Ý tưởng để viết bài viết này được thắp sáng bởi một status trên Facebook nói rằng : “Nếu không làm giáo dục thì đừng phát biểu về giáo dục.” Nhưng ai ai cũng là những người hưởng giáo dục (nếu không phải là học sinh thì sẽ là phụ huynh/gia đình), vậy thì tại sao không được phát biểu đây? 
Trong cuốn “Sư phạm cho những người bị áp chế” (Pedagogy of the Oppressed), Paulo Freire – một nhà triết học giáo dục người Brazil đã mô tả hệ thống giáo dục theo kiểu “ngân hàng” (banking education) nhìn thực tại một cách đóng đinh, tĩnh tại. Lúc đó tri thức chỉ giống như tiền, được chia thành đơn vị và chuyển từ nhà băng này sang nhà băng khác. Và như vậy cách nhìn về học sinh – giáo viên cũng vô cùng đơn giản: đầu họ giống như một cái thùng chỉ để chuyển “tri thức” từ bên này sang bên kia. Freire viết: “Tri thức chỉ được gợi mở thông qua sự sáng tạo và tái sáng tạo, thông qua những người (không ngừng nghỉ, thiếu kiên nhẫn) hi vọng theo đuổi thế giới, với thế giới và với nhau.” 
Hiện sách này mình chưa thấy xuất bản ở Việt Nam nên well, mình đọc PDF =))) (không recommend lắm vì nó là sách lậu)
Hiện sách này mình chưa thấy xuất bản ở Việt Nam nên well, mình đọc PDF =))) (không recommend lắm vì nó là sách lậu)
Tại nền giáo dục hiện đại, chúng ta được dạy cách “tư duy phản biện”, nghĩa là được dạy rằng mình có thể phê phán tri thức, nhưng thực chất, học sinh vẫn đang nhận nền giáo dục theo kiểu “ngân hàng”. Nghĩa là, ta có quyền đồng ý hoặc không với ý kiến “Tết là thời gian đoàn viên” hay “Con gái phải lấy chồng sinh con” nhưng ta không được đào sâu vào diễn ngôn về “Tết”, hay không được học cách đặt câu hỏi với quá trình mà “con gái” trở nên có nghĩa. 
Lên đến năm 12 tôi mới nhận thức được điều này. Khi tôi là người (gần như là) duy nhất trong cái thời điểm ấy đặt ra câu hỏi rằng từ đâu mà cô giáo lại luôn luôn đúng. Hay từ đâu mà “người lớn” thì luôn luôn “lớn” hơn về suy nghĩ (nghĩa là “trẻ con” thì luôn “sai” nếu cãi lại). Hoặc tại sao việc đặt câu hỏi ở môi trường giáo dục lại là điều cấm kị và sẽ mang đến nhiều những rắc rối về sau (nhất là khi bạn là học sinh đặt ra những câu hỏi về chính nền giáo dục bạn đang hưởng). 
Những tri thức ta được dạy ở trường, những suy nghĩ và quan niệm ta được đóng đinh vào đầu từ bé gần như hiếm khi cho ta cơ hội đặt câu hỏi rằng tại sao nó lại thế, từ khi nào mà nó được định nghĩa như thế.  Đa số những người trong thế hệ đi trước, và cả những bạn trẻ ngày nay, đã tự mang trong đầu những khái niệm cố hữu về thực tại, và đó cũng chính là cái nôi của định kiến. 
Và trên thực tế, cách giáo dục mà Friere đưa ra không cổ xuý việc cãi nhau để đi đến câu trả lời đúng/sai (điều này ngược lại hoàn toàn với phương pháp giáo dục phản biện mà bạn có thể nhìn thấy trong Trường Teen trên VTV7) mà nó yêu cầu ta phải truy nguyên về hoàn cảnh lịch sử – văn hoá – xã hội của vấn đề ấy. Ông đề xuất một nội hàm khác của tri thức trong trường học. Thay vì được coi như “sự thật” khách quan tuyệt đối, tri thức cần phải được truyền đạt tới học sinh như những vấn đề mà người học và người dạy phải liên tục đối thoại với nhau để đi đến cái đúng. Freire gọi phương pháp này là “giáo dục nêu vấn đề (problem-posing education)”. 
Ông yêu cầu người học phải đặt mình vào trong một dòng chảy lớn hơn là dòng chảy thời đại và thế giới. Nghĩa là, những tri thức đưa ra sẽ không chỉ là những “common sense” – những lý giải một cách thuần tuý, mà người tiếp nhận và cả người truyền tải đều phải là những người đặt câu hỏi về chúng trong những phạm vi rộng lớn hơn của thế giới. 
Qua những trải nghiệm (cả tốt cả xấu) với giáo dục tại Việt Nam, tôi nhận thấy mình không những quá yếu kém trong việc đặt câu hỏi, mà còn nhận ra rằng mình được dạy để im mồm và chấp nhận bất công từ những ngày bé nhất đến trường – vì nó là “một lẽ thường” trong xã hội, ở đâu cũng thế và người ta gặp quá nhiều để đặt ra câu hỏi.
Trong khi ra khỏi trường học và đến một thế giới rộng lớn hơn thì ta lại được yêu cầu là người đặc biệt nhất trong những người đặc biệt để có thể đạt đến một mức độ “thành công” nào đó, trường học lại xoá sạch sự tò mò và vẫn đang tiếp tục làm thế. Vì chúng ta hài lòng với mọi đáp án chúng ta được cung cấp cho, chúng ta được xếp hạng bởi những bài kiểm tra như nhau mà có thể sau khi ra khỏi trường học chúng ta sẽ chẳng nhớ gì.
--------------------------------
Bài viết của mình trên Facebook tại :