>> Download bản pdf của bài tại ĐÂY.
>> Xem các kỳ trước: Kỳ 1

Kỳ 2: Khung khái niệm


Phần 1: Khung khái niệm (tr.20-48)

Khung khái niệm mà báo cáo đề xuất gồm 3 cấu phần, mỗi cấu phần lại được chia thành 3 phần nhỏ:
(1) Ba loại hỗn loạn thông tin: Thông tin gây hiểu lầm [Mis-information], Thông tin xuyên tạc [Dis-information], Thông tin ác ý [Mal-information].
(2) Ba pha của hỗn loạn thông tin: Tạo thông điệp [Creation], Sản xuất bài [Production], Phát tán bài [Distribution].
(3) Ba yếu tố của hỗn loạn thông tin: Tác nhân [Agent], Thông điệp [Message] và Người Diễn dịch [Interpreter].

1.1. Ba loại hỗn loạn thông tin (tr.20-22)

1.1.1. Định nghĩa:
Thay vì sử dụng khái niệm “tin giả” [fake-news], báo cáo chia hỗn loạn thông tin ra làm 3 loại:
(1) Thông tin gây hiểu lầm [Mis-information]: Thông tin sai lệch, nhưng không được tạo ra với mục đích gây hại.
(2) Thông tin xuyên tạc [Dis-information]: Thông tin sai lệch, được tạo ra để cố ý gây hại cho một cá nhân, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia.
(3) Thông tin ác ý [Mal-information]: Thông tin dựa trên thực tế, được sử dụng để gây hại cho một cá nhân, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia.
Hình dưới thể hiện cách phân biệt Mis-, Dis-, Mal-information dựa trên 2 phương diện, là việc thông tin đúng hay sai, và việc việc người đưa tin có hay không có dụng ý gây hại:



Đọc thêm:

1.1.2. Ví dụ minh họa cho 3 loại hỗn loạn thông tin, lấy từ các sự kiện trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017:
(1) Ví dụ về thông tin gây hiểu lầm [Mis-information]: Sau vụ nổ súng ở điện Champs Elysees hôm 20/04/2017, một số cá nhân đã vô tình đăng lên mạng xã hội tin đồn rằng viên cảnh sát thứ hai đã thiệt mạng. Những người này không cố tình gây hại. Họ chỉ bị cuốn theo sự kiện, và cố trở nên có ích bằng cách đưa tin, trong khi không kiểm tra tính xác thực của tin đồn.
(2) Ví dụ về thông tin xuyên tạc [Dis-information]: Việc ai đó tạo ra một phiên bản nhái của tờ báo Le Soir, trên đó đăng tin bịa đặt rằng Macron được Saudi Arabia tài trợ.
(3) Ví dụ về thông tin ác ý [Mal-information]: Việc ai đó phát tán một email bị rò rỉ của Macron ngay trước ngày bỏ phiếu. Dù nội dung email là thật, hành động này có dụng ý gây hại.
Trong báo cáo này, nhóm tác giả tập trung làm rõ hai vấn đề Mis- và Dis-information. Báo cáo đề nghị những độc giả quan tâm đến vấn đề Mal-information tìm đọc báo cáo “Media Manipulation and Disinformation Online” của Data & Society Research Institute.

1.2. Sơ lược về ba pha và ba yếu tố của hỗn loạn thông tin (tr.22-23)

1.2.1. Sơ lược về ba yếu tố của hỗn loạn thông tin
Để hiểu một ca hỗn loạn thông tin bất kỳ, cần xem xét 3 yếu tố:
(1) Tác nhân [Agent]: Ai là người đã tạo / sản xuất / phân phối thông tin sai, và động cơ của họ là gì?
(2) Thông điệp [Message]: Thông điệp đó thuộc loại nào? Thuộc định dạng nào? Có những đặc điểm gì?
(3) Người Diễn dịch [Interpreter]: Những người nhận thông điệp diễn dịch nó theo cách nào? Họ có hành động nào sau đó?

1.2.2. Sơ lược về ba pha của hỗn loạn thông tin
Để hiểu vòng đời của một ca hỗn loạn thông tin, nên chia nó ra làm 3 pha:
(1) Tạo thông điệp [Creation]: Khi thông điệp được tạo ra.
(2) Sản xuất bài [Production]: Khi thông điệp được đưa vào một sản phẩm truyền thông.
(3) Phát tán bài [Distribution]: Khi thông điệp được xuất bản hoặc phát tán.


1.2.3. Mối quan hệ giữa ba yếu tố và ba pha của hỗn loạn thông tin
Ba yếu tố và ba pha của một ca hỗn loạn thông tin phải được khảo sát song song với nhau. Lý do là tác nhân tạo thông điệp thường khác với tác nhân sản xuất thông điệp thành bài viết. Chẳng hạn, kẻ soạn thông điệp cho một chiến dịch xuyên tạc thông tin do nhà nước tài trợ có động cơ rất khác với những dư luận viên [trolls] được trả tiền để viết bài cho chiến dịch. Và một khi thông điệp đã được phát tán, nó sẽ được tái sản xuất [Reproduce] và tái phát tán [Redistribute] bởi rất nhiều tác nhân khác nhau, mỗi tác nhân lại có một động cơ riêng.
Chỉ khi phân tích các ca hỗn loạn thông tin theo cách này, chúng ta mới có thể hiểu sự đa dạng và phức tạp đó.

1.3. Chi tiết về ba pha của hỗn loạn thông tin (tr.23-25)
Để biết cách áp dụng mô hình “3 pha” khi phân tích một ca hỗn loạn thông tin, hãy thử dùng nó để phân tích bài viết “Giáo hoàng Francis gây shock cho thế giới khi ra tuyên bố thừa nhận quyền Tổng thống của Donald Trump”, do trang tin giả tưởng tự phong WTOE5News.com đăng vào tháng 07/2016:


Đọc thêm:

Trong trường hợp bài viết vừa kể, 3 pha của hỗn loạn thông tin vận hành như sau:

Cần lưu ý vai trò của truyền thông chủ lưu [mainstream] trong việc tái phát tán các thông tin có vấn đề. Khi các phòng tin tức ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội trong việc tìm ý tưởng và nội dung cho các câu chuyện, họ cần coi trọng các kỹ năng xác minh pháp y [forensic verification skills] và khả năng xác định các mạng lưới tin tức bịa đặt.

1.4. Chi tiết về ba yếu tố của hỗn loạn thông tin (tr.25-48)
Báo cáo cho rằng cần khảo sát một cách tách biệt các “yếu tố” của hỗn loạn thông tin (gồm Tác nhân, Thông điệp, Người diễn giải). Ma trận sau liệt kê các câu hỏi cần được hỏi với từng yếu tố:
Tác nhân
Loại diễn viên
Chính quy / Phi chính quy
Mức độ tổ chức
Không / Lỏng lẻo / Chặt chẽ / Mạng lưới
Động cơ thúc đẩy
Tài chính / Chính trị / Xã hội / Tâm lý
Mức độ tự động hóa
Người / Cyborg / Bot
Khán giả mục tiêu
Các thành viên / Các nhóm xã hội / Các xã hội
Ý định gây hại
Có / Không
Ý định lừa dối
Có / Không
Thông điệp
Định dạng
Truyền miệng / Chữ viết / Trực quan
Thời hạn
Sự kiện / Ngắn hạn / Dài hạn
Tính chính xác
Chính xác: Gây hiểu lầm / Cắt xén / Bịa đặt
Tính hợp pháp
Hợp pháp / Bất hợp pháp
Loại mạo danh
Không / Nhãn hiệu / Cá nhân
Đối tượng công kích
Cá nhân / Tổ chức / Nhóm xã hội / Cả xã hội
Người diễn giải
Cách đọc thông điệp
Tuân theo / Thương lượng / Chống lại
Hành động tiếp theo
Làm lơ / Chia sẻ để ủng hộ / Chia sẻ để phản đối
Khi dùng danh sách câu hỏi trên để khảo sát vụ “Giáo hoàng Francis thừa nhận quyền Tổng thống của Donald Trump”, bạn sẽ được kết quả như sau:

Dưới đây là phần giải thích chi tiết về từng câu hỏi và câu trả lời trong danh sách:

1.4.1. Những câu hỏi về yếu tố Tác nhân [Agent]

1.4.1.1. Câu hỏi 1: Họ là loại diễn viên nào?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Chính quy: Chẳng hạn như nhân viên của một dịch vụ tình báo, một đảng chính trị, hoặc một hãng tin tức.
_ Phi chính quy: Chẳng hạn như các nhóm công dân đã được tuyên truyền về một vấn đề nào đó.
b. Giải thích thêm (tr.29-31):
Nếu các nhân viên chính quy tham gia vào chiến dịch tung tin, thì độ tinh vi, lượng tiền tài trợ và mức ảnh hưởng có thể có của một thông điệp trong chiến dịch, hoặc tính hệ thống giữa các thông điệp trong chiến dịch, sẽ lớn hơn nhiều so với các trường hợp khác.
Chẳng hạn, theo báo cáo “The Russian ‘Firehose of Falsehood’ Propaganda Model” (2016) của Rand Corporation, thì các chiến dịch tung tin mà Nga thực hiện ở Châu Âu và các nơi khác được đặc trưng bởi tính lặp đi lặp lại, tính liên tục và sự tham gia của nhiều kênh thông tin. Lực lượng tham gia bao gồm các hãng truyền thông lớn như Russia Today và Sputnik; các blog và trang Facebook; các NGO, GONGO; các đại diện của chính phủ Nga, và những cái miệng ủng hộ Nga ở Châu Âu, chủ yếu thuộc cực tả hoặc cực hữu. Dư luận viên [trolls] được huy động không chỉ để phát tán thông tin sai, mà còn để tấn công những người đặt câu hỏi về độ xác thực của thông tin.

1.4.1.2. Câu hỏi 2: Họ được tổ chức ở mức độ nào?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Không: Hành động mang tính cá nhân.
_ Mạng lưới: Các liên kết hình thành một cách ngẫu hứng quanh một lợi ích chung nào đó
_ Lỏng lẻo: Những tổ chức nhỏ, mới xuất hiện.
_ Chặt chẽ: Những tổ chức chặt chẽ và lâu đời, chẳng hạn như các cơ quan chính phủ, công ty PR hoặc các nhóm vận động hành lang.
b. Giải thích thêm (tr.31-33):
Để xác định mức độ tổ chức của một tác nhân tung tin, cần dành nhiều công sức quan sát.
Chẳng hạn, ở cấp độ mạng lưới, nhiều nhóm ủng hộ Donald Trump liên kết lỏng lẻo với nhau thông qua nhiều nền tảng cùng lúc, bao gồm cả những mạng xã hội và diễn đàn mở lẫn những phần mềm nhắn tin riêng. Thông qua mạng lưới này, họ tổ chức các cuộc “đột kích Twitter”, trong đó họ dùng những thông điệp có cùng hashtag để đồng loạt tấn công những người khác ý kiến. Nếu muốn xác định mức độ tổ chức và ảnh hưởng của chiến dịch, bạn sẽ phải theo dấu họ tại tất cả những nền tảng vừa nêu.
Ở các cấp độ cao hơn mạng lưới, cần kể đến các “fake-tank”, hay think-tank giả. Những tổ chức này từ bỏ sự độc lập và ngay thẳng về mặt trí tuệ, khi dùng các nghiên cứu và các phát biểu trên truyền thông của mình để phục vụ nghị trình của các nhà tài trợ. Một số fake-tank gần như chỉ là một tổ chức giả để phục vụ một nhà tài trợ ẩn danh duy nhất; trong khi số khác có tính tổ chức cao hơn và lượng tài nguyên lớn hơn, sẵn sàng thỏa hiệp với nhiều nhà tài trợ khác nhau để lấy lợi nhuận.
Ở cấp độ tổ chức cao nhất, một số chính phủ đã phối hợp nhiều tác nhân khác nhau nhằm đạt được các mục tiêu truyền thông trên mạng xã hội, thông qua việc sử dụng cả trolls, cyborg lẫn bot. Trolls – những kẻ kích động cảm xúc bằng cách công khai xúc phạm mục tiêu – đã hiện diện từ khi Internet được phát minh, và được sử dụng ở mọi cấp độ tổ chức.

1.4.1.3. Câu hỏi 3: Động cơ của họ là gì?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Chính trị: Tăng, giảm uy tín của các ứng cử viên trong một cuộc bầu cử chính trị, hoặc các nỗ lực khác để ảnh hưởng đến quan điểm của người dân.
_ Tài chính: Thu lợi nhuận từ tình trạng hỗn loạn thông tin thông qua các hoạt động như bán hàng, quảng cáo, quyên góp…
_ Xã hội: Để kết nối với một nhóm xã hội nào đó.
_ Tâm lý: Để có danh tiếng.
b. Giải thích thêm (tr.33-36):
Việc xác định động cơ thúc đẩy của từng tác nhân không chỉ giúp hiểu rõ cách vận hành của một chiến dịch gây hỗn loạn thông tin, mà còn chỉ ra cách thức chống lại chúng.
Trước tiên, cần lưu ý rằng mỗi pha của hỗn loạn thông tin có thể được thực hiện bởi một số tác nhân khác nhau. Đôi khi các tác nhân trong pha Sản xuất bài (VD: biên tập viên của một chương tình thời sự trên truyền hình cáp) và Phát tán bài (VD: một người dùng mạng xã hội) có thể không nhận thức đầy đủ về mục đích thật đằng sau một mẩu thông tin xuyên tạc.
_ Động lực Chính trị:
Trong khi các chính đảng trong từng quốc gia thường có động lực thúc đẩy là những yếu tố trong nghị trình hoặc những cuộc bầu cử, hoạt động “chiến tranh thông tin” giữa các quốc gia có thể có động lực và quy mô phức tạp hơn.
Chẳng hạn, các hoạt động xuyên tạc thông tin mà Nga thực hiện để tác động vào Châu Âu có mục đích sau cùng là “tạo sự chia rẽ dọc theo những đường ranh văn hóa - xã hội” (như dân tộc, sắc tộc, tôn giáo…), chứ không nhắm vào riêng một nước Châu Âu cụ thể. Để tạo sự chia rẽ, trong mỗi chiến dịch, họ dùng nhiều kênh truyền thông khác nhau để tung ra những thông điệp rất đa dạng, đôi khi đối nghịch và mâu thuẫn nhau. Một mặt, những thông điệp này nhằm chia rẽ khối Châu Âu dân chủ, chia rẽ liên minh phương Tây; khiến phương Tây không thể hiện diện như một lực lượng chuẩn mực để duy trì trật tự toàn cầu bằng những luật lệ phổ quát thay vì bằng sức mạnh đơn thuần. Mặt khác, chúng nhằm thuyết phục người dân trong nước Nga và ở những vùng biên rằng Châu Âu và Mỹ không thể thay thế cho nước Nga của Putin, vì dù cuộc sống dưới thời Putin không hoàn hảo, ít ra nó cũng ổn định.
_ Động lực Tài chính:
Nhiều tác nhân tham gia pha Sản xuất bài và Phát tán bài có thể chỉ bị thúc đẩy bởi động lực tài chính, như trường hợp của các công ty PR và các đại lý tin tức bịa đặt.
Chẳng hạn, nhiều website và trang Facebook tham gia tung tin trong đợt bầu cử Mỹ năm 2016 thực ra được tạo và điều hành bởi người Macedonia. Những người Macedonia này không hề quan tâm đến việc Trump thắng hay thua trong cuộc bầu cử, họ chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền, chủ yếu thông qua quảng cáo.
Trong khi Google và Facebook đã từng bước ngăn chặn các trang “tin giả” tham gia mạng lưới quảng cáo của mình, nhiều nền tảng khác chưa làm điều này.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp thuê quảng cáo trên các nền tảng không quan tâm đến việc liệu họ có đang nuôi sống các lực lượng gây ô nhiễm thông tin hay không, miễn là lợi tức họ thu được từ quảng cáo vẫn lớn.
_ Động lực Xã hội & Tâm lý:
Báo cáo nhìn nhận rằng cần xem xét những động lực xã hội và tâm lý của các tác  nhân gây hỗn loạn thông tin.
Trong nhiều trường hợp, tác nhân chỉ đơn giản là muốn giải trí bằng cách share thông tin gây hiểu lầm làm trò đùa, hoặc đăng thông tin sai để đánh lừa các phương tiện truyền thông.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, động lực thúc đẩy liên quan đến vấn đề căn cước và chủ nghĩa bộ lạc trong chính trị. Chẳng hạn, dù các trang tin mang tính đảng phái như Occupy Democrats ở Mỹ và The Canary ở Anh không bịa đặt 100% nội dung, chúng rất thành công trong việc sử dụng những tiêu đề, hình ảnh và đoạn trích mang tính cảm tính, và đôi khi là gây hiểu lầm, để kích thích độc giả share thông điệp trên Facebook.

1.4.1.4. Câu hỏi 4: Mức độ tự động hóa của họ?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Người: Tự tạo và phát tán thông điệp bằng sức người, không dùng công nghệ tự động. Dù Viện Internet Oxford cho rằng các tài khoản đăng ít hơn 50 bài/ngày thường thuộc nhóm này, thực tế cho thấy chủ nghĩa bộ lạc trong chính trị có thể khuyến khích một số người đăng bài nhiều hơn số lượng đó.
_ Cyborg: Dùng công nghệ tự động, nhưng cần người điều khiển.
_ Bot: Dùng công nghệ tự động, không cần người điều khiển.
b. Giải thích thêm (tr.37-38):
Hiện nay, máy móc rất kém trong pha Tạo thông điệp, nhưng chúng có thể Sản xuất bài và Phát tán bài một cách hiệu quả.
Bot và cyborg cũng tạo ảo tưởng rằng rất nhiều cá nhân độc lập với nhau đang chia sẻ và chứng thực cùng một thông điệp. Ảo tưởng này có 3 tác dụng. Thứ nhất, nó khiến người đọc tưởng rằng thông điệp đó thể hiện một quan điểm phổ biến, và vì vậy đúng. Thứ hai, nó đánh lừa các thuật toán tìm kiếm có chức năng xếp hạng nội dung dựa trên lượng đọc và chia sẻ. Thứ ba, nó khai thác các lỗ hổng nhận thức xuất phát từ những định kiến và sự thiên vị của chúng ta, nhất là khi bot được thiết kế cho mục đích này.
Có thể đang tồn tại một thị trường chợ đen, nơi cho thuê bot trên mạng xã hội. Chẳng hạn, nhiều bot ủng hộ Donald Trump vào năm 2016 cũng đăng các bài thuộc xu hướng #MacronLeaks.
Ngoài ra, trên các mạng xã hội quy mô toàn cầu, nguồn tin dùng các ngôn ngữ khác đang được kiểm duyệt kém hơn nhiều so với nguồn tin dùng tiếng Anh. Chẳng hạn, một nghiên cứu của NATO StratCom cho thấy mật độ bot trong các tài khoản Tweeter dùng tiếng Nga lớn hơn từ 2 đến 3 lần so với trong các tài khoản dùng tiếng Anh.

1.4.1.5. Câu hỏi 5: Họ nhắm đến đối tượng khán giả mục tiêu nào?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Các thành viên: Chẳng hạn như danh sách hộp thư điện tử mà một tổ chức dùng để liên lạc với các thành viên hoặc khách hàng.
_ Các nhóm xã hội: Những nhóm người mang một số đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội nhất định.
_ Các xã hội: Toàn bộ người trong một xã hội.

1.4.1.6. Câu hỏi 6: Họ có ý định gây hại không?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Có: Có ý định gây hại.
_ Không: Không có ý định gây hại.

1.4.1.7. Câu hỏi 7: Họ có ý định lừa dối không?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Có: Có ý định lừa dối khán giả mục tiêu.
_ Không: Không có ý định lừa dối khán giả mục tiêu.

1.4.2. Những câu hỏi về yếu tố Thông điệp [Message]
Có 4 đặc điểm giúp một thông điệp trở nên hấp dẫn, dễ được chia sẻ và tiêu thụ:
_ [Với con người] Nó gây ra một phản ứng cảm xúc.
_ [Với không gian] Nó chứa những yếu tố trực quan mạnh mẽ.
_ [Với thời gian] Nó có một cốt truyện gây ấn tượng mạnh.
_ [Với thời gian] Nó được lặp đi lặp lại.
Có thể dựa vào 4 đặc điểm này để xác định những chiến dịch tung tin có khả năng thành công cao, để tập trung ngăn chặn.

1.4.2.1. Câu hỏi 1: Thông điệp được tạo và truyền dưới định dạng nào?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Truyền miệng: Chẳng hạn như những lời rỉ tai hoặc diễn văn.
_ Chữ viết: Chẳng hạn như các bài viết.
_ Trực quan: Chẳng hạn như các hình vẽ, ảnh chụp, clip, đoạn ghi âm.
b. Giải thích thêm (tr.39-40):
Khái niệm “tin giả” [fake news] khiến chúng ta dồn hết sự chú ý vào những trang tin bịa đặt có định dạng chữ viết [text], và bỏ qua nhiều phần quan trọng của vấn đề, vì 3 lý do.
Thứ nhất, não người xử lý hình ảnh nhanh và bất cẩn hơn nhiều so với xử lý văn bản. Vì vậy, thông tin sai lệch có dạng trực quan (VD: hình ảnh, clip) sẽ đánh lừa khán giả một cách hiệu quả hơn, lan truyền nhanh và rộng hơn.
Thứ hai, trong một số trường hợp, lượng thông tin sai lệch có dạng trực quan còn lớn hơn lượng thông tin sai lệch có dạng chữ viết. Chẳng hạn, trong những dự án giám sát bầu cử mà First Draft từng thực hiện tại Anh và Pháp, các thông tin sai lệch được chia sẻ nhiều nhất thường có dạng hình ảnh, hình vẽ hoặc meme, thay vì có dạng bài viết trên website như trường hợp Mỹ.
Thứ ba, dù các công nghệ hiện tại đã giúp ích nhiều cho việc sàng lọc và ngăn chặn thông tin sai lệch có dạng chữ viết, chúng chưa hiệu quả để sàng lọc thông tin có dạng trực quan. Chẳng hạn, dù công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google, TinEye và Yandex đã mang lại một số bước khởi đầu, còn thiếu các công cụ có chức năng OCR [Optical Character Recognition - Nhận dang Ký tự Quang học] hoặc tìm kiếm video, để giúp xác định thông tin sai lệch trong các dòng chữ trên meme hoặc trong các clip.

1.4.2.2. Câu hỏi 2: Thông điệp được thiết kế để tác động đến khoảng thời gian nào?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Sự kiện: Chẳng hạn như thông điệp về một tin tức giật gân.
_ Ngắn hạn: Chẳng hạn như nhằm tác động đến một cuộc bầu cử
_ Dài hạn: Chẳng hạn như nhằm tác động đến khoảng thời gian diễn ra một cuộc chiến tranh, hoặc nhằm để lại ảnh hưởng vĩnh viễn.

1.4.2.3. Câu hỏi 3: Thông điệp chính xác đến mức nào?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Chính xác: Dùng thông tin chính xác để gây hại. Chẳng hạn: công bố thông tin riêng tư của một người; hoặc xúc phạm một người dựa trên đặc điểm giới, chủng tộc, tôn giáo… của người đó.
_ Nội dung châm biếm hoặc chế: Không cố ý gây hại, nhưng có khả năng đánh lừa.
_ Nội dung gây hiểu lầm: Sử dụng thông tin theo lối gây hiểu lầm đối với một vấn đề hoặc cá nhân.
_ Liên tưởng sai: Khi các tiêu đề, hình ảnh hoặc chú thích không liên quan đến nội dung.
_ Bối cảnh sai: Khi thông tin gốc được chia sẻ kèm theo thông tin sai về bối cảnh.
_ Nội dung mạo danh: Khi nguồn tin bị mạo danh.
_ Nội dung bị cắt xén, chỉnh sửa: Khi nội dung hoặc hình ảnh gốc bị chỉnh sửa để lừa gạt.
_ Nội dung bịa đặt: Nội dung mới sai 100%, được thiết kế để bịa đặt và gây hại.

1.4.2.4. Câu hỏi 4: Thông điệp có hợp pháp không?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Bất hợp pháp: Có dấu hiệu vi phạm các điều luật liên quan đến ngôn ngữ thù địch, quấy rối, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm quyền riêng tư…
_ Hợp pháp: Không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

1.4.2.5. Câu hỏi 5: Thông điệp có phải là nội dung mạo danh không?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Có: Thông điệp chứa một chi tiết mạo danh. Chẳng hạn: dùng logo của một tổ chức khác hoặc hình ảnh của một cá nhân uy tín để làm cho thông điệp trông có vẻ đáng tin cậy.
_ Không: Thông điệp không chứa chi tiết mạo danh.

1.4.2.6. Câu hỏi 6: Thông điệp nhằm công kích đối tượng nào?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Cá nhân: Chẳng hạn như một lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo chính trị, hoặc ứng cử viên trong một cuộc bầu cử.
_ Tổ chức: Chẳng hạn như một công ty tư nhân hoặc một cơ quan chính phủ.
_ Nhóm xã hội: Chẳng hạn như một sắc tộc, chủng tộc, tầng lớp…
_ Cả xã hội: Như tên gọi.
b. Giải thích thêm (tr.40-41):
Thông tin sai lệch thường cố ý nhấn mạnh sự khác biệt và chia rẽ giữa các tập thể (như chính đảng, tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc, dân tộc, giai cấp). Khi các ý tưởng mang tính phân biệt đối xử này thâm nhập vào các cuộc thảo luận công cộng và được người ta xem là fact, chúng sẽ bình thường hóa định kiến, củng cố não trạng địch-ta, thậm chí thúc đẩy và biện minh cho bạo lực. Chẳng hạn, ở Myanmar hồi tháng 07/2014, sau khi có tin đồn vô căn cứ trên Facebook rằng một chủ quán trà theo đạo Hồi đã hiếp dâm một nhân viên theo đạo Phật, một đám đông gần 500 người đã đập phá thành phố và gây nỗi sợ kéo dài cho cộng đồng Hồi giáo địa phương. Cuộc bạo động khiến 2 người thiệt mạng, gồm 1 người theo Hồi giáo và 1 người theo Phật giáo.

1.4.3. Những câu hỏi về yếu tố Người Diễn dịch [Interpreter]
Các loại thông tin mà bạn tiêu thụ và cách bạn diễn dịch chúng phụ thuộc vào điều kiện văn hóa - xã hội, địa vị chính trị và kinh nghiệm cá nhân của bạn – tức những yếu tố quyết định cách bạn tự định nghĩa bản thân và những “bộ lạc” mà bạn muốn gia nhập. Bạn không dễ chấp nhận những thông tin thách thức cái tôi và niềm tin sẵn có của mình.
Vì vậy, dù fact-check hướng khán giả đến thông tin đúng, nó không có khả năng ngăn chặn hoàn toàn các thông tin sai. Giải pháp cho từng thông tin sai cụ thể phải gắn liền với những đặc điểm xã hội đã giúp thông tin đó được share nhiều trên Facebook. Chăng hạn, làm thế nào để các cộng đồng khác nhau xem việc phát tán thông tin sai như một việc làm đáng hổ thẹn?
Trong thời đại công nghệ, khi mỗi Người Diễn dịch có thể trở thành một Tác nhân mới bằng cách share thông điệp cho cộng đồng của bản thân, người khảo sát hiện tượng hỗn loạn thông tin cần đặt 2 câu hỏi:

1.4.3.1. Câu hỏi 1: Từng nhóm khán giả cụ thể diễn dịch thông điệp theo hướng nào?
a. Danh sách câu trả lời:
Như Stuart Hall đã trình bày trong tác phẩm về lý thuyết tiếp nhận [reception theory], sau khi các thông điệp được mã hóa bởi người nói, chúng sẽ được giải mã bởi người nghe theo 1 trong 3 cách:
_ Tuân theo [Hegemonic]: Chấp nhận thông điệp theo chính cách mà nó đã được mã hóa.
_ Thương lượng [Negotiated]: Chấp nhận một số khía cạnh của thông điệp, nhưng không phải là tất cả.
_ Chống lại [Oppositional]: Từ chối cách thức mà thông điệp đã được mã hóa.
b. Giải thích thêm (tr.41-42):
George Lakoff nhận xét rằng cảm xúc và lý trí gắn với nhau chặt đến nỗi con người hầu như không thể suy nghĩ mà không có cảm xúc. Cảm xúc trong não chúng ta được cấu trúc theo một số phép ẩn dụ, câu chuyện và khung lý luận; những thứ này giúp chúng ta suy nghĩ, và ta sẽ không thể nghĩ nếu thiếu chúng.
Lý do của hiện tượng này nằm ở cách mà bộ não chúng ta nhận thức ngôn ngữ. Theo đó, mỗi từ trong não chúng ta đều được kết nối về mặt thần kinh với một khung lý luận [frame] cụ thể, và những khung này đến lượt nó lại được kết nối với những khung khác trong một hệ thống luân lý. Những “hệ thống luân lý” này vận hành một cách vô thức, tự động, và hình thành bằng cách lặp đi lặp lại. Chẳng hạn, khi các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng hòa Mỹ lặp đi lặp lại ngôn ngữ luân lý bảo thủ, các khung lý luận liên quan sẽ được kích hoạt, dẫn đến hệ thống quan điểm bảo thủ được kích hoạt và củng cố một cách tự động và vô thức. Quá trình này khiến fact-check khó thâm nhập hơn vào suy nghĩ của các cử tri theo khuynh hướng bảo thủ.
Khi xem xét thành công của Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, D’Ancona nhận xét rằng các hoạt động truyền thông của Trump dựa trên việc đổ lỗi và kích động cơn giận, hơn là dựa trên số liệu thống kê, chủ nghĩa kinh nghiệm [empiricism], hoặc các thông tin được thu thập một cách tỉ mỉ. Dù công chúng sẽ hưởng lợi nếu tiêu thụ tin tức chính xác và không thiên vị, họ cũng nhận được lợi ích tâm lý từ việc tiêu thụ tin tức thuận tai [confirmatory news], tức những tin tức chiều theo thế giới quan của họ.
Như sẽ đề cập trong phần 2 của báo cáo, vấn đề này cần được giải quyết bằng một tổ hợp các giải pháp công nghệ, giải pháp giáo dục, và một sự thay đổi tâm lý, theo đó thực đơn thông tin một chiều được xem là không thể chấp nhận được về mặt xã hội.

1.4.3.2. Câu hỏi 2: Nhóm khán giả đó hành động theo hướng nào sau khi nhận thông điệp?
a. Danh sách câu trả lời:
_ Làm lơ: Không giúp phát tán thông điệp.
_ Chia sẻ để ủng hộ: Như tên gọi.
_ Chia sẻ để phản đối: Như tên gọi.
b. Giải thích thêm từ góc nhìn coi truyền thông như một nghi thức (tr.43-44):
Erving Goffman ví cuộc sống như một sân khấu, trên đó chúng ta là những diễn viên. Các mạng xã hội hiện nay được thiết kế sao cho mọi thứ bạn Share và Like đều hiện lên trước mắt bạn bè, gia đình, người quen của bạn, và ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận bạn. Goffman cho rằng “vở diễn” của chúng ta nhằm mục đích quản lý cách mà người khác nhìn nhận chúng ta. Vì vậy, chúng ta có khuynh hướng Like hoặc Share những thứ mà bạn bè hoặc người theo dõi kỳ vọng rằng chúng ta sẽ Like hoặc Share trên mạng xã hội.
Quan điểm này tương tự quan điểm của Maffesoli trong cuốn sách “Thời của các Bộ lạc” [The Time of the Tribes, 1996], theo đó để hiểu một người, chúng ta phải xem xét ý nghĩa xã hội học của nhiều nhóm nhỏ khác nhau mà anh/cô ta tạm thời là thành viên vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Não trạng bộ lạc này giải thích vì sao nhiều người dùng mạng xã hội phát tán những thông tin sai lệch mà họ không nhất thiết phải tin là thật: họ muốn chiều lòng và gia nhập một nhóm, nên họ “diễn” để được như vậy. Áp lực phải chiều lòng nhóm có thể đặc biệt mạnh khi các thuật toán của mạng xã hội ngăn chặn các quan điểm đối lập với quan điểm của người dùng.
Một ví dụ kinh điển đã được tìm thấy trong thập niên 1950, khi các nhà tâm lý học cho sinh viên từ 2 trường đại học xem cuộn băng quay trận bóng bầu dục giữa 2 trường, trong đó có một loạt các quyết định trọng tài gây tranh cãi. Cuộc thử nghiệm cho thấy sinh viên có khuynh hướng tin vào các quyết định trọng tài có lợi cho đội bóng trường họ hơn là các quyết định có lợi cho đối thủ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng phần thưởng cảm xúc mà sinh viên có được từ việc xác nhận lòng trung thành với đội nhà đã định hình cách họ xem cuộn băng.   
c. Giải thích thêm từ góc nhìn coi truyền thông như một quá trình truyền thông tin (tr.44-48)
Trong một nghiên cứu năm 2014, Van Dammes và Smets nhắc chúng ta nhớ rằng “bộ não con người không phải một thiết bị ghi âm, nó là một quá trình xây dựng và tái xây dựng nhạy cảm với các tác động từ cả bên trong lẫn bên ngoài”.
Ngày nay, bộ não người bị thách thức vì phải hứng chịu một lượng tác động quá lớn, do liên tục tiếp nhận thông tin từ Internet, mạng xã hội và smartphone.
Một mặt, như WikiMedia phát biểu trước Nghị viện Anh vào năm 2017, “lượng tác nhân ganh đua để kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta ngày càng lớn, đến mức khiến nhiều người rơi vào nhầm lẫn và bất ổn”.
Mặt khác, như Filippo Menczer đã chỉ ra trong nghiên cứu năm 2017, có quá nhiều thông tin lưu hành trên mạng xã hội, đến mức thông tin chất lượng thấp che khuất thông tin chất lượng cao, khiến nhiều người dùng không có cơ hội tiếp cận.
Theo nghiên cứu năm 2012 của Stephan Lewandowsky, cũng như nghiên cứu năm 2013 của Flanagin & Metzger, con người thường sử dụng một bộ các phương pháp phỏng đoán dựa trên kinh nghiệm, hay các “lối tắt tinh thần”, khi họ cần đánh giá độ tin cậy của một thông điệp hoặc nguồn tin. Những lối tắt này bao gồm:
(1) Độ nổi tiếng [Reputation]: “Tác nhân” có quen thuộc và được công nhận không?
(2) Độ chứng thực [Endorsement]: “Thông điệp” có được người khác cho là đáng tin cậy không?
(3) Độ nhất trí [Consistency]: “Thông điệp” có được lặp lại bởi nhiều website không?
(4) Độ vi phạm kỳ vọng [Expectancy violation]: “Tác nhân” có hay không hành xử theo cách mà “Người Diễn giải” mong đợi?
(5) Sự tự xác nhận [Self-confirmation]: “Tác nhân” có hay không xác nhận niềm tin của “Người Diễn giải”?      
(6) Độ thuyết phục của ý định [Persuasive intent]: Mục đích của “Tác nhân” khi tạo “Thông điệp” có hay không vừa ý “Người diễn giải”?
Khi Internet, mạng xã hội và smartphone khiến con người phải đối mặt với lượng tác nhân và thông điệp quá lớn, như đề cập ở trên; họ ngày càng lệ thuộc vào 6 “lối tắt” vừa kể để đánh giá độ tin cậy của các tác nhân và thông điệp.
Trong khi đó, đời sống thông tin trên mạng xã hội hiện nay lại chứa nhiều yếu tố đánh lừa 6 “lối tắt”, từ đó đẩy con người theo hướng tiêu thụ và chia sẻ thông tin xuyên tạc và thông tin ác ý. Chẳng hạn:
_ Như Christopher Paul và Miriam Matthews chỉ ra trong “The Russian ‘Firehose of Falsehood’ Propaganda Model” (2016), hệ thống tuyên truyền của Nga thường xuyên sử dụng các công nghệ như bot hoặc “click farms” để tăng lượng Like, Share, Comment của một tác nhân hoặc thông điệp. Từ đó, họ tạo hiệu ứng lặp đi lặp lại, để đánh lừa 2 “lối tắt” là “Độ nổi tiếng” và “Độ nhất trí”. Khi cố ý dùng kỹ thuật này để tác động đến những người nổi tiếng, chính trị gia hoặc ký giả, họ có thể tác động đến cả chu kỳ tin tức [“news cycle” - chỉ sự dâng lên và hạ xuống của 1 sóng truyền thông].
_ Vì các thông tin do gia đình và bạn bè chia sẻ vừa có nhiều cơ hội xuất hiện trên News Feed của chúng ta hơn, vừa dễ được chúng ta chấp nhận và chia sẻ hơn (do “hiệu ứng bộ lạc” đã đề cập trong mục 1.4.3.2.b), đặc tính này của mạng xã hội có thể khiến lối tắt “Độ chứng thực” bị lạm dụng đến mức phản tác dụng.
_ Như nghiên cứu của Taber & Lodge vào năm 2006 đã chỉ ra, vì những thông điệp phù hợp với niềm tin của chúng ta vừa có nhiều cơ hội xuất hiện trên News Feed hơn (do thuật toán của mạng xã hội), vừa có nhiều cơ hội được chúng ta chấp nhận hơn, đặc tính này của mạng xã hội có thể khiến lối tắt “Sự tự xác nhận” bị lạm dụng đến mức phản tác dụng. Trong cùng vấn đề này, nghiên cứu năm 2016 của Sunstein chỉ ra rằng trong khi những người tin vào biến đổi khí hậu nhân tạo phản ứng nhanh hơi với các tin xấu (VD: nhiệt độ đang tăng nhanh hơn dự kiến), những người không tin vào biến đổi khí hậu nhân tạo lại phản ứng nhanh hơn với các tin tốt. Kết quả là niềm tin của mọi người chỉ thay đổi theo hướng củng cố những gì mà họ đã cho là đúng.
_ Như nghiên cứu năm 2017 của Bryan Resnick đã chỉ ra, các hoạt động fact-check cũng hướng những người ủng hộ Trump đến sự thật như những người khác, dù họ có sức ì lớn hơn. Tuy nhiên, những người ủng hộ Trump không thay đổi thái độ và cảm xúc về Trump sau khi biết Trump nói dối. Như nhà nghiên cứu Brendan Nyhan giải thích, trong khi các fact để lại một vài ấn tượng, chúng không tác động nhiều đến cách ra quyết định của chúng ta. Kết luận này nhận được sự ủng hộ từ các ngành khoa học tâm lý, và cho thấy cách mà lối tắt “Độ thuyết phục của ý định” vận hành trong nền chính trị hiện tại.
Xét những vấn đề trên, báo cáo cho rằng các chương trình giảng dạy về tin tức, ở cả cấp đại học lẫn cấp phổ thông, nên bao gồm các cuộc thảo luận về cách vượt qua xu hướng tự nhiên của con người trong việc tìm kiếm hoặc thiên vị các thông tin ủng hộ thế giới quan và “căn cước bộ lạc” của mình, cùng cách nghi ngờ các thông tin tạo ra hiệu ứng cảm xúc.

(Còn tiếp. Download bản pdf của bài tại ĐÂY.
Download báo cáo được giới thiệu tại ĐÂY.)