Tiếp phần 1...
Cảm ơn các bạn đã kiên nhận đọc chia sẻ của mình!

...
Lớp học kết thúc, chúng mình đi thăm thác Ô Đồ. Vừa trải qua những con mưa lũ nên nước từ thác chảy ngập đường đi. Ở bãi đá dưới chân thác có một hốc đá hình trái tim nổi tiếng. Tiếc là, nước ngập qua, nên bọn mình không được thấy hốc trái tim đấy!
...
Hành trình tiếp theo là học đan rọ tôm, một trong những công việc thường ngày của bà con nơi đây. 

Đón chúng mình từ xa, chị hướng dẫn vẫy tay và cười rất tươi, hồ hởi dẫn vào nhà. Nhà chị nhỏ xinh bên đường. Trong nhà đồ đạc không nhiều, mọi thứ đều đơn giản mộc mạc. Chị trải sẵn chiếu giữa nhà cho mọi người ngồi đan.
Trước hết, nói một chút về những chiếc rọ tôm. Nhờ hồ Thác Bà mà hệ sinh thái nơi đây vô cùng phong phú. Một trong những tài nguyên đó là họ nhà tôm tép sinh sôi nảy nở. Chiếc rọ tôm xinh xinh dài hơn 30 cm, kích thước tương tự chai rượu 1 lit. Trung bình mỗi ngày, chị đan được đan được 30, 40 cái. Giá bán là 5, 6k /cái. Đây là nguồn thu chính giúp cả gia đình chị trang trải cuộc sống.

Thời gian chị đan một cái rọ là 30 phút. Chị có thể tranh thủ vừa nấu ăn vừa dọn dẹp vừa đan. Thường người mua sẽ mua 100 - 200 cái để ghép lại thành “thiên la địa võng”, đặt dưới hồ để bắt tôm. Rọ được đan bởi cây giang, cây nứa. Du khách đến đây đan rồi thích thú mang rọ về làm kỷ niệm. Những vị khách Tây thường mua rọ với giá 10k/cái.
Các con chị làm sẵn hom (đế của rỏ tôm), bọn mình sẽ đan từ giai đoạn sau đấy! Cách đan là hình thức đan nong mốt cơ bản mà ai cũng được học thủ công ở trường. Chị vừa làm mẫu vừa tận tình hướng dẫn mọi người đan. Không khí tập trung nhưng vui vẻ, nhộn nhịp. Từng đôi tay (tuy không được khéo léo cho lắm) tỷ mẩn, cặm cụi đan từng hàng. Ai cũng cố gắng nâng nịu để dây đan khít nhất, sát nhất, thanh đan giòn không bị gãy. 

Vừa đan mọi người vừa khoe thành tích của nhau. Một tiếng trôi qua nhanh quá, nhìn ra ngoài trời đã tối dần từ bao giờ. Hai đứa bé, con chị chủ nhà vừa về, thấy các anh chị làm, lập tức bé lớn (tầm mười hai tuổi) ra hướng dẫn cùng mẹ. Bé nhỏ tầm 7,8 tuổi tự giác ngồi đan hom một mình. Các em sau mỗi giờ học đều tranh thủ giúp đỡ bố mẹ kiếm thêm thu nhập.
Các em nói chuyện với nhau bằng tiếng Dao rồi lại thân thiện quay ra hướng dẫn mình bằng tiếng Kinh. Theo mình tìm hiểu, việc dành thời gian, tầm 90-120 phút để hướng dẫn du khách trải nghiệm văn hóa - đan rọ tôm thủ công thế này, giúp cho mỗi gia đình thu được số tiền nhiều hơn tiền bán rọ bình thường, lại vừa giúp phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.
Tuy méo mó, không đều hay làm chậm thì mọi người vẫn hào hứng, những sản phầm đầu tiên ra đời...
Kết thúc buổi chiều nhiều bất ngờ thú vị, cả nhóm chuẩn bị cho buổi tối nhiều năng lượng nào!
...

Ăn tối nhanh chóng, cả nhà xung phong đăng ký tiết mục văn nghệ biểu diễn buổi tối. Tận dụng wifi có sẵn ở homestay, chúng mình download trước beat nhạc để đảm bảo chất lượng biểu diễn. 

Nhóm đi bộ ra nhà văn hóa cách đó tầm 200m. Chiều khi đi qua đây, bà con đã hỏi thăm tối nay có chương trình gì không? Làm ban tổ chức không khỏi háo hức!
...
Nhà văn hóa nhỏ xinh là một nhà cấp 4 với gian phòng rộng bằng nửa lớp học. Khoảng sân vuông vắn, nhỏ và sạch. Trên sân vạch vôi trắng thẳng tắp kẻ sân bóng chuyền. Đây là sân bóng mà các bạn trẻ hằng ngày luyện tập vui chơi. Phông sân khấu đã được căng lên từ chiều. Góc cánh gà, chiếc loa di động đã được tình nguyên viên kéo ra. Công tác kết nối điện và bật nhạc hâm nóng đang được thực hiện. 

Bên khu vực sân đất, củi đang được dựng cho lửa trại tưng bừng. Nhiều cụ già và các em nhở đã đến ngồi chờ trong sân.
Một chị mặc trang phục truyền thống dân tộc rất xinh đang đăng ký với nhóm tổ chức chương trình các tiết mục văn nghệ giao lưu với nhóm tình nguyện. 

Buổi biểu diễn xen kẽ các tiết mục giữa nhóm và địa phương. Các chị biểu diễn múa truyền thống với trang phục truyền thống vô cùng xinh đẹp và rực rỡ. Còn nhóm tình nguyện, tuy bốn phương hội ngộ nhưng cũng có vài giọng ca vàng, không cần tập trước, vẫn mạnh dạn hát cho bà con nghe!
Các em nhỏ vẫn là những khán giả nhiệt tình nhất. Các em hào hứng, chú ý xem chương trình, nhất là các trò chơi nhận quà! Đối với các em chiều không tham dự được, đây là một cơ hội để giao lưu, trò chuyện với các em nhiều hơn. 

Cuối chương trình là nhảy sạp. Thú thật với các bạn là mình được coi là người cao su có năng khiếu nhảy nhót các kiểu mà không hiểu sao trong lịch sử nhảy sạp, mình lúc nào cũng nhảy sai nhịp, dập mắt cá chân đau điếng không biết bao nhiêu lần. Trong khi mọi người nhảy suốt thì không sao? 
Cuối cùng, hôm nay mặt trời bừng sáng, mình nắm tay hai em nhỏ cả tối thủ thỉ, nhảy trót lọt mấy lượt! 
Nhảy sạp là tiết mục giao lưu mở thú vị giữa người biểu diễn và khán giả, giữa chủ và khách. Đây là nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tây Bắc mà giai điệu thân thuộc đã ghi sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. 
….
Bừng lửa lên thôi!
Lửa lên, mọi người xếp thành vòng tròn cùng chơi trò chơi. Lúc này đã 10 giờ, phần lớn dân làng đã về, còn lại tầm 10 anh chị và các em cùng chúng mình chơi đến phút cuối cùng!
10h 30’ tiệc tan!
....
Trở về nhà sàn với niềm vui không dứt. Chúng mình trải đệm, chuẩn vị chăn chiếu đi ngủ. Ở vùng núi, nhiều muỗi, bạn nên mắc màn để đảm bảo sức khỏe. Đêm xuống, nhiệt độ giảm mạnh, nên bạn nhớ chuẩn bị đủ chăn cho ấm.
...
còn tiếp...
Đọc thêm:
Các chuyến đi của mình được ghi lại tại blog này!