Trở về sau chuyến đi kéo dài gần 1 tháng, tôi chuyển mình từ cuộc sống tự do sang những tháng ngày như trước đó. Guồng quay công việc lại đổ dồn vào con bé vừa tròn 20 mới hôm trước thôi. Chỉ trong vòng 3 ngày ngắn ngủi, tôi nhận được tin nhắn từ nhiều người lạ, trang web này sinh ra xem như có chút ảnh hưởng, họ đọc blog rồi tìm tôi trên Facebook, họ gửi tin nhắn từ fanpage đến tài khoản cá nhân. Trong phút chốc, tôi cảm thấy bản thân thật có giá trị, nhưng giá trị đó nhiều khi cũng rẻ mạt đến chán chê. 

Thành thật, tôi chỉ nghỉ 3 tháng ở trường chứ không hẳn gap year. 3 tháng là quá ngắn ngủi cho một sự xoay mình, dù đã xoay nhưng tôi dám cá bản thân mới xoay được tầm 5 - 10 độ, chưa thấm đâu vào đâu. Các bạn đừng tưởng gap year nào cũng mang đến những biến chuyển tích cực, cũng cho bạn những trải nghiệm đủ để bản thân thay đổi sau khi trở về, hay chừng ấy thời gian có thể khiến một đứa hoàn toàn mù mờ về tương lai xua tan đi đám sương mù để tiến về đích trong sự rõ ràng. Không luôn như vậy các bạn ạ, tạm dừng học ở trường 3 tháng, bản thân nhận ra những triết lý mà người trẻ đã đánh quên...

Đất Việt Nam chưa chật nhưng nhiều người trẻ đã tất bật ra nước ngoài

Đến Đà Nẵng, Hội An, đi Quảng Nam du lịch, tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự hối hả của người ta trên đất mình như thế. Nhiều khi nghĩ mình có phải đi du lịch ở Việt Nam nữa đâu vì nhìn ngang nhìn dọc đều là người nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, các ông tây bà tây thì chả biết cụ thể nước nào nhưng người Trung, Hàn, Nhật chiếm chật một vùng. Càng đi càng thấy sao mình đi ít như vậy.

Những thứ đọc ở sách, những thứ tìm kiếm ở internet sẽ bổ trợ một phần cho tư duy nhưng khi đi rồi bạn sẽ thấy những kiến thức đó bạn cảm nhận được, bạn ngửi được, bạn ôm ấp, bạn nghe, bạn nói, bạn cười cùng được. Tất cả tắm mình trên cơ thể bạn, để bạn hòa vào sự trải nghiệm tuyệt diệu đó. 

Ở Quảng Nam, tôi bắt gặp hai cô bạn người Trung Quốc, tầm 23 - 24 tuổi, dành dụm tiền từ việc sản xuất gốm đi phượt ở Đông Nam Á trong vòng 1 năm. Đừng hỏi vì sao họ làm vậy mà hãy hỏi tại sao mình không thể đi giống như họ, can đảm giống như họ, dám khác biệt như họ? Họ nói tiếng Anh như gió, họ học tiếng Việt nhanh như đứa trẻ con sáng dạ tập tành những câu đầu tiên trong đời. Tôi gặp cô gái người Anh từng dạy học ở Thái Lan 3 năm, 6 tuần tình nguyện ở Hà Nội và nay đã có mặt ở Quảng Nam trong chuyến phượt Việt Nam bằng xe đạp. Mỗi ngày cô đi được 120 km, chiếc smartphone tuy cũ kỹ nhưng đủ dùng để cô kết nối internet cũng như dò đường. Tôi tự hỏi: "Tại sao họ làm được còn mình thì không?"

Tôi đề cập điều này không phải để cổ súy việc tất cả các

bạn trẻ dán mắt vào màn hình máy tính hãy xách ba lô lên và đi đi mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng nhiều người trẻ đã tất bật trong hành trình khám phá thế giới. Không đi nhiều được thì cố gắng đi mỗi năm mỗi ít. Sống an toàn trong vỏ ốc thì nay hãy bước ra ngoài.


Chán như một bệnh dịch sau kỳ gap year

Trở về sau chuyến đi, tôi cảm thấy chán và không hiểu vì sao mình chán. Khi hỏi bạn bè, tôi nhận ra họ cũng đang chán dù biết rằng nỗi chán của họ là  việc học lẫn cơm áo gạo tiền giữa đất thủ đô. Rồi chán nản như một bệnh dịch lan tràn, tôi bắt đầu đi tìm lý do vì sao mình chán.

Chúng ta chán khi so sánh bản thân với người khác. "Mình chả làm nên tích sự gì. Người ta 20 mà đã biết bao thành tích đáng nể." Sự so sánh đó chỉ khiến bạn úp mặt xuống gối và ngủ thiếp đi mặc kệ thế giới. Sự chán đó không khiến bạn khá lên mà khiến bạn tụt dốc trong cơn trầm cảm. Khi Huyền Chip về nước và phát hành cuốn "Giấc mơ Mỹ: đường đến Standford", tôi đã nhanh chóng sở hữu nó trong tay. Nhiều người kể về Huyền bằng những đánh giá cao trong nghi hoặc, họ không dám chắc cô ấy tài giỏi, không công nhận một người trẻ dám sống, dám khác biệt, cho tới khi chị trở thành sinh viên của Standford thì vẫn có nhiều những anti fan năm xưa lẫn năm nay không mở lòng trước sự trở lại xứng đáng được hoan nghênh ấy. Càng đọc, tôi cảm thấy bản thân thật nhỏ bé. Đấy, tôi đang so sánh mình với những kẻ bằng tuổi tôi nhưng họ đã có giải Nobel cách đó vài năm, từng chiến thắng một cuộc thi cấp thế giới ở lứa tuổi mà bên Việt Nam người ta quy vào trẻ vắt mũi chưa sạch. Những người sinh ra mặc định thành công như vậy mà tôi dám so sánh để mà chán nản cho sự kém cỏi bất hạnh của mình hay sao? Tôi chỉ nhìn lên mà học hỏi chứ nào đâu dám so sánh...

Chúng ta chán vì lặp đi lặp lại những thứ của ngày hôm qua. Chúng ta chán vì không được công nhận. Chúng ta chán mà không hiểu vì sao mình chán. Chúng ta chán vì vây xung quanh ta là những người than vãn chán như chúng ta. Vậy là cả thanh xuân chúng ta lạc trôi trong sự chán nản. Rồi chúng ta dừng lại, chúng ta hỏi 'Tại sao mình lại phải sống một cuộc đời như thế kia chứ?" Và thế, chẳng còn cách nào hơn ngoài việc bản thân chúng ta phải thay đổi...

Dù có gap year hay không thì vẫn phải "think out of the box"

Đối với tôi, quay lại trường học ngay lúc này là một điều gì đó tồi tệ. Khi có cảm giác sai sai, có cảm giác mọi mảnh ghép chưa được lắp đúng chỗ của nó, đó là lúc chúng ta phải suy nghĩ để thiết kế lại cuộc đời của mình.

Trường đời dạy cho tôi bài học về việc nếu bạn không think out of the box (nghĩ ngoài chiếc hộp) thì kiểu gì bạn cũng bị đào thải mà thôi. Giống như hồi xưa, giám đốc công ty đã bảo với tôi: "Em phải giỏi cái thứ em thích nhất. Em phải có thương hiệu của riêng mình. Nhiều người giỏi nhưng không có thương hiệu, nhưng em viết, em phải có." Chạy theo thương hiệu không có gì sai trái cả, mà ngược lại, nó cực kì nên được khuyến khích, đặc biệt trong thế giới công nghệ hiện nay. 

Tôi khuyên bạn đừng gap year nếu không có kế hoạch cụ thể cho mình. Đừng lãng phí 1 năm tuổi trẻ mà không có mục đích gì đó. Ngẫm lại, 3 tháng qua, tôi đã làm được kha khá thứ, cũng đi được kha khá nơi, cũng gặp và kết thân được nhiều người thú vị. Nhưng bù lại thì sao? Tôi không còn bạn (thân) ở trường Đại học, những chào hỏi, like, comment của hội bạn giờ mất hút chẳng còn một ai. Tất nhiên, điều đó là có qua có lại, vì tôi cũng không còn hỏi han gì đến chúng nữa. Rồi bạn biết, bạn sẽ chậm trễ hơn bạn mình, một lúc nào đó quay lại, bạn lủi thủi một mình đi đăng ký tín chỉ, bạn hỏi han đàn em phía sau rằng lớp thể dục bọn nó đang học là gì để đăng ký cùng. Bạn như con vịt lạc bầy đi tìm nơi nương tựa, cảm giác như cả thế giới ruồng rẫy bạn, bạn như đứa con hoang chờ người ta nhặt về. Đấy, cái cảm giác đó chỉ có những người gap year xong mới hiểu được thôi. Thế, bạn có can đảm để đối mặt với những mặt trái của nó hay không? Nếu không thì hãy học một mạch 4 năm ở trường rồi phi máy bay vào thế giới bên ngoài.

Thật sự, tuổi trẻ cũng nên có vài lần sống lỗi với bản thân để sửa sai. Bạn không thể đi qua thanh xuân mà không một lần nào phạm lỗi, mắc sai lầm. Sự hoàn hảo vốn dĩ không tồn tại trên thế giới này và người ta cũng không bao giờ có thể tìm ra cha mẹ, ông bà của nó. Vậy nên, cứ than vãn, cứ chán nản, cứ khóc lóc, cứ thở dài đi, nhưng hãy nhớ, đằng sau những cảm xúc tiêu cực ấy phải là bệ phóng vững chãi giúp bạn tung bay lên trời cao, ở đó bạn sẽ thấy thế giới rộng lớn bao la như thế nào, mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ nên cần cố gắng!

Nguồn: Blog Trang Ps

@TrangPs 1:06 AM 24/03/2017