Du lịch tình nguyện - Hồ Thác Bà Yên Bái ký sự
Bạn thích đi du lịch, bạn nhiệt tình muốn tham gia các hoạt động tình nguyện, Du lịch tình nguyện chính là “phép cộng” hoàn hảo dành cho bạn!
Có rất nhiều cách để đi du lịch. Nếu bạn đam mê những con đường, khát khao khám phá những nền văn hóa mới, tò mò với lịch sử, thích tự do cảm nhận hành trình thì những dịch vụ du lịch theo tour thuận tiện sẽ không thể đem đến cho bạn tất cả những điều trên. 

Hơn thế nữa, bạn muốn giúp đỡ mọi người, muốn đóng góp. 
....  Thế là du lịch tình nguyện / du lịch thiện nguyện ra đời khi bạn cùng những người bạn đồng hành của mình, đi theo tổ chức, có lịch trình cố định nhưng linh hoạt và giúp đỡ công đồng. 
Du lịch tình nguyện
Du lịch tình nguyện đã rất phổ biến ở nước ngoài và ngày càng trở thành trào lưu hot ở Việt Nam. 
Du lịch tình nguyện đang dần phát triển bởi với nhiều tổ chức nổi bật như Sustainable Development Club (SDC), Volunteer for Education (VEO), Hội Việt Pháp CODEV…

Các tình nguyện viên tham gia hoạt động du lịch thiện nguyện cũng giúp mỗi người tự hoàn thiện bản thân, nhất là các bạn trẻ, là sinh viên học sinh. Làm việc nhóm với tập thể, các bạn được trau dồi những kỹ năng cần thiết mà không một trường lớp nào có thể giảng dạy. 
Gặp gỡ nhiều người - đồng đội và cả những người được giúp đỡ, giao lưu với bạn bè quốc tế, nhận trách nghiệm trong chuyến đi giúp bạn trưởng thành hơn. Quan trọng hơn, nó giúp bạn nhìn nhận thế giới theo một cách hoàn toàn khác với trước đó. 

Tham gia du lịch tình nguyện người đi sẽ đóng phí bao gồm chi phí đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi cơ bản, vé phí, phí bảo hiểm ...như đi du lịch bình thường. Đôi khi cũng có các chuyến đi hoàn toàn miễn phí của các tổ chức xã hội. Chuyến đi tình nguyện kết hợp du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa vùng miền, nhất là ở miền núi, hải đảo xa xôi. Tất nhiên với yếu tố “xã hội”, mỗi chuyến đi luôn mang theo trách nhiệm bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng.

Mỗi chuyến đi lại có các mục đích khác nhau, có khi là dạy học cho trẻ em, nhặt rác, tổ chức hoạt động quyên góp, khám chữa bệnh, bảo tồn thiên nhiên, hướng dẫn văn hóa…
Hiện nay, du lịch thiện nguyện được đăng ký mở, các bạn bè quốc tế sinh sống ở Việt Nam có thể tham gia.
Trung bình, mỗi tuần ở đâu đó sẽ có ít nhất một chuyến du lịch thiện nguyện, nếu muốn tham gia, bạn nên tìm hiểu, nghiên cứu kỹ và đăng ký, chuẩn bị cho chuyến đi.
Du lịch tình nguyện giáo dục tại Thác Bà Yên Bái

Trước đây, khi là sinh viên, mình đã tham dự một vài hoạt động du lịch tình nguyện. Như quyên góp và chuyển quà lên cho bà con, các em học sinh ở bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), Đà Bắc (Hòa Bình), nhặt rác tại khu du lịch chùa Bái Đính (Ninh Bình)... Đó là những chuyến đi nhỏ, làm việc nhỏ. 

Du lịch thiện nguyện giống như bạn đi tour, có đoàn trưởng, có lịch trình cứng, tuy nhiên bên cạnh việc ngắm trời ngắm đất, tung tăng chụp ảnh, bạn sẽ dành ra phân nửa thời gian để tham gia các hoạt động xã hội giúp địa phương. Chuyến đi này của mình là giúp trẻ em ở đây học tiếng Anh và tổ chức một buổi tối giao lưu văn nghệ với người dân địa phương.

6h30 sáng, bọn mình tập trung ở điểm tập kết, xe ô tô xuất phát đi Yên Bái. Đoàn mình đi có 20 bạn, phần lớn là các em sinh viên năng động. Đây là lần thứ 2 mình đi Yên Bái, mình đã từng đi Nghĩa Lộ - Suối Giàng thời gian trước. Xe đi Yên Bái mất 4 tiếng. Trong đoàn có một gia đình 4 thành viên, có 2 em nhỏ tham gia cùng! Không hiểu có “duyên kỳ ngộ” tuyệt diệu thế nào mà đoàn mình lần này toàn các chị em!
Trưa, 11 rưỡi đoàn đến homestay Nhà Sàn tại thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình. Homestay rộng với sân vườn và chỗ để xe thoải mái. Nhà sàn có thể ngủ 30 người. Khu vực vệ sinh riêng với 4 nhà tắm, nóng lạnh đầy đủ, sạch sẽ. Nhà có khu bếp để nấu ăn riêng cho du khách. Giá phòng 70-100k/người ngày đêm. Chủ nhà là người dân tộc Dao, cô chủ nhà kể với mình, nhà cô đã có 10 năm kinh nghiệm làm Homestay.

Nhà sàn nằm giữa núi rừng. Xung quanh nhà có đàn vịt, ruộng lúa, vườn rau rộng...
Nửa thế kỷ trước, hàng vạn người dân nơi đây đã tham gia vào cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử, nhường đất đắp đập, ngăn sông để xây dựng nhà máy Thủy Điện Thác Bà. Từ đó, những ngôi làng ven hồ Thác Bà trở thành nơi an cư, lập nghiệp của họ. Bởi vậy, địa điểm này đã thu hút rất nhiều du khách quốc tế từ Pháp, Đức, Thụy Điển, Úc... đến trải nghiệm văn hóa và thắng cảnh địa phương.
Cả đoàn nhanh chóng sắp xếp đồ đạc rồi ăn trưa.

Bữa trưa rất ngon mang đúng phong cách vùng miền nơi đây với măng xào, tép rang, thịt lợn, cá khô... Mọi người ăn ngấu nghiến rồi nghỉ trưa, 2h chiều xuất phát đến Ủy Ban Nhân Dân. 
...
Xe ô tô vừa dừng bánh, một vài em nhỏ đã đợi sẵn trong hội trường, hướng đôi mắt đen nháy háo hức nhìn ra ngoài. Gọi là hội trường nhưng đó chỉ là một phòng họp nhỏ. Có 4 chiếc bàn dài và ghế cho các em. Chiếc bảng đen cũ đã được lau sạch sẵn sàng cho buổi học. Trường học của các em cách đó không xa.

Bọn mình kê bàn theo hình chữ U để các em dễ hoạt động, giao lưu. Tiếng bàn kêu cọt kẹt bởi đã quá cũ, có chiếc mối mọt ăn tua tủa. Một lúc sau, các em đến đủ, lớp học bắt đầu!
Nhóm tình nguyện phân công nhiệm vụ cho mỗi người rõ ràng. Nhóm dạy học gồm 6 thành viên chính, đã tập hát, xem giáo án từ trước để dạy các em. Các anh chị dạy tiếng anh, các từ vựng đơn giản thân thuộc để các em tập viết và học phát âm, dạy hát, chơi trò chơi có thưởng…

Các em đến đây chủ yếu trong độ tuổi tiểu học, đủ các lứa tuổi. Bởi thế nên chiều cao cũng rất phong phú. Trẻ em nơi đây từ lớp 5 mới được học tiếng anh. Nên phần lớn các em không biết gì về ngôn ngữ xa lạ này.
Thầy giáo hôm nay là một thành viên trong nhóm, em đang học lớp 5 ở Hà Nội, cùng gia đình đến tham gia chương trình. So với các anh chị, em “dạy” và hướng dẫn các bạn cùng lứa tuổi duyên dáng hơn nhiều, tuy còn nhiều bỡ ngỡ.

Trong giờ học, các em còn khá nhút nhát, các anh chị động viên nhiệt tình mới giơ tay trả lời! Bởi thế, việc kết hợp HỌC và CHƠI đã giúp các em tự tin và tập trung hơn rất nhiều.
Thời tiết mát hơn, nhóm tổ chức cho các em ra ngoài sân chơi. Một bạn chuyên phụ trách các hoạt động ngoài trời làm quản trò để các tình nguyện viên và các em nhỏ cùng chơi với nhau.
Lớp học kết thúc, chúng mình đi thăm thác Ô Đồ. Vừa trải qua những con mưa lũ nên nước từ thác chảy ngập đường đi. Ở bãi đá dưới chân thác có một hốc đá hình trái tim nổi tiếng. Tiếc là, nước ngập qua, nên bọn mình không được thấy hốc trái tim đấy!
Hiện chuyến đi đã được chia sẻ đầy đủ trên Blog của mình, các bạn có thể tìm đọc.
Cảm ơn các bạn đã ủng hộ!
Chúc các bạn có những chuyến đi thú vị!