“Đây là những gì tiểu thuyết nên làm : giới thiệu ta đến với tâm trí của những người mà bình thường ta không dễ gì để gặp được”-Guardian.
Đã có nhiều câu chuyện xoay quanh những đề tài như phân biệt chủng tộc, và cuộc diệt chủng người do thái Holocaust. Không khó để tìm kiếm các tư liệu, các bài phân tích về vấn đề này. Nhưng các bạn đã bao giờ được xem xét, nhìn nhận sự kiện ấy qua góc nhìn của một đứa trẻ 9 tuổi chưa ?
Đây là một câu chuyện nhỏ, kể về Bruno 9 tuổi, là con của 1 vị tướng lĩnh người Đức. Cậu cùng gia đình được đưa đến Auschwitz vì cha cậu được nhận nhiệm vụ làm Chỉ huy ở đó. Thông qua cuộc sống hàng ngày của Bruno, ta được kể về những người Do Thái sống trong trại tập trung, những người lính Đức... Và tất nhiên, qua lăng kính của một đứa trẻ, những điều đó thật khó hiểu và vô lý. Nhưng càng khó hiểu và vô lý, ta lại càng cảm thấy được sự tàn khốc, bi thương của chiến tranh.
Không máu me, không súng ống, không bom đạn. Mạch truyện diễn ra nhẹ nhàng, chậm rãi, đôi khi phải bạn phải bật cười vì những ý nghĩ ngây ngô của Bruno. Cậu tưởng rằng trong trại tập trung cũng có những hàng quán như ở nhà cậu. Cậu tưởng rằng những đứa trẻ trong đó suốt ngày được nô đùa với nhau. Cậu nghĩ mình thật cô đơn khí chỉ có một mình, còn bên hàng rao kia thì có bao nhiều người ... Và cậu ước rằng không có cái hàng rào ngăn cách ấy, cái hàng rào tách những người Do Thái và những người Đức ra, để cậu có thể đến và chơi cùng họ…
Và rồi cậu gặp Shmuel …

Tình bạn

Điểm nhấn của câu chuyện là tình bạn đặc biệt giữa Bruno và Shmuel, một người Đức và 1 người Do Thái. Trong khi những người lớn thì đánh giết lẫn nhau, thì 2 cậu lại trở thành bạn thân của nhau. Cả 2 người luôn nghĩ về nhau, thậm chí Bruno còn không muốn trở về ngôi nhà cũ sang trọng, đẹp đẽ vì sợ phải xa Shmuel. Tình bạn của 2 cậu cũng trải qua những thử thách. Có những sai lầm, và có những sự tha thứ. Nhưng trên tất cả, tình bạn của 2 cậu thể hiện rõ mong muốn hòa bình, xóa bỏ đi ranh giới giữa những người ở nhiều giai cấp của tác giả, đồng thời lên án mạnh mẽ cuộc diệt chủng người Do Thái của Đức quốc xã.
"Cậu là bạn thân nhất của tớ, Shmuel ạ," cậu nói. "Bạn thân nhất đời của tớ."
[...]
Rồi sau đó, căn phòng trở nên rất tối và không hiểu vì sao, bất chấp những lộn xộn diễn ra sau đó, Bruno nhận ra mình vẫn đang nắm tay Shmuel và không gì trên đời có thể thuyết phục cậu rời bàn tay đó ra.

Hàng rào ngăn cách, sự đối lập

Hình ảnh 2 cậu bé chơi chung với nhau còn thể hiện rõ sự đối lập thời đó của người Đức và người trong trại Auschwitz. Sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Mỗi đứa ở một bên hàng rào. Một đứa thì gầy còm, đầu bị cạo trọc, luôn rụt rè sợ hãi, và luôn mặc một bộ pyjama sọc, một đứa thì khỏe mạnh, khoác lác, lúc nào cũng được ăn ngon mặc đẹp. Một đứa thì u sầu, một đứa luôn vui vẻ. Hai cậu như được đặt lên một bàn cân, và cán cân thì đang lệch hẳn về bên của người Đức. Trong khi Shmuel chẳng có gì, thì Bruno lại có tất cả. Nhưng chính sự khác biệt lớn lao ấy lại tô đậm thêm cho tình bạn đặc biệt của 2 người

Và những mất mát chiến tranh …

Phần này chỉ thể hiện rõ khi ta đã đọc đến những chương cuối cùng. Kết chuyện sẽ làm ta phải suy nghĩ nhiều ngày về những hậu quả chiến tranh để lại, về những mất mát. Chiến tranh thì dù bên nào thắng, bên nào bại, thì vẫn có những tổn thương ở cả 2 phía. Và những người ở lại, những người mất đi người thân của mình, sẽ phải đối mặt với những điều ấy ra sao ?
________________________________________________________________________________
Tuy tác giả đã xây dựng được bối cảnh truyện rất tốt. Những phép ẩn dụ được tận dụng triệt để dưới góc nhìn của những đứa trẻ. Nhưng cuốn truyện lại quá tập trung vào những triết lý, vào những lên án của tác giả mà không có những khoảnh khắc đáng giá. Tác phẩm thiếu những đoạn cao trào và chỉ thực sự hay ở những chương cuối cùng của truyện. Nhìn chung với 250 trang sách thì các thông điệp và tính nhân văn truyện được truyền tải rất rõ ràng, dễ hiểu và dễ đồng cảm. 
Cuối cùng thì mình cũng khá ấn tượng với lời nhận xét của tờ Iris Times về cuốn sách : “Chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ cùng Bruno đi đến một hàng rào. Những hàng rào như vậy vẫn tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi hy vọng không ai trong chúng ta phải vượt qua một hàng rào như vậy trong đời”.
BOTY2019 #179 – Chú bé mang Pyjama sọc | Giới thiệu & Review Sách ...