Mọi người thường sẽ làm gì vào những lúc rảnh nhỉ? Hmm... Không biết thế nào chứ mình thì thấy việc chịu khó tìm kiếm, xem một bộ phim hay và ý nghĩa là điều đáng làm nhất (hơn cả việc cùng đồng đội giải tỏa căng thẳng bằng những trận đấu còn căng thẳng hơn :)). Và như một sự vô tình có sắp xếp, mình xem lại The Shawshank Redemption, hay Nhà tù Shawshank, có lẽ là bộ phim hay nhất mình từng xem và "tự nhiên" muốn gửi gắm một vài suy nghĩ của bản thân về giá trị cốt lõi mà mình nghĩ là bộ phim muốn truyền tải: giá trị của HY VỌNG, mặc dù bộ phim này quá nhiều tầng lớp ý nghĩa, quá nhiều thông điệp truyền tải qua từng nhân vật nhưng... mình chỉ cảm được điều này thôi ạ ^ ^
Dù Động Nhện đã có "kha khá" bài viết về phim này rồi nhưng cá nhân mình vẫn muốn chia sẻ lại dưới góc nhìn cá nhân. Vì chỉ là một chút suy nghĩ của bản thân thôi và vì thế nó có thể đúng, có thể sai, nhưng dù thế nào thì mình cũng mong nó sẽ mang lại cho mọi người một điều gì đó. Và cũng thực sự mong mọi người có thể xem một lần trước khi đọc bài viết này vì nó thực sự rất hay, và nếu bạn không quan tâm điều trên lắm thì cứ đọc thôi, biết đâu lại là nguồn động lực để bạn thưởng thức bộ phim tưởng trừng vô vị này thì sao ^ ^
Ở Shawshank Redemption, Andy, một phó giám đốc nhà băng thành đạt, có lẽ là nhân vật nổi bật nhất với một niềm khao khát tự do, luôn lạc quan và tràn đầy hy vọng dù bị kết hai án chung thân vì giết vợ và gã nhân tình mặc dù anh hoàn toàn vô tội. Và con người ấy chỉ bằng một cây búa nhỏ nhưng với nguồn động lực bất tận từ niềm hy vọng của bản thân đã tự giải thoát cho chính mình chỉ trong 20 năm. Vâng, là 20 năm với một chiếc búa mà Red, người bạn thân của anh cho rằng "phải mất đến 600 năm mới làm được", cùng những điều phi thường mà có lẽ phải xem phim bạn mới hiểu được. Nhưng điều làm mình nhớ mãi đó lại là chi tiết căn phòng trọ có cái tên "Brewer", nơi ở khi được mãn hạn tù của hai nhân vật, đầu tiên là Brooks, ông lão làm việc trong thư viện của Shawshank và sau đó là Red, người giúp những tù nhân mang những món đồ lậu vào bên trong nhà tù. Họ đều từng sống ở đây và đều trải qua những điều gần như tương tự nhau. Brooks và Red đều phải vào tù từ khi còn rất trẻ và đến khi họ được ân xá, đó đã là vài chục năm, lâu đến nỗi họ coi nhà tù Shawshank chính là nhà của mình. Và như Red đã nói, sau khi Brooks kề dao vào cổ người bạn tù Heywood chỉ để được tiếp tục ở lại: " Ông ta chỉ bị 'thể chế hóa'... Ông ta đã ở đây 50 năm rồi, 50 năm, Heywood ạ! Đây là tất cả những gì ông ấy có. Ở trong này ông ấy là người đàn ông quan trọng, một người có học. Ngoài kìa, ông ấy chẳng là gì cả... Cậu cứ tin những gì tùy cậu. Nhưng những bức tường nhà tù này rất hài hước, lúc đầu ta ghét chúng, rồi về sau ta quen với chúng, khi thời gian trôi đủ lâu... ta sẽ phụ thuộc vào chúng. Đó gọi là 'thể chế hóa'". Phải, cả hai đều bị "thể chế hóa", họ đều làm việc cho một cửa hàng tạp hóa để kiếm sống một cách khó khăn và đều không thể hòa nhập với cuộc sống hối hả "bên ngoài". Họ bị nỗi sợ giày vò, phải đối mặt với sự thật mà họ phải thừa nhận "tôi chẳng làm được gì ở ngoài này cả". Và khi không thể chịu đựng được nữa, Brooks tìm đến sự giải thoát cuối cùng, ông ăn mặc một cách lịch sự, lấy con dao và khắc lên trần nhà dòng chữ "BROOKS WAS HERE" và treo cổ tự vẫn. Còn Red, ông cũng vậy, cũng trải qua điều tương tự như Brooks và cũng muốn quay lại Shawshank, nơi từng gắn bó nửa đời người, Red đứng bên cửa kính của một cửa hàng, nhìn vào những khẩu súng được trưng bày bên trong, giữa những khẩu súng ấy, thứ có thể sẽ mang ông quay lại tù, nơi ông coi là nhà thì ông lại chọn mua một chiếc la bàn, vì lời hứa với Andy, người đại diện cho khát vọng sống, tinh thần lạc quan và quan trọng nhất là niềm hy vọng của cả bộ phim. Sau chuyến hành trình để đến nơi mà Andy đã hẹn khi cả hai còn ở trong tù và đọc được bức thư mà người bạn thân gửi lại cho mình. Red trở lại nhà trọ, ông cũng ăn mặc chỉn chu, lấy dao khắc lên trần nhà dòng chữ "SO WAS RED". Nhưng khác với Brooks, Red không chọn cái chết, hay cố gắng phạm tội để được quay lại nhà tù, ông chọn tìm đến với Andy, tìm đến "hy vọng". Và ở cuối bộ phim, khi Red nói câu thoại cuối cùng của cả phim: "I Hope" cùng với nụ cười hạnh phúc khi nhìn thấy Andy đang lau dọn chiếc thuyền để chuẩn bị cho hành trình mới của cả hai đã cho mình thấy rằng, giờ đây, không phải Brooks mà chỉ có Red mới được thực sự được giải thoát.
Và có lẽ bạn đã hiểu...
Hai con người, hai số phận gần như tương tự nhau, nhưng khác ở chỗ Red có Andy, người tượng trưng cho niềm hy vọng. Còn Brooks thì sao, ông già tội nghiệp chẳng có niềm hy vọng ấy. Cuộc sống thì chẳng bao giờ mãi yên bình cả và chúng ta thì phải tiếp tục sống, thích nghi và thay đổi, điều quan trọng hơn hết, hãy biết hy vọng, về bất cứ cái gì cũng được, miễn là còn hy vọng, thì ta vẫn còn có thể tiếp tục sống. Trong bức thư mà Andy gửi lại nơi gốc cây sồi anh cũng viết: "Hy vọng là một điều tốt, nhiều khi là điều tốt đẹp nhất. Mà những thứ tốt đẹp thì không bao giờ lụi tàn..".
Mình vẫn thường hay được nghe rằng không nên quá hy vọng về bất cứ điều gì cả vì khi nó sảy ra không như ta mong muốn thì ta sẽ thất vọng và đau khổ. Nhưng hãy thử tự hỏi, nếu như ta không hy vọng đủ nhiều thì ta có thực sự quyết tâm làm những điều to lớn mà ta hằng ao ước hay không, và kể cả khi nó không như ta mong đợi thì ít nhất ta cũng đã cố gắng hết mình mà. Và chẳng phải niềm hy vọng to lớn đó sẽ lại dẫn dắt ta đến một hành trình mới hay sao...
" Tôi thấy mình vui mừng tới nỗi không thể ngồi yên hay suy nghĩ điều gì nữa. Tôi nghĩ đó là sự kích động mà chỉ người đàn ông tự do mới cảm nhận được. Một người đàn ông tự do bắt đầu một cuộc hành trình mới... mà chưa biết chắc tương lai sẽ về đâu. Tôi hy vọng tôi có thể vượt qua biên giới. Để gặp người bạn của tôi và bắt tay anh ấy. Tôi hy vọng Thái Bình Dương xanh như đã xanh trong giấc mơ của tôi. Tôi hy vọng thế..." - Red
Chúc bạn có một ngày tốt lành!
HOPE