Mình đã nghe danh của The Subtle Art Of Not Giving A F*ck từ khoảng năm 2019, khi bản gốc tiếng Anh làm mưa làm gió trên thị trường sách ngoại văn và bán được hơn 8 triệu bản trên thế giới. Có 2 điều làm mình bất ngờ về cuốn sách này ở thời điểm đó: 1- Thực sự là họ cho phép từ F*ck xuất hiện trên bìa một cuốn sách giấy được sao? (Thú vị thật), và 2- Hóa ra người ta để tâm đến nhiều thứ đến thế. (Bằng không thì một cuốn sách dạy cách để bớt bận tâm đã chẳng nhận được.. nhiều sự quan tâm đến vậy).
Hóa ra người ta để tâm đến nhiều thứ đến thế. (Nguồn ảnh: Mark Manson)
Hóa ra người ta để tâm đến nhiều thứ đến thế. (Nguồn ảnh: Mark Manson)
Bất kỳ ai đọc cái tựa đề này cũng sẽ có một hình dung nhất định về nội dung của nó. Khi đó, hình dung của mình là mình không cần đọc cuốn sách này. Với mình, việc bỏ ngoài tai ý kiến của người khác và học cách nói không là một trong những phương pháp cơ bản nhất để chăm sóc sức khỏe tinh thần mà mình vốn đã nằm lòng từ rất lâu rồi. Nhưng (thật may là) con người là một sinh vật không hề kiên định và đầy bất an. Khi lớn hơn và phải đối mặt với nhiều quyết định khó khăn trong cuộc sống, mình quyết định là mình phải học (lại) nghệ thuật của việc “đếch” quan tâm. 
Spoil warning: Sau khi đọc xong bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này, mình phải thú thực là cuốn sách không thực sự nói điều gì mình chưa biết về việc “đếch” quan tâm và tập trung vào chính mình, vào những giá trị tích cực mình cho là quan trọng.
Nhưng plot twist là, hóa ra Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm mà Mark Manson nói đến không chỉ dừng lại ở khía cạnh thay đổi tư duy, phát triển bản thân như một cuốn sách self-help thông thường. Hóa ra ẩn sau suy nghĩ đơn giản của suy nghĩ: “Hãy ít bận tâm lại đi.” là những bài học liên quan tới những giá trị tinh thần lớn lao của đời sống tinh thần con người, những điều có thể cho bạn một góc nhìn mới về giá trị quan, nhân sinh quan mà bạn vốn luôn chắc chắn.
Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ cùng bạn 3 điều thú vị nhất mà mình rút ra được sau khi đọc Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm. Những bài học này sẽ liên quan nhiều đến khía cạnh cảm xúc làm nền tảng cho các luận điểm của cuốn sách và ít đề cập đến các bước hướng dẫn How-to giúp thay đổi tư duy (Vì như đã đề cập ở trên, những điều này không mang lại nhiều góc nhìn mới cho cá nhân mình trong quá trình đọc sách). Nếu như bạn đang mong chờ một bản tóm tắt hay review sát sườn cuốn sách thì mình phải nói trước là mình sẽ không cung cấp cho bạn điều đó.
Nhưng thôi kệ vậy nếu như bài viết này không được như kỳ vọng của bạn. Vì bạn biết đó, trọng điểm của toàn bộ cuốn sách là: Mình không quan tâm mà.

BÀI HỌC SỐ 1: HẠNH PHÚC TỪ NỖI ĐAU

Hãy cùng bóc tách từng khái niệm của câu nói này nhé. Đầu tiên, bạn sẽ nói gì khi ta nói về nỗi đau (bất kể thể xác hay tinh thần)?
Bất kỳ từ nào đang xuất hiện trong tâm trí bạn, chắc hẳn chúng đều không phải những từ mà Mark Manson chọn: Đó là “bảo vệ” và “cần thiết”.
Tác giả lý giải: Nỗi đau, dù ở bất kỳ hình thức nào, đều là một phương tiện thúc đẩy hành động hiệu quả nhất cho cơ thể chúng ta. Cứ lấy ví dụ cực kỳ đơn giản như việc bạn bị vấp vậy. Cơn đau nơi ngón chân đáng thương bị vấp kia dù gây ra một cảm giác kinh khủng, nhưng nó sẽ tạo ra một cơ chế phản hồi đến não bộ để bạn buộc phải ghi nhớ và thiết lập một cơ chế tự vệ: Đi đứng phải nhìn trước nhìn sau, phải tránh bất cứ nơi nào có thể khiến bạn bị vấp để không bị đau lần nữa. Tương tự, nỗi đau tinh thần cũng là một lời cảnh báo về điều gì đó đang mất cân bằng, một giới hạn nào đó bạn cần phải vượt qua. Ví dụ như nỗi đau khi bị từ chối hay thất bại sẽ dạy cho chúng ta biết cách để tránh mắc phải những sai lầm tương tự trong tương lai.
<i>Bức tranh minh họa cho bài viết </i><a href="https://www.newyorker.com/science/maria-konnikova/pain-really-make-us-gain">Pain really does make us gain</a> <i>trên The New Yorker  (Tranh của Rebekka Dunlap)</i>
Bức tranh minh họa cho bài viết Pain really does make us gain trên The New Yorker (Tranh của Rebekka Dunlap)
Đây là “một cơ chế phản hồi giúp ta cảm nhận được sự cân bằng của cơ thể - nơi nào ta có thể hay không nên đi tới và cái gì ta có thể hoặc không thể chạm vào. Khi vượt quá giới hạn này, hệ thần kinh của ta sẽ trừng phạt chúng ta một cách thích đáng, nhằm đảm bảo rằng ta chú ý và không bao giờ phạm phải sai lầm đó nữa.”
Do đó, tránh xa nỗi đau không phải bao giờ cũng đúng đắn, bởi vì nỗi đau nhiều khi chính là yếu tố sống còn đối với sự tồn tại của chúng ta.”
Từ đây, hãy cùng đi đến câu hỏi tiếp theo: Bạn nghĩ như thế nào là hạnh phúc?
Từ nhận định về việc nỗi đau là không thể tránh khỏi và sẽ thật vô ích, thậm chí là thiệt thòi cho con người, nếu ta cứ liên tục chạy trốn khỏi những khó khăn trong cuộc sống, Mark Manson cho rằng: Hạnh phúc không đồng nghĩa với giàu có, thành công, hay đặc biệt là cảm giác yên bình, vô tư vô lo. Định nghĩa của Mark Manson về hạnh phúc trong cuốn sách này là: Nó không phải là một trạng thái cảm xúc. Vì tương tự như nỗi đau, hạnh phúc hay các cảm xúc khác chỉ đơn giản là những dấu hiệu sinh học được thiết lập để thúc bạn theo hướng thay đổi có lợi mà thôi. 
Hạnh phúc thực chất tồn tại dưới dạng thức của hành động, cụ thể hơn là hành động giải quyết những vấn đề trong cuộc sống: Ăn một món ăn ngon khi bạn đói, khám phá một vùng đất mới để mở mang đầu óc, thắng trò chơi điện tử bạn từng không thể vượt qua, cải thiện mối quan hệ với người bạn từng cãi vã, tìm được một công việc phù hợp sau một thời gian dài thất nghiệp… Nó là một quá trình diễn ra liên tục, bởi vì giải quyết rắc rối là quá trình liên tục - giải pháp cho rắc rối của ngày hôm nay rất có thể sẽ là nguồn cơn của những rắc rối kế tiếp vào ngày mai, và cứ tiếp tục như thế.
"Người kết hôn với bạn là người luôn cãi vã với bạn. Ngôi nhà bạn mua là ngôi nhà bạn cần sửa chữa. Công việc trong mơ là công việc mà bạn sẽ đổ mồ hôi nước mắt vì nó. Mọi thứ đều đi kèm với sự hy sinh tương xứng - bất kỳ thứ gì khiến ta cảm thấy tốt đẹp cũng sẽ khiến ta cảm thấy tồi tệ. Những gì ta đạt được cũng đồng hành với thứ ta mất đi. Những gì mang tới trải nghiệm tích cực cho ta cũng đồng thời tạo ra những trải nghiệm tiêu cực. Chúng ta yêu thích ý tưởng rằng có thể đạt được đến một dạng thức hạnh phúc tột bậc nào đó! Chúng ta hào hứng với ý tưởng rằng ta có thể giảm thiểu tất thảy những đau khổ của ta mãi mãi.  Nhưng mà, chúng ta không thể!"
Hạnh phúc chỉ thực sự diễn ra khi bạn tìm thấy những vấn đề mình thích và vui vẻ giải quyết chúng.
Ai cũng thích những điều tốt đẹp. Ai cũng muốn được sống một cuộc đời vô tư lự, hạnh phúc bình yên, được yêu và thỏa mãn trong chuyện ấy cùng các mối quan hệ, có diện mạo hoàn hảo, kiếm được nhiều tiền, được yêu quý và trọng vọng… Ai cũng muốn được như thế cả! Câu hỏi “Bạn mong muốn đạt được điều gì trong cuộc đời này?” thường sẽ là vô ích, vì có lẽ mọi người đều sẽ chọn những điều dễ đoán tương tự như nhau.
Một câu hỏi đúng ở đây, phải là:
Bạn muốn có nỗi đau nào trong cuộc đời mình? Bạn sẵn sàng đấu tranh vì điều gì để đạt được thứ bạn muốn?”
Bạn không thể đoán được người đối diện sẽ đưa ra câu trả lời như thế nào cho câu hỏi này. Nó sẽ hoàn toàn quyết định hướng đi của cuộc đời bạn, bởi vì hạnh phúc đòi hỏi sự đấu tranh. Nó phát triển từ những rắc rối. Ta chỉ tìm thấy cảm giác thỏa mãn và ý nghĩa cuộc sống khi ta lựa chọn một niềm đau và nỗ lực để đấu tranh để đạt được những gì bạn muốn. Bạn không thể giành chiến thắng nếu chẳng chịu chơi. Nỗi đau của bạn sẽ quyết định thành công của bạn. 
Nỗi đau của bạn sẽ quyết định thành công của bạn. (Tranh của <a href="https://www.instagram.com/foya_illustrations/">Masha Foya</a>)
Nỗi đau của bạn sẽ quyết định thành công của bạn. (Tranh của Masha Foya)
Công việc hiện tại của mình có mức lương trung bình thấp hơn công việc trước đó mình làm. Môi trường làm việc cũng không sáng tạo và năng động bằng. Khi thấy mình đồng ý bắt đầu công việc với mức lương thấp hơn so với mức mà mình kỳ vọng ban đầu, người phỏng vấn mình ở thời điểm đó đã hỏi mình với thái độ ngờ vực: “Tại sao em lại chọn công việc này vậy?”
Đại ý câu trả lời của mình là: “Em đã từng thử làm việc ở nhiều môi trường và với nhiều ngành hàng khác nhau, bao gồm cả vị trí tương tự như công việc này. Em nhận ra là không ở nơi nào em thấy thoải mái và phát huy tốt nhất khi em làm trong ngành này. Sau khi trao đổi với chị, em hiểu hết những điểm trừ và mặt trái của ngành, nhưng em nghĩ là em thích nó đủ để chịu được những nỗi khổ của nó.
Mình được nhận. Mình qua quá trình thử việc. Mình được thăng chức. Và rồi mình được tăng lương. Hiện tại mình đã có số tiền lương bằng với con số mình kỳ vọng ban đầu khi phỏng vấn.
Thực sự là mình chẳng nghĩ gì nhiều khi trả lời như vậy ở buổi phỏng vấn ngày hôm đó. Lúc đó mình chỉ có một suy nghĩ rất giản đơn là phải thuyết phục cho người phỏng vấn thấy là mình phù hợp và mình sẵn sàng cống hiến cho công việc này. Chỉ đến thời điểm hiện tại, khi đọc những dòng này trong Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm, mình mới phần nào lý giải được những điều kỳ diệu thực tế đã xảy ra trong cuộc sống của mình, từ khi mình dám chấp nhận những nỗi đau kèm hạnh phúc được làm công việc mình thích đó.

BÀI HỌC SỐ 2: “ĐẾCH” QUAN TÂM TỚI HỌ, NHƯNG ĐỪNG TRÁCH HỌ

Trong cuốn sách, tác giả cũng đã tự liệt kê một số điểm tinh tế của nghệ thuật đếch quan tâm. Điều mình thấy thú vị nhất ở đây là trái ngược với ấn tượng về cụm từ “không quan tâm”, những luận điểm Mark Manson đưa ra lại nhấn mạnh về giá trị của lòng bao dung, thấu cảm và thực sự quan tâm tới bản thân và những người xung quanh họ. (Mình đã thay đổi thứ tự các điểm để phù hợp hơn với bài viết này).

Điểm tinh tế #1: Để đếch quan tâm tới nghịch cảnh, trước tiên bạn cần phải quan tâm đến thứ còn quan trọng hơn cả nghịch cảnh. (Cách để bạn bao dung cho người khác)

Tác giả lấy ví dụ về một bà cụ đang mắng té tát cậu nhân viên thu ngân ở siêu thị vì cậu ta không chịu chấp nhận phiếu giảm giá 30 xu của bà. Mark Manson đưa ra một dự đoán về lý do tại sao bà lại cố chấp và làm lớn chuyện đến vậy chỉ vì 30 xu lẻ: Có thể suốt cả ngày bà cụ ấy chẳng có việc gì hay hơn để làm ngoài ngồi nhà và cắt các phiếu giảm giá. Bà già cả và cô đơn. Con cái bà toàn là lũ bất hiếu và chẳng bao giờ tới thăm bà. Bà không làm chuyện ấy suốt ba mươi năm rồi. Bà không thể xì hơi mà không bị đau lưng đến mấy ngày. Mấy đồng lương hưu còm cõi, và rất có thể bà sẽ chết trong tình trạng đóng bỉm… Vì thế bà mới cắt mấy cái phiếu giảm giá ấy! Đó là tất cả những gì bà có. Đó là tất cả những gì bà có thể bận tâm vì chẳng còn gì khác để bận tâm nữa.
Câu chuyện này tương tự với những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội. Mình từng thấy nhiều bình luận chê bai, mỉa mai, thậm chí cãi nhau ỏm tỏi trên mạng và không hiểu họ nghĩ gì khi để lại những lời nói như vậy ở những nền tảng công khai như Facebook, Instagram. Sau này, khi tiếp xúc trực tiếp với một người hay than thở và chê bai người khác trên mạng, mình mới có cơ hội xác nhận những điều Mark nói. Họ đúng thực là những người lạc lõng và không biết làm gì với cuộc đời mình. Công việc, các mối quan hệ xã hội, tình yêu… của họ đều không có gì nổi trội. Mình nghe câu chuyện họ kể và nhận thấy họ thấy cô đơn trong chính những mối quan hệ họ có. Thế nên họ chăm chỉ đăng tải mọi thứ lên mạng xã hội, để tìm kiếm sự đồng cảm. Những người hay cãi tay đôi trên mạng có lẽ cũng như thế. Những lần tranh cãi đó là những lần duy nhất mà họ cảm thấy là ý kiến của mình được lắng nghe, bất chấp việc chủ đề đó có vô bổ và hoàn toàn chẳng liên quan đến cuộc đời họ đến nhường nào.
Vấn đề của những người ban phát mối bận tâm của họ như món kem miễn phí ở một trại hè thần thánh nằm ở chỗ, họ không có những điều xứng đáng hơn để mà bận tâm tới.”
Một góc nhìn hoàn toàn mới và mang tính thức tỉnh với mình. Từ việc khó chịu, mình thấy… thương hại họ - những bình luận tiêu cực, những đánh giá phiến diện, những story nói xấu mà mình thấy mỗi ngày.
Vấn đề của những người ban phát mối bận tâm của họ như món kem miễn phí ở một trại hè thần thánh nằm ở chỗ, họ không có những điều xứng đáng hơn để mà bận tâm tới. (Tranh của <a href="https://www.instagram.com/karllikesotto/">Karlotta Freier</a>)
Vấn đề của những người ban phát mối bận tâm của họ như món kem miễn phí ở một trại hè thần thánh nằm ở chỗ, họ không có những điều xứng đáng hơn để mà bận tâm tới. (Tranh của Karlotta Freier)

Điểm tinh tế #2: “Đếch” quan tâm không có nghĩa là thờ ơ, mà có nghĩa là thoải mái với việc thờ ơ.  (Cách để bạn bao dung cho chính mình)

Trong cuốn sách, tác giả có đề cập đến khái niệm Vòng lặp địa ngục: Bạn thấy lo lắng khi phải đối mặt với một ai đó, bạn bị cảm giác lo âu hành hạ và bạn bắt đầu tự hỏi, “Tại sao mình lại lo như thế?” Và giờ thì bạn trở nên lo lắng vì bạn đang lo lắng. Tương tự, bạn vô cớ bực mình với những sự việc rất ngớ ngẩn và ngu ngốc. Việc dễ dàng nổi nóng càng khiến bạn trở nên khó chịu hơn. Những cảm xúc tiêu cực nhân đôi này tạo nên vòng lặp địa ngục, nhốt bạn trong những suy nghĩ tự trách bản thân không hồi kết. 
“Hãy bình tĩnh nào, bạn thân mến!”, Mark Manson mau chóng trấn an, “Dù bạn có tin hay không, thì đây chính là phần tốt đẹp của con người. Có rất ít loài vật trên thế gian này có khả năng suy nghĩ, nhưng chỉ loài người chúng ta mới có thể suy nghĩ về những suy nghĩ. Ôi, đó chính là sự diệu kỳ của ý thức!” Nhận thức điều này, bạn sẽ bước đầu học được cách “đếch” quan tâm đến việc mình đang cảm thấy tồi tệ như thế nào, vì những cảm xúc đó hoàn toàn là bình thường và dễ hiểu. Vòng lặp địa ngục này sẽ kết thúc từ khoảnh khắc bạn chấp nhận những cảm xúc tiêu cực và để cho bản thân mình thoải mái cảm nhận những điều mà con người nào cũng sẽ dễ dàng cảm nhận.
Vì sau cùng, chẳng có thứ gì gọi là “đếch” quan tâm trên cõi đời này. Bạn bắt buộc phải quan tâm tới một điều gì đó. Luôn quan tâm tới thứ gì đó là một phần của cơ chế sinh học, do đó mà ta lo lắng, bất an, tức giận, tự ti… khi nghĩ tới việc này hay việc khác. Câu hỏi đúng ở đây là: Chúng ta sẽ bận tâm tới cái gì? Chúng ta lựa chọn bận tâm tới điều gì? Và làm thế nào để ta có thể “đếch” quan tâm tới những thứ không có ý nghĩa khác? 
Chúng ta lựa chọn bận tâm tới điều gì? Và làm thế nào để ta có thể “đếch” quan tâm tới những thứ không có ý nghĩa khác?&nbsp;(Tranh của <a href="https://www.instagram.com/jingzhiyong/">Zhiyong Jing</a>)
Chúng ta lựa chọn bận tâm tới điều gì? Và làm thế nào để ta có thể “đếch” quan tâm tới những thứ không có ý nghĩa khác? (Tranh của Zhiyong Jing)
Những người đã làm chủ nghệ thuật của việc “đếch” quan tâm là những người không bị mắc kẹt tới những khó khăn hay thất bại hay tự khiến mình xấu hổ hoặc sống dở chết dở đôi lần; họ là những người dù sao đi nữa vẫn cười và tiếp tục làm những điều họ tin tưởng, bởi họ biết điều đó là điều đúng đắn. Họ vẫn sẽ tức giận, tự ti, suy sụp, đổ vỡ, nhưng họ sẽ chọn trải qua những cảm xúc này với bạn bè, gia đình, ước mơ, tư duy sáng tạo hay hành trình phát triển bản thân mình - những điều có ý nghĩa lớn lao, những người thực sự quan trọng với họ.
Nói một khác, nghệ thuật của việc “đếch” quan tâm có thể là nghệ thuật của việc sống sao cho ý nghĩa.

BÀI HỌC SỐ 3: VÌ RỒI CHÚNG TA ĐỀU SẼ CHẾT CẢ.

Trong cuốn sách The Denial of Death mà Mark Manson đề cập trong Nghệ thuật của việc ‘đếch’ quan tâm này, nhà tâm lý học Becker lý giải rằng con người chúng ta có hai cái “tôi”: Cái tôi thể xác và cái tôi ý thức.
“Tất cả chúng ta đều nhận thức được ở một mức độ nào đó rằng cái tôi thể xác cuối cùng rồi sẽ chết, rằng cái chết là đều không thể tránh khỏi và tính chất không thể tránh khỏi của nó - ở mức độ tiềm thức - khiến chúng ta sợ hãi. Do đó, nhằm đền bù cho một nỗi sợ trước mất mát không thể tránh được này của cái tôi thể xác, ta cố gắng xây dựng một cái tôi ý thức sẽ sống mãi. Đó là lý do tại sao con người ta miệt mài cố gắng để tên mình được xuất hiện trên các tòa nhà, các bức tượng hay gáy sách. Đó là vì sao ta buộc mình phải dành nhiều thời gian ở bên những người khác, đặc biệt là lũ trẻ, với hi vọng sự ảnh hưởng của ta - cái tôi ý thức của ta - sẽ còn trường tồn lâu hơn cái tôi thể xác. Rằng chúng ta sẽ được nhớ tới, được tôn kính và được ngưỡng mộ rất lâu sau khi cái tôi thân xác không còn tồn tại nữa.”
Nói tóm lại, cuộc đời của một người đôi khi sẽ là hành trình nỗ lực tạo nên những giá trị tinh thần lưu danh ngàn đời nhờ vào cái tôi ý thức, vì con người biết rằng cái tôi thể xác thường sớm muộn gì cũng sẽ mất đi.
Becker sau đó đã đưa ra một kết luận gây sửng sốt khi ông sắp gần đất xa trời rằng: Suy nghĩ này thực chất là vấn đề, chứ không phải giải pháp. Việc cố gắng duy trì cái tôi ý thức là động lực để tạo ra tôn giáo, chính trị, thể thao và đặc biệt là nghệ thuật, nhưng đồng thời nó cũng gây ra chiến tranh, cách mạng và nạn diệt chủng. Cái tôi ý thức của nhiều người nhiều khi mâu thuẫn với khát vọng về cái tôi ý thức của nhiều người khác, hay nhiều nền văn hóa khác. Nghệ thuật của việc “đếch” quan tâm tới bất cứ thứ gì lúc này sẽ được áp dụng theo khía cạnh mới, gần như mang tính tâm linh: Chấp nhận sự hữu hạn của mỗi con người chúng ta.
Đọc đến đây, mình nhớ về một video phỏng vấn của Billie Eilish mà mình ấn tượng mãi, khi đó Billie mới 16 tuổi: “Sự thật rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết, những người xung quanh tôi cũng chết, rồi sau đó sẽ đến một thời điểm không còn một ai nhớ đến tôi - khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tưởng tượng tôi đã có thể làm được những điều tuyệt nhất trên đời nhưng rồi sẽ chẳng có ai nhớ về nó, rồi tôi sẽ chết và tất cả sẽ chẳng có nghĩa lý gì, rồi tất cả những người biết tôi sẽ chết và chẳng còn điều gì cần phải bận tâm. Hoặc tôi có thể làm một điều tồi tệ nhất nhưng rồi sẽ đến một thời điểm chẳng ai bận tâm đến nó nữa.”
<i>"Sự thật rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết, những người xung quanh tôi cũng chết, rồi sau đó sẽ đến một thời điểm không còn một ai nhớ đến tôi - khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc." - Billie Eilish</i>
"Sự thật rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết, những người xung quanh tôi cũng chết, rồi sau đó sẽ đến một thời điểm không còn một ai nhớ đến tôi - khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc." - Billie Eilish
Nhưng điều khiến đoạn phỏng vấn đó trở nên đặc biệt hơn nữa với mình, là khi người phỏng vấn - một người đàn ông lịch thiệp và có nhiều trải nghiệm hơn - đã nhẹ nhàng trấn an Billie như thế này: “Có những điều vẫn có ý nghĩa mà. Tình yêu luôn có ý nghĩa. Tất cả những gì chúng ta đang cố gắng làm là tìm thấy ý nghĩa trong những điều đang hiện diện ngay trước mắt ta.”
Họ đều đồng ý rằng ý kiến của người còn lại có điểm hợp lý. Đây không phải là một cuộc tranh biện về nhân sinh hay triết học. Họ chỉ đang bàn luận về cuộc đời - cái cuộc đời hữu hạn chỉ có mấy chục năm còm cõi của con người, dù ngắn ngủi, nhưng vẫn đủ để ta tìm thấy những điều lớn lao, để ta dành thời gian trân trọng những điều thực sự có ý nghĩa.
Nói về cái chết trong chương cuối cùng, theo mình là một cách tuyệt vời để khép lại một cuốn sách nói về việc làm thế nào để sống tốt hơn.
Cảm thấy bình thản trước cái chết - nỗi khiếp sợ sâu xa, lo lắng thúc đẩy mọi tham vọng phù phiếm trong cuộc đời - ta có thể lựa chọn các giá trị của mình một cách tự do hơn, không bị cuộc truy tìm bất tử đầy phi lý cản trở và giải thoát ta khỏi những quan điểm võ đoán đầy nguy hiểm.”
Mark Manson đã khéo léo gợi nhắc lại mọi luận điểm quan trọng trong chương này: Cuộc đời là một chuỗi những khó khăn và nỗi đau bạn không thể tránh khỏi (ý nói về cái chết), thay vì ép mình phải vượt qua chúng một cách dễ dàng, hãy cứ đơn thuần chấp nhận chúng và tận hưởng những niềm vui bạn có trong khoảng thời gian hữu hạn ta có trong đời (ý nói về việc ta có thể lựa chọn các giá trị mà mình trân trọng một cách tự do - bạn được chọn nỗi đau mà bạn sẵn sàng chịu đựng).

Lời kết

Trong video “Why self-help books are overrated?”, chính tác giả Mark Manson đã nói rằng: Chẳng có điều gì mới lạ ở những cuốn sách này cả. Những lời khuyên hay những luận điểm bạn đọc được ở những cuốn sách self-help, bao gồm cả Nghệ thuật của việc “đếch” quan tâm, đều là những thứ đã được khám phá và chia sẻ từ ngàn đời trước rồi.  Điều khác biệt khiến nó thu hút phần lớn người đọc chỉ nằm ở cách nó truyền tải những kiến thức đó. Các tác giả sách self-help thời kỳ hiện đại như Mark biết cách gói ghém chúng trong một cái bìa hút mắt, một cái tít thật giật gân, một nội dung cô đọng và giọng văn thật hùng hồn để thu hút những người đọc đang gặp những khó khăn về mặt cảm xúc cảm thấy thức tỉnh và truyền động lực trong chốc lát. Đó là lý do tại sao không kìm được bản thân mà cứ mua, mua và tin, rồi cố tin vào chúng.
Mark chỉ ra rằng rồi những điều hiện tại mình hay bạn cảm nhận và thấy tâm đắc về cuốn sách này rồi sẽ hết tác dụng, vì bản chất cuộc đời ta chỉ thực sự thay đổi khi ta bắt đầu làm một điều gì đó, chứ không phải ngồi im và nghĩ về nó. Quả thực là sau khi Nghệ thuật của việc “đếch” quan tâm, mình gần như chẳng có sự thay đổi đáng kể nào trong hành động. Trong video trên, Mark đề xuất một cách khá tối ưu để bắt đầu hành động để thay đổi là tham gia khóa học của anh chàng. Haha smooth move, but no thanks. Có lẽ ở thời điểm này, thay đổi về mặt nhận thức và cảm xúc đã là đủ với mình. Mình đã tìm được câu trả lời và sự trấn an mình cần để xua tan sự bất an, thiếu kiên định khi bắt đầu cuốn sách. 
Có lẽ ở thời điểm khác, mình sẽ lại cần đọc lại cuốn sách này để tìm kiếm sự khẳng định cho một nỗi bất an khác, cần được học về những bài học khác mà mình còn chẳng hề nhận ra ở lần đọc đầu tiên này. Thời điểm đó có thể là ngày mai, có thể là năm sau, có thể là nhiều năm nữa. Nhưng nói chung đều sẽ là câu chuyện của sau này - điều mà mình ở hiện tại, sẽ chẳng quan tâm đến.
Quỳnh