M-series #08: KHÁI QUÁT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI
Nguyễn Thị Kiều Trinh K62B, Khoa luật – ĐHQGHN Tóm tắt: Bài viết đề cập đến các chế tài trong hoạt động thương mại. Đồng thời,...
Nguyễn Thị Kiều Trinh
K62B, Khoa luật – ĐHQGHN
Tóm tắt: Bài viết đề cập đến các chế tài trong hoạt động thương mại. Đồng thời, trình bày khái quát khái niệm, lịch sử hình thành và quy định của pháp luật về vấn đề bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại.
Abstract: The article mentions sanctions in commercial activities and presents an overview of the concept and history of formation and legal provisions on the issue of damages for trade activities.
Từ khóa: Bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện hợp đồng, hủy hợp đồng, Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2015.
Keyword: Compensatory damages, forced contract performance, contract cancellation, Commercial Law 2005, The Civil Law 2015.
Abstract: The article mentions sanctions in commercial activities and presents an overview of the concept and history of formation and legal provisions on the issue of damages for trade activities.
Từ khóa: Bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện hợp đồng, hủy hợp đồng, Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2015.
Keyword: Compensatory damages, forced contract performance, contract cancellation, Commercial Law 2005, The Civil Law 2015.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang được đẩy mạnh. Các quan hệ kinh tế quốc tế được đà phát triển mạnh mẽ. Các quan hệ hợp tác, giao dịch thương mại diễn ra ngày càng nhiều, từ nội bộ trong nước đến xuyên quốc gia. Để các giao dịch được diễn ra thuận lợi, các bên tham gia thường kí kết với nhau một bản “hợp đồng”. Khi hợp đồng được kí kết và và có hiệu lực pháp luật, các bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Hợp đồng được coi là công cụ pháp lý chủ yếu được mọi cá nhân, tổ chức sử dụng nhằm thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống. Do vậy, hợp đồng luôn có vai trò quan trọng đối với sự vận hành của nền kinh tế. Vậy nên các hệ thống pháp luật đặt hợp đồng ở vị trí trung tâm của luật tư và luôn quan tâm hoàn thiện, phát triển lĩnh vực pháp luật này.
Trong những năm gần đây, thị trường kinh tế trong và ngoài nước đang cạnh tranh rất khốc liệt. Với những thủ đoạn của mình, một số doanh nghiệp đã lợi dụng những sơ hở trong hợp đồng đã kí kết để thực hiện những hành vi vi phạm hợp đồng, lờ đi những giao kết đó. Các bên vi phạm đã không thực hiện, thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, làm ảnh hương trực tiếp đến lợi ích của các bên, đặc biệt là bên bị vi phạm. Chính vì vậy, để khắc phục hậu quả bất lợi do hành vi vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ gây ra, pháp luật các quốc gia đều dự liệu biện pháp, trách nhiệm pháp lý giúp khắc phục những hậu quả mà hành vi vi phạm hợp đồng và bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp do vi phạm hợp đồng. Trong đó, bồi thường thiệt hại là chế tài được sử dụng phổ biến và thường xuyên nhất khi một trong các bên của quan hệ hợp đồng vi phạm các nghĩa vụ đã thỏa thuận. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập đến chế tài bồi thường thiệt hại áp dụng trong hợp đồng thương mại.
1. Khái niệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại:
Như đã đề cập ở phía trên, trong mọi hệ thống pháp luật, khi có hành vi vi phạm hợp đồng thì một trong những chế tài có thể được áp dụng để khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng chính là bồi thường thiệt hại (BTTH). Bồi thường thiệt hại được quy định Khoản 1 điều 302 Luật Thương mại 2005: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.” Thông thường, bồi thường thiệt hại được hiểu là biện pháp khắc phục, biện pháp pháp lý được áp dụng nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn hại vật chất và bù đắp tổn hại về tinh thần cho bên bị vi phạm. Bồi thường thiệt hại các tổn hại vật chất bao gồm việc bù đắp tổn thất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất. Bồi thường thiệt hại tinh thần cho đối tượng khác vì đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của đối tượng đó (bằng các cách như: chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, bồi thường một khoản để bù đắp tinh thần…). Việc bồi thường thiệt hại xuất phát từ nhận thức về hành vi vi phạm của một bên gây thiệt hại cho bên còn lại, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bên bị vi phạm. Do đó, bên có hành vi vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia có trách nhiệm phải bù đắp giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp, những lợi ích vật chất nhằm khôi phục lại tình trạng của bên bị vi phạm như trước khi hành vi vi phạm xảy ra và nhằm đền bù những khoản lợi trực tiếp, chính đáng mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện đúng.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ ràng mục đích của bồi thường thiệt hại chính là nhằm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Theo một vài nghiên cứu pháp lý trên Thế giới, bồi thường thiệt hại có thể có các chức năng như: (1) chức năng bù đắp thiệt hại; (2) chức năng phòng ngừa hành vi vi phạm; (3) chức năng trừng phạt. Chức năng bù đắp thiệt hại là chức năng được các hệ thống pháp luật được dùng phổ biến nhất. Đây là chức năng cho phép bù đắp toàn bộ thiệt hại là hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu. Chức năng này đảm bảo, mang lại lợi ích tương đương với việc thực hiện đúng hợp đồng cho bên bị vi phạm và mang lại sự công bằng giữa các bên tham gia. Chức năng phòng ngừa hành vi vi phạm là việc pháp luật quy định để nhắc nhở, cảnh báo các bên cần phải nghiêm túc thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã lập, tránh gây thiệt hại cho bên đối tác. Họ phải nhận thức được rằng nếu vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu chế tài là việc phải chi trả tiền cho bên bị vi phạm. Còn chức năng trừng phạt là việc bên có hành vi vi phạm hợp đồng phải trả cho bên kia 1 khoản tiền cao hơn thiệt hại xảy ra mà đã được định trước. Và khoản bị trừng phạt này không phụ thuộc vào thiệt hại mà bên bị vi phạm phải chịu. Tuy nhiên, chức năng này không được thừa nhận rộng rãi.
2. Quá trình phát triển chế tài bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại:
Theo một số bài nghiên cứu, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn thứ nhất: Trong thời kỳ cổ đại, khi cơ chế giải quyết xung đột còn yếu kém, các cá nhân thường sẽ tự trả thù những người gây ra thiệt hại cho mình. Người ta gọi đấy là chế độ tư nhân phục thù. Theo đó, người bị xâm phạm sẽ được tự trả thù người đã gây ra thiệt hại cho mình bằng cách lấy tài sản của người đó hoặc bắt người đó, hoặc bắt thân nhân của người đó về làm nô tì, nô lệ.
Trong giai đoạn thứ hai, người gây ra sự tổn hại có thể nộp một số tiền chuộc cho nạn nhân để tránh trả thù. Chế độ này còn được gọi là chế độ thục kim. Khi chưa có quy định pháp luật, các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau về tiền chuộc. Sau khi được quy định, các bên xung đột bắt buộc phải trả cho nhau số tiền chuộc theo quy định pháp luật giải quyết tranh chấp. Giải pháp này có thể coi như là một hình phạt, vừa có tính chất bồi thường thiệt hại.
Giai đoạn thứ ba, đánh dấu từ sự can thiệp của chính quyền trong việc trừng phạt những tội phạm chỉ liên quan đến trật tự xã hội. Tuy nhiên, vì không trừng phạt những hành vi phạm tội liên quan đến cá nhân nên quyền lợi cá nhân chưa được đề cao. Sau này, mở rộng đối tượng bảo vệ liên quan đến quyền lợi của các cá nhân như các vụ ẩu đả, trộm cắp. Về phương diện hình sự, cá nhân bị xâm phạm quyền lợi không được trả thù như giai đoạn trước và chỉ còn quyền xin bồi thường tổn hại của mình về dân sự.
Ở Việt Nam, theo thời xưa, pháp luật cũng quy định chế tài bồi thường thiệt hại. Ví dụ: Điều 582 Quốc triều hình luật đã quy định: “Nếu những súc vật và chó đã húc, đá và cắn người mà cách làm hiệu và ràng buộc không đúng phép – (theo đúng phép vật nào hay húc người thì phải cắt hai sừng, đá người thì phải buộc hai chân, cắn người thì phải cắt hai tai)- hay là chó dại mà không giết thì người chủ phải phạt 60 lượng. Nếu vì cớ trên, có người chết hay bị thương thì phải tội quá thất. Nếu cố ý thả ra để làm cho người chết hay bị thương thì phải tội kém tội đánh người bị thương hay đánh chết người một bậc. Người được thuê đến để chữa bệnh cho súc vật, hay là người cố trêu trọc những vật kia, mà bị thương hay chết, thì người chủ không phải tội”. Điều 468 Quốc triều hình luật đã quy định sự nuôi bảo cô: đánh bị thương bằng chân tay thì phải nuôi 10 ngày, bằng vật khác thì phải nuôi 20 ngày, bằng thứ có mũi nhọn hay bằng nước sôi, lửa, thì phải nuôi 40 ngày, đánh gãy xương thì phải nuôi 80 ngày…
Trong giai đoạn hiện nay, chế định bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể hơn, được điều chỉnh bởi luật tư. Và trách nhiệm này cùng với nguyên tắc chung của nó đã được các hệ thống pháp luật quốc gia công nhận và áp dụng.
3. Pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại:
3.1. Nguồn pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại:
Pháp luật quy định về bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại được coi là một bộ phận của chế định về bồi thường thiệt hại về hợp đồng. Ở mỗi quốc gia, pháp luật quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng nói chung, hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng có sự khác nhau. Nguồn pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại bao gồm: Điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế, văn bản pháp luật quốc gia…Trong hệ thống pháp luật quốc gia Việt Nam, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong đó, Bộ luật Dân sự là luật chung, có thể nói như là “sách giáo khoa” của Luật Thương mại.
3.2. Quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại
3.2.1. Quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại trên Thế giới
Trên Thế giới có 2 hệ thống pháp luật lớn: Common Law (đại diện là Anh) và Civil Law (đại diện là Pháp) với những đặc trưng pháp lý riêng. Và các chế định về bồi thường thiệt hại cũng không thuộc đối tượng ngoại trừ bị ảnh hưởng riêng từ hai hệ thống này. Trong hệ thống pháp luật Common Law, hợp đồng được coi là một công cụ kinh tế nên việc buộc thực hiện hợp đồng là ngoại lệ, còn nguyên tắc là bồi thường thiệt hại. Và đây cũng là nguyên tắc đầu tiên được áp dụng. Còn trong hệ thống Civil Law coi việc vi phạm hợp đồng là tương đương với việc vi phạm toàn bộ, hợp đồng phải đề cao thiện chí của các bên, nguyên tắc đầu tiên phải buộc thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, tất cả chỉ mang tính tương đối.
Lấy đơn giản trong pháp luật Pháp (điển hình cho hệ thống Civil Law) ghi nhận biện pháp khắc phục hậu quả, chế tài của hành vi vi phạm hợp đồng chính gồm: (1) buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng; (2) hủy hợp đồng và (3) bồi thường thiệt hại. Áp dụng nguyên tắc thiện chí, biện pháp buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng được ưu tiên áp dụng nhất. Trong trường hợp bên vi phạm đã được yêu cầu buộc thực hiện hợp đồng mà vẫn không thực hiện thì bên bị vi phạm mới có quyền bồi thường thiệt hại. Và khi kí kết hợp đồng thì việc buộc thực hiện hợp đồng là nghĩa vụ hợp đồng phải được thực hiện. Biện pháp hủy bỏ hợp đồng đồng được áp dụng khi các bên không thực hiện đúng hợp đồng, thay thế cho biện pháp buộc thực hiện hợp đồng. Còn bồi thường thiệt hại được áp dụng khi các bên không thực hiện hoặc chậm thực hiện hợp đồng. Biện pháp bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng thay thế biện pháp buộc thực hiện hợp đồng hoặc có thể được áp dụng kết hợp với 2 biện pháp còn lại.
Còn ở Anh (điển hình cho hệ thống Common Law) cũng giống như Pháp, pháp luật cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng bao gồm: buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng, hủy hợp đồng và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khác ở Pháp ở điều: Nếu như Pháp ưu tiên việc áp dụng biện pháp buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng thì ở Anh biện pháp bồi thường thiệt hại được coi là quan trọng nhất. Bồi thường thiệt hại được sử dụng phổ biến để khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng, bù đắp tổn hại cho bên bị vi phạm. Buộc thực hiện hợp đồng chỉ được áp dụng cho các trường hợp đặc biệt, khi bồi thường thiệt hại không phù hợp, bất hợp lý so với việc áp dụng biện pháp này. Lúc đó, Tòa án sẽ căn cứ vào việc thực hiện hợp đồng của 2 bên và những khó khăn của biện pháp này gây ra. Còn biện pháp hủy bỏ hợp đồng được áp dụng khi hành vi vi phạm hợp đồng là vi phạm cơ bản. Theo luật hợp đồng Anh, bồi thường thiệt hại và buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng là hai biện pháp khắc phục không thể áp dụng kết hợp với nhau. Còn hủy bỏ hợp đồng vẫn có thể két hợp bồi thường thiệt hại trong trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tương tự các hệ thống pháp luật, một số điều ước quốc tế cũng quy định về các biện pháp khắc phục của hành vi vi phạm như: Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (UPICC), Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG), Bộ nguyên tắc về luật hợp đồng châu Âu (PECL)…Cũng giống như hai hệ thống pháp luật lớn trên Thế giới, CISG cũng thừa nhận 3 biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng: buộc thực hiện hợp đồng, bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng. CISG đã công nhận việc áp dụng biện pháp buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng là biện pháp quan trọng nhất, cho phép bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Việc lựa chọn biện pháp buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng chỉ được áp dụng trong phạm vi quốc gia nếu biện pháp này được quy định trong luật quốc gia. CISG ghi nhận việc áp dụng bồi thường thiệt hại không đồng nghĩa với việc bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng có lỗi (tức không phụ thuộc vào yếu tố lỗi). Bồi thường thiệt hại được áp dụng đầu tiên và duy nhất khi không có đủ điều kiện áp dụng 2 biện pháp còn lại. Bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng kết hợp với biện pháp buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp sự kiện bất khả kháng.
Tương tự CISG, UPICC cũng thừa nhận buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng là biện pháp khắc phục quan trọng nhất nhưng bị hạn chế trong một số trường hợp như việc áp dụng gây bất hợp lý, có biện pháp khác giúp việc thực hiện hợp đồng diễn ra thuận tiện hơn. Còn hủy hợp đồng chỉ được áp dụng khi vi phạm cơ bản. UPICC ghi nhận nguyên tắc nền tảng của bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ. UPICC giả định bên có nghĩa vụ là có lỗi khi không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng để áp dụng biện pháp BTTH. Đây là biện pháp có thể được áp dụng kết hợp với buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng.
Khác với hai điều ước trên, PECL quy định việc áp dụng các biện pháp này còn phụ thuộc vào hành vi vi phạm hợp đồng có được miễn trách nhiệm hay không. Trong trường hợp không được miễn trừ trách nhiệm thì có thể áp dụng một trong ba biện pháp khăc phục trên. Nhưng trong trường hợp được miễn do điều kiện khách quan thì không bị áp dụng các biện pháp khắc phục. Ba biện pháp khắc phục trong PECL cũng được áp dụng tương tự như CISG và UPICC. Để áp dụng biện pháp BTTH, PECL không đòi hỏi phải có bằng chứng về lỗi của bên vi phạm hợp đồng.
Như vậy, các văn bản này đều ưu tiên áp dụng biện pháp buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng do hướng tới mục đích duy trì sự tồn tại của hợp đồng. Trách nhiệm BTTH hết sức nghiêm ngặt, không cần lỗi và có thể được áp dụng kết hợp với hai biện pháp còn lại.
3.3.2. Quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại ở Việt Nam:
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chế tài về bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005. Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) quy định về bồi thường thiệt hại tại điều 13, 360, 416. Theo đó, BLDS 2015 quy định mọi cá nhân, pháp nhân có quyền xâm phạm thì được bồi thường thiệt hại (điều 13); bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại nếu thiệt hại đó do vi phạm nghĩa vụ gây ra (điều 360); người có quyền được yêu cầu bồi thường lợi ích đáng ra được hưởng do hợp đồng mang lại, yêu cầu bên vi phạm chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ và có thể buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần (điều 419). Về nguyên tắc, bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại. BLDS 2015 không có điều khoản nào quy định cụ thể về các điều kiện áp dụng bồi thường thiệt hại nên việc áp dụng chế tài này cần được áp dụng tại các điều quy định có liên quan về trách nhiệm dân sự. Cơ quan có thẩm quyền muốn áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại phải đảm bảo các điều kiện sau: tồn tại hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm nghĩa vụ; có lỗi. Do trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự nên điều kiện để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì cần có thêm yếu tố lỗi.
Luật Thương mại 2005 quy định bồi thường thiệt hại là một trong các chế tài trong thương mại, cùng với chế tài buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng, hủy hợp đồng và một số chế tài khác.
Theo Điều 303 Luật thương mại năm 2005: “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây: 1-Có hành vi vi phạm hợp đồng; 2-Có thiệt hại thực tế; 3-Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”.
Tuy nhiên, theo Luật thương mại năm 1997, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì cần có “lỗi của bên vi phạm hợp đồng”. Cụ thể, Điều 230 Luật Thương mại 1997 quy định: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây: 1-Có hành vi vi phạm đồng hợp đồng; 2- Có thiệt hại vật chất; 3-Có mối quan hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại vật chất; 4-Có lỗi của bên vi phạm hợp đồng”.
Theo quy định của Luật Thương mại 2005 thì không cần phải chứng minh sự tồn tại của yếu tố lỗi nữa. Yếu tố “lỗi” đã không còn là điều kiện để phát sinh trách nhiệm bồi thường. Mà bản chất của hành vi vi phạm đó đã chứa tính lỗi rồi. Đây cũng là điểm khác biệt so với Bộ luật dân sự.
Theo BLDS 2015 và Luật Thương mại 2005 không giới hạn mức tối đa bên vi phạm phải bồi thường mà chỉ quy định: mức bồi thường phải bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Và có thể bên vi phạm phải bồi thường cả tinh thần cho bên bị vi phạm. Do vậy khi có thiệt hại phát sinh các bên có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại và yêu cầu bên có hành vi vi phạm phải bồi thường. Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường trên thực tế luôn là một quá trình rất khó khăn. Và bên bị vi phạm có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất. Nếu không, bên bị vi phạm hợp đồng sẽ không được BTTH cho những tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
Qua một số quy định trong BLDS 2015 và Luật Thương mại 2005, có thể thấy, pháp luật nước ta quy định tương đối cụ thể về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng nói chung và trong hợp đồng thương mại nói riêng như: căn cứ, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, giá trị thiệt hại phải bồi thường…; nhiều quy định đã kế thừa và phát huy điểm mạnh của các văn bản trước để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các bên. Ví dụ như Luật Thương mại 1997 và 2005 đã khắc phục được tình trạng quy định sơ sài về bồi thường thiệt hại: căn cứ, điều kiện phát sinh bồi thường thiệt hại, việc phối hợp giữa các biện pháp khắc phục, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại… Tuy nhiên, chế định bồi thường thiệt hại còn một số hạn chế như: Còn tình trạng chưa thống nhất giữa BLDS 2015 và Luật Thương mại 2005, đặc biệt quy định liên quan đến yếu tố lỗi. BLDS 2015 yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho bên b thiệt hại trong khi đó, luật Thương mại 2005 lại xác định phạm vi bồi thường thiệt hại là giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Về việc xác định giá trị bồi thường, Luật Thương mại 2005 xác định giá trị bồi thường bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên b vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm thì BLDS 2015 lại cho phép thỏa thuận.
DANH MỤC THAM KHẢO
1. Ths. Nguyễn Minh Loan, Khái niệm chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2010/04/05/4702-2/
https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2010/04/05/4702-2/
2. Bình luận chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm trong dân sự:
http://vuanhlaw.com.vn/tin-tuc/binh-luan-ve-che-tai-boi-thuong-thiet-hai-va-phat-vi-pham-trong-dan-su.html
http://vuanhlaw.com.vn/tin-tuc/binh-luan-ve-che-tai-boi-thuong-thiet-hai-va-phat-vi-pham-trong-dan-su.html
3. Chế tài bồi thường thiệt hại trong thương mại quốc tế qua Luật Thương mại Việt Nam, Công ước CISG và Bộ nguyên tắc Unidroit:
http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/117/523
http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/117/523
4. Bùi Thị Thanh Hằng, Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng:
http://fdvn.vn/wp-content/uploads/2019/06/luu-ban-nhap-tu-dong-7-4.pdf
http://fdvn.vn/wp-content/uploads/2019/06/luu-ban-nhap-tu-dong-7-4.pdf
5. Phạm Hồng Quang , Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam:
https://www.hul.edu.vn/upload/file/tn_caohoc/tt-pham-hong-quang.pdf
https://www.hul.edu.vn/upload/file/tn_caohoc/tt-pham-hong-quang.pdf
6. Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng:
https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-van-de-ve-boi-thuong-thiet-hai-do-vi-pham-hop-dong
https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-van-de-ve-boi-thuong-thiet-hai-do-vi-pham-hop-dong
7. Một số văn bản pháp luật: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005…
-----------------------------------------------------------
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất