Nếu bạn đang nghĩ đến Sigmund Freud thì đúng rồi đấy, bộ phim này là câu chuyện xoay quanh nhà tâm lý học huyền thoại thế kỷ 19 Sigmund Freud.
Poster phim FREUD của Netflix
Ngay khi thấy Netflix đề xuất bộ phim này, mình đã tự hỏi không biết liệu đây có phải một bộ phim kể về cuộc đời của con người vĩ đại ấy không, bởi mình cực kỳ muốn tìm hiểu về Sigmund Freud cùng những quan điểm của ông mà mình từng thấy nhắc đến trong một vài tài liệu, nhưng theo một cách nào đó dễ tiếp cận, và phù hợp với khả năng của mình, (chứ mình thấy đọc sách của Freud thì cực kỳ hại não đối với một đứa "còn non" như mình). Sau khi đọc vài dòng giới thiệu phim và xem đoạn trailor đầy hấp dẫn - với những sự huyền bí đan xen vài cảnh tình dục, mình đã vô cùng hào hứng và bấm xem luôn không chần chừ gì thêm.
Phim mở đầu một cách xuất sắc, mình nghĩ vậy, với cảnh Freud dùng thuật thôi miên của mình để chữa khỏi bệnh câm cho một bà lão đã không thể nói được trong 30 năm, kể từ sau tai nạn của con gái bà, bằng cách đưa bà trở về thời điểm ngày xảy ra tai nạn, và buộc bà phải hét lên, như cách mà bà đã hét vào ngày hôm đó. Khi xem đoạn này, mình đã cực kỳ phấn khích bởi nó diễn ra theo đúng cái cách mà mình tin vào khả năng của vô thức, rằng có rất nhiều thứ diễn ra trong vô thức mà chúng ta không hề hay biết, và rồi nó tác động ngược trở lại những hành vi có ý thức của chúng ta, dẫn đến những hành vi khó có thể lý giải. Và nếu ta có thể đưa mình tiến vào tìm hiểu những thứ diễn ra trong vô thức, ta có thể thay đổi những thói quen, những hành vi tưởng như khó chữa của mình.
Nhưng mà, hóa ra đó chỉ là dàn dựng. Mình bị hẫng một nhịp. Nhưng không sao, mình vẫn tiếp tục theo dõi diễn tiến của câu chuyện. Cho đến khi mọi thứ đang từ rất thực tế, trở nên bí ẩn và phi lý, ví dụ như sự điều khiển tâm trí, tà thuật, câu thần chú, buổi lên đồng tại căn nhà hoang,... thì mình dần thấy khó hiểu bởi những gì bộ phim dẫn dắt người xem, đến nỗi không còn hứng thú muốn hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. Mình bỏ giữa chừng.
Freud và bà lão giả câm trong buổi thuyết trình về Thuật thôi miên mà ông dàn dựng
Nhưng những gì bộ phim gợi lên về thuật thôi miên, về ý thức thứ 2 (giống như đa nhân cách), và những ham muốn thôi thúc hành vi của ta bị ẩn sâu trong miền vô thức,... không chịu buông tha mình, buộc mình phải đi tìm câu trả lời trong phần còn lại của phim. Vậy nên mình đã xem hết cả 8 tập phim.
Phim kết thúc phần 1 sau khi lí giải phần nào những điều khó hiểu, nhưng vẫn bỏ ngỏ nhiều thứ (mà mình hi vọng sẽ có câu trả lời trong phần 2). Và bên cạnh tất cả những chi tiết phi lý đến khó chịu khiến cho bộ phim có vẻ hơi nhảm nhí, thì phim cũng có những cảnh rất thực tế, và khiến cho mình có những cảm xúc rất thật. Mình nhớ nhất là cảnh ở gần cuối phim, ở trong phòng làm việc của Freud, trong cuộc trò chuyện với Kiss (một người bạn của Freud) ngay trước khi ông quyết định đốt cuốn sách của mình viết về thuật thôi miên (nếu mình nhớ không nhầm), kể về toàn bộ hành trình chữa trị đầy phức tạp và mạo hiểm cho Fleur, bằng tất cả tâm huyết của mình, mà mới chỉ có duy nhất 1 người đọc là vị hôn phu của ông. Mình thực sự đã muốn thét lên (nhỏ thôi) rằng đừng đốt, không thể đốt đi như vậy được!!! Lúc đấy mình đã nghĩ, trời ơi một cuốn sách quý như vậy, có thể thay đổi toàn nhân loại, hậu thế sẽ vô cùng cảm kích về tài năng và sự cống hiến của ông, vậy mà lại nỡ đốt đi như vậy sao? Mình còn tự hỏi, nếu đốt rồi thì ai sẽ là người có thể kể lại toàn bộ câu chuyện này đây? Là Kiss, hay là vị hôn phu, hay là ông sẽ tự kể lại trong một cuốn sách khác (bằng một cách hay hơn) nhỉ, như thể mình tin toàn bộ câu chuyện là có thật trong lịch sử ấy?
Fleur - chị nữ chính vô cùng xinh đẹp (và quyến rũ)
Mà có khi nào đây chính là thực tế đã diễn ra không? Bởi vì người ta không thể nào lấy tên một nhân vật có thật trong lịch sử để làm điểm tựa cho những sự bịa đặt chỉ nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng của người làm phim được. Liệu những tình tiết như nghiện nặng cocain, hay có quan hệ tình dục với bệnh nhân của mình trong khi đã hứa hôn với người khác (chẳng hạn) có đúng với thực tế không? Ai lại dám bịa đặt những điều làm hư hỏng thanh danh của một vĩ nhân như thế? Tự hỏi mình mãi mà không có câu trả lời, mình đem hỏi google. Sau khi xem cả tá bài viết và video review liên quan, thì mình tìm được câu trả lời rằng bộ phim là về cơ bản chỉ là giả tưởng thôi. Thậm chí có bài viết trên trang The Guardian còn có những lời lẽ chỉ trích khá gay gắt như "a ridiculous coked-up mess" (tạm dịch: một mớ hỗn loạn đầy lố lăng) hay "[Freud] slips from weird into downright ludicrousness" (tạm dịch: [bộ phim] trượt từ kỳ lạ qua lố bịch) để nói về những tình tiết không có thật được đưa vào bộ phim.
Freud và Fleur - bệnh nhân của mình (nguồn: The Guardian), hấp dẫn không?
Bỏ qua những đoạn phim bị đánh giá tiêu cực, thì phim cũng có những trích đoạn bằng lời độc thoại của nhân vật chính rất hay, mà mình đoán có thể những câu này được trích từ các giả thuyết của Sigmund Freud. Mình sẽ trích lại ở đây 3 đoạn mà mình tâm đắc.
"I'm a house. It's dark in me. My consciousness is a lonely light. A candle in the wind. Everything else is in the shadows. But they are there, the other rooms, niches, hallways, staircases and doors. And anything that lives within, and wanders within. It is there. It lives. Within the house that is me."
(Tạm dịch: Ta là một căn nhà. Phủ đầy tăm tối. Ý thức ta là một tia sáng lẻ loi. Một ngọn nến trước gió. Còn tất thảy những thứ khác đều bị bóng tối bao trùm. Chúng đều ở đó, các căn phòng, hang hốc, hành lang, cầu thang, và cánh cửa. Cùng tất cả những thứ khác nơi đây, lang thang chỗ này chỗ kia. Ý thức cũng ở đó. Nó tồn tại. Trong căn nhà chính là bản thân ta.)

"Forbiden thought. Memories we don't want to see in the light. They dance around us in the darkness. They haunt, and whisper. They scare us. They make us sick. They make us hysterical."
(Tạm dịch: Những suy nghĩ bị cấm đoán. Những ký ức ta không muốn đưa ra ánh sáng. Chúng nhảy múa quanh ta trong bóng tối. Chúng ám ảnh, và thì thầm. Chúng làm ta sợ hãi. Chúng làm ta phát ốm. Và chính chúng khiến ta cuồng loạn.)

"The power of the unconscious mind. What we really want in the deepest parts of us will come to us, for better or for worse. Or the other way around, we can maintain that what a person has become was, in reality, their deepest desire."
(Tạm dịch: Sức mạnh của vô thức. Điều chúng ta thực sự muốn trong tâm can sẽ đến với ta, dù để tốt hơn hay xấu đi. Hoặc theo cách hiểu khác, những gì mà người ta đã trở thành, trên thực tế, chính là những mong muốn sâu kín nhất của họ.)
(Bonus bản tiếng Đức: "Die Macht des Unbewussten. Das, was einer wirklich in seinem Tiefsten will, bekommt er im Guten wie im Schlechten. Oder umgekehrt man kann behaupten, dass das, was aus einem geworden ist in Wahrheit sein tiefster Wunsch war.")
Nhìn chung, mình nghĩ đây là một bộ phim cũng đáng xem, bởi có thể phần nào hiểu thêm về một vài quan điểm về phân tâm học của Sigmund Freud, đặc biệt là về căn bệnh hysteria (một trạng thái rối loạn bao gồm một hệ thống những triệu chứng mà dường như, không có các nguyên nhân rõ ràng, hay như Netflix dịch là "chứng Cuồng loạn"), hay ít nhất là có cảm hứng để tìm đọc thêm về Sigmund Freud cũng như sách của ông - giống như mình.