Giới thiệu một nghiên cứu về “tin giả”: “Hỗn loạn thông tin - Hướng đến một khuôn khổ liên ngành cho việc nghiên cứu & xây dựng chính sách” [Kỳ 1]
>> Download bản pdf của bài tại ĐÂY . ⚜ Kỳ 1: Giới thiệu & Nhập đề Đôi lời của người giới thiệu Trong những tháng đầu năm...
>> Download bản pdf của bài tại ĐÂY.
⚜
Kỳ 1: Giới thiệu & Nhập đề
Đôi lời của người giới thiệu
Trong những tháng đầu năm 2020, các “tin giả” về đại dịch COVID-19 đã thu hút sự chú ý của người dân và chính phủ tại nhiều nước, bao gồm Việt Nam. Trong khi WHO, các chính phủ và các công ty công nghệ nhanh chóng phát động nhiều chiến dịch xử lý “tin giả”, ở chiều ngược lại, nhiều tiếng nói trong dư luận đã bày tỏ lo ngại rằng những giải pháp này có thể làm hạn chế quyền tự do biểu đạt. Ngoài ra, một số cường quốc (như Mỹ, Nga, Trung Quốc) đã cáo buộc rằng nước đối thủ đang mở chiến dịch phát tán thông tin sai lệch về COVID-19, khiến bối cảnh của câu chuyện “tin giả” càng phức tạp hơn. Tình trạng này của dư luận có thể sẽ được duy trì trong phần còn lại của năm 2020, do dịch bệnh chưa bị đẩy lùi, căng thẳng Mỹ - Trung đang gia tăng, trong khi chính phủ Mỹ và Việt Nam sắp trải qua những thay đổi nhân sự quan trọng.
Sự phức tạp của vấn đề “tin giả” đòi hỏi chúng ta tiếp cận nó thông qua một nền tảng lý thuyết phù hợp, cùng một vốn hiểu biết nhất định về thực trạng và giải pháp xử lý “tin giả” ở nhiều nước khác nhau. Để góp phần đáp ứng nhu cầu này, xin giới thiệu một ấn bản của Ủy hội Châu Âu [COE], là báo cáo của Claire Wardle & Hossein Derakhshan vào năm 2017, mang tên “Hỗn loạn thông tin: Hướng đến một khuôn khổ liên ngành cho việc nghiên cứu và làm chính sách” [Information disorder: Toward an interdisciplinary framework for research and policy making].
Trước khi đọc bài giới thiệu báo cáo, xin quý bạn lưu ý ba điều:
Thứ nhất, bài viết này chỉ có chức năng giới thiệu, không có chức năng truyền đạt hay thay thế ấn phẩm của COE (điều mà vấn đề bản quyền không cho phép). Sau khi tìm hiểu các ý chính của báo cáo thông qua bài giới thiệu, mời bạn đọc báo cáo trên kho dữ liệu trực tuyến của COE, tại đây:
Thứ hai, mỗi đề mục lớn của bài giới thiệu này tóm tắt thông tin từ một chương trong ấn phẩm của COE. Số thứ tự và tên của đề mục trùng với số thứ tự và tên của chương được tóm tắt. Tôi cũng ghi rõ các trang trong ấn phẩm tương ứng với từng đề mục, để người đọc tiện tra cứu khi cần. Báo cáo này trích dẫn một lượng lớn nghiên cứu và bài viết có giá trị, và bạn chỉ có thể tiếp cận chúng bằng cách tra cứu trên bản gốc.
Thứ ba, báo cáo này đề cập khá nhiều đến tình trạng hỗn loạn thông tin xuất phát từ Nga, do nó được soạn trong bối cảnh của các xung đột địa chính trị giữa EU và Nga. Trong hệ sinh thái thông tin của Việt Nam, các nguồn phát “tin giả” có thể rất khác, và đây là vấn đề mà các nhà báo, nhà nghiên cứu của Việt Nam cần chủ động tìm hiểu.
Nguyễn Vũ Hiệp
07.05.2020
⚜
Phần 0: Nhập đề (tr.10-19)
0.1. Nhu cầu nghiên cứu hiện tượng hỗn loạn thông tin (tr.10-14)
Những tin đồn, thuyết âm mưu và thông tin bịa đặt phát sinh do động cơ vị kỷ của các chính khách, doanh nghiệp hoặc tổ chức truyền thông không phải là hiện tượng mới. Dù vậy, tinh trạng ô nhiễm thông tin đặc trưng cho xã hội hiện đại, được nối mạng nhưng ngày càng phân cực của chúng ta vẫn cần được nghiên cứu một cách gấp rút, vì 2 lý do.
Thứ nhất, các công nghệ mới để truyền thông tin (như Internet, mạng xã hội, smartphone…) đang đem đến cho hệ sinh thái thông tin của chúng ta những thay đổi chưa từng có, và sự đảo lộn này khiến ô nhiễm thông tin tăng theo định luật Moore.
Thứ hai, những thay đổi vừa nêu đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các nền dân chủ và việc giải quyết những vấn đề chung của thế giới.
0.1.1. Công nghệ mới làm thay đổi hệ sinh thái thông tin, khiến ô nhiễm thông tin tăng
Điều này đã được chứng minh bởi một số nghiên cứu định lượng.
Chẳng hạn, báo cáo của Craig Silverman (Buzzfeed News) chứng minh rằng trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ, thông tin sai đã được chia sẻ rộng rãi hơn thông tin chủ lưu [mainstream] chính xác. Trong khi top 20 câu chuyện bầu cử trên 19 trang tin uy tín chỉ đạt được 7,367,000 lượt tương tác trên Facebook; top 20 câu chuyện bầu cử sai sự thật trên các website lừa gạt [hoax sites] và blog phò đảng [hyper-partisan blogs] đã đạt được 8,711,000 lượt.
Ngoài ra, một nghiên cứu về lưu lượng truy cập thông qua giới thiệu [referral traffic] cũng chỉ ra rằng trong đợt bầu cử, lưu lượng “tin giả” lệ thuộc nặng vào truyền thông mạng xã hội. Trong khi các trang tin uy tín nhất chỉ có 10,1% lượng truy cập xuất phát từ mạng xã hội, con số này ở các trang “tin giả” là 41,8%.
Ô nhiễm thông tin tăng lên, như vừa đề cập, là do các công nghệ mới làm thay đổi cách sản xuất, truyền và phân phối thông tin, từ đó làm đảo lộn cấu trúc của hệ sinh thái thông tin:
_ Về mặt thời gian: Internet, mạng xã hội và điện thoại di động khiến thông tin được trao đổi theo thời gian thực, vòng tuần hoàn của tin tức quay nhanh chóng mặt. Lượng thông tin quá lớn cũng khiến người dùng chỉ lướt qua các tiêu đề chứ không đọc nội dung. Những yếu tố này khiến thông tin được cân nhắc, sàng lọc với độ cẩn thận thấp hơn trước.
_ Về mặt không gian: Thông tin sai lan truyền trên toàn cầu, không bị giới hạn bởi các đường biên giới.
_ Về cách con người gửi và nhận thông tin: Trước đây chỉ có ngành xuất bản tạo và phân phối nội dung, hiện nay mọi người đều làm được điều đó với giá rẻ. Trước đây thông tin được truyền theo chiều dọc từ những cơ quan có kỹ năng, uy tín hoặc thẩm quyền; hiện nay thông tin được truyền theo chiều ngang giữa những người ngang hàng, thường thiếu kỹ năng và phương tiện để kiểm chứng. Vì sự phân phối thông tin trên mạng xã hội lệ thuộc vào các tương tác xã hội như Thích, Chia sẻ, Bình luận; mỗi người ngày càng phụ thuộc vào thông tin trong vòng tròn gia đình, bạn bè của mình; trong khi những người cùng vòng tròn có chung định kiến chính trị, văn hóa với nhau. Vì phần thưởng khi đăng thông tin lên mạng xã hội là các biểu tượng cảm xúc (thể hiện sự chia sẻ cảm xúc từ cộng đồng), mạng xã hội khuyến khích người dùng sản xuất và chia sẻ các thông tin nặng về cảm tính.
Ngoài ra, dù là một công nghệ cũ, truyền hình cũng đang góp phần làm tăng ô nhiễm thông tin. Ở Nga, các kênh Sputnik và Russia Today chủ ý thực hiện các chiến dịch xuyên tạc thông tin. Ở Mỹ, truyền thông chủ lưu đã vô tình lan truyền thông tin sai, như trong vụ tờ New York Times đưa tin không chính xác về vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, hoặc việc truyền thông chạy theo các Tweet của Trump (trong khi đôi lúc chúng trích dẫn thông tin từ các trang chuyên về thuyết âm mưu).
Những nền tảng công nghệ vừa nêu không phải là những đường truyền thông tin trung tính. Bởi chúng vốn có tính xã hội, khi trở thành nơi mà hàng tỷ người tạo và chia sẻ các nội dung, nhằm khẳng định vị trí của mình trong các mạng lưới xã hội ngoài đời thực.
0.1.2. Ô nhiễm thông tin đang cản trở sinh hoạt của nền dân chủ và việc giải quyết những vấn đề toàn cầu
Ô nhiễm thông tin đã làm vấy bẩn sinh hoạt của nền dân chủ trong nhiều vụ việc – như cuộc trưng cầu Brexit, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, hay việc Le Pen giành số phiếu sát sao trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017. Ngoài ra, các nền dân chủ phương Tây cũng đang lo rằng trong một môi trường truyền thông toàn cầu đa dạng, những thế lực cạnh tranh tiềm năng như ISIS hoặc Nga có thể dùng thông tin xuyên tạc để với đến hai nhánh quyền lực Lập pháp và Hành pháp của họ.
Bên cạnh đó, ô nhiễm thông tin đang cản trở việc giải quyết những vấn đề toàn cầu. Trong lĩnh vực y tế, thông tin sai lệch do hiểu lầm [mis-information] luôn là mối đe dọa với sức khỏe trên toàn thế giới. Trong lĩnh vực khí hậu, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các thuyết âm mưu về biến đổi khí hậu đang khiến người dân có cảm giác bất lực, từ đó buông xuôi, thay vì theo đuổi những giải pháp chính trị hoặc cá nhân giúp giảm lượng xả thải carbon. Ngoài ra, một số chiến dịch lan truyền thông tin xuyên tạc [dis-information] đã được thiết kế để gieo rắc sự hoài nghi, hoang mang, nhằm khoét sâu mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo giữa các cộng đồng trên thế giới.
0.1.3. Mục đích của báo cáo
Xét những vấn đề trên, báo cáo cho rằng các nền dân chủ cần nghiên cứu cách thức vận động của hiện tượng hỗn loạn thông tin [information disorder], để hiểu những nguyên nhân mang tính cấu trúc ẩn dưới bề mặt của hiện tượng này. Nhóm tác giả hy vọng rằng báo cáo sẽ cung cấp một “khuôn khổ” [framework] chung cho các nhà lập pháp, nhà nghiên cứu, nhà sáng chế và người thực hành đang phải giải quyết các thách thức liên quan đến hỗn loạn thông tin.
0.2. Năm điểm cần lưu ý trong cách tiếp cận của báo cáo (tr.14-19)
0.2.1. Xem truyền thông như một nghi thức (tr.14-15)
Trong cuốn sách “Communication as Culture: Essays on Media and Society”, James Carey, một trong những nhà lý thuyết truyền thông quan trọng nhất, đã so sánh hai góc nhìn khác nhau về truyền thông. Dưới góc nhìn “Truyền tải” [Tranmission], viết và đọc báo thuần túy là một hoạt động để truyền và nhận thông tin mới. Dưới góc nhìn “Nghi thức” [Ritual], đọc một tờ báo trước tiên là để diễn tả và xác nhận những niềm tin chung của một cộng đồng, để tạo cảm giác rằng người đọc được kết nối với cộng đồng, sau đó mới để tiếp nhận thông tin mới. Theo cách này, đọc báo giống như việc tham dự một sinh hoạt của nhà thờ, và truyền thông là một hoạt động mang tính nghi thức và kịch nghệ.
Trong báo cáo, nhóm tác giả dành sự chú ý cho các lý thuyết xã hội và tâm lý học có khả năng giải thích vì sao một số loại thông tin xuyên tạc [dis-information] cụ thể lại được tiêu thụ và phát tán rộng rãi. Nếu chỉ phân tích quá trình tiêu thụ, phát tán thông tin qua góc nhìn “Truyền tải”, chúng ta sẽ không thể hiểu bản chất của hiện tượng hỗn loạn thông tin.
0.2.2. Nhu cầu có định nghĩa chính xác về hiện tượng hỗn loạn thông tin, và những hạn chế của khái niệm “tin giả” [fake news] (tr.15-18)
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, dù hiện tượng hỗn loạn thông tin đang được dư luận quan tâm, những nghiên cứu mới về chủ đề này đã không nhận được nhiều tài trợ. Một trong những lý do là chúng chưa đưa ra được những định nghĩa có tính chính xác, và được chia sẻ giữa giới nghiên cứu. Chẳng hạn, khái niệm “tin giả” [fake news] không đủ để mô tả sự phức tạo của những hiện tượng thông tin nhầm lẫn và sai lệch. Trong một nghiên cứu hồi tháng 08/2017 Edson C. Tandoc đã khảo sát 34 bài viết khoa học sử dụng khái niệm “tin giả” trong giai đoạn 2003-2017, để chỉ ra rằng giới nghiên cứu đã dùng cùng một khái niệm này để chỉ rất nhiều hiện tượng khác nhau – như tin tức châm biếm, tin tức chế, tin tức bịa đặt, tin tức bị thao túng, nội dung quảng cáo và nội dung tuyên truyền.
Thêm nữa, các chính trị gia trên toàn thế giới đã bắt đầu chiếm dụng cụm từ “tin giả”, khi dùng nó để mô tả những tổ chức truyền thông đưa tin theo hướng trái ý họ, từ đó biến nó thành một phương tiện để hạn chế, phá hoại báo chí tự do.
Vì vậy, thay vì dùng khái niệm “tin giả”, báo cáo phân hiện tượng hỗn loạn thông tin ra làm 3 loại – là Mis-information [thông tin nhầm lẫn], Dis-information [thông tin xuyên tạc], Mal-information [thông tin ác ý].
Trong ‘Fake News. It’s Complicated’, tác giả Claire Wardle tiếp tục phân Mis- và Dis-information làm 7 loại nhỏ, như sau:
_ Nội dung châm biếm hoặc chế: Không cố ý gây hại, nhưng có khả năng đánh lừa.
_ Nội dung gây hiểu lầm: Sử dụng thông tin theo lối gây hiểu lầm đối với một vấn đề hoặc cá nhân.
_ Liên tưởng sai: Khi các tiêu đề, hình ảnh hoặc chú thích không liên quan đến nội dung.
_ Bối cảnh sai: Khi thông tin gốc được chia sẻ kèm theo thông tin sai về bối cảnh.
_ Nội dung mạo danh: Khi nguồn tin bị mạo danh.
_ Nội dung bị cắt xén, chỉnh sửa: Khi nội dung hoặc hình ảnh gốc bị chỉnh sửa để lừa gạt.
_ Nội dung bịa đặt: Nội dung mới sai 100%, được thiết kế để bịa đặt và gây hại.
0.2.3. Tầm quan trọng của các nội dung trực quan (tr.18)
Hiện nay, các giải pháp chống hỗn loạn thông tin đang dồn sự chú ý vào những nội dung sai lệch có dạng văn bản, vì 2 lý do. Thứ nhất, khái niệm “tin giả” nổi tiếng đã đóng khung cuộc thảo luận vào vấn đề văn bản. Thứ hai, các phần mềm tự động dễ phát giác nội dung sai lệch dưới dạng văn bản hơn là nội dung sai lệch dưới dạng hình ảnh và âm thanh. Báo cáo đề nghị dành thêm chú ý cho các nội dung trực quan (như hình vẽ, đồ thị, ảnh chụp, video), vì nội dung trực quan có tính thuyết phục hơn nhiều so với các hình thức giao tiếp khác. Thêm nữa, các hình ảnh hoặc audio bị chỉnh sửa có thể được dùng để gán cho nạn nhân những điều mà họ không hề nói hoặc ngụ ý.
0.2.4. Kiểm tra nguồn [source-check] và kiểm tra dữ kiện [fact-check] (tr.18-19)
Nhiều dự án fact-check hiện có (như được liệt kê trong Phụ lục A của báo cáo) đang tập trung vào việc xác thực thông tin từ các nguồn chính thức – như các chính trị gia, các think-tank hoặc các cơ quan truyền thông. Báo cáo cho rằng trong một thời đại mà lượng thông tin từ các nguồn phi chính thức (như mạng xã hội hoặc các website mới thành lập) ngày càng tăng, việc kiểm tra nguồn [source-check] cũng cần thiết tương đương kiểm tra dữ kiện [fact-check]. Nguồn đầu tiên đăng tải một thông tin là một trong những chi tiết quan trọng nhất giúp xác định thông tin đó có chính xác hay không.
Chẳng hạn, nếu 10 tài khoản Tweeter khác nhau đăng cùng một nội dung trong cùng một thời điểm, và 6 tài khoản trong số đó nằm ở nước ngoài, thì nội dung đó có thể là một phần trong một chiến dịch phát tán thông tin xuyên tạc.
Báo cáo cho rằng các phòng tin tức [newsroom] cần được trang bị các công cụ mạnh hơn, để có thể lập bản đồ của các mạng lưới và các kết nối online, nhằm hiểu cách thức các thông tin xuyên tạc được tạo ra, lan truyền và khuếch đại.
0.2.5. Im lặng chiến lược [Stragic Silence] (tr.19)
Phần mềm Newswhip có một thuật toán dự đoán, cho phép người dùng xác định xem một gói nội dung đang nhận được bao nhiêu lượt tương tác trên Internet vào một thời điểm bất kỳ, và sẽ nhận được thêm bao nhiêu lượt tương tác mới trong 24 giờ kế tiếp. Khi First Draft tham gia một số dự án giám sát bầu cử ở Pháp, Anh và Đức, họ đã dùng Newswhip để đánh giá xem liệu một thông tin sai đáng hay không đáng bị báo chí phản bác. Nếu báo chí phản bác một nội dung có lượng tương tác dự đoán nằm dưới mức nguy hiểm, họ có thể bơm thêm oxy, giúp thông tin sai lan rộng hơn. Khuếch đại truyền thông [media amplification] là một kỹ thuật đem lại thành công cho nhiều chiến dịch xuyên tạc thông tin, và báo chí cần hiểu rằng việc phản bác thông tin sai có thể là lợi bất cập hại.
⚜
(Còn tiếp. Download bản pdf của bài tại ĐÂY.)
⚜
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất