hay Điều làm Giáo viên giỏi "ít giỏi" hơn và Dạy sao mới đúng
Bài dịch này nói về một sự thật hiển nhiên. Hiển nhiên đến mức đọc xong bạn sẽ thấy nó như một chân lý. Nhưng chờ đã, đây nhất định là một chân lý chúng ta trước giờ biết mà không chịu dùng!

Thời học phổ thông, khi giáo viên toán giới thiệu một bài học mới, những gì xảy ra tiếp theo sẽ luôn luôn từa tựa thế này:

1. Cô giải thích các định lý Pythagore

2. Không ai hiểu gì cả

3. Cô lấy một ví dụ

4. Giờ một số học sinh hiểu

5. Những đứa còn lại gào ầm lên "Cô ơi cô lấy ví dụ khác đi ạ? Đi cô đi cô!!!!?

Bước 3-5 sau đó sẽ lặp lại cho đến khi phần lớn lớp đã hiểu khái niệm mới và những lời "Lấy ví dụ nữa đi cô!" từ từ ít đi. Sau đó, cả lớp mới học tiếp.

Vì tôi thường là một trong những đứa hiểu đầu tiên, tôi thường phát ngán với phần còn lại của bài giảng vì phải chờ đợi tất cả mọi người kịp hiểu trò đùa này để cả lớp có thể tiếp tục bài học. Trong khi đó, thay vì lắng nghe, tôi đã cố gắng tự lấy ví dụ cho mình.

Lúc đó tôi không biết hề biết, rằng hóa ra tôi đã làm một điều đúng đắn.

.   .   .

Khi tôi bắt đầu viết blog, tôi cứ bắt đầu gõ chữ đã. Tôi cũng chẳng biết tôi sẽ nói gì. Tất cả những gì tôi biết đó là: "Tôi phải nói một điều gì đó."

Hãy hỏi vài cây viết về những bài đầu tiên của họ, rồi họ sẽ cho bạn biết họ ngượng vì chúng thế nào. Khi nhìn lại bài viết đầu tiên của tôi, thành thật mà nói, tôi lại không hề xấu hổ, chắc chắn đây chưa phải là sản phẩm tốt nhất của tôi, nhưng tôi vẫn thích nó hơn nhiều so với một số bài tôi viết sau này.

Cách đây không lâu tôi mới nhận ra lý do tại sao: những bài viết đầu tay rất tự do. Chúng không bị ảnh hưởng bởi nhiều lời khuyên nhảm nhí thừa thãi đầy rẫy trên mạng. Sau đó, khi tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về nghề viết, tôi bắt đầu tiếp nhận lời khuyên của những người khác.

Thật là một ý tưởng tồi tệ.

Một lời khuyên tôi đã từng thực sự tin dùng chính là:

"Sử dụng 'ví dụ' thật nhiều."

Nếu bạn đã từng đọc nhiều hơn hai bài viết của tôi, bạn sẽ biết điều này đúng. Tôi cực kì cực kì thích đưa ra ví dụ. Một cú search Google nhanh chóng cho thấy tôi đã sử dụng từ "ví dụ" trong 303 trên 371 bài viết trên website Four Minutes Books. Vậy là hơn 80% rồi.

Khi xem xét lại từng ấy thời gian tối ngồi trong lớp học và tự nghĩ ví dụ, điều đó chẳng có gì ngạc nhiên. Nhưng điều này thì có:

Lấy ví dụ là một cách dở tệ để giải thích điều gì đó

Khi bạn sử dụng "ví dụ" giúp người khác sáng tỏ một điều gì đó, thật ra bạn không thực sự đang giúp họ đâu. Lý do giải thích cho điều này cũng tương tự như sự khác biệt giữa một nhà văn tốt và một nhà văn vĩ đại: Bạn không trở thành một nhà văn vĩ đại bằng cách làm theo lời khuyên. Bạn trở thành một nhà văn vĩ đại bằng cách đọc các tác giả mà bạn ngưỡng mộ, suy nghĩ về lý do tại sao bạn ngưỡng mộ họ, và sau đó bắt chước họ.

Một trong những nhà văn tôi ngưỡng mộ là Tim Urban từ Wait But Why. Và chính nhờ đọc bài viết mới nhất trong loạt 4 phần về Elon Musk có tên The Cook and the Chef của anh mà tôi đã hiểu ra điều này. 


Để hiểu rõ thì chúng ta hãy quay trở lại lớp học từ đầu bài nhé

Tại sao Giáo viên tốt là những giáo viên tồi

Giáo viên toán của chúng tôi là một người dễ tính. Kết quả là cô chiều theo mọi yêu cầu của chúng tôi, lúc nào cũng vậy. Khi chúng tôi yêu cầu cô cho thêm ví dụ, cô sẽ cho chúng tôi thêm các ví dụ.


Tất nhiên không phải tất cả các giáo viên đều như vậy, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi. Một thầy giáo dạy vật lý, người sắp về hưu trong một vài năm tới, thì chẳng quan tâm gì lắm. Thầy sẽ chỉ giải thích, có thể vẽ thêm một sơ đồ, sau đó dạy tiếp các phần khác.

Lớp chúng tôi đều đồng ý với một điều: Thầy dạy chán còn cô thật tuyệt vời. Đối với chúng tôi, những giáo viên cho chúng tôi nhiều ví dụ hơn khiến chúng tôi cảm thấy họ giải thích rõ ràng hơn.

Thú vị ở chỗ, khi tôi hỏi một số bạn học của tôi rằng thày cô nào là người bạn học được nhiều nhất, nhiều người trong chúng tôi nhắc đến thầy giáo dạy vật lý. Không một ai nhắc đến cô giáo dạy toán của chúng tôi.
Đó là bởi vì việc cho chúng tôi quá nhiều ví dụ dạy cho chúng tôi ... biết nhiều ví dụ.


Những gì ví dụ đã không dạy cho chúng tôi chính là làm thế nào để tư duy về cơ chế được nhắc đến trong bài và có một kết luận của riêng mình.


Bài viết Wait But Why về Musk so sánh hai cách lý luận để đưa ra quyết định. Một là luận cứ bằng phép tương tự (reasoning by analogy), xảy ra khi bạn kết luận dựa trên sự kiện trong quá khứ và những gì người khác nói với bạn. Hầu hết mọi người quyết định theo một chế độ mặc định như vậy. Có một số ít người (bao gồm cả Elon Musk) sử dụng cách lý luận thứ hai, đó là lập luận từ nguyên tắc đầu tiên (first principle): bạn nhìn vào các nguyên tắc cơ bản của những gì bạn biết là đúng và sau đó quyết định việc cần làm, không quan tâm đến phần còn lại của thế giới nghĩ về nó, hay đó có phải là một hành động được coi là chính đáng hay không.

Điều này cũng đúng với việc học. Bạn có thể học từ những thứ tương đồng hoặc bạn có thể học hỏi từ "kinh nghiệm đầu tiên."


Khi tôi đang mơ màng trên lớp với ví dụ của riêng mình, tôi đã vô thức học cách áp dụng ngay lý thuyết. Cuối cùng, nếu tôi có thể nghĩ ra ví dụ và sơ đồ cụ thể của riêng mình, tôi có thể áp dụng các ý tưởng này vào gần như bất cứ điều gì. Thay vì tích cóp một kho hàng các ví dụ, tôi đã tự tạo trải nghiệm của riêng tôi và học từ chính chúng.

Những gì cô giáo dạy toán "tuyệt vời" của chúng tôi đã làm là cho chúng tôi thấy (13 + 7) ² = 169 + 2 * 13 * 7 + 49.
Những gì thầy giáo vật lý đã dạy chúng tôi là (a + b) ² = a² + 2 * ab + b².

Một cách bạn có thể ghi nhớ và hy vọng nó sẽ xuất hiện giống hệt vậy trong bài kiểm tra. Cách còn lại bạn có thể áp dụng cả đời.
Thầy giáo vật lý của chúng tôi càng cho ít ví dụ thì càng giúp chúng tôi thực sự học được một điều gì , bởi vì thầy đã buộc chúng tôi phải suy nghĩ về bài học.

Quay trở lại việc viết lách, người viết càng đưa nhiều ví dụ để giải thích thì bạn càng dễ nhớ bài học hơn. Tuy nhiên như vậy bạn cũng sẽ khó áp dụng chúng vào thực tế hơn, bởi vì tất cả những gì bạn biết chỉ là một ví dụ rất cụ thể.
Trừ khi bạn đang viết sách hướng dẫn để lắp ráp một tủ quần áo hoặc bảo trì một bộ phận phức tạp trong máy móc thiết bị, còn không việc cố giải thích cụ thể những gì bạn đang muốn dạy bằng cách đưa các case cụ thể chẳng giải quyết được việc gì.


Đó là lý do tại sao từ "ví dụ" có lẽ là cụm từ phổ biến nhất trong đầy rẫy những bài viết "How-to" hướng dẫn (mà bài blog này cũng không phải là một ngoại lệ)


Nhưng là một nhà văn, mục tiêu của tôi không phải để bảo bạn phải làm gì. Bạn và tôi rất khác nhau. Những thứ hiệu quả với tôi chưa chắc đã hiệu quả với bạn. Tôi muốn bạn phải tư duy để bạn có thể tự quyết định nên làm gì với bản thân mình.
Vì vậy tôi sẽ không đưa thêm một ví dụ nào.
Trừ khi…

Đưa "Ví dụ" là một cách tuyệt vời để học tập

Dù "ví dụ" là một công cụ khá tệ để giải thích điều gì đó, nó cũng vẫn có mặt tích cực trong việc học tập - miễn là bạn tự tạo ra các ví dụ của riêng mình.


Việc nhớ lại ví dụ người khác nói cho bạn tương đương với việc tiếp nhận một ý kiến, đơn giản vì nó được trao tận tay cho bạn. Nó dễ dàng hơn, nhanh hơn và giúp bạn cảm giác mình đã hiểu.


Nhưng khi bạn tự lấy ví dụ của riêng mình, bạn đang hình thành những kinh nghiệm đầu tiên với một ý tưởng mới. Càng tốt hơn, một khi bạn có thể lấy nhiều ví dụ phù hợp với các quy tắc và có lý, bạn biết bạn đã thực sự hiểu các khái niệm cơ bản.

Điều này cho chúng ta hai bài học
- Đừng sử dụng "ví dụ" để giải thích thứ gì đó cho người khác. Ngược lại, hãy buộc người đó phải nghĩ ra ví dụ của riêng họ, ví dụ như cho họ điền vào chỗ trống: "Ví dụ như ..." Bạn có hiểu tôi vừa làm gì không? 😉

- Lần tới khi bạn thấy từ "ví dụ" ở đâu đó, đừng chỉ đọc tiếp sau khi nhìn thấy các ví dụ có sẵn. Hãy dành một giây để dừng lại và nghĩ thêm một ví dụ khác của riêng bạn.

Nguồn: Medium

Đọc thêm: