Điển lễ tấn phong phi tần nhà Nguyễn
Có lẽ nhiều bạn đã xem phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc và thấy cảnh tái hiện lễ tấn phong phi tần của các nước này. Vậy còn Việt...
Có lẽ nhiều bạn đã xem phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc và thấy cảnh tái hiện lễ tấn phong phi tần của các nước này. Vậy còn Việt Nam thì sao? Bài viết này sử dụng các đoạn trích từ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ để miêu tả lại cảnh tấn phong các phi tần thời nhà Nguyễn.
Hậu cung nhà Nguyễn gồm có chín bậc: Tài nhân vị nhập giai (chưa có thứ bậc), cửu giai Tài nhân, bát giai Mỹ nhân, thất giai Quý nhân, lục giai Tiệp dư, tam/tứ giai Tần, nhị/nhất giai Phi và Hoàng quý phi/Hoàng hậu.
Điển lễ tấn phong bậc thấp nhất, cửu giai Tài nhân khá đơn giản:
“Sắc phong dùng lụa màu vàng chính, thêu rồng mây, thêu rồng mây, đầu trục bằng đồi mồi. Bộ Lễ chọn ngày lành tháng tốt giao hòm sắc phong cho cung giám, chuyển trao cho nữ quan đến viện mà Tài nhân ấy vẫn ở. Hôm ấy Tài nhân mặc mũ áo triều phục, đặt án sơn đỏ để hòm sắc phong, lại làm lễ 3 lần quỳ, 6 lần vái. Rồi lại đến trước mặt vua nghi lễ quỳ vái như trước để tạ ơn.”
Thể sách (sách lụa) nhà Nguyễn
Điển lễ tấn phong cho các cung tần từ Mỹ nhân đến tước Tần thì phức tạp hơn:
“Kim sách sắc phong từ Mỹ nhân đến tước tần làm bằng bạc. Chánh sứ là một viên quan nhị phẩm bên văn. Phó sứ là một viên quan nhị phẩm bên võ. Khâm thiên giám chọn ngày lành tháng tốt, cho một hoàng tử tước công đến cung Thái hậu tâu về ngày định sắc phong. Giữa điên Cần Chánh, đặt hai án vàng. Một đặt mao tiết, một đặt hòm kim sách. Ở cung Khôn Thái cũng tương tự như vậy. Sáng sớm ngày sách phong, đặt kiệu long đình trước cửa điện Cần Chánh, đội nhã nhạc đứng chờ hai bên tả hữu cùng với hai quan Chánh phó sứ. Lại có đội hộ vệ Cảnh tất mang gươm, vệ Cẩm y đeo dao, Thân binh, Cấm binh mang nghi trượng đỏ đứng canh ngoài cửa Nhật Tinh. Thái giám và cung giám thì chờ ở Duyệt Thị đường.
Đến giờ, chánh sứ và phó sứ đều quỳ. Viên quan Nội các mang mao tiết, viên quan bộ Lễ giao hòm kim sách cho chánh phó sứ, đặt lên kiệu long đình, nổi nhã nhạc. Chánh sứ cầm cờ tiết đi trước kiệu long đình, phó sứ và mọi người theo sau kiệu, đi từ điện Cần Chánh, ra ngoài cửa Nhật Tinh. Đến Duyệt Thị đường, mao tiết được giao cho viên thái giám, các cung giám thì khiêng kiệu long đình. Các viên chánh phó sứ ngồi nghỉ, uống trà ở Duyệt Thị đường.
Nữ nhạc nổi lên, đoàn sứ tiếp tục đến cung Khôn Thái. Cung tần được tấn phong mặc triều phục quỳ ở sân điện, khấu đầu trước kiệu long đình rồi vào điện. Nữ quan đặt mao tiết và hòm đựng kim sách lên án vàng, cung tần làm lễ 3 lần quỳ, 6 lần vái. Sau khi cung tần đã tiếp sắc phong, mao tiết được giao lại cho chánh phó sứ. Chánh phó lại mang mao tiết về điện Cần Chánh. Trong ngày hôm ấy, cung tần được tấn phong đến quỳ vái tạ ơn vua, lại đến cung Thái hậu bái yết.”
Lễ tấn phong nhất/nhị giai phi cũng tương tự. Nhưng vì họ ở cung riêng nên mao tiết và kim sách được bày ở cung phi ở chứ không phải ở cung Khôn Thái. Chánh phó sứ là quan nhất phẩm thay vì nhị phẩm, và sau khi giao mao tiết về điện Cần Chánh thì họ được ban yến tiệc. Sách phong được làm bằng vàng thay vì bằng bạc.
Sau này, vì thấy việc cho thái giám, cung giám nhận mao tiết là chưa đủ trang trọng, nhà vua đã quy định người cầm mao tiết là hoàng tử nội đình (hoàng tử còn nhỏ, chưa xuất cung).
Hòm đựng sách phong
Kiệu rồng
Mao tiết
Điện Cần Chánh, nơi khởi đầu và kết thúc buổi lễ
/sach
- Hot nhất
- Mới nhất