Bàn tán chuyện thiên hạ hầu như luôn là sở thích mỗi ngày của nhiều người, đặc biệt là những câu chuyện thuộc hàng “thâm cung bí sử” lại càng được yêu thích. Bên dưới vẻ ngoài xinh đẹp, yêu kiều hay tài năng, xuất chúng của một anh chàng hay cô nàng nào đó lúc nào cũng ẩn chứa nhiều góc khuất mà ai cũng muốn đào xới lên cho biết thế nào. Bởi “chẳng ai hoàn hảo” cả nên chắc chắn người ta sẽ muốn biết khi “không hoàn hảo nhất” nó có thể tệ đến mức nào.

Đặc biệt là đối với những người nổi tiếng,  bởi họ có tầm ảnh hưởng nhất định đến công chúng nên hầu như mọi động thái của họ đều bị bàn tán và soi xét còn kĩ hơn cả soi vi khuẩn dưới kính hiển vi. Và dường như, bất cứ điều gì người nổi tiếng làm đều như đang “ẩn ý” một điều gì đó vậy. Người ta cứ tha hồ để trí tưởng tưởng bay cao bay xa với vô vàn suy luận mà không biết sao có thể suy nghĩ được đến thế. Nhờ những suy luận đó mà bắt đầu tiến đến giai đoan tiếp theo, mang tên “phán xét”. Dù chưa rõ thực hư, chưa được chứng thực và cũng không là một phần trong câu chuyện đó, người ta vẫn phán như thần, phán không trượt phát nào. Chỉ qua vài dòng “vô thưởng vô phạt” của một bài báo, đôi ba câu truyền miệng khiến câu chuyện bị “chỉnh sửa đến lần thứ n”, ta vẫn cứ tin sái cổ và phán xét như đúng rồi.

Điển hình như gần đây nhất là câu chuyện về cô nữ diễn viên xinh xắn của xứ sở Kim Chi, cô đã nhận được vô số lời an ủi, động viên sau khi phơi bày câu chuyện hôn nhân không đẹp như trên phim của mình ra trước dư luận. Người ta bênh vực cô bao nhiêu thì lại mạt sát tên chồng khốn nạn của cô bấy nhiêu. Mọi mũi dùi đều chĩa về hướng anh ta khiến sự nghiệp gần như sụp đổ hoàn toàn. Nhưng bất ngờ thay, ngay vào phút cuối, loạt tin nhắn giữa 2 vợ chồng được tiết lộ đã phần nào minh oan cho người chồng và khiến dư luận không khỏi sững sờ. Người người nhà nhà ai nấy đều hoang mang không rõ ai đúng ai sai, nên bênh vực kẻ nào và mạt sát kẻ nào đây?

Không phải nữ diễn viên kia và cũng không phải chồng cô ấy, mà là bản thân kẻ đã buông ra những lời thóa mạ đó.

Chỉ đơn giản là vài dòng chữ “cào phím” trên mạng xã hội của chính những kẻ đó đã trở thành thứ vũ khí kinh khủng để hủy diệt một con người. Mạng xã hội vừa tiện lợi nhưng lại độc hại khi giúp chúng ta che giấu quá hoàn hảo thân phận của mình. Chẳng ai biết bạn là ai cả và có cả trăm tài khoản như bạn đầy rẫy mạng xã hội nên cũng chẳng ai rỗi hơi mà truy lần ra bạn. Tất cả những gì họ có thể làm là chịu đựng những lời lẽ ác độc đó và phải chấp nhận lời xin lỗi xuề xòa nế lỡ bạn “mắng nhầm” đối tượng. Từ khi nào bạn có nhiều “quyền năng” đến thế? Đến mức có thể khiến người khác phải nhẫn nhịn thế này?
Hay nói đến câu chuyện về nữ cảnh sát gây náo loạn tại sân bay, sai rõ rành rành là do cách cư xử bồ bã, không đúng mực của cô ta. Thế nhưng, những lời mạt sát lại cứ nhằm vào vóc dáng và gương mặt của nữ cảnh sát này. Khó hiểu làm sao, bởi đây đích thị là một hành động “body shaming” trắng trợn mà vẫn được nhiều người nhiệt tình ủng hộ. Liệu phải chăng sinh ra với thân hình và gương mặt như thế lại là một điều đáng bị lên án đến thế hay sao? Bạn có thể chỉ trích thái độ và cách hành xử của nữ cảnh sát ấy, nhưng việc cô ấy trông như thế nào thì có gì liên quan?

Sức mạnh của mạng xã hội có thể tạo nên tiếng nói lớn giúp thay đổi nhiều vấn đề, nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi khiến chúng ta ngày càng hiểu sai về một người khác. Việc lắng nghe câu chuyện từ một phía chắc chắn chưa thể nói lên được điều gì. Kể cả khi cả hai phía cùng lên tiếng thì bạn cũng cần phải hiểu rằng họ là người nổi tiếng, lời nói có ảnh hưởng đến không chỉ bản thân họ mà còn là cả ê kíp phía sau. Vì thế, sự thận trọng và được tính toán trước là có nên việc cần làm chỉ nên là lắng nghe. Phán xét hay chỉ trích chỉ càng đẩy họ vào con đường cùng mà thôi. Đừng đợi đến khi gió đổi chiều mới nhận ra mọi việc, hãy bình tĩnh và tỉnh táo trước khi đưa ra bất cứ phát ngôn nào vì biết đâu, chính phát ngôn đó của bạn lại dẫn người khác đến một quyết định “nguy hiểm” hơn về sau.