Gửi mẹ chồng nhân ngày Phụ nữ
Thư gửi mẹ chồng tương lai Mẹ thương yêu, Trước tiên con muốn xin lỗi mẹ vì chúng ta không thể gặp nhau sớm hơn như những gia đình...
Thư gửi mẹ chồng tương lai
Mẹ thương yêu,
Trước tiên con muốn xin lỗi mẹ vì chúng ta không thể gặp nhau sớm hơn như những gia đình khác. Có thể mẹ nghĩ đó là sự vô lễ cố ý, hay con bé này có ý làm cao gì chăng, nhưng sự thật là con không thể phá vỡ nguyên tắc con tự đặt ra. Thế giới bên ngoài quá rối ren nên con muốn giữ cho mình một thế giới giản đơn và rành mạch: hoặc là mẹ của bạn, hoặc là mẹ chồng, không bao giờ có khái niệm “mẹ của bạn trai cũ.” Vì thế, con sẽ xin phép tới gặp mẹ khi biết chắc mẹ sẽ là mẹ chồng của con. Con mong mẹ thông cảm và chấp nhận đứa con dâu cứng đầu và lắm chuyện này.
Sắp đến ngày Quốc tế Phụ nữ, trong khi nhiều người đang rục rịch chuẩn bị quà cho những người phụ nữ quan trọng với họ, con chợt nghĩ đến mẹ dù chưa biết chắc sẽ là ai, đến mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu mà người ta hay đồn đại bấy lâu nay, mối quan hệ vẫn luôn được người đời gán cho biết bao điều tiếng, bao nhiêu câu chuyện được giãi bày mỗi ngày trên báo chí, chốn công sở, quán café... mối quan hệ mà con chưa biết thực hư về sau mình sẽ như thế nào khi trở thành người trong cuộc, nhưng nếu đúng như những gì con được nghe thì mối quan hệ này có quá nhiều đáng tiếc. Không biết người trong cuộc có cảm thấy như con không, có cảm thấy phí khi đã vô ý (hay cố tình) bỏ qua cơ hội yêu thương và được yêu thương trong mối quan hệ đáng lẽ ra là vô cùng đặc biệt như vậy?
Con không hiểu vì sao cái tư tưởng mẹ chồng và con dâu sẽ luôn không ưa nhau ngấm sâu vào tiềm thức nhiều người đến như vậy. Một bên là người đẻ ra chồng mình – người đàn ông mình hết mực yêu thương và sẵn sàng bỏ lại mọi thứ phía sau để cùng nhau chung sống; một bên là đứa con gái vượt qua bao sóng gió lớn bé trong tình yêu, cuộc sống để sẵn sàng nắm tay tiến tới hôn nhân với đứa con trai bé bỏng của mình – là niềm tin, niềm hy vọng của mình. Hai người phụ nữ, hai mắt xích quan trọng nhất của một người đàn ông, nếu không phải do duyên số quá lớn thì tại sao giữa thế giới mênh mông lại bỗng nhiên trở thành người một nhà, lại trở thành mẹ con dù chẳng chung dòng máu. Không giống như mẹ đẻ mất công mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày nên đương nhiên sẽ thương yêu chăm sóc con mình theo bản năng cũng như theo trách nhiệm trong pháp luật. Còn không có văn bản giấy tờ nào yêu cầu mẹ chồng phải yêu mến con dâu mẹ nhỉ? Nhưng mà kể cũng khó, bỗng một ngày đẹp trời một đứa ất ở ở đâu tự nhiên về nhà gọi mình là mẹ, trong khi mình đâu có chín tháng mười ngày mong ngóng đợi chờ, đâu có sách hướng dẫn để tranh thủ lúc rảnh rang ngó qua xem “cách nuôi dạy con… dâu”, đâu có từng ngày chăm chút hướng dẫn nó về cách làm mọi thứ trong nhà sao cho hợp mắt. Nếu như tình cảm mẫu tử là hoàn toàn bản năng thì mẹ chồng – con dâu hoàn toàn do lựa chọn. Mà ghét bỏ thì lúc nào cũng dễ dàng hơn thương yêu.
Con thấy mỗi cô dâu về nhà chồng giống như sứ giả trong hành trình giao lưu văn hóa. Từng cử chỉ, hành động đến thói quen, nếp nghĩ đều phản ánh mấy chục năm sinh ra lớn lên trong nền văn hóa Nhà Mình. Từ cách cầm chổi quét nhà, cách gọt một quả táo, cách đi đứng nói năng… tất tần tật giờ đây được cô gái gói ghém vào hành trang đi “giao lưu” với nền văn hóa Nhà Chồng. Dù hai nền văn hóa có rực rỡ tới đâu thì khác biệt vẫn luôn tồn tại, chúng tích tụ dần đến khi đủ lớn để xung đột xảy ra. Sống chung hay sống riêng cũng luôn có những lúc, những điều mình không thấy vừa mắt vừa lòng nhau thôi, mẹ nhỉ. Mối quan hệ nào mà chẳng thế cơ chứ. Thế sao khi nó xảy ra với mẹ chồng con dâu thì mâu thuẫn lúc nào cũng được trầm trọng hóa lên thế? Tại sao nhân vật mẹ chồng lúc nào cũng ghi nhớ hết những chướng tai gai mắt ấy, đổ luôn cho con dâu hai chữ “vụng về” kèm cái thở dài thất vọng, tại sao nhân vật con dâu luôn cúi đầu ra vẻ nín nhịn rồi lên phòng gọi điện kể xấu mẹ chồng với bạn bè cho bõ tức. Tại sao họ lại cứ cố tình tạo ra bầu không khí căng thẳng, đề phòng nhau trong nơi chốn đáng ra phải bình yên nhất trên thế giới này? Con nghĩ mẹ con mình sau này sẽ chẳng như thế đâu, mẹ nhỉ.
Đứng trước mỗi lần mâu thuẫn, con mong mình sẽ cùng nhau giải quyết bằng thật nhiều yêu thương. Vì chỉ cần có yêu thương là vấn đề gì cũng trở nên cỏn con hết. Với con, lấy chồng là dấu mốc gia đình được mở rộng ra, mỗi đứa có thêm một bên Nội, Ngoại. Ý nghĩa của việc mở rộng ra đó nếu không phải để có thêm nhiều yêu thương hơn thì còn là gì được nữa. Con muốn mỗi bước chân con đi bóng dáng yêu thương luôn ở đó. Dù bên Nội hay bên Ngoại, mỗi bên con đều có một nơi gọi là Nhà để trở về.
Trong mỗi ngôi nhà đó, con mong chúng ta đừng lãng phí lời nói để kể xấu về nhau thay vì sẻ chia cho nhau buồn vui mỗi ngày. Mẹ kể cho con hôm nay đi đường mẹ thấy cái váy hợp với con lắm, còn con háo hức chờ mẹ về để hỏi công thức làm món dưa góp ngon tuyệt của mẹ con được ăn trưa nay. Con mong chúng ta đừng dè xẻn bao dung nếu mẹ có nấu ăn mặn một chút (vì khi già khẩu vị sẽ thay đổi) hay sáng nay con có ngủ nướng một chút (vì đêm qua mải đọc nốt cuốn sách). Con mong chúng ta đừng thừa thãi so sánh hai bên Nội – Ngoại khi con quên chúc Tết một nhà bác bên Nội hay khi con trót chảy nước mắt vì bỗng dưng nhớ bố mẹ và ngôi nhà của con quá. Con mong chúng ta sẽ học cách gần gũi nhau và tôn trọng khác biệt của nhau, nhất là sau khi con của con ra đời, thời điểm mà các chị em đi trước hay truyền tai nhau sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn nhất. Con sẽ đọc rất nhiều sách về các phương pháp nuôi dạy con, của Nhật, Pháp, Do Thái… nhưng con sẽ quên đi phần lớn nội dung trong đó, để con mình được tự nhiên lớn lên như một đứa trẻ Việt Nam bình thường. Mẹ cứ thoải mái ôm hôn cháu như khi xưa mẹ hay bế bồng chồng con, con sẽ đồng ý ngay nếu cháu xin ngủ cùng mẹ mấy hôm kể cả khi đã lớn. Dù dạy con độc lập cũng tốt thật nhưng con vẫn muốn con mình được lớn lên trong tiếng ru à ơi…
Ngày Quốc Tế phụ nữ, giữa cái Quốc Tế rộng lớn này chúng ta chỉ là hai người phụ nữ nhỏ bé, đôi khi lạc lõng, đôi khi rầu rĩ với những nỗi niềm chỉ phụ nữ mới hiểu, đôi khi khác nhau mà đôi khi cũng như nhau, như bao người phụ nữ khác, cũng trải qua những khó khăn trong công việc, cũng có lúc yếu đuối hoang mang trong hôn nhân, có những nỗi đau rất riêng mà ai cũng cố xây nên cái vỏ bọc để giấu kín và tỏ ra mạnh mẽ. Giá như chúng ta sau một ngày vất vả đều có thể trọn vẹn bình yên khi trở về nhà, nơi không có ai là “người lạ”, dựa vào vai nhau để nghỉ ngơi, để được chiều chuộng, vỗ về và lười biếng.
Để dù không làm được gì to tát cho Thế Giới, thì vẫn mang chút hơi ấm cho thế giới bé nhỏ của Nhau.
Đứa con dâu bướng bỉnh của mẹ.
Trích tập tản văn Để biết thương, Đỗ Thanh Thu, NXB Hội Nhà Văn (2020). Ấn vào đây để mua sách ủng hộ mình nhé!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất