Góp Ý Sao Để Người Khác Nghe
“Em là đồ vô trách nhiệm.”, “Sao em lười thế”, “Mày chỉ suốt ngày ăn với ngủ.”, “Chả được tích sự gì.” “Sao suốt ngày uống trà sữa...
“Em là đồ vô trách nhiệm.”, “Sao em lười thế”, “Mày chỉ suốt ngày ăn với ngủ.”, “Chả được tích sự gì.” “Sao suốt ngày uống trà sữa thế, mập là phải.”
Phía trên là combo những lời mà mình tin chắc rằng mỗi khi ai đó nói ra với mình, mình sẽ ngay lập tức cảm thấy khó chịu và không lắng nghe được thêm ý kiến gì từ người ta nữa.
Năm 2018, mình có cơ hội được biết đến Nonviolent Communication (NVC) – hay Giao Tiếp Bất Bạo Động – thông qua một số khóa học và đọc trực tiếp sách Lựa Lời Mà Nói của tác giả Marshall B. Rosenberg. Thành thật mình không nhớ hết toàn bộ nội dung trong sách, mình chỉ biết rằng trong sách có rất nhiều phương pháp và ví dụ cụ thể về việc giao tiếp sao để cho người khác cảm thấy dễ thương. Bản thân là một đứa thích thực hành ngay khi học được cái gì đó mới, nên mình áp dụng ngay vào việc giao tiếp hằng ngày của bản thân.
Từ những kinh nghiệm cá nhân mình thông qua việc giao tiếp của chính bản thân cũng như quan sát được từ bạn bè, mình nhận ra có 2 điểm nếu mỗi người chúng ta thay đổi được thì cũng giúp cho những cuộc hội thoại dễ thương hơn rất nhiều rồi.
1. Dùng những trạng từ để quy chụp
Theo ngôn ngữ bình dân, đó là việc dùng các từ kiểu như là “suốt ngày”, “không bao giờ”, “luôn luôn”, đi kèm với một tính từ hoặc một cụm từ khi chúng ta góp ý cho người khác.
Ví dụ hôm nay hẹn bạn lúc 8 giờ sáng nhưng 8 giờ 10 bạn mới tới, chúng ta có thể nói: “Mày suốt ngày trễ giờ”. hay trách móc kiểu “Sao mày không bao giờ đúng giờ?”
Hay tuần vừa rồi người yêu bận bịu không dành thời gian, mình có thể nói với người yêu là “Anh không bao giờ để ý đến lời em nói.”, “Anh chẳng bao giờ dành thời gian cho em”.
Vấn đề của việc dùng các trạng từ trên gây ra là (1) người nghe thấy không đúng và cảm thấy cực kỳ khó chịu, dẫn đến việc tâm trạng bực bội và không lắng nghe tiếp những điều tiếp theo, từ đó gây ra tranh cãi thêm và (2) người nghe không biết giải quyết như thế nào.
Ví dụ trong trường hợp trễ giờ. Tuyết là bạn của Yến, một tháng vừa rồi Tuyết và Yến hẹn nhau 5 lần, Yến đến đúng giờ 2 lần và trễ giờ 3 lần, trong đó có lần hẹn cuối cùng. Trong lần hẹn đó Tuyết nói với Yến: “Mày suốt ngày trễ giờ”. Yến thấy khó chịu vì điều đó không có đúng, cũng có lúc Yến đúng giờ mà. Yến cảm thấy Tuyết không hiểu mình. Từ đó gây ra những khó chịu tiếp theo. Thay vào đó Tuyết có thể nói: “Tháng này tụi mình hẹn nhau 5 lần, mày trễ hẹn 3 lần nhé, lần 1 thế này, lần 2 thế kia, lần 3 thế này. Tao cảm thấy …” Như vậy là có bằng chứng rõ ràng, Yến thấy Tuyết nói đúng và Yến cũng biết mình trễ như thế nào để có thể có giải pháp cho những lần sau. Bạn hiền đọc tới đây đừng nghĩ việc giao tiếp như vậy nó không tự nhiên – chỉ là chúng ta ít dùng hằng ngày nên chúng ta cảm thấy như vậy thôi.
Tương tự, một anh người yêu ngày nào cũng đưa đón cô gái đi làm, dành thời gian nói chuyện và lắng nghe cô gái, quan tâm những điều nhỏ nhặt nhưng một hôm quên làm một việc gì đó và bị cô gái nói là “Anh không bao giờ quan tâm em” – nghe cũng khó chịu lắm, và không biết giải quyết thế nào cả.
2. Sử dụng những tính từ tiêu cực để nói về một người
Khi một người không dọn nhà sạch sẽ, mình có thể dễ dàng nói người ta là “đồ lười biếng”. Khi một người không chăm sóc cho bản thân tốt ví dụ như không ăn uống tốt hay không chịu tập thể dục, mình cũng có thể dễ dàng nói người ta là “đồ vô trách nhiệm”. Nói những câu như vậy thì dễ và tự nhiên, tuy nhiên thật sự thì không có giúp ích được gì cho người nghe, cũng như không giúp cho người nghe thay đổi được gì cả.
Việc dùng những tính từ tiêu cực cho một người giống như việc chúng ta dán cho họ một cái nhãn bằng một loại băng kéo dính thật là dính, mà người bị dính không biết bóc như thế nào. Thay vì nói một người lười biếng, hãy nói từ góc của bản thân – bạn quan sát thấy điều gì và bạn thấy sao về điều đó, đừng đưa ra đánh giá và nhận xét khi người kia chưa cần. Ví dụ bạn thấy trong phòng họ có rất nhiều đồ, góc này có bụi, góc kia có đồ thừa – như vậy người nghe sẽ dễ dàng để lắng nghe và tìm cách giải quyết hơn là việc bạn nói họ “lười biếng”.
Rất là bình thường nếu trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đưa ra lời khuyên cho người khác. Để một người lắng nghe, việc đầu tiên là hãy để cho họ có cảm tình với mình trước đã. Thêm một điều cuối cùng mình học được lạ, bạn có thể khuyên, có thể góp ý – nhưng hãy để cho người nghe được quyền quyết định nghe theo hay không. Nếu họ nghe theo, bạn hãy ủng hộ họ. Nếu họ không nghe theo, bạn cũng hãy ủng hộ họ. Đừng khó chịu, đừng bỏ người ta – chẳng giải quyết được gì cả.
Xem các bài viết khác: https://anhtuanle.com/articles/
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất