Thật sự muốn viết cảm nhận sau khi đọc bằng tiếng Anh (là dùng tiếng Anh để viết) chả hiểu vì sao.
Sau “Người tình Sputnik” mình nghĩ là mình đủ tuổi để đọc Haruki Murakami rồi. Tuy chưa thấu hiểu sâu sắc nguyên nhân hay ẩn ý sâu xa như điều mà mọi người nói về văn chương của Haruki, nhưng ít nhất mình đã cảm nhận được lờ mờ nhân vật trong truyện và những vấn đề tâm lý của họ. Mà dù có không hiểu gì lắm, mình vẫn bị “Kafka bên bờ biển” cuốn đi như cách Hoshino cuốn theo hành trình của ông lão Nakata “biêng biêng” trong truyện.
Kafka trong tiếng Séc nghĩa là quạ, cậu thiếu niên 15 tuổi lấy tên là Kafka Tamura, phần còn lại trong nhân cách cậu là “thằng tôi tên quạ”. Bỏ nhà đi vào ngày sinh nhật lần thứ mười lăm, vài ngày sau, bố cậu bị giết chết. Nhưng những gì cậu nhớ về ông là lời nguyền rủa “mày sẽ ngủ với mẹ và chị gái mày sau khi giết cha”. Cậu bỏ đi đến một nơi xa, có rừng, biển, và một thư viện lớn (và đẹp trong tưởng tượng của mình). Sau đó là hành trình đóng lại phiến đá cửa vào của ông Nakata và người đồng hành Hoshino. Nghe thì không liên quan nhưng mạch truyện được tách thành hai đường song song, câu chuyện của hai nhóm người song song và tiệm cận nhau, nói không được hợp logic toán học cho lắm nhưng dù mạch truyện song song nhưng vẫn đan vào nhau rất khăng khít.
Mình thích nhất hình ảnh vòm rừng hình tròn nơi có căn nhà của Oshima, cảm giác tự do, không có kết nối với thế giới bên ngoài, chỉ ở đó hít thở và đọc sách chắc sẽ là một cảm giác rất tuyệt vời. Mình đang lãng mạn hóa hình ảnh này vĩ dĩ nhiên chẳng ai ở đó cả đời được, nhất là với những người mang nhiều sự đấu tranh bên trong như Kafka. Mình cũng không ước có một nhân vật “cái con tên-gì-đó” ở trong mình, đóng vai thiên thần hay ác quỷ để nói chuyện với mình mặc dù nêu liên tục cổ vũ mình “là một cô gái hai-mươi-mấy tuổi kiên cường nhất trên thế giới” thì cũng không tệ lắm. Nhưng dạo này mình nghe podcast của The Finding Audio về mental heath và mình biết nếu có một nhân vật đấy xung quanh mình, dù có cổ vũ hay nói bất cứ điều gì thì nó vẫn là biểu hiện của một người có sức khỏe tâm thần không được tốt cho lắm. Anyway mình thích đọc Haruki nhưng vẫn yêu đời và mong mình mạnh khỏe.
Năm hai mươi mấy tuổi, mình đọc Haruki vẫn với cảm giác đó (dù bớt mơ hồ hơn hồi đọc “Rừng Na Uy” hay “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”), cảm giác bị cuốn đi, vừa dịu dàng vừa dữ dội, vẫn có cái gì đấy đấu tranh và tỉnh dậy trong mình theo dòng tâm lý của nhân vật. Và vẫn trong những ngày mưa mùa hè, chẳng hiểu sao cứ đến lúc mưa mùa hè mình lại đọc những thứ quá nhiều cảm xúc thế này.
Có một từ/cụm từ mình rất thích nhưng không chắc nó chính xác là gì: “nghiệm sinh”, nó không có trong từ điển, trên google cũng là “xét nghiệm sinh thiết”, nhưng mình nghĩ nó là chiêm nghiệm về những triết lý nhân sinh. Chưa bàn đến việc nê giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ hay nên dùng những từ đao to búa lớn để tỏ ra mình là người khó hiểu (vấn đề này khá sôi nổi trên group về content), mình chỉ thấy từ/cụm từ này hơi hay hay và tạo cảm giác nghệ thuật (dù mình không hiểu gì về nghệ thuật mấy).
Trích dẫn một đoạn mình thích nhất trong sách:
“Và khi cơn bão đã chấm dứt, mày sẽ không nhớ mình đã làm thế nào mà vượt qua được nó, làm thế nào mà mình đã sống sót. Thậm chí mày cũng sẽ không biết chắc là cơn bão đã thật sự chấm dứt hay chưa nữa. Nhưng điều này thì chắc chắn. Khi mày ra khỏi cơn bão, mày sẽ không còn là con người đã dấn bước vào nó. Ý nghĩa của cơn bão là như thế đó”.
Nghe hơi có mùi đế vương tài chính nhưng mà là thế đó, bạn không cần xỏ chân vào đôi giày của tôi nhưng chỉ cần đọc “Kafka bên bờ biển” thì sẽ hiểu ý nghĩa thật sự của đoạn trích dẫn này.