc bấy giờ cảm giác như bị sa lầy vô một miền lãng quên tự thân trong chính đời sống của họ. Joyce như là người đặt lại lăng kính cho chúng ta, nhưng hơn bao giờ hết ông vẫn khuyến khích chúng ta hãy quan sát và chiêm nghiệm cuộc đời này theo cách của riêng mình: hãy trở thành vị anh hùng trong chính cuộc đời đầy tráng lệ của mình.
2. Dòng chảy của ý thức
Theo một lối truyền thống, tiểu thuyết (hay gần như là cả một nền công nghiệp dựng phim ngày nay) đều cho ta thấy các nhân vật được có tiếng nói của riêng mình thông qua những câu thoại đã được dàn dựng vô cùng dễ đoán và phổ thông để dễ dàng đến gần với mặt bằng chung của thẩm mỹ đại chúng. Chúng ta, đại đa số những người thưởng thức không có chuyên môn về nghệ thuật, cũng thường vô tư cho đó là những bộc bạch nội tâm thật sự của nhân vật. Những nhân vật đã thật sự suy nghĩ và cảm quan theo chính cách của họ.
Tuy nhiên đó chưa bao giờ là lối của Joyce. Joyce mang người đọc vào tận hang cùng ngõ hẹp của tâm ngã và cho người đọc cơ hội để nhập tâm vào cách những suy nghĩ thuần túy thật sự có âm điệu ra sao. Trong Ulysses, Joyce để ta nhập tâm vào những gì Leopold Bloom thật sự nghiền ngẫm trong tâm ngã của mình trong lúc gã đi xe đạp vào một ngày thường nhật, quan sát những chiếc tàu điện đô thị và những con người qua lại trên đường.
Trams passed one another, ingoing, outgoing, clanging, clanging. Useless words. Things go on the same day after day: squads of police marching out, back: trams in, out. Those two loonies mooching about. Dignam carted off. Mina Purefoy swollen belly on a bed groaning to have a child tugged out of her. One born every second somewhere. Other dying every second. Since I fed the birds five minutes. Three hundred kicked the bucket. Other three hundred born, washing the blood off, all are washed in the blood of the lamb, bawling maaaaaa.
Bí ẩn, nhưng vẫn đầy rẫy những điều quen thuộc, xáo trộn thứ tự của mọi mối bận tâm, Joyce để Bloom bận tâm vào những thứ vĩ mô như hành trình sinh ra và chết đi, sự ngắn ngủi của những sinh mệnh ngẫu nhiên, những ý tưởng tôn giáo ("được rửa sạch bởi máu của một con dê" đó là hình ảnh được vay mượn từ thánh ca của những người theo Cơ Đốc giáo) nhưng vẫn không hề ngó lơ tới những chi tiết nhỏ nhặt khác như cho chim ăn, những âm điệu được ta nghe thấy mỗi ngày từ đời thực, tiếng ồn ào của những cỗ tàu và thứ ngôn ngữ đôi khi kỳ quặc được phát ra từ chính những phụ âm hay nguyên âm của ta - đó mới là trạng thái đích thực của ngôn ngữ, những gì thật sự phát thành tiếng động với thế giới xung quanh thông qua đôi môi ta.
Nếu chúng ta thử một lần cắt lấy tâm trí của một con người đời thường thành rất nhiều lát rồi lục lạo vào trong những suy tưởng vẫn đang lan truyền rồi liên tục bị cắt ngang bởi những suy tưởng khác trong cùng một tâm trí đó, chúng ta sẽ thấy gần như chính nó đang tự gây ra liên tục những mâu thuẫn với bản thân nó trước đó, và mọi bí mật tương đối chính xác về những gì đang thật sự diễn ra trong tâm trí của con người sẽ được khai quật. Con người khi ấy đã bị đẩy lên đến tận cùng xung đột, con người khi ấy rất khác với con người đời thường ta thường thấy: chân lý sáng sủa nhưng lại cứng nhắc như hòn đá tảng, tin hoặc không tin vào điều gì đó với một thái độ rất rạch ròi, nhị nguyên. Joyce - cũng như bao nhà lao động miệt mài trong dòng chảy văn hóa dòng ý thức vô cùng mới mẻ khác, đã mở đường cho một lối tiếp cận tâm lý kiểu mới trong lúc ông vẽ lại tấm bản đồ cho chính nhân vật của mình lục lạo trong chính tâm trí của nó, thì cũng là thông điệp của ông muốn gửi gắm chúng ta, hãy hiểu được chính mình là ai trước khi hiểu được tại sao mình tồn tại. Chúng ta đã có thể chần chừ hơn cho cơn giận dữ, nhanh chóng hơn cho hành động tha thứ, thương yêu nhiều hơn và ít ganh ghét hơn. Con người khi ấy lại trở về với tính tò mò nguyên bản, một tâm hồn trẻ thơ không ngừng khám phá cảm xúc nơi mình trong hứng thú.
3. Sự kì vĩ của ngôn ngữ
Joyce ngụp lặn dưới lớp băng ngôn ngữ và hiển lộ cho chúng ta thấy những gì mà ngôn ngữ đang thật sự diễn ra, ông gần như xáo trộn và tái cấu trúc toàn bộ những gì được xem như là quen thuộc để có thể tiến lại gần hơn cái gọi là ngôn ngữ nguyên thủy.
Trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng được xem như là lời thách đố cao ngạo nhất, Finnegans Wake, Joyce quyết định tạo ra một thứ văn bản gần như là độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học Anh, một "tháp Bable bằng ngôn ngữ", với quá trình pha trộn không dưới 40 ngoại ngữ. Đôi khi những câu từ được bày ra trước mắt ta trong cuốn tiểu thuyết trông giống như một thứ ngoại ngữ xa lạ nào đó, nhưng nếu như ta thử đọc nó lên thành tiếng, ta sẽ lập tức nhận ra ngay ý nghĩa quen thuộc. “Hereweareagain” có nghĩa ngay khi ta đọc nó lên: nó chính là từng âm tiết có nghĩa khi đứng riêng lẻ nhưng được móc nối vào nhau thành một từ, để có thể phản ánh gần như chính xác tốc độ liên tưởng ngôn ngữ bình thường của một con người. Trong quá trình móc nối đó Joyce đã liên tục tạo ra những "từ ghép" vô cùng độc đáo, thường là một hay hai từ rất quen thuộc nhưng được móc nối vào nhau để tạo ra một từ hoàn toàn mới mẻ. "Funferall" được ghép từ fun và funeral có nghĩa là một "đám tang vui nhộn" hay cũng có thể được ghép từ fun, for và all có nghĩa là "niềm vui cho mọi người". "Bisexcycle" có nghĩa là bisexual (người song tính) hay bicycle for sex. Ông còn đá xoáy cả các cái tên lừng danh nhất: Shakespeare thì trở thành Shakehisbeard (người đàn ông vuốt râu) hay Dante Alighieri thì trở thành Denti Alligator (cá sấu nhe răng).
Chân dung của Joyce được vẽ bởi Djuna Barnes vào năm 1922, thời điểm ông bắt tay viết Finnegans Wake
Chân dung của Joyce được vẽ bởi Djuna Barnes vào năm 1922, thời điểm ông bắt tay viết Finnegans Wake
Finnegans Wake xoay quanh Tim Finnegan, một gã đàn ông té cầu thang, chết đi nhưng không lâu sau đó hồi sinh trong khoảnh khắc ai đó thử đổ whiskey lên mặt gã. Như bao cốt truyện quen thuộc khác về những cú ngã huyền hoặc, và huyền thoại về Tim Finnegan cũng được Joyce mô tả giống như bao huyền thoại như Adam, Noah, Richard III, Napoleon hay nhà đấu tranh dân tộc người Ireland Charles Parnell. Tiểu thuyết sở hữu một cốt truyện, nhưng ở góc độ khác thì không hoàn toàn như vậy, Joyce đã mỉa mai về việc ai đó cần ông giải thích về cốt truyện trong tiểu thuyết của mình, "bạn có thể nắm bắt nó như một thứ ngôn ngữ tiềm tàng đang trong trạng thái hoàn toàn tỉnh thức, với phần ngữ pháp vô cùng chắp vá nhưng cốt truyện lại vô cùng sáng sủa."
Trong những nỗ lực để tác phẩm của mình giữ nguyên tính trung thành với một hiện thực vô cùng rối rắm và phức tạp, Joyce đã dốc toàn bộ sức lực cuối đời của mình để hoàn thành cuốn tiểu thuyết được xem như là quyến rũ một cách độc nhất vô nhị của ông. Câu thứ tư trong chương thứ nhất được ông viết thế này: "Rot a peck of pa’s malt had Jhem or Shen brewed by arclight and rory end to the regginbrow was to be seen ringsome on the aquaface." Cách mà một câu trông vẫn thật giả tưởng, trong lúc nó vừa có tính logic nhưng vẫn mang nhiều hàm ý khó tiếp cận được ngay, đó chính là những gì tinh hoa nhất mà Joyce đã chọn lọc để phô bày trước mắt chúng ta sao cho nó vô cùng gãy gọn nhưng vẫn sát với cấu trúc của hiện thực. Joyce đã đẩy thể trạng của tiểu thuyết lên tới những khả năng vô hạn - cho nó đặt chân lên địa hạt tối tăm nhất, gây ra những ảo ảnh, để làm người đọc vô cùng phân vân như đi lạc trong một giấc mơ của một thứ sinh vật nào đó hoàn toàn xa lạ.
Kết luận: Nghệ thuật tồn tại cho điều gì?
Joyce đã dành phần lớn thời gian của đời mình cho việc viết. Vậy thật sự thông qua nghệ thuật, ông muốn truy cầu điều gì? Hay nghệ thuật tồn tại cho điều gì?
Trong Bức chân dung của một chàng nghệ sĩ trẻ, Stephen dường như đã thay Joyce nói lên câu trả lời. Trong tiểu thuyết này phong cách của ông có phần truyền thống hơn, sử dụng hai đặc tính triết học được xem như là nền tảng của nhà triết học trung cổ lừng danh St Thomas Aquinas.
Joyce tại Zurich năm 1915
Joyce tại Zurich năm 1915
Đầu tiên là integritas (sự chính trực), đó có nghĩa là một người nghệ sĩ đích thực phải luôn là kẻ sẵn sàng dấn thân nắm bắt cái sức sống tiềm tàng bên trong vạn vật, mô tả lại hình thể thật sự của thứ mình đang theo đuổi. Nó có thể là một cái một cái cây, một khoảnh khắc thuộc về lịch sử hay một nhân vật giả tưởng đến từ thể kỷ 20 sinh sống tại Dublin. Theo lẽ thường thì chúng ta không thường làm vậy, chúng ta ít bao giờ thật sự nhập tâm với những căn nguyên dẫn đến một hành động hay một lời nói của ai đó, hay những gì đã luôn tồn tại xung quanh ta chúng có thật sự chính xác như những gì ta đã luôn hình dung về nó, sự thật là chúng ta rất hiếm khi thật sự cô lập bản thân và nghiên cứu về bất kỳ điều gì mà mình muốn biết một cách thật thận trọng. Đó chính là công việc của nghệ thuật, không dừng lại đó đôi khi nghệ thuật còn chỉ dẫn ta cách để áp dụng chính nó vào đời thực.
Cuối cùng là Claritas (sự trong suốt): đó là cách mà người nghệ sĩ dù có đi vào nơi tăm tối nhất của con người và đời thực những vẫn giữ lại được hào quang của chính mình.
Tuy tính chất công việc là phải xoay quanh với rất nhiều nghịch lý, nhưng Joyce đã tuyệt đối thành công trong việc rọi tới rất nhiều góc khuất mới trong sâu thẳm chiều kích con người, thành quả là những tác phẩm độc nhất vô nhị mà ông để lại chưa bao giờ ngừng thôi thúc hậu thế tìm tòi và khám phá. Nghệ thuật - về bản chất đối với Joyce - là những gì hoàn toàn chính xác và hợp lý với những bản tính nói chung của loài người, trong sự đan cài của không biết bao nhiêu khiếm khuyết nguy hại, mù quáng, hời hợt đã đôi khi dẫn con người chúng ta đến chính đời sống sáo mòn mà mình đang sống cùng những kết luận có phần quá nông cạn về chính giống loài mình nói chung. Đôi khi chúng ta bỗng thấy bất mãn và sẽ lật tung hết tất cả những điều ấy lên, thì hãy thử một lần đi theo tiếng gọi của Joyce, để tìm lại những bí mật kì vĩ mà từ lâu chúng ta đã đánh mất.
Nguồn dịch: