Thermopylae, Hoplite và chiến thắng của 300 quân
Đây là bài viết dựa theo tìm hiểu của mình, nếu có gì sai sót hay có điều gì muốn nói. Hãy cũng nhau bàn luận nhé. Chỉ với...
Đây là bài viết dựa theo tìm hiểu của mình, nếu có gì sai sót hay có điều gì muốn nói. Hãy cũng nhau bàn luận nhé.
Chỉ với 300 lính tinh nhuệ, quân Sparta đã chặn đứng cuộc tiến công của quân Ba Tư ngay trong ngày đầu tiên. Tại sao họ lại có thể làm được điều đó?
Vào năm 480 trước công nguyên, Xerxes đã dẫn đại quân Ba Tư đến xâm lược Hy Lạp. Vua của Sparta, Leonidas cùng với 300 lính hộ vệ của mình đã chặn đứng hàng nghìn hàng vạn quân Ba Tư trong ngày đầu tiên. Vậy làm cách nào chỉ với con số quân ít ỏi lại có thể chặn đứng một đạo quân hùng mạnh và đông đảo đến vậy?
Vị trí chiến lược
Quân Sparta nổi tiếng với đội hình phalanx, một bức tường không thể xuyên thủng. Nhưng chỉ với vài trăm quân lính thì vẫn là bất khả thi nếu phải chống lại hàng vạn quân đang tiến đến. Hiểu rõ được điều này, vua Leonidas đã một chọn góc hẹp ở Thermopylae để dàn quân. Một bên là dốc núi cao, bên còn lại là biển cả sâu thẳm. Vị trí đặt quân chỉ vừa đủ cho 300 quân dàn trận và không có cách nào để đánh bọc vào hai bên, đồng thời cũng là điểm yếu của đội hình phalanx. Như vậy lính Ba Tư chỉ còn cách tấn công chính diện. Ngoài ra vị trí phòng thủ cũng là một đoạn đường gấp khúc, điều này làm cho quân Ba Tư không thể sử dụng số lượng quân đông đảo tạo ra sức ép lên những người lính Hy Lạp.
Trang bị quân sự
Đây là một trong những điểm chính yếu tạo ra sức mạnh khác biệt giữa quân Ba Tư và Sparta. Lực lượng của Ba Tư không có những trang bị kỹ lưỡng về mặt giáp trụ như người Hy Lạp. Ngay cả Binh đoàn bất tử (lực lượng tinh nhuệ 10000 quân) cũng chỉ mặc những bộ giáp nhẹ với các tấm kim loại mỏng đan vào nhau. Binh lính thông thường không mặc giáp mà chỉ mặc đồng phục, được trang bị khiên gỗ và giáo ngắn. Một số lực lượng sẽ được trang bị thêm kiếm và dao găm. Nhưng lính Ba Tư không hề được cung cấp quân trang mà là họ phải tự mua trang bị cho mình. Chỉ một số ít đơn vị đặc biệt là được cung cấp vũ khí và quân trang. Ngoài ra người Ba Tư cũng sử dụng cung tên nhiều hơn nhưng những mũi tên của họ không đủ mạnh để xuyên thủng tấm giáp và khiên của Hy Lạp vốn được làm bằng đồng.
Chính điều này đã làm cho quy chuẩn chung của quân đội Ba Tư không được đồng đều và bị yếu thế trước một lực lượng quân đội chỉnh chu như người Sparta.
Lính Sparta được trang bị cực kỳ đầy đủ theo tiêu chuẩn của lính bộ binh hạng nặng gọi là Hoplite. Họ mang áo giáp bảo vệ thân người và đội mũ giáp bằng đồng, thông thường có độ dày 0,5cm. Cả tay và chân cũng được bọc giáp bảo vệ. Những tấm khiên lớn bằng đồng mà họ sử dụng được gọi là Hoplon có đường kính từ 80 tới 100cm và nặng từ 6,5 tới 8kg. Đây là những tấm khiên rất đặc biệt được làm từ ba lớp chất liệu da thuộc, gỗ và lớp ngoài cùng bằng đồng. Điểm đặc biệt ở tấm khiên này là tay cầm và dây da sẽ giúp giữ chặt khiên vào tay của người sử dụng. Điều này giúp cho những người lính khó bị rơi rớt tấm khiên ở giữa chiến trường và tăng cường sự cơ động khi di chuyển.
Vũ khí được trang bị thông thường là giáo dài (doru) khoảng 2m4 và có khi hơn 4m, mũi giáo bằng đồng và tạo hình chiếc lá giúp gây ra vết thương chí mạng khi đâm vào đối phương. Ở cuối đuôi giáo có một mũi nhọn thường được dùng để cắm xuống đất. Ngoài giáo dài còn có kiếm ngắn gọi là xiphos với lưỡi kiếm dài khoảng 45cm.
Khác biệt trong trang bị quân đội đã ảnh hưởng không ít đến sức mạnh của cả hai bên. Sự trang bị thiếu thốn của lính Ba Tư nhanh chóng khiến họ phải trả giá trước một lực lượng được trang bị kỹ lưỡng đến tận chân răng. Nhưng vẫn còn một điều khiến sức mạnh của người Sparta vượt trội hơn hẳn những người lính Ba Tư.
Tổ chức và huấn luyện quân sự.
Một vấn đề mà Xerxes gặp phải trong quân đội của mình chính là thiếu sự đồng bộ. Việc chiếm đánh quá nhiều nước và thành công trong một thời gian ngắn đã khiến cho quân đội của ông trở nên hỗn loạn. Điều này khiến cho quân Ba Tư dù có số lượng cực kỳ khủng khiếp nhưng chất lượng binh lính lại bị thiếu hụt. Cùng với trang bị sơ sài cũng góp phần khiến cho thời gian sống sót của những người lính trở nên ngắn đi.
Người Sparta hoàn toàn ngược lại. Họ tin rằng bản thân mỗi người Sparta là con cháu của Zeus và cần phải trở nên mạnh mẽ. Chính điều đó đã khiến cho họ tin rằng sức mạnh là quan trọng nhất, tất cả mọi người đều phải trải qua huấn luyện quân sự. Những đứa trẻ được chọn lọc ngay từ khi mới sinh ra, võ thuật và rèn luyện sức mạnh được ưu tiên. Những công việc khác như thêu thùa dệt vải bị xem là công việc dành cho nô lệ. Tất cả những gì mà người Sparta hướng đến là trở nên mạnh hơn và mạnh hơn. Chính vì điều đó nên Agoge được dựng lên, trường dạy quân sự và đào tạo chiến binh. Mọi đứa trẻ đều phải trải qua nơi này để trở thành những người lính mạnh nhất và đủ sức mạnh để đứng kề vai với đồng đội mình. Tất cả mọi người lính ở đây đều cần phải sử dụng thành thạo mọi vũ khí cũng như chiến thuật được đưa ra.
Với những yếu tố trên đã giúp cho Leonidas và 300 quân lính của ông chặn đứng hàng vạn quân xâm lược Ba Tư. Cũng từ trận chiến này đã làm cho tiếng tăm của người Sparta vang xa hơn bao giờ hết. Phần kết của câu truyện thì ai cũng biết, Leonidas đã thua trận do sự phản bội của Ephialtes. Ephialtes đã chỉ đường vòng cho quân Ba Tư bao vây và đánh úp quân Sparta. Toàn bộ quân của Leonidas đều bị giết.
Nhưng đây vẫn là trận đánh cần được nghiên cứu và học hỏi thêm. Tại trận đánh này ta đã thấy tầm quan trọng của vị trí đặt quân, trang bị và cũng như cách rèn luyện cho quân đội. Tiêu chuẩn Hoplite của họ đã được học tập và áp dụng cho đến hiện nay. Đến tận bây giờ đây vẫn là trận đánh được đưa ra để phân tích và giảng giải không chỉ ở mặt quân sự mà còn về lịch sử.
Y Tông
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất