GIẤC NGỦ CỦA TA DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Giấc ngủ bình thường có 2 chu kỳ: NREM (Non Rapid Eye Movement: giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh) và REM (Rapid eye movement: giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh) diễn ra như sau:

NREM 1 (Giấc ngủ nông thứ nhất): Trạng thái lơ mơ hay ngủ thiu thiu, nhịp thở trở nên chậm, nhịp tim đều, huyết áp giảm, nhiệt độ não giảm, dòng máu đến não giảm, sóng điện não chậm, biên độ nhỏ và ít đều đặn hơn một chút. Đây là giai đoạn có thời lượng ngủ ít nhất, chiếm khoảng 5% giấc ngủ.

NREM 2 (Giấc ngủ nông thứ 2): Người ngủ có thể ý thức một cách lơ mơ, một vài ý nghĩ rời rạc trôi nổi trong đầu nhưng không thể nhìn thấy bất cứ vật gì ngay cả khi mắt còn mở. Các chức năng cơ thể giảm xuống. Sóng điện não lúc này chậm lại, có biên độ lớn hơn và thỉnh thoảng có sự bùng phát của các sóng nhanh, mắt không động đậy, nhịp tim, nhịp thở chậm lại. Người ngủ vẫn có thể bị tỉnh giấc bởi các âm thanh lớn. Giai đoạn này chiếm 45% giấc ngủ.

NREM 3 (Giấc ngủ sâu): Người ngủ rất khó tỉnh, phải có âm thanh to hoặc lay động vào người thì mới tỉnh. Cơ bắp thư giãn hoàn toàn, huyết áp và nhịp thở giảm, trong não bộ chạy các đợt sóng não khác 2 giai đoạn trên, chậm hơn và là chậm nhất. Lúc này các tác động xung quanh hầu như không ảnh hưởng tới bạn. Giai đoạn này chiếm 28% giấc ngủ.

REM (Giấc ngủ mơ): Chiếm 15% giấc ngủ. Trong giai đoạn này, người ngủ có cằm thả lỏng nhưng mặt cũng như các ngón tay, ngón chân lại xoắn vặn. Não của người ngủ vẫn hoạt động bình thường nhưng cơ thể lại bất động. Người ta thường gọi đây là giấc ngủ nghịch lí.

 SỰ LUÂN PHIÊN GIỮA NREM VÀ REM

Người ngủ sẽ luân phiên giữa giấc ngủ REM va NREM từ 3 - 6 lần (Đây là khoảng được coi là ngủ đủ giấc). Theo cấu trúc giấc ngủ thì mỗi chu kì dài khoảng 90’, tuy nhiên mỗi giai đoạn trong giấc ngủ lại có khoảng thời gian khác nhau, cũng như cơ thể con người ưu tiên giấc ngủ NREM 3 hơn (trong 2 chu kì đầu). Chính vì lí do đó mà sau 2 chu kì đầu tiên, cơ thể ta thường ngủ không sâu, mơ màng do phần lớn thời gian ngủ là giấc ngủ REM.

ẢNH HƯỞNG CỦA THIẾU NGỦ

Thiếu ngủ sẽ dẫn tới rất nhiều các ảnh hưởng tới cơ thể, trong đó có:
+ Mất cân bằng nội tiết tố, béo phì: khi thiếu ngủ cơ thể tiết ra lượng lớn hormone Ghrelin gây ra hiện tượng thèm ăn, kết hợp với sự mệt mỏi sẽ khiến cân nặng gia tăng.
+ Suy giảm hệ miễn dịch: chảy máu trong, dị ứng, chảy máu dạ dày. Nếu ngủ ít hơn 6 tiếng/ ngày hoặc giấc ngủ nông, thường xuyên bị gián đoạn thì tăng 46% nguy cơ tử vong do tăng huyết áp, bệnh tim mạch và 15% khả năng đột quỵ.
+ Suy giảm trí nhớ, mất tập trung, khó kiểm soát cảm xúc: khiến chất lượng cuộc sống và công việc suy giảm. Khả năng cân bằng kém, tăng nguy cơ gây tai nạn.
+ Việc thiếu ngủ, không ngủ đủ giấc khiến não bộ rơi vào trạng thái như say rượu, mất tập trung và dễ gây tai nạn ảnh hưởng tới những người khác.

CÁCH ĐỂ NGỦ NGON GIẤC

Cơ thể con người được tái tạo và phục hồi hiệu quả nhất khi giấc ngủ được đồng điệu với chu kỳ hormone. Cụ thể từ 10-12 giờ đêm cơ thể sẽ tiết ra lượng lớn Melatonin giúp phục hồi hệ miễn dịch, phục hồi gốc tự do, giúp giảm cân và hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Do vậy tùy thuộc vào các thời điểm khác nhau trong năm, bạn nên giới hạn bản thân trong khoảng từ 9-12 giờ đêm để giấc ngủ có thể đồng điệu với chu kỳ hormone hiệu quả hơn.

-------------------------
Sci&Tech Project - Dự án phi lợi nhuận được thành lập bởi một nhóm học sinh trên khắp cả nước có niềm đam mê với khoa học và công nghệ. Dự án sinh ra với sứ mệnh mang lại cho mọi người những cái nhìn mới mẻ về khoa học và công nghệ.

Chi tiết liên hệ:
Facebook: Sci&Tech Project - S&TP
Spiderum: Sci&Tech Project
SĐT: 0886449565 (Nguyễn Đình Bắc)