Tại sao giãy chết?

“Để xem cái gì? Lấy điện thoại ra đặt vé luôn đi bạn.”. Tú nói với tôi vậy, chưa đầy nửa ngày trước khi tôi lên tàu đi Huế.
Tú là tấm gương điển hình cho lối sống hết mình: tích cực, cầu thị, chăm chỉ và chủ động, nhìn chung là đủ loại tính từ mà bạn có thể tìm thấy trong các bản mô tả công việc. Tú làm nhiều việc, đi nhiều nơi và viết nhiều thứ hay ho. Bởi vậy, một đứa nghĩ nhiều làm ít như tôi khi gặp Tú dễ có cảm giác như bị kiểm tra vở soạn văn bất chợt. Nếu cũng lười soạn văn như tôi thì bạn sẽ hiểu.
“Bây giờ đặt vé ngay, đi luôn.”. Tú quyết liệt giục tôi, sau khi vừa gợi ý tôi đi Huế một mình và phát hiện tôi đang được nghỉ nguyên cả tuần. Tôi nói câu ‘để xem’ với Tú mà cũng phát ngại, vì đây không phải lần đầu Tú giục tôi làm việc gì đấy còn tôi thì bảo ‘để xem’. 
Tua lại một chút để tả qua về tôi: sinh viên năm cuối, không tham gia hội nhóm sinh viên, gia đình quản lý chặt. Nghe là đủ biết quãng đời làm sinh viên của tôi ít có những cuộc vui cùng bạn bè và những trải nghiệm bốc đồng. Nỗi lo đánh rơi tuổi trẻ của tôi tích tụ dần khi theo dõi cuộc sống nhộn nhịp của bạn đồng trang lứa qua mạng xã hội: chạy deadline mệt mỏi nhưng vui vẻ; đi phượt; theo đuổi kinh doanh, học vấn hay đam mê; tiệc tùng, nhậu nhẹt với bạn bè. 
Hết học kỳ đầu năm cuối, tôi nhận ra thời gian làm sinh viên của mình chẳng còn nhiều. Thế là tôi giãy chết, giãy cho cái cuộc đời sinh viên của tôi sau này còn có cái mà nhớ lại. Vài tiếng sau bữa cà phê với Tú, tôi nhắn thông báo cho bố mẹ, đặt vé tàu, đặt phòng rồi soạn đồ chuẩn bị đi ngay tối hôm đó. 

Nếu được, đừng lên kế hoạch trước khi đi du lịch

Khá chắc rằng sẽ bị can ngăn đi du lịch một mình, tôi đã bảo bố mẹ là mình đi cùng Tú. Mãi cho tới khi tàu chuyển bánh rời khỏi Hà Nội, tôi mới thấy đỡ thấp thỏm. 
So với máy bay hay xe khách thì đi tàu xóc và ồn ào hơn: tiếng bánh xe cọ vào đường ray đều đều suốt chuyến đi, tiếng nhân viên trên tàu rao bán đồ ăn thức uống, còn tiếng còi tàu thỉnh thoảng lại hú lên. Tuy nhiên, tôi tương đối tận hưởng những bất tiện này - tất nhiên là ngoại trừ mỗi khi muốn ngủ. Những âm thanh đặc trưng này khiến trải nghiệm đi tàu sinh động hơn so với các hình thức di chuyển khác.
Chó của bác gái ngồi gần tôi bị say tàu nên tôi xuống ga tìm mua xúc xích hoặc patê.
Đi Huế mất khoảng nửa ngày nên tôi chọn ngồi ghế mềm. Tuy vậy, tôi rất tò mò được ngồi toa ghế cứng: tôi luôn nghĩ nó sẽ thi vị giống như trong phim Before Sunrise. Biết đâu nếu may mắn tôi sẽ có cơ hội gặp một cô gái hay ho như nhân vật nữ chính, mặc dù tôi không hay ho được như nhân vật nam chính. 
“Ơ đi có lên kế hoạch trước không thế?”. Một đứa bạn tôi ngạc nhiên nhắn vào nhóm chat khi thấy tôi khoe đang trên tàu vào Huế một mình.
“Đang lên kế hoạch đây.”. Tôi nhắn lại, lúc này đang rất khoái chí vì phi vụ du lịch chớp nhoáng của mình. Quả thực vậy, lên tàu rồi tôi mới tranh thủ xem dự báo thời tiết và tìm các bài review về du lịch Huế để tham khảo kế hoạch ăn chơi. Trong lúc lên kế hoạch, tôi chợt thoáng lo không biết liệu chuyến đi có hấp dẫn được như cái kỳ vọng đang cao ngút của mình. 
Tàu tới Huế lúc gần trưa. Tôi quyết định đi bộ tới chỗ nghỉ để có thời gian ngắm nhìn thành phố, dù sao thì phòng khách sạn tôi đặt chỉ cách ga khoảng hơn 1 km. Ấn tượng đầu của tôi tại Huế, không tính mùi nước tiểu nồng lên tại ga tàu lúc tôi mới đặt chân xuống, là ở đây có cảm giác thư thả hơn hẳn Hà Nội. 
Tiện đường, tôi tranh thủ đi dạo dọc bờ sông Hương. Adrenaline, dopamine, hay bất cứ chất hóa học nào mà cơ thể đã sản sinh ra do quyết định bốc đồng nhất trong đời tôi vẫn còn có tác dụng, khiến tôi lâng lâng khó tả. Tôi cứ đi, tận hưởng cái cảm giác yên bình, dễ chịu của Huế, cho tới lúc trời bắt đầu đổ mưa lâm thâm. Hình như thường thì người ta sẽ viết: “Huế đón tôi bằng một cơn mưa phùn.”.
Nhìn chung, đánh úp chính mình bằng một chuyến du lịch bất ngờ là một trải nghiệm tuyệt vời.

Nếu được, hãy đóng vai một người bản địa

Mỗi lần đi du lịch, bên cạnh việc thăm thú như một khách du lịch, tôi luôn tìm cách sống như một ‘tôi’ phiên bản người địa phương. Tức là, tôi sẽ tự hỏi: nếu mình vốn sinh ra ở đây thì mình sẽ thích và không thích đi đâu, chơi gì, làm gì. Ví dụ, tôi ở Hà Nội nhưng tôi lại không thích đi thăm Văn Miếu, cầu Thê Húc. Tôi sẽ thích đi uống cà phê, nhưng lại không phải cà phê phin mà là cà phê pha máy, hay là cà phê phim thì lại càng tốt. Hoặc đơn giản hơn chỉ là đi dán lại màn hình điện thoại, cắt tóc hoặc đi tìm mua pin máy ảnh tại địa điểm du lịch. Toàn việc vớ vẩn, nhưng làm những việc thường ngày, tiếp xúc với những người không làm dịch vụ du lịch giúp tôi có cảm giác kết nối hơn với nơi tôi đến thăm. Đây là lý do tôi rất ghét đi du lịch theo tour.
Tuy vậy, những gì đặc trưng của điểm du lịch thì cứ phải thử cho biết, ví dụ như đến Huế thì nên ăn chè. Tôi vốn không thích ăn ngọt nhưng vẫn làm một cốc cho nó nhập gia tùy tục.
Một cuộn film tôi chụp tại Huế.
Ở Huế có khu phố đi bộ, hay phố Tây, gồm 3 con phố đan xen. Ở đây khá đa dạng về văn hóa: từ quán bia bật nhạc ‘tăng tà lăng’ cho tới quán bar bật nhạc Daft Punk; từ quán ăn bình dân, quầy thịt nướng ngoài trời cho tới nhà hàng xịn phong cách Á, Âu; có cả một gallery đồ mỹ thuật mà tôi vào mua được cái vòng khá ưng.
Tôi ghé vào một quán bar vì thấy chơi nhạc khá được, tình cờ lại là một tổ hợp Bar - Tattoo shop - Barber shop. Đây là một nơi lý tưởng để có những trải nghiệm không quá ‘du khách’, tuy nhiên vì sắp chụp kỷ yếu nên tôi quyết định sẽ không cắt tóc.
“Mình muốn xăm ở Huế thì không biết xăm ở đâu ổn nhỉ?”. Tôi hỏi bạn bồi bàn vì thấy bạn có nhiều hình xăm trông hợp mắt. Sau nửa ngày dạo chơi, tôi bắt đầu nhen nhóm ý định xăm một hình để đánh dấu chuyến đi chưa từng có tiền lệ trong đời. Tôi vẫn luôn muốn mọi hình xăm của mình phải giàu tính biểu tượng và có ý nghĩa riêng tư. 
Bạn bồi bàn bảo tôi nếu xăm hình nhỏ thì anh thợ ở đây làm khá tốt. Sau một hồi ngắm nghía instagram của tiệm xăm, tôi quyết định đặt lịch ngay tối hôm sau.
Tôi dành ngày thứ hai tại Huế đi thăm thú kinh thành Huế và một số lăng tẩm. Tôi bêu nắng giữa những công trình cổ kính, đem theo nỗi băn khoăn về việc xăm hình. Sau cả buổi tối suy nghĩ, tôi đã chọn hình đầu máy xe lửa hơi nước chứ không phải một biểu tượng liên quan đến Huế. Chuyến du lịch một mình lần này, việc quyết định xách ba lô lên và đi có ý nghĩa với tôi hơn là điểm đến. Nghe hơi thống thiết, nhưng thay vì chỉ để kỷ niệm cho chuyến đi, tôi muốn hình xăm này như một cái kết mở: mở ra những cuộc phiêu lưu mới trong tương lai.
Tôi lang thang dọc sông Hương chụp ảnh và ngắm hoàng hôn. 
Tối đến tôi lại ghé phố Tây, đánh tạm bát bún bò rồi leo thẳng lên tiệm xăm Rots Tattoo của anh Rốt. Anh Rốt nhỏ người, mảnh khảnh, có lẽ chỉ hơn tôi độ dăm tuổi là cùng. Cuộc trò chuyện vẩn vơ với anh trong lúc xăm đã giúp tôi có những trải nghiệm làm-1-thanh-niên-Huế mà tôi đang mong đợi. Anh kể cho tôi nhiều chuyện về anh: toàn bộ tiệm xăm mà tôi rất ấn tượng này là do anh tự thiết kế; anh học kiến Trúc ở Huế nhưng nhu cầu ngành tại Huế quá ít, đồng thời anh cũng thích thiên hướng nghệ sỹ hơn nên quay qua làm thợ xăm; tổ hợp Bar - Barber shop - Tattoo shop này là anh cùng hai người bạn nữa hợp tác cùng nhau làm; và còn cả chuyện tình cũ của anh mà tôi nghĩ không nên kể nhiều ở đây.
“Bình thường ở đây thì anh đi chơi ở đâu hả anh?”. Tôi hỏi vì thấy tôi với anh không ít thì nhiều cũng hợp gu. Không làm tôi thất vọng, anh chỉ cho tôi 1 bảo tàng mỹ thuật và vài quán cà phê tủ của anh, kèm thêm cả tiệm bánh mỳ đêm mà bạn tôi đang giục tôi đi ăn thử bằng được. Anh còn dẫn tôi ra đường để chỉ hướng đi ăn bánh mỳ ngay khi xăm xong.
Anh Rốt xăm cho tôi.
Tôi bắt tay tạm biệt anh Rốt rồi đi bộ thẳng tới tiệm bánh mỳ. Vừa ăn tôi vừa nghĩ, có vẻ cách tốt nhất để sống như một người bản địa là có một người bạn bản địa trạc tuổi mình. 

Nếu được, hãy giãy chết?

Ngày cuối cùng ở Huế, tôi đi gần hết những địa điểm hỏi được từ anh Rốt. Không quên bổn phận làm du khách, tôi ghé chợ Đông Ba ăn đủ món linh tinh rồi tìm mua chút quà mang về.
Chợ Đông Ba.
Chỉ trong vòng một tháng sau chuyến đi này, tôi lại tiếp tục có những chuyến đi không hẹn trước: đi Hải Phòng cùng hội bạn cũ, đi Đà Nẵng - Hội An cùng Tú. Dễ thấy tôi đang rất sốt ruột để vùng vẫy bù cho gần 4 năm sinh viên đã trôi qua.
Giãy chết nghe khá tiêu cực. Nhưng nếu không giãy chết bây giờ, sau này hẳn tôi sẽ hối tiếc vì đã không trải nghiệm nhiều hơn. Hay là, nếu tôi biết sợ mà giãy chết từ sớm, tôi đã có thêm thời gian để vẫy vùng?
________________________________
Cổ nhân có câu: đừng vội nghe lời khuyên của ai, nhất là của một thanh niên 21 tuổi đang bối rối với tương lai và viết tự truyện vào 3 giờ sáng. Ngay lúc này, tôi không còn nghĩ nhiều lắm về việc những suy ngẫm về hai từ ‘giãy chết’ của tôi nghe dở hơi đến thế nào. Tôi chỉ đang nhẹ nhõm vì đã hoàn thành đoạn tự truyện mà tôi đã quyết tâm viết xong từ hơn hai tháng trước. Tôi đã định viết gì đó mang tính thương mại và đại chúng nhưng cuối cùng lại viết như một cuốn nhật ký: nặng tính cá nhân và nhẹ phần giải trí cho độc giả. Vì vậy, nếu bạn đã đọc đến đây, cảm ơn bạn đã lắng nghe tâm sự của tôi.
Hà Nội, 05/04/2020