Source: Google
Source: Google
Ở bài trước, chúng ta đã đi qua cách để xây dựng, thiết kế lại môi trường để làm cho việc kỷ luật trở nên dễ dàng hơn. Ở bài này chúng ta sẽ tìm hiểu thêm những điểm đáng chú ý về ‘thói quen’ kỷ luật. Về cơ bản, chúng ta đang nói về thói quen, nên để xây dựng chúng, chúng ta sẽ áp dụng các nguyên tắc xây dựng thói quen như được nêu ở bài #45. và do vậy ở bài này mình không đề cập tới những nguyên tắc này nữa vì hẳn chắc các bạn cũng đọc nhàm luôn ở mấy bài gần đây rồi. Nên mình sẽ nói về một số điểm đáng lưu ý khác và cung quan trọng không kém về việc xây dựng thói quen.
Niềm tin 
Hẳn các bạn sẽ ngạc nhiên một chút và đặt ra câu hỏi tại sao thói quen hẳn là những thứ mà đáng ra sẽ lặp đi, lặp lại và đáng ra sẽ ổn định. Còn ‘niềm tin’ thì thường được xuất hiện trong những câu chuyện về sự thành công bất ngờ trong những hoàn cảnh khó khăn, những câu chuyện thần kỳ mà hiếm khi lặp lại. Dường như hai thứ này không liên quan tới nhau nhưng thực sự giữa chúng lại có một mối chặt chẽ. 
Hành trình của huấn luyện viên Tony Dungy trong việc dẫn dắt hai đội bóng là Tampa Bay Buccaneers (Bucs) và Indianapolis Colts được nêu trong cuốn sách ‘sức mạnh của thói quen’ là thứ cho chúng ta thấy rõ nhất điều này. Cả hai đội bóng đều được Dungy dẫn dắt, ông là người đầu tiên ở thời bấy giờ tập trung vào huấn luyện cho cầu thủ các phản xạ để thi đấu theo thói quen, các cầu thủ không cần suy nghĩ và do vậy họ có thể nhanh hơn đối thủ. Cả hai đội đều tiến tới chung kết Super Bowl nhiều lần, họ cũng đều gặp phải khó khăn trong những giờ phút quyết định của trận chung kết. Dưới áp lực quá lớn, những thói quen mà họ đã học được đã bị phá vỡ và họ bắt đầu suy nghĩ quá nhiều, trở về những thói quen cũ. Họ đã không thể hiện được những gì tốt nhất của họ đã học được và gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường khá nhiều lần. Và bây giờ có một chút khác biệt giữa hai đội, đội Colts đã có sự thay đổi sau với một biến cố không may của gia đình Dungy, các thành viên của Colts đã thực sự đặt hoàn toàn niềm tin vào phương pháp của ông. Câu chuyện thần kỳ đã đến với Colts vào mùa giải bắt đầu sau biến cố đó 10 tháng, họ đã lội ngược dòng một cách ngoạn mục trước Patriots trong trận AFC Championship với tỉ số chung cuộc 38-34 sau khi bị dẫn trước với chênh lệch rất lớn ở hiệp 1 với tỉ số là 3-21. Hai tuần sau đó đội Colts đã chiến thắng trong trận chung kết Super Bowl.
Sự khác biệt của Bucs và Colts đến từ niềm tin vào huấn luyện viên và phương pháp mà họ đã luyện tập trong suốt thời gian dài. Trong khi Bucs ở những giây phút áp lực, họ đã mất tập trung, lo lắng quá nhiều thì Colts với niềm tin tốt hơn đã vẫn giữ được tập trung và thành công trong những giây phút quyết định. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm những ví dụ khác thì chương ba của cuốn sách ‘sức mạnh của thói quen’ sẽ nguồn tham khảo tốt cho bạn. 
Vậy thì niềm tin là thứ quan trọng, nhưng làm thế nào để có được niềm tin? Chúng ta phải làm thế nào thì mới có được niềm tin? Nếu bạn chưa có câu trả lời thì cuốn sách ‘sức mạnh của thói quen’ có một gợi ý tuyệt vời đó là việc tìm kiếm và tạo cho mình một thói quen chủ chốt, nó là thói quen khởi điểm, là sự bắt đầu và lan tỏa những thay đổi tích cực khác trong cuộc sống. 
Với mình thì thói quen này là việc dọn giường mỗi sáng là một thói quen chủ chốt tích cực. Các bạn có biết không, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dọn giường mỗi buổi sáng liên quan đến năng suất lao động tốt hơn, cảm giác sung túc hơn và những kỹ năng tốt hơn liên quan đến tiền bạc. Không phải vì sự sạch sẽ của giường ngủ giúp đỡ cho bạn mà là việc bạn đã có cho mình được một chiến thắng nhỏ, bạn đang tự chứng minh với bản thân mình về việc bạn có thể làm được, bạn có thể kiểm soát được những thứ xung quanh bạn. Khi bạn có niềm tin, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện và kiểm soát những thứ khác. 
Bạn biết không, mình thực sự cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt của việc thực hiện hay không thực hiện việc dọn giường mỗi sáng. Năm đại học, mình đã có một khoảng thời gian mình được truyền cảm hứng từ bài phát biểu của Đô Đốc Hải quân Mỹ McRaven (các bạn có thể xem lại tại #4), và đã thực sự thực hiện việc này trong khoảng thời gian 6 tháng, đó thực sự là một khoảng thời gian tốt đẹp khi mình cảm thấy chủ động hơn và có thể kiểm soát được nhiều thứ hơn trong cuộc sống và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên sau đó, sau những áp lực từ bên ngoài, niềm tin đó nhỏ bé dần, cộng thêm sự thất vọng do việc không thể làm được điều đó một cách hoàn hảo, mình đã phá vỡ nó và quên hẳn và thay vì làm nó hàng sáng thì mình làm nó một cách tùy hứng hơn. Khoảng hơn một năm trở lại đây, sau khi viết #4, mình đã thực hiện thói quen lại một lần nữa và lại cảm nhận được những cảm giác tích cực hơn mà nó mang lại. Đương nhiên, mình không có một chuỗi hoàn hảo và mình ngờ ngợ thấy có những ngày mình làm thì tinh thần đối mặt với cuộc sống của mình khác và những ngày mình không làm nó thì tinh thần có uể oải hơn và chuệch choạc đi nhiều. Khoảng 3 tháng gần đây, mình có nghe lại sách ‘sức mạnh của thói quen’ thì với lời gợi ý của Charles Duhigg, mình thấy điều này thực sự đúng. 
Vậy thì bạn sẽ cần có niềm tin với thứ mình làm và bạn có thể bắt đầu nó với một bước nho nhỏ thôi, nó nên là một thói quen nhỏ bắt đầu một ngày mới và không cần phải là thứ gì to tát. Bạn có thể thử với việc dọn giường, hoặc một điều gì khác mà bạn thích thú hơn, nó có thể là thiền mười phút, lau chiếc gương nhà tắm chẳng hạn. Nó là sự khởi đầu, nó là một hành động tượng trưng và bắt đầu cho một chuỗi hành động tích cực.
Danh tính cá nhân
Hẳn đây là một thứ mọi người ít khi nghĩ nó có thể tác động tới việc xây dựng một thói quen mới hay sự kỷ luật của chúng ta. Để minh họa về ý tưởng này thì có lẽ không có gì phù hợp hơn câu nói “Fake it ‘till you make it” – “Hãy giả vờ đến khi mục tiêu thành sự thật”. Đương nhiên, điều đầu tiên đây là một câu nói quá để mọi người dễ hình dung ý tưởng, nó có thể không phải là phương án giải quyết hoàn hảo trong tất cả mọi tình huống. Nên bạn sẽ cần chú ý khi áp dụng nhé mình nghĩ rằng trong mọi trường hợp, bất cứ thứ gì quá cực đoan đề có những tác hại ngược lại.
Ý của mình là có sự khác biệt to lớn trong tâm trí của bạn khi bạn khởi điểm với suy nghĩ kiểu “Tôi là một kẻ mù công nghệ” và một người có suy nghĩ “Tôi là một kẻ am hiểu”. Một cách tự nhiên, nếu bạn đã có cho mình một danh tính (niềm tin về việc bạn là ai) cho thì bạn sẽ có xu hướng thực hiện những hành động nhất định hoặc từ chối thực hiện những hành động nhất định bởi vì đó là bạn hoặc đó không phải là bạn. Một kẻ mù công nghệ thì hiển nhiên là hiếm khi quan tâm tới tin tức về công nghệ mới, trong khi đó một người am hiểu về công nghệ thì thường chủ động tìm hiểu thêm các tin tức về công nghệ và chủ động hấp nạp các kiến thức về công nghệ mỗi khi có thể. Nên có lẽ sự khác biệt giữa hai người không nhiều đến thế nếu như họ không có niềm tin như vậy. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm một chút về idea này, các bạn có thể xem lại #6 của mình nhé. 
Nó có nghĩa là bạn cần phải có một danh tính phù hợp, nếu bạn nghĩ mình là người kỷ luật thì bạn sẽ có xu hướng lựa chọn việc mà một người kỷ luật sẽ làm hơn so với việc bạn không có danh tính này hoặc chọn cho mình một danh tính “mình là người kém trong việc giữ được kỷ luật” hoặc danh tính kiểu “mình là người tự do, mình sẽ làm khi mình thích”. Do vậy danh tính “kỷ luật” hoặc những danh tính liên quan (kiểu con người tự do, thích thì làm không thích thì thôi) là thứ có ảnh hưởng tới bạn trong trường hợp này.
Danh tính trong suy nghĩ có tác động nhưng nó không phải là thứ danh tính duy nhất mà bạn có. Bạn cũng có cho mình một danh tính hành động, tức là có thể bạn có suy nghĩ về bản thân mình một kiểu nhưng hành động lại theo hướng ngược lại. Kiểu như bạn nghĩ bản thân mình không phải là con người kiên nhẫn, nhưng bạn lại rất ham học hỏi và do vậy mỗi khi bạn học một điều gì đó mà bạn hứng thú bạn lại có sự kiên nhẫn bất ngờ và bạn đang có một danh tính hành động khác với danh tính trong suy nghĩ mình. 
Vậy thì điều bạn cần đôi khi là xem xét lại hết các danh tính của mình và lựa chọn những điều phù hợp với con người mà bạn mong muốn trở thành để hỗ trợ cho sự “kỷ luật” mà bạn mong muốn. Đôi khi bạn đang có những danh tính hỗ trợ cho danh tính mới thì bạn có thể lựa chọn tập trung vào nó để xây dựng một danh tính mới. Đôi khi bạn có thể bỏ qua không tập trung vào vấn đề danh tính mà chỉ đơn giản nhìn vào việc bạn đã làm đó là những điều mà bạn đã tự chứng minh với bản thân mình, giờ bạn chỉ cần ghi nhận nó. Và ngược lại nếu những điều mà bạn làm bị ngược lại với danh tính mà bạn cần xây dựng thì nó cũng là điều mà bạn cần chú ý và thay đổi nếu không bạn đang tự khẳng định một danh tính vô kỷ luật với bản thân mình.
Một vài điểm đáng chú ý khác
Danh tính không phải là sự hoàn hảo, danh tính là sự đa số, nên để nói bạn là người kỷ luật thì bạn không cần phải là người kỷ luật trong mọi hoàn cảnh mà chỉ cần trong phần lớn các trường hợp là đã đủ rồi. Vậy bạn có thêm một lý do để làm những điều kỷ luật nho nhỏ và chấp nhận những điểm còn thiếu sót của bản thân mình rồi phải không.
Chấp nhận hiện tại và nó có nghĩa là hiện tại là khởi điểm của bạn, bạn có những lợi thế hay điểm bất lợi và nó là khởi điểm của bạn để trở nên tốt hơn. Chấp nhận không có nghĩa là bạn đồng tình với tình trạng của bạn và bạn để nó kéo dài mãi mãi. Việc bạn chấp nhận rằng mình là người mới trong lĩnh vực này sẽ cho bạn sự kiên nhẫn và sự tự do để học hỏi và cảm nhận những bước tiến dù nhỏ bé nhất thay vì áp lực phải làm tốt ngay, hoàn hảo ngay từ đầu. Các bạn có thể xem thêm bài viết này.
Kỷ luật không có nghĩa là bạn phải hà khắc hay quá khắc nghiệt với bản thân bạn. Bạn vẫn có thể túc tắc, nhẹ nhàng, yêu thương bản thân mình mà vẫn có được sự kỷ luật, miễn là bạn đúng cách.
Tập luyện từng thói quen kỷ luật mới thay vì cố gắng tập một lúc cả 10 thói quen kỷ luật. Thông thường khi mà bạn đang hứng khởi với một điều gì mới bạn thường sẽ làm nhiều đó quá nhiều, thường thì bạn sẽ muốn thay đổi cả tá thói quen cùng lúc để kỷ luật hơn. Nhưng điều đó thường không khả thi, thường thì nó sẽ kết thúc với vòng lặp bạn sẽ bỏ dần và bỏ hết các thói quen mới. Vậy nên, mình nghĩ bạn nên chỉ bắt đầu với một thói quen chủ chốt hoặc tối đa hai thói quen mới để rèn luyện kỷ luật cho mình. Làm nhiều thứ cùng một lúc sẽ khó khăn hơn cho bạn rất nhiều khi sự hứng khởi đã đi qua và một biến cố xảy ra với bạn. Và thử trải nghiệm lại mà xem bao nhiêu lần bạn đã trải qua cảm giác đầu voi, đuôi chuột rồi? 
Để cho bạn có đủ thời gian để làm quen và học hỏi thói quen kỷ luật mới. Mình tin rằng không có thứ gì có thể xảy ra chỉ qua một đêm cả. Kể cả khi có những thứ nhìn tưởng chừng như vậy thì hẳn nó đã có một thứ nền tảng trước đó mà mọi người chưa nhận ra hay đã bỏ qua mà chỉ tập trung vào một sự kiện cụ thể. Thứ mà dễ thành một câu chuyện cổ tích thường hay gặp, kiểu như bằng ý chí mạnh mẽ, bằng đam mê mà con người hay đội bóng đó thành công vậy. Những thứ mà bạn thấy về những khoảnh khắc thành công của người khác nó chỉ là bề nổi mà thôi. Có nhiều thứ ở sau đó mà bạn không nhìn thấy được, nên hãy bình tĩnh. Mọi thứ tốt đẹp đều cần có thời gian. 
Về lý thuyết, sự kiên định, nhất quán là biểu hiện của kỷ luật có thể thường được xem là thứ đòi hỏi sự kỷ luật, sự quyết tâm và không thỏa hiệp. Nhưng bạn nghĩ sao nếu nhìn nhận rằng chính linh hoạt mới là chìa khóa của sự kiên định, nhất quán? Không có nhiều thời gian? Hãy giảm bớt. Không đủ năng lượng? Thực hiện cách đơn giản hơn. Tìm cách thích ứng khác nhau tùy thuộc vào tình hình. Để có thể duy trì được kỳ luật và đáp ứng nhu cầu của tình huống cụ thể.
Điều cuối cùng, những thứ ở trên mình viết mình thấy nó về cơ bản là một lựa chọn. Một lựa chọn về thói quen, một lựa chọn về cách mình xây dựng kỷ luật. Nếu bạn đã có được thói quen ‘kỷ luật’ nhưng bạn có được theo một cách khác thì có thể cách đó đang là cách phù hợp, bạn có thể bỏ qua những gợi ý này. Nhưng nếu giả sử nó không bền vững hay bạn chưa có được sự kỷ luật, vậy thì mình đề nghị bạn hãy thử cách một cách khác và đây là một trong số những các khác đó và còn có thể có một cách khác nào đó phù hợp với hơn với bạn. Miễn là bạn thử tìm kiếm và ít nhất dành cho nó vừa đủ thời gian để thử nghiệm.  
Mong là những điều chia sẻ này có thể giúp ích được các bạn. Gửi yêu thương tới tất cả mọi người!
Mời các bạn ghé thăm blog của mình tại:
Nguồn tham khảo:
– Bài viết hay về sự chấp nhận và ảnh hưởng tới cuộc sống: https://tamlyhoctoipham.com/hoc-cach-chap-nhan-de-hanh-phuc-honhttps://tamlyhoctoipham.com/hoc-cach-chap-nhan-de-hanh-phuc-hon 
– Sách thói quen nguyên tử
– Sách sức mạnh của thói quen