Ai đã giết những giấc mơ, hay, không ai cả.
Ảnh của NASA. Làm sao mà không thích thiên văn cho được. Rất nhiều năm về trước, mình len lén ôm quyển truyện cổ Grimm của ông bà...
Rất nhiều năm về trước, mình len lén ôm quyển truyện cổ Grimm của ông bà lên tầng đọc. Tầng bốn không có ai. Chỉ có tiếng ve kêu bợt bạt, tiếng lật sách. Anh em nhà Grimm có nhiều chuyện lạ: chuyện bà chúa tuyết, chuyện bác nông dân, chuyện con ngỗng quay béo tợn đi ngoài đường cái. Chuyện hay nhất về một nàng công chúa có bộ xiêm y kết từ vô vàn vì tinh tú. Đêm ấy mình hứng chí đến độ trèo lên sân thượng tìm sao Bắc Đẩu. Nhưng chẳng có sao Bắc Đẩu, chỉ có ánh đèn xanh đỏ neon. Cổ tích nói dối. Nghĩ lại, nếu nói thật đã không là cổ tích.
Giấc mơ làm một nhà vật lý thiên văn thế là chấm dứt tại đấy. Mình chuyển sang đọc tiểu thuyết. Tại sao à, vì tiểu thuyết đáng tin hơn. Dẫu tác giả có bịa, thì cũng bịa những chuyện vừa vặn, về những con người bình thường. Họ sống, họ yêu, và họ chết, chứ họ đâu có bắt đi hết những vì sao.
Mình lao vào đọc. Mình ngấu nghiến tám tập Thần điêu hiệp lữ. Đọc hết rồi mình chuyển sang Hồng lâu mộng và Rừng Na Uy. Mình nhớ đã khóc khi đọc Rừng Na Uy vào một ngày đau mắt đỏ. Mình khóc không phải vì Rừng Na Uy mà vì hình ảnh cánh rừng bạch dương trắng xóa trên bìa sách, nó khiến mình nghĩ tới một người độc hành chết vùi trong tuyết lạnh. Giả dụ thượng đế có thật, ông ấy hẳn thương mình lắm mới cho mình sinh ra ở xứ sở nhiệt đới này, nếu không giờ mình đã hấp hối ở miền sơn cước lạnh giá nào đó, như đỉnh Himalaya… Dù sao, mình chỉ ngồi ở xứ nóng để thấy cuộc đời thật đẹp mà cũng thật buồn.
Tại sao mình kể ra những chuyện này? Lý do là vì hôm nọ ngồi dọn tủ sách, tìm thấy nhiều cuốn ngỡ đã vứt béng đi từ lâu. Chúng dồn dập xuất hiện trước mắt mình như binh đoàn đất nung của Tần Thủy Hoàng đội mồ sống dậy. Còn nhớ không, những tháng ngày tươi đẹp ấy.
Trả lời “có” thì thật có lỗi. Lâu rồi mình không đụng đến sách vở ngày nhỏ. Không nhớ câu chuyện nghìn lẻ một đêm của nàng Scheherazade, không nhớ Dorothy băng qua sa mạc đến xứ Oz diệu kỳ, không nhớ cậu chàng Peter Pan mãi mãi không bao giờ lớn. Peter Pan không lớn nhưng mình phải lớn. Mình lớn lên và đọc nhiều tác giả quan trọng. Milan Kundera, Jane Austen, F. Scott Fitzgerald. Tất cả những gì cần viết đã được viết. Tất cả nỗi buồn, tất cả niềm đau, tất cả tình yêu và chiến tranh và sự phản bội, đều được viết và viết không chê vào đâu được. Mình còn vương vấn gì, một cô bé mang đôi giày đỏ nhảy múa đến kiệt sức ư? Không, thế thì dở hơi quá. Ngày mai mình còn phải dậy sớm đi học.
Tuy nhiên, ngày hôm ấy, mình biết được một sự thật quan trọng: Nếu mình đào ra được trong xó xỉnh cuốn Bác sĩ Aybolit, mình sẽ biết rằng mình đã từng ước trò chuyện với loài Kéo Đẩy ở Phi châu. Nếu mình tìm lại quyển truyện cổ Grimm, mình nhớ ra những vì sao hấp háy trên bầu trời. Và nếu có là cánh rừng Na Uy ấy, xin cho mình mơ mãi về mùa đông dài trên đỉnh núi. Dù thật ra Rừng Na Uy lấy bối cảnh Tokyo những năm 60.
Tựu trung, không phải là mình không nhớ, mà sách nhớ hộ mình. Không phải mình không mơ, mà sách giữ hộ mình ước mơ. Giấc mơ sẽ sống mãi trong lòng người đọc. Trừ phi người ta đốt hết sách như kiểu 451 độ F của Ray Bradbury.
Giá trị của văn hóa là gì? Thì xin thưa, chính ở những cuốn sách đấy. Chừng nào còn đọc sách là còn mơ, chừng nào còn mơ là còn sống. Mình đã sống, và đủ lớn để biết mình có thể hạnh phúc với thế giới vừa mơ mộng vừa nghiệt ngã này.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất