Đâu là sự thật của các huyền thoại bất hủ - những câu chuyện được thêu dệt nên bởi một nhúm bồi bút phương Tây, vì các mục đích khác nhau: to tát là nhằm chính trị, mà nhỏ nhặt là nhằm miếng cơm manh áo của chính họ, về một thế lực mà ai cũng biết - bóng ma cộng sản.
Tổng thống Truman phát biểu thông điệp của mình tại Quốc hội Mĩ ngày 12-3-1947: sự kiện tai họa mở đầu cho Chiến tranh lạnh; vậy mà những cái loa to mồm của phương Tây luôn đổ lỗi cho Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa!
Tôi không dám khẳng định bài viết này hoàn toàn là của chính mình. Có những chỗ là do cóp nhặt, nghe ngóng từ bên ngoài rồi tự tổng hợp theo ý riêng, cho nên nếu có ý kiến trái chiều về vấn đề này, thì tôi trước hết xin nhận cái tội ấy. Nhưng xét về mặt nội dung, thì tôi đảm bảo là mình hoàn toàn nói sự thật.
#Huyền thoại 1 
Nó có thể là một trong các mệnh đề sau, khi so sánh về thái độ của Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh lạnh:
"Chiến tranh lạnh là do Liên Xô tạo nên"
"Liên Xô và Mỹ bản chất đều như nhau, đều cùng chạy đua vũ trang và viện trợ cho đồng minh/chi phối chư hầu như nhau cả"
... hay những thứ đại loại như thế, nhiều vô kể.
"Sự kiện được xem là khởi đầu cho chính sách chống lại Liên Xô, gây nên cuộc Chiến tranh lạnh là thông điệp của Tổng thống Truman tại Quốc hội Mĩ ngày 12-3-1947."
- Sách giáo khoa Lịch sử 12, Chương V. Quan hệ quốc tế (1945-2000), Bài 9, trang 58.
Chỉ một câu như thế này đã phản ánh tương quan thái độ giữa Mĩ và Liên Xô, không những ngay từ giai đoạn đầu mà toàn cả cuộc Chiến tranh lạnh: nghĩa là Mĩ luôn đóng vai trò là kẻ gây hấn, hung hăng với nhiều mức độ, lúc công khai, lúc ngấm ngầm. Nhưng người ta không thể cáo buộc quan điểm của SGK là một trò "nhồi sọ" nào đó, bởi lẽ chỉ có thể thực sự nhồi sọ một quan niệm đầy thành kiến như "xứ sở của ta là văn minh, nhân quyền, dân chủ" (người ta thừa đến nỗi đem xuất khẩu nó dưới dạng bom mà), chứ không thể tùy tiện chỉnh sửa một sự kiện vốn như nó đã có. Nhưng không cần tới SGK Lịch sử, ta cứ thử so sánh: NATO ra đời ngày 4-4-1949 với 12 nước sáng lập, trong khi... 6 năm sau, tháng 5-1955 thì Tổ chức Hiệp ước Warsaw mới được thành lập, với 8 nước lúc kí kết; đó là chưa kể có thêm Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (2-1952), Cộng hòa Liên bang Đức (5-1955) dắt díu, lũ lượt nhau gia nhập khối NATO tính đến lúc Tổ chức Hiệp ước Warsaw được thành lập nữa. Nói ví von một cách trẻ con, 15 thằng to xác hè nhau lập hội để đè ăn hiếp bọn nhỏ con 8 đứa khác, buộc lũ chúng sau này phải tìm cách tự vệ.
Điều đáng buồn cười hơn nữa là truyền thông phương Tây, hay đồng minh của nó rất giỏi trong việc gọi tên và đẻ ra lắm cụm từ và thuật ngữ có vẻ kì lạ, chẳng hạn như "sự kiện tên lửa Cuba" - nhằm gây ấn tượng tới trí nhớ và sự chú ý của dư luận. Trong chừng mực nào đó, cách này tỏ ra khá hiệu quả và đã bẫy được nhiều người, khiến họ lầm tưởng Liên Xô là con gấu Nga luôn thủ sẵn máu côn đồ trong mình. Vấn đề là trước đó Mĩ đã triển khai tên lửa trên đất Anh, rồi Ý và Thổ Nhĩ Kỳ mà chúng có khả năng đánh trúng Moscow bằng đầu đạn hạt nhân: nhưng mấy người biết, quan tâm và đặt cho những hành vi khiêu khích thô bạo này những cái tên thật súc tích? Thậm chí cách hai siêu cường này đặt tên lửa trên đất đồng minh (với phe nào đó thực chất là chư hầu) cũng có vấn đề. Liên Xô thì phải đặt tên lửa trong tình thế bị bao vây và đe dọa từ trước, một cách bất đắc dĩ; Cuba thì chấp nhận một giải pháp như thế với Liên Xô trong tình cảnh bị sự hung hăng của Mỹ nhòm ngó. Cả hai hợp tác với nhau với cùng một lợi ích sống còn: tinh thần quốc tế vô sản vẫn thường thấy trong khối xã hội chủ nghĩa (tất nhiên là vẫn có một số ngoại lệ, như anh bạn to đầu phương Bắc của chúng ta). Còn về phía Mĩ và các "đồng minh" của họ thì sao? Vấn đề này thì tôi không rõ vì chưa tiếp cận được tài liệu, nhưng các sự kiện khác gây nên bởi Mĩ (gào la về tình trạng nhân quyền của nước khác dù chẳng ai quan tâm, kêu gọi các nước cấm vận Cuba cho đến hiện nay dù quốc tế hầu hết phản đối, công cuộc đàm phán thống nhất đất nước-dân tộc Triều Tiên lại do... Mĩ quyết định thay Hàn Quốc) càng cho thấy một truyền thống: chính sách của các "đồng minh" chịu sức ép từ kẻ thù thì ít, mà chịu áp lực nặng nề từ phía Mĩ thì rất nhiều, cực kì nhiều - nói thẳng đó là sự chi phối theo đường lối của những kẻ chóp bu đang cầm quyền, ngự trị trên đỉnh của hệ thống quyền lực tư bản chủ nghĩa. (...nội dung về huyền thoại này có thể còn nữa?)
(Còn tiếp phần khác. Nếu bài này nhận được phản hồi tích cực, tôi sẽ viết tiếp những phần xoáy sâu hơn về một số vấn đề liên quan đến mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nữa. Nhưng trước hết phải là những vấn đề không bao giờ cũ như thế này đã!)